LẠ: Đánh liều nuôi con rậm lông trên đất Phủ Quỳ, bán 200 ngàn/kg
Nói đến nuôi cừu ở Việt Nam, người ta thường nghĩ đến tỉnh Ninh Thuận, vùng đất nắng hạn với hàng vạn con cừu sinh sôi, nảy nở. Thế nhưng, ở xóm 15A, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa ( Nghệ An) đã có một nông dân “làm liều” mang cừu giống từ Ninh Thuận ra nuôi.
Sau đôi lần thất bại, hiện tại những chú cừu của gia đình anh nông dân này đã và đang đã phát triển, sinh sản tốt. Mỗi lứa bán con rậm lông này, gia đình anh có lời hơn chục triệu đồng.
Anh Thái Bá Phú, một cựu chiến binh ở xóm 15A, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa quyết định tìm hiểu và chăn nuôi cừu cách đây hơn 4 năm, nơi mảnh đất Phủ Quỳ khô cằn, sỏi đá.
Kể lại với PV Báo điện tử DANVIET.VN, anh Thái Bá Phú nhớ lại, khi đó, hầu hết người thân, bạn bè ai cũng can ngăn, bởi nuôi cừu còn lạ lẫm tại Nghệ An. Ở thị xã Thái Hòa thậm chí nhiều người còn không biết con cừu mặt mũi nó thế nào. Thế nhưng, anh Phú vẫn quyết tâm mang những con cừu từ Ninh Thuận về chăn thả ở đất đồi của gia đình. Thời gian đầu, do thay đổi môi trường sống, cộng với kiến thức chăn nuôi, kinh nghiệm nuôi cừu của anh Phú còn hạn chế, nên trong số 28 con cừu giống ban đầu mang về đã chết hơn một nửa, chỉ còn hơn 10 con.
Anh Thái Bá Phú ở xóm 15A, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa( Nghệ An) là người đầu tiên “đánh liều” mang cừu Ninh Thuận ra để nuôi.
Rót tách trà vừa mới pha, anh Thái Bá Phú vui vẻ chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: “Để mà kể về thành công nuôi cừu thì tôi nghĩ đến bây giờ tôi vẫn chưa có gì để kể, tôi chỉ muốn chia sẻ với bà con nông dân về những đam mê và quyết tâm của tôi mà thôi. Nói thật lòng, sau hơn chục năm nuôi dê thành công mĩ mãn thì tôi quyết định tìm hiểu và chuyển nuôi sang cừu. Tôi nghĩ bản tính cừu cũng không khác dê là mấy, tại sao mình thành công từ nuôi dê rồi, mà mình lại không thử nuôi cừu chứ?…”.
Ngày anh Phú quyết định vào tỉnh Ninh Thuận để học hỏi kinh nghiệm nuôi cừu, gia đình, người thân, bạn bè phản đối ghê lắm, ai cũng bàn lùi. Anh vẫn quyết tâm đi. Một mình nơi đất khách quê người học kỹ thuật chăm sóc cừu lắm lúc anh Phú cũng hoang mang, lo lắng bởi chưa tin chắc rằng con vật vốn gắn với sinh cảnh hoang mạc, bán hoang mạc này liệu có sống được, sinh đẻ được ở một vùng đất xa xôi như ở Phủ Quỳ.
Nhưng càng học kinh nghiệm nuôi cừu thì anh Phú càng quyết tâm sẽ đưa cừu ra nuôi ở Nghệ An. Anh quyết định dồn hết tiền mua gần 30 con cừu giống đưa từ Ninh Thuận ra Nghệ An. Anh Phú kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: “Ban đầu đưa về Nghệ An thấy cừu chết nhiều, số con còn lại cũng yếu ớt nên tôi rất lo sợ vì bao nhiêu vốn liếng của gia đình đều tập trung vào đàn cừu. Sau nhiều ngày tôi tiếp tục tìm tòi từ nhiều kênh thông tin về đặc tính , kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi cừu, tôi đã áp dụng với quyết tâm nuôi bằng được”.
Đàn cừu của anh Phú hiện có gần 50 con, phát triển khoẻ mạnh, mỗi năm sinh sản hai lứa. Ảnh: Mỹ Hà
Video đang HOT
Bao nhiêu lần thất bại không làm anh Phú nản lòng, đàn cừu đã không phụ công tìm tòi, chăm sóc của anh , sinh trưởng, phát triển rất tốt. Mỗi năm cừu mẹ 2 đẻ 2 lứa, hiện tại đàn cừu đã lên số lượng gần 50 con. Cừu chủ yếu ăn cỏ nên anh Phú đã chủ động nguồn thức ăn ngay tại vườn đồi của gia đình. Thời gian chăn nuôi cừu thịt thương phẩm mất khoảng 6 tháng, với giá bán cừu thịt ra thị trường hiện nay khoảng 200.000 đồng/1kg, mỗi lứa cừu sau khi trừ chi phí cho anh Phú thu nhập hàng chục triệu đồng.
Thức ăn của cừu chủ yếu là cỏ nên anh Phú đã tận dụng khoảng đồi của mình để trồng cỏ phục vụ cho đàn cừu. Ảnh: Mỹ Hà
Chia sẻ với PV Báo điện tử DANVIET.VN, anh Thái Bá Phú nói: “Làm cái gì thì cũng phải có quyết tâm và chịu khó học hỏi. Tôi đã không nản lòng khi thất bại, cừu càng chết càng làm tôi quyết tâm thực hiện mong muốn của mình hơn. Hơn 4 năm qua, tôi vẫn chưa khắc phục được một điều, đó là cứ đến thời điểm nắng nóng thì cừu mẹ lại chết, nhất là lúc đang mang thai. Nhưng bây giờ tôi hiểu được lý do, đó là do nắng nóng đỉnh điểm, cừu mẹ mang thai, sức đề kháng kém, chịu nóng kém nên sẽ bị chết…”.
Để khắc phục hiện tượng cừu mẹ chết khi nắng nóng, anh Phú đang nghiên cứu lắp thêm quạt làm mát chuồng cừu. Với sự phát triển của đàn cừu hiện tại, có thể khẳng định anh đã thành công. Sắp tới anh tính tăng đàn quy mô đàn cừu lên khoảng 300 con. Do cừu là thực phẩm mới mẻ, thịt ngon nên hiện đầu ra của sản phẩm thịt cừu khá ổn định, thậm chí không đủ cừu thịt để bán…
“Làm cái gì thì cũng phải có quyết tâm và chịu khó học hỏi, tôi đã không nản lòng khi thất bại, cừu càng chết càng làm tôi quyết tâm thực hiện mong muốn của mình hơn”, anh Phú nói. Ảnh: Mỹ Hà
Mô hình nuôi cừu của gia đình anh Phú được đánh giá là tiêu biểu trong chuỗi liên kết phát triển kinh tế do Hội Cựu Chiến binh xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa xây dựng.
“Chúng tôi xác định mô hình này là hạt nhân trong tổ liên kết phát triển kinh tế mà chúng tôi xây dựng và phát triển hơn một năm nay. Mô hình này cho thu nhập đầy triển vọng, và đáng để học hỏi nhân rộng hơn nữa”, ông Ngô Quang Đào – Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa chia sẻ.
Hiệu quả của mô hình nuôi cừu đầu tiên của thị xã Thái Hoà( Nghệ An), bước đầu cho thấy đây là hướng đi mới, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người chăn nuôi trên địa bàn. Ảnh: Mỹ Hà
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Thuận nói: “Anh Thái Bá Phú là một cựu chiến binh, một hộ nông dân làm kinh tế giỏi. Anh ấy không chỉ thành công với mô hình chăn nuôi cừu thương phẩm mà còn nuôi dê, trồng các cây ăn quả như cam, macca….Mô hình của anh Phú đã thu hút được bà con nông dân khắp các xã, huyện lân cận tới học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cừu. Chúng tôi khuyến khích các hộ nông dân học tập, làm theo các mô hình sản xuất mới có tính bền vững.”
Theo Danviet
Nghệ An: "Bày binh bố trận" nuôi loài ong "tử thần" la liệt khắp vườn
Hỏi nhà anh Nguyễn Văn Thành nuôi ong vò vẽ ở xóm 2 xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hoà ( Nghệ An) thì cả xã Nghĩa Thuận ai ai cũng biết, bởi anh là người dám nuôi ong bò vẽ-loài ong "tử thần", loài ong "hung thần".
Khu vườn nhà anh Thành hiện đang treo la liệt hơn 100 tổ ong vò vẽ người ngoài nhìn vào ớn lạnh với cả trăm tổ ong như được "bày binh bố trận".
Sau khi học hỏi kinh nghiệm nuôi ong vò vẽ từ các bạn , anh Thành quyết định thử nghiệm với mô hình nuôi ong vò vẽ, và anh đã thành công bước đầu. Ảnh: Mỹ Hà
Tháng 5/2019 khu vườn rộng chừng 3.000m2 nhà anh Thành có điểm mới lạ khiến nhiều người hiếu kỳ đến ngó nghiêng. Đó là "trận địa" cả trăm tổ ong vò vẽ được anh dựng lên trong vườn, có giàn treo ngay ngắn, thẳng hàng, rất bắt mắt gây tò mò nhưng cũng mang lại cảm giác sợ hãi cho nhiều người.
Những ai từng biết về loài ong vò vẽ này chắc chắn sẽ không thể xem thường những chiếc tổ màu nâu đất treo im lìm trên những cành cây, bụi tre, thậm chí là ngay cạnh chuồng bò hay bên bờ ao. Chỉ cần một chút động tĩnh, lũ ong sẽ ào ra với sụ hung hãn. Ấy thế nhưng anh Thành đã chung sống với những đàn ong này từ tháng 5/2019 đến nay.
Anh Thành giới thiệu, đây là con ong thợ khoẻ mạnh của mỗi tổ ong vò vẽ mà anh đang nuôi. Mỗi tổ ong có hàng nghìn con, nhưng quan trọng nhất vẫn là con ong thợ. Ảnh: Mỹ Hà
Bà Trần Thị Hoa- một người dân ở xóm 2 xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hoà ( Nghệ An) nói với PV Báo điện tử DANVIET.VN: " Cô hỏi đường đến nhà chú Thành nuôi ong vò vẽ à? Dân chúng tôi thấy người ta đi đốt trên rừng bắt nhộng vò vẽ về bán thì nhiều rồi, nhưng đây là lần đầu tiên thấy có người đưa tổ mang về vườn nuôi. Trông nguy hiểm, nhưng mô hình này lạ lạ nên bà con ai cũng tò mò ."
Mặn chuyện, chị Hường- cũng trú tại xóm 2 Nghĩa Thuận cũng tiết lộ với PV Báo điện tử DANVIET.VN: "Ban đầu hàng xóm chúng tôi cũng hơi lo. Nhưng số tổ ong vò vẽ được đặt trong vườn cách khá xa, hơn nữa nếu không chọc phá thì ong cũng không bay cắn nên giờ gia đình tôi cũng thấy bình thường. Chú Thành nuôi ong từ đầu tháng 5, hiện tại đang thu hoạch lứa nhộng đầu, Chú làm giàn treo ngay ngắn nhìn đẹp mắt lắm....".
Hàng trăm tổ ong được anh Thành bắt về làm giàn treo ngay ngắn. Những tổ ban đầu chỉ to hơn cái nắm tay, bây giờ đã phát triển lên, có những tổ khi thu hoạch nặng tới cả chục Kg. Ảnh: Mỹ Hà
Theo quan sát của PV Báo điện tử DANVIET.VN, gia đình anh Thành có tổng cộng hơn 100 tổ ong vò vẽ. Điều đáng nói, không phải những đàn ong tự tìm đến vườn nhà anh Thành làm tổ mà anhđã đích thân lên rừng đưa về. Hễ gặp tổ ong vò vẽ ở đâu hay nghe thông tin có tổ ong vò vẽ là anh tìm đến bắt cho kỳ được.
Để bắt ong vò vẽ anh Thành chỉ có một bộ đồ bảo hộ lao động kín từ đầu đến chân. Khi thấy tổ ong, anh Thành cần trùm kín lối ra vào ở tổ rồi đưa cả tổ về. Tối đến, anh mới đem treo lên nơi nào đó rồi bỏ nút đậy lưới trùm ra. Phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN tìm tới vừa đúng lúc anh Thành thu hoạch lứa nhộng đầu tiên sau hơn 3 tháng thử nghiệm nuôi ong vò vẽ.
Chia sẽ với phóng viên báo DANVIET.VN, anh Thành vui vẻ nói: "Loài ong nguy hiểm bậc nhất ở rừng, bắt không cẩn thận là nó đốt chết người như chơi. Cơ duyên khiến tôi nuôi loài ong này cũng không có gì đặc biệt lắm. Vì tôi thích tìm hiểu về các loài ong, và qua các bạn bè ngoài Bắc nên tôi học hỏi, tìm tòi thêm. Các bạn tôi từ ngoài Bắc hay vào đây mua mật, nên họ chia sẻ kinh nghiệm cho tôi. Mô hình này ở Nghệ An đang ít, chứ ngoài Bắc họ nuôi nhiều rồi". "
Bắt đầu vào cuối tháng 4 âm lịch, anh Thành và bố anh đã đi lên rừng gần nhà để tìm và bắt tổ. Ban đầu ngày được 5 hoặc nhiều thì 10 tổ, có ngày được vài tổ thôi, vì ong này khó tìm lắm. Tổ ong bắt về, anh Thành dựng, chống các cành cây thành hàng và treo tổ của chúng lên.
"Cứ như vậy, cho tới hôm nay cả 2 khoảnh vườn tôi đã có hơn 100 tổ ong vò vẽ. Nhiều người chưa hiểu về con ong vò vẽ cứ hỏi nuôi ong vò vẽ để làm gì? Nuôi ong vò vẽ để lấy nhộng non bán. Hôm nay, tôi thu hoạch đợt đầu tiên cũng được hơn 1 tạ nhộng ong, giá bán 200.000 đồng/kg. Mỗi đợt thu hoạch cũng được tổng cộng hơn 20.000.000 đồng tiền bán nhộng ong. Tôi chọn những tổ to cắt đi, để lại tổ nhỏ và vừa để bầy ong lại tiếp tục phát triển. Thương lái họ tự tìm tới nhà để mua nhọng ong vò vẽ chứ không phải mang đi đâu cả", anh Thành tiết lộ với PV Báo điện tử DANVIET.VN.
Đây là một phần của lứa ong vò vẽ đầu tiên mà anh Thành đang thu hoạch để lấy nhộng non bán. Theo anh Thành, mỗi năm thu hoạch nhộng ong thành ba đợt, mỗi đợt hơn 1 tạ nhộng ong vò vẽ... Ảnh: Mỹ Hà.
Được biết vò vẽ là loại ong khá phổ biến ở các vùng miền trong nước. Đây là loài ong có nọc khá độc, khi bị cùng lúc nhiều con đốt (chích) có thể gây tử vong nên nhiều người ví gọi vò vẽ là ong "tử thần", ong "hung thần". Tuy nhiên nhộng ong vò vẽ là loại có nhiều chất dinh dưỡng tốt nên được yêu thích khi chế biến các món ăn bổ dưỡng.
Theo Danviet
1 ngày hái vài tạ hoa thiên lý đổ buôn cho siêu thị, chị Vụ lãi lớn Chị Ngô Thị Vụ (sinh năm 1966), hội viên nông dân thôn Đoàn Kết, xã Hồng Phong (Nam Sách) hiện là chủ của mô hình trồng hoa thiên lý sạch cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Vụ còn tạo việc làm và giúp đỡ các hội viên nông dân phát triển kinh tế. Mỗi năm...