Lá cờ Tổ quốc Việt Nam bằng chất liệu gốm lớn nhất
Kỷ lục này đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam chính thức công bố vào lúc 8 giờ ngày 6/6/2012 tại đảo Trường Sa Lớn.
Quốc kỳ Việt Nam bằng gốm thực hiện trên mái tòa nhà hội trường của đảo Trường Sa lớn, do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy lên ý tưởng và cùng ê kíp những người thợ của công ty chị thực hiện. Từ ngày 24.12.2011 đến 3.1.2012, họa sĩ Thu Thủy và đồng nghiệp đã ra thăm, khảo sát vị trí làm cờ ở đảoTrường Sa Lớn.
Dự án triển khai từ cuối tháng 2.2012, bắt đầu ở làng gốm Bát Tràng (Hà Nội). Sau khi nhận được những góp ý quý báu để chỉnh sửa và hoàn thiện phác thảo, 30 họa sĩ và thợ gắn gốm đã ra đảo Trường Sa Lớn thực hiện quốc kỳ Việt Nam.
Chân dung Lá cờ Quốc kỳ Việt Nam bằng chất liệu gốm lớn nhất trên mái tòa nhà hội trường của Trường Sa lớn
Các họa sĩ và thợ gắn gốm đã tạo hình lá cờ Tổ quốc Việt Nam có kích thước 12,40mx25m, diện tích 310m2, nặng 3,5 tấn, ghép từ 310.000 viên gốm mosaic (kích thước mỗi viên 3cmx3cm) đảm bảo chịu được nắng mưa, độ mặn của muối biển và không bay màu, được khánh thành vào sáng ngày 6.6.2012 tại đảo Trường Sa lớn (thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa).
Theo ý kiến chỉ đạo của Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, quốc kỳ Việt Nam gắn gốm nên xuất hiện ở vị trí trung tâm đảo gần đường băng sân bay. Sau hai cuộc họp và thảo luận, Bộ Tư lệnh Hải quân nhất trí nên đưa lá cờ gắn gốm lên nóc tòa nhà hội trường ở trung tâm đảo Trường Sa. Khi chụp ảnh từ vệ tinh hay search Google Earth, lá cờ sẽ xuất hiện ở vị trí trung tâm đảo Trường Sa Lớn.
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cùng ê kip nhận kỷ lục
Nóc tòa nhà Hội trường có kích thước 14mx30m là mái bằng có lợp tôn bên trên. Phòng Công binh Bộ Tư lệnh Hải quân sẽ dỡ mái tôn, chống thấm và xây dựng mái bê tông cốt thép vát chéo để thi công lá cờ tổ quốc Việt Nam gắn gốm.
Video đang HOT
Thượng tá Đinh Văn Hải, Đảo trưởng đảo Trường Sa nhận xét: “ Đây là ý tưởng mới, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thông qua nghệ thuật. Dự án phát huy chất liệu gốm sứ truyền thống lâu đời của cha ông có tính bền vững và trường tồn với thời gian“.
Theo VNN
"Con đến từ Trường Sa"
"Con là Nguyễn Thị My Sen, đến từ đảo Trường Sa lớn và đang học lớp 3 trên đảo". Lời tâm sự đầy dễ thương của cô bé tám tuổi làm nhiều người xúc động trong buổi giao lưu tại Hà Nội với mười em nhỏ đến từ thị trấn Trường Sa, xã Song Tử, xã Sinh Tồn.
Trường Sa, Song Tử, Sinh Tồn - đó là những cái tên đầy yêu thương trên bản đồ đất Việt.
Những bạn nhỏ từ Trường Sa.
Trung thu ở đảo thật vui
Nguyễn Thị My Sen là cô bé ít tuổi nhất của đoàn thiếu nhi huyện đảo Trường Sa về dự lễ hội "Trung thu kết nối yêu thương hướng về biển đảo Tổ quốc" năm nay. Sen đang học lớp ba tại trường tiểu học thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa lớn). Em trai Sen hiện cũng ở cùng gia đình trên đảo. Ngoài giờ học, em vẫn thích nhất những trò chơi đùa cùng chín bạn nhỏ trên đảo.
Với Sen, trung thu ở đảo cũng rất vui. Đêm hội trăng rằm thường được các chú bộ đội và thầy cô giáo tổ chức ở nhà văn hoá để các em cùng rước đèn, phá cỗ. Đèn ông sao do thầy giáo và con cùng làm. Sen cũng ước mơ lớn lên được làm cô giáo.
Sen có gương mặt tròn trịa rất đáng yêu. Hai đồng nghiệp của tôi ở Báo Nhân Dân nhớ ngay đến cô bé vui vẻ này bởi đã có lần gặp em tại đảo Trường Sa lớn trong chuyến đi Trường Sa hè năm ngoái. Vẫn là cô bé dễ thương, hoạt bát, nhưng nay ra dáng người lớn hơn nhiều. Chẳng thế, ngay khi biết bé Sen đến Hà Nội, nhiều cô chú từng gặp em ở Trường Sa đã gọi điện để đưa bé đi chơi.
Bé My Sen học bài trên đảo Trường Sa.
Còn Nguyễn Xuân An, một trong hai "chàng trai" của đoàn cũng đã học tiểu học nhiều năm ở đảo Trường Sa lớn. Năm nay 13 tuổi, An hiện đã vào đất liền học lớp 7 tại trường THCS Hùng Vương, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà. Hiện bố mẹ An vẫn làm việc ngoài đảo, còn em sống với gia đình bác ở thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà. Anh trai An đang học cao đẳng tại TP Nha Trang. Nhớ về ngày rằm tháng tám, An nói trung thu trong đất liền vui hơn nhưng trung thu trên đảo đầm ấm hơn. Nói về những kỷ niệm ở đảo, An thích nhất những lần đi bắt cá cùng với bố Nguyễn Đình Phương bằng thuyền thúng. Cảm giác biển ở Trường Sa thật mênh mông nhưng rất thích. Có lần, hai bố con đã bắt được con cá nặng tới 40 kg. Bố đánh cá, mẹ nấu cơm cho bộ đội. Với An, học ở đất liền quả có khó khăn bởi có nhiều bạn học giỏi hơn nên phải cố gắng nhiều. Chật vật nhất với An là môn Toán, còn em thích học sinh vật và địa lý. Trên đảo có điện dùng năng lượng năng lượng mặt trời, nên em vẫn có thể xem được tivi, gọi điện thoại cho ba mẹ hằng ngày.
Một buổi học của cô trò ở Trường Sa.
Nguyễn Thị Trà My cũng là một gương mặt ấn tượng. 10 tuổi, My nhìn chững chạc nhất đoàn, có lẽ do đã là chị của hai em gái nhỏ. Em đã theo học ba năm tại thị trấn Trường Sa. Năm học này, em trở lại đất liền để học tiếp lớp 5 tại trường tiểu học thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm. Vừa dự lễ khai giảng năm học mới, em lại lên tàu cùng các bạn tham dự Tết Trung thu tại Hà Nội. Em út của My chính là công dân nhỏ tuổi nhất chào đời trên đảo Trường Sa - Nguyễn Ngọc Trường Xuân - ra đời ngày 4-4-2011 tại bệnh xá của thị trấn Trường Sa. Về cô út năm tháng tuổi này, My rất yêu quý và thích bế, cho em ăn giúp mẹ. Em gái kế My đã lên chín tuổi cũng đang học ở đảo. Mùa hè này, cả ba chị em cùng về đất liền thăm ông bà nội. Rồi My sẽ ở lại với ông bà khi bố mẹ và các em trở lại đảo vào cuối tháng 9. Hằng ngày, My đến trường bằng xe đạp. Em cũng từng ra miền bắc nhưng chưa tới Thủ đô bao giờ. My học Tiếng Việt tốt, thích đọc truyện cổ tích và Doremon. Hỏi về cảm giác khi phải sống xa bố mẹ, em cũng cảm thấy buồn nhưng không sợ đâu ạ, vì "Con quen rồi"'. Ánh mắt chững chạc của My đã nói lên điều đó. Em vẫn rất nhớ về lớp học của mình ngoài đảo chỉ có hai học sinh. Nghĩ đến đi biển, My cũng thấy sợ bởi lần nào đi em cũng bị say sóng.
Chị Trương Thị Năm, trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa) cho biết, sự quan tâm dành cho trẻ em ở huyện đảo Trường Sa không chỉ có dịp Trung thu này. Mỗi khi có tàu ra đảo, các cơ quan đều chuyển thêm những món quà dành cho các em như sách, truyện đồ chơi, bánh kẹo...
Con sẽ kể nhiều chuyện
Trong dịp về Hà Nội, bé Hồ Uý Vy, đến từ đảo Sinh Tồn được đi cùng anh trai - Hồ Văn Hậu. Không phải cô bé ít tuổi nhất, nhưng Uý Vy nhỏ nhất đoàn. Chào đời năm 2002, cô bé mang cái tên lạ lẫm này đã sống ba năm sống trên đảo Sinh Tồn cùng cha mẹ. Em hiện đang học lớp 2 tại trường tiểu học Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa. Vy kể, trên đảo em thích ăn cá, ăn thịt hộp. Ở ngoài đảo ít hoa quả, chỉ có bưởi ăn nhiều thôi. Thích học hát, Vy lỏn lẻn cười khi nói chữ viết còn hơi xấu nên phải cố gắng nhiều hơn.
Còn anh trai Vy đã lên 11 tuổi, đang học lớp 6 trường THCS Hùng Vương, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà. Hai anh em từng cùng đón trung thu ở đảo vài lần. Vy vừa rời tàu về thăm bà ngoại ở thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Cam Ranh. Chơi ở đảo, Vy thích nhất kéo co, hoặc chơi trò trốn tìm. Ở đảo cũng có tivi nên con cũng xem phim hoạt hình và đọc truyện. Vy thích nhất học vẽ và có nhiều bức tranh vẽ biển. Lớp 2 của Vy ở đảo Sinh Tồn có ba bạn. Nhà con cũng có vườn rau với rau muống, mồng tơi, cải và cả cà chua nữa.
Với Hậu, ấn tượng đầu tiên về Hà Nội thật vui và đẹp. Vào đất liền học và ở với bà ngoại, em cũng phải tự lực rất nhiều khi sống xa cha mẹ, cậu bé cũng đã biết nấu cơm, giặt quần áo và giúp đỡ bà. Một năm em chỉ có cơ hội gặp bố mẹ một lần vào dịp hè. Học ở đất liền có nhiều bạn hơn nhưng sức ép không phải ít. Em vẫn nhớ những kỷ niệm thời đi học trên đảo, nhớ về thầy Giáp chủ nhiệm dạy mình, nhớ lớp bốn chỉ có một mình. Kỷ niệm nhớ nhất là lần đầu đặt chân đến đảo đầy bỡ ngỡ, không biết đường và phải mất một tuần, Hậu mới quen đường. Và cậu cũng nghịch ngợm chẳng kém các bạn ở đất liền khi tham gia đá banh, chơi ô ăn quan, đánh cầu lông, đi tắm biển với ba mẹ...
Món quà mà Hậu và Uý Vy muốn mang về nhà nhất cho bố mẹ là bánh cốm, đặc sản Hà Nội. Nghe trong câu chuyện của Hậu và Vy, biết rằng, với các em, chuyến đi này chắc sẽ có nhiều điều thú vị để kể cho ông bà và bố mẹ ở nhà. Và Hậu cũng có một ước mơ trở thành bác sĩ để có thể chữa bệnh cho nhiều người. Gia đình của các em cũng có thêm một thành viên mới chào đời tháng trước trên đất liền.
Từ phải qua: Trà My, Úy Vy, My Sen ở Hà Nội.
Kể chuyện đưa các cháu ra Hà Nội, cô Phạm Thị Hảo, cán bộ Phòng giáo dục huyện đảo Trường Sa, tâm sự, rất may là vào dịp này, các em cùng bố mẹ vào nghỉ hè tại đất liền nên việc đi lại đỡ mệt hơn. Nằm tàu hoả mất hơn một ngày, 5 giờ sáng mới tới nơi, nhiều em bị mệt do không hợp khí hậu, nhưng tất cả đều rất vui vì lần đầu tiên trải một hành trình dài như vậy, được gặp gỡ nhiều bạn bè trong cả nước. Chuyện học tập của các em trên huyện đảo Trường Sa hiện đã được cải thiện nhiều, với 37 học sinh theo học từ mẫu giáo tới tiểu học. Ba xã đảo hiện nay đã có 11 giáo viên. Từ 2009 trở về trước, các em chỉ học hết lớp bốn rồi trở lại bờ học tiếp. Nhưng từ năm 2010, các em có thể học hết lớp 5 trên đảo rồi mới quay về.
Cùng hai em bé mới chào đời năm nay, thế hệ thứ hai ở huyện đảo xa xôi này đã có tới 39 công dân nhỏ tuổi. Và với những bạn nhỏ này, dù ở đâu, những ký ức về cuộc sống ở đảo vẫn mãi gắn liền với tuổi thơ, như lời ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Đoàn Bổng mà các em thường nghe mỗi ngày:
Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương.
Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa.
Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ...
Theo Dân Trí