Lá chắn phòng không khai hỏa bảo vệ đại sứ quán Mỹ
Hệ thống phòng không C-RAM khai hỏa loạt đạn dài bắn hạ UAV vũ trang, bảo vệ đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad.
Một máy bay không người lái (UAV) vũ trang bị phát hiện và đánh chặn khi đang tiếp cận đại sứ quán Mỹ tại Baghdad tối 5/7. Mục tiêu bị hạ trước khi đủ sức gây nguy hiểm cho cơ sở này, hai nguồn tin an ninh Iraq giấu tên tiết lộ.
Đài truyền hình Al-Sumarya TV cho biết còi báo động đã phát ra ở đại sứ quán Mỹ, trong khi hệ thống phòng không C-RAM được kích hoạt sau khi “phát hiện vật thể lạ” trên bầu trời. Video được đăng trên mạng xã hội Twitter cho thấy những vệt lửa kéo dài và nhiều tiếng nổ khi hệ thống C-RAM khai hỏa.
Hệ thống C-RAM khai hỏa nhằm vào UAV tự sát đêm 5/7. Video: Twitter/alifarhan85 .
Những nhóm dân quân tại Iraq thường sử dụng pháo phản lực và UAV giá rẻ để tập kích cơ sở quân sự có lính Mỹ đóng quân, cũng như đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad. Các cuộc tấn công thường xuyên đã cản trở hoạt động của binh sĩ và nhà thầu quốc phòng Mỹ đang làm việc tại các căn cứ tại Iraq.
Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003 để lật đổ tổng thống Saddam Hussein, sau đó rút hoàn toàn lực lượng khỏi Iraq vào tháng 12/2011 theo lệnh của tổng thống Barack Obama, nhưng được triển khai trở lại từ năm 2014 để chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng theo đề nghị của chính phủ nước này.
Dù IS đã bị đánh bại, Mỹ vẫn duy trì hàng nghìn binh sĩ đồn trú tại Iraq để huấn luyện và hỗ trợ quân đội nước này ngăn phiến quân trỗi dậy. Các cơ sở và lực lượng Mỹ tại Iraq từng nhiều lần bị tập kích bằng rocket hồi năm ngoái. Mỹ cáo buộc các lực lượng dân quân thân Iran đứng sau những vụ tấn công này và nhiều lần không kích đáp trả.
Hệ thống chống rocket, đạn pháo và cối (C-RAM) được triển khai ở nhiều căn cứ Mỹ tại Trung Đông, có nhiệm vụ đánh chặn các loại đạn không điều khiển giá rẻ, hạn chế việc triển khai những hệ thống tên lửa phòng không đắt tiền như Patriot. Một tổ hợp C-RAM đã được triển khai ở Vùng Xanh từ đầu năm nay.
Đây được coi là phiên bản mặt đất của hệ thống phòng thủ cực gần Phalanx trên tàu chiến Mỹ và đồng minh, cùng sử dụng radar và pháo nòng xoay M61 cỡ 20 mm. Một tổ hợp C-RAM có thể “khạc lửa” tới 4.500 viên đạn mỗi phút, tạo lưới hỏa lực dày đặc để tiêu diệt mục tiêu đang bay đến.
Mỹ đình chỉ chương trình đào tạo quân nhân Campuchia
Mỹ kết thúc chương trình cho phép Campuchia cử quân nhân theo học các học viện quân sự hàng đầu của nước này, sau động thái "cắt giảm hợp tác" của Campuchia.
"Sau khi Campuchia cắt giảm hợp tác trong một số lĩnh vực quân sự song phương truyền thống, nước này mất tư cách tham gia chương trình học viện quân sự của Mỹ", phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ tại Campuchia Arend Zwartjes ngày 1/7 cho biết.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Mỹ lo ngại về hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại Campuchia, đồng thời quốc gia Đông Nam Á này trở thành một trong những đồng minh quan trọng nhất của Trung Quốc tại khu vực.
Zwartjes cho biết các học viên Campuchia đang theo học tại các học viện quân sự của Mỹ sẽ được phép hoàn thành chương trình đại học của họ. "Mỹ khuyến khích chính phủ Campuchia hỗ trợ học phí còn lại cho học viên của mình", Zwartjes nói.
Campuchia chưa bình luận về thông tin trên.
Một số tướng lĩnh và quan chức cấp cao của Campuchia từng theo học tại các trường quân sự của Mỹ, bao gồm học viện quân sự danh giá ở West Point. Trong số này có đại tướng Hun Manet, con trai cả của Thủ tướng Hun Sen, hiện đảm nhận vị trí Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trạng Hoàng gia Campuchia.
Học viên tham gia lễ tốt nghiệp tại Học viện Quân sự Mỹ tại West Point ngày 22/5. Ảnh: USAF .
Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia ngày 12/6 cho biết quan chức quân đội Campuchia từ chối cho tùy viên quân sự Marcus Ferrara tiếp cận toàn bộ hạ tầng tại căn cứ Ream trong chuyến thăm một ngày trước đó.
Bộ Quốc phòng Campuchia sau đó ra thông cáo xác nhận điều này, khẳng định "rất thiện chí" khi tổ chức chuyến thăm căn cứ Ream cho phái đoàn của tùy viên quân sự Mỹ theo quyết định của Thủ tướng Hun Sen, và đã tổ chức "một số hoạt động quan trọng" bên trong căn cứ.
Tuy nhiên, ngoài những địa điểm đã được yêu cầu và nằm trong thỏa thuận, phía Mỹ đột ngột yêu cầu thăm một địa điểm khác không có trong yêu cầu ban đầu, do đó phía Campuchia từ chối. Địa điểm này được cho là cơ sở do Trung Quốc nâng cấp bên trong căn cứ Ream.
Bộ Quốc phòng Campuchia nhận định phản ứng của đại sứ quán Mỹ là "cố tạo ra những vấn đề mới và xuyên tạc sự thật, có thể gây ra tác động tiêu cực đối với quan hệ quốc phòng giữa hai nước".
Mỹ từ chối lời thỉnh cầu vaccine của công dân ở Thái Lan Sứ quán Mỹ từ chối đáp ứng lời kêu gọi tiêm vaccine Covid-19 cho công dân tại Thái Lan, nói rằng họ cần tuân theo chương trình tiêm chủng địa phương. Trong thông điệp gửi tới công dân tại Thái Lan, đại sứ quán Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao không thể cung cấp vaccine cho hàng triệu người Mỹ ở nước ngoài,...