Lạ đời chuyện người yêu cứ đòi “nếm” rồi mới chịu cưới…
Nếu anh ấy cứ đòi “nếm” trái cấm trước xem thế nào thì mới cưới, e rằng mong muốn đó quá thực dụng và… không được chính đáng cho lắm.
Tụi em quen nhau đã 4 năm nhưng chính thức yêu nhau chỉ hơn 5 tháng. Anh ấy 31 tuổi, còn em 27. Gần đây, anh nhiều lần đề nghị em quan hệ với lý do là “bây giờ ai cũng vậy”.
Em không đồng ý và bảo anh đưa cha mẹ đến gặp gia đình em để tính chuyện hôn nhân; thế nhưng anh nói vì em chưa tin tưởng anh tuyệt đối, chưa “cho” anh nên chưa thể tính chuyện cưới xin bây giờ.
Em có nên nghe theo lời anh, vượt qua giới hạn, ăn cơm trước kẻng để chứng tỏ sự tin tưởng và tình yêu của mình hay không? Thật sự là em lớn tuổi, lớn xác nhưng vẫn còn rất non nớt trong chuyện tình yêu. Anh ấy là mối tình đầu của em… Thảo Linh (Vũng Tàu).
Bạn thân mến,
Bạn có thể “cho” anh ấy cái ngàn vàng, có thể vượt quá giới hạn, ăn cơm trước kẻng nếu như tình yêu của hai người đủ lớn, đủ sâu sắc, đủ tin tưởng để yêu và cho tất cả.
Giả sử anh ấy muốn làm điều đó với bạn vì quá yêu, vì không kềm chế được bản thân và muốn được trọn vẹn thuộc về nhau thì bạn có thể “cho” anh ấy nếu như bản thân mình cũng không kềm chế được và sẵn sàng gánh chịu mọi hậu quả, tuyệt đối không hối tiếc vì việc mình làm.
Nhưng trong câu chuyện của bạn lại không có những yếu tố này. Người yêu của bạn muốn quan hệ tình dục trước hôn nhân đơn giản chỉ vì “bây giờ ai cũng làm như vậy”. Với phát ngôn ấy, có thể nghĩ rằng anh ấy quan niệm tình dục trước hôn nhân giống như một trào lưu, người ta làm thì mình cũng phải làm để không thua chị, kém em!
Vấn đề thứ hai bạn cần lưu ý là thông thường, khi yêu nhau người ta hay nghĩ tới kết thúc là một đám cưới, tiếp theo là những đứa con, là một ái ấm gia đình… Bạn hãy tìm hiểu kỹ xem ở người yêu mình có những suy nghĩ bình thường ấy không? Nếu anh ấy khăng khăng phải “cho” nếm trái cấm trước xem thế nào thì mới cưới, e rằng mong muốn đó quá thực dụng và… không được chính đáng cho lắm. “Cho” trước hay sau là vấn đề hiện vẫn còn nhiều tranh cãi; nhưng tốt nhất là thân mình, mình giữ; cẩn tắc vô áy náy, cẩn thận thì khỏi lo ngại về sau.
Video đang HOT
Bạn nên nói rõ với anh ấy suy nghĩ của mình, rằng bạn giữ gìn cũng là cho anh ấy chứ chẳng phải để làm giàu, làm có gì. Nếu anh không thông cảm, không kềm chế được thì bạn nên cân nhắc kỹ mối quan hệ của mình. Đừng quên là khi yêu thật lòng, người ta thường tôn trọng, tin tưởng, nâng niu người yêu mình chứ không muốn “thử trước cho chắc ăn” như vậy.
Cũng không loại trừ khả năng anh ấy khăng khăng đòi hỏi như vậy là để thử thách người yêu của mình, xem bạn có dễ dãi trong các mối quan hệ hay không? Cầu Trời cho vấn đề của bạn rơi vào trường hợp này. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết phải thử bằng cách ấy. Tóm lại, nếu anh ấy không đưa ba má tới gặp gia đình bạn để bàn chuyện hôn nhân đại sự thì tốt nhất là… không cho gì cả!
Theo Saoonline
Nghèo thì hạnh phúc, giàu thì đòi ... li dị
Thế đấy, với chồng tôi, giờ tiền bạc là trên hết, mẹ con tôi không đáng một xu. Giờ tôi mới thấm thía câu nói của các cụ: Vợ chồng có thể cùng nhau vượt qua hoạn nạn, nhưng để cùng nhau hưởng giàu sang thì khó vô cùng...
Mình và chồng đến với nhau khi cả hai đều không có gì trong tay. Nhưng mình là một cô gái có chút nhan sắc nên có rất nhiều chàng trai theo đuổi, trong đó có cả những người được liệt vào danh sách đại gia.
Nhưng mình yêu Kha, chồng mình bởi mình tìm thấy ở anh ấy những thứ mà nhiều người đàn ông khác không có. Kha đàn ông nhưng cũng đầy tình cảm, nhiều quan tâm, thông minh hài hước, mình và Kha nói chuyện rất hợp nhau.
7 năm yêu nhau, với nhiều người là nhàm chán, nhưng mình với Kha thì lúc nào cũng như mới yêu, lúc nào cũng dính với nhau như đôi chim ri. 7 năm yêu nhau, hai đứa chưa từng một lần giận nhau quá 2 ngày.
Sáng sáng, Kha đến đưa mình đến chỗ làm, dù công ty anh làm ngược đường với cơ quan mình. Buổi trưa rảnh là hai đứa lại lên mạng chát chít, nhắn tin qua điện thoại. Chiều tan làm Kha lại đến đón mình, rồi hai đứa đi ăn, đi chơi tối. Đêm về trước khi ngủ lại "buôn" điện thoại đến lúc chiếc điện thoại nóng ran mới chịu đi ngủ.
Ngày nào cũng như ngày nào trong 7 năm liền mà chưa bao giờ mình và Kha thấy chán nhau.
Với cả hai, lúc nào cũng thấy không đủ thời gian để dành cho nhau, không có đủ thời gian để hôn nhau cho đã dù gần như ngày nào cũng gặp.
7 năm yêu nhau, chúng tôi dính với nhau như đôi chim ri
Rồi sự "chịu đựng" lên đến đỉnh điểm, cả hai đều cảm thấy không thể chờ đợi thêm được nữa. Vậy là, dù ở nhà đi thuê, công việc bập bõm, lương thấp, hai đứa vẫn quyết định xin gia đình cho tổ chức đám cưới.
Ngày cưới, lúc trao nhẫn mình đã hỏi chồng: "anh sẽ yêu thương vợ con mãi mãi chứ?" Chồng mình đã nhìn vào mắt vợ và gật đầu cả quyết.
Hai năm đầu hôn nhân là hai năm mà mình thấy hạnh phúc nhất. Cả hai "yêu nhau" không biết chán, yêu bất cứ chỗ nào có thể: tranh thủ ở quê chồng một ngày mưa tầm tã; ở ban công khách sạn một sáng bình minh,... Tối nào căn phòng thuê cũng ngập tràn tiếng cười hạnh phúc. Giống như nắng hạn gặp mưa rào, cả hai lại càng quấn quýt nhau hơn hồi chưa cưới.
Rồi những tối mình nằm gối đầu lên tay chồng "vẽ" lên những viễn cảnh tốt đẹp cho tương lai. Hay những buổi chiều, đi làm về, vừa bước chân vào phòng đã nhận được cái ôm chặt cùng nụ hôn nồng say của chồng...
Hạnh phúc luôn đủ đầy dù nỗi lo cơm áo gạo tiền đè chặt lên đôi vai cả hai vợ chồng. Có những thời điểm hai vợ chồng chỉ ăn cơm trộn nước mắm vì trong nhà không còn đến vài đồng bạc lẻ, hay những bữa cơm chồng gắp cho mình miếng rau bắp cải luộc và tếu "miếng đùi gà này ngon, nhường cho vợ!".
Ba năm sau ngày cưới, hai vợ chồng vẫn chẳng tích cóp được gì nhưng hạnh phúc thì lúc nào cũng dư giả. Rồi mình có thai, mình không thể quên tiếng cười sung sướng của chồng khi mình điện thoại thông báo "hai vạch rồi anh ạ".
Đứa con đầu ra đời trong tình yêu thương của cả hai gia đình. Kể từ khi con trai ra đời, như có "thần hộ mệnh" (cách nói tếu của chồng mình), công việc làm ăn của chồng mình lên như diều gặp gió. Anh trở thành giám đốc kinh doanh của một công ty liên doanh với Nhật. Lương của chồng mình từ mức vài trăm nghìn khi hai vợ chồng mới cưới giờ được tính bằng tiền đô.
Nhưng 4 năm sau ngày cưới, khi đã có của ăn của để thì tiếng nói chung đã không còn
4 năm sau ngày cưới, hai vợ chồng có được ngôi nhà riêng ở khu phố sầm uất bậc nhất của Hà Nội. Nỗi lo cơm áo gạo tiền chỉ còn trong quá khứ. Nhưng cũng từ đó, những ngày tháng hạnh phúc cũng "lên xe" về vùng kỉ niệm.
Những bữa cơm gia đình ngày càng trở lên hiếm hoi, chồng mình luôn về nhà trong tình trạng say xỉn, rồi những "dấu vết lạ" cũng thường xuyên xuất hiện trên áo, trên cổ hay ở một nơi nào đó trên người anh ấy. Sáng hôm sau mình có hỏi thì chồng chỉ lạnh lùng "Đàn bà chỉ giỏi ghen bóng ghen gió, có phúc mà không biết hưởng, đừng để tôi phát khùng".
Cứ vậy, tiếng nói chung của hai vợ chồng không còn. Kỉ niệm 5 năm ngày cưới, mình đã tốn bao công sức chuẩn bị một bữa tối lãng mạn, mặc bộ váy đẹp, gợi cảm nhất ngồi chờ chồng. 9 giờ...10 giờ... rồi 1 giờ đêm mà chồng vẫn như "bóng chim tăm cá". Điện thoại của chồng thì luôn không liên lạc được. Cả đêm mình không thể ngủ, cứ ngồi như một cái xác không hồn ở bàn ăn.
Sáng hôm sau chồng về, mình hỏi thì anh ấy nói "Tôi đi đâu là việc của tôi, ở nhà để đói dã họng ra cả lũ à. Kỉ với chả niệm, có mài ra mà ăn được không. Đúng là nhàn dỗi sinh nông nổi".
Tôi không thể ngờ người chồng từng vô cùng lãng mạn, chưa bao giờ quên bất kì ngày lễ, ngày kỉ niệm nào giờ lại thốt ra những lời vô tình đến vậy. Với anh ấy, mọi cố gắng hàn gắn của tôi chỉ giống như hành động của một kẻ ngốc.
Bỗng nhiên tôi ước, giá những thứ phù phiếm sa hoa này biến mất, trả về cho tôi một người chồng biết quan tâm đến gia đình. Tôi thà sống trong thiếu thốn mà gia đình luôn rộn rã tiếng cười chứ không ham giàu sang mà luôn thấy lạnh lẽo.
Mình đề nghị li hôn, chồng cười nhạt "Tôi cũng chả thiết tha gì cái gia đình này nữa, nhưng nếu muốn tôi kí đơn li hôn, cô phải cam đoan không tơ hào một đồng nào ở cái gia đình này thì tôi mới đồng ý. Cô muốn nuôi con thì cứ đem nó đi theo mình, nhưng tuyệt đối đừng nghĩ đến việc moi được đồng nào từ tôi".
Thế đấy, với chồng tôi, giờ tiền bạc là trên hết, mẹ con tôi không đáng một xu. Giờ tôi mới thấm thía câu nói của các cụ: Vợ chồng có thể cùng nhau vượt qua hoạn nạn, nhưng để cùng nhau hưởng giàu sang thì khó vô cùng...
Theo VNE
Li hôn vì vợ cứ mở miệng là 'tiền... tiền' Vợ chồng đâu có khó khăn, kham khổ gì cho cam mà lúc nào mở miệng em cũng "tiền, tiền". Đôi khi em cáu giận vô cớ nhưng miễn anh mang tiền về là em lại cười hề hề, khen chồng ngoan ngay tức khắc! Cưới nhau 3 năm, chưa lúc nào em để trong ví anh được quá 500 ngàn đồng. Lý...