Kỹ xảo hoành tráng, nhưng “Ready Player One” vẫn dính 10 hạt sạn khó nuốt
Dường như quá chú trọng vào kỹ xảo mà đạo diễn Steven Spielberg đã quên mất nhiều yếu tố logic trong “ Ready Player One”.
Mới tuần đầu tiên ra mắt, bom tấn “triệu đô” của Steven Spielberg đã nhanh chóng hạ bệ Pacific Rim: Uprising và mang về gần 200 triệu USD trên toàn thế giới. Dù khiến giới game thủ say mê với hàng loạt nhân vật quen thuộc cùng kỹ xảo hoành tráng nhưng nội dung của Ready Player One lại chứa khá nhiều lỗ hỏng.
(Lưu ý: Bài viết có sức sát thương cao và tiết lộ nhiều tình tiết trong phim, chống chỉ định những ai chưa đi xem!!!).
1. Chỉ chơi game rồi sẽ thành… tỷ phú
Ý tưởng để lại toàn bộ tài sản cho ai giải được bài toán trong trò chơi đúng là ước mơ của hàng triệu game thủ nhưng thực chất thì cực kỳ tệ hại. Để giành chiến thắng thì người game thủ phải bỏ gần như toàn bộ thời gian trong ngày chỉ để chơi game và nghiên cứu… cuộc sống của James Halliday ( Mark Rylance) giống với nhóm Ngũ Đại trong phim. Cứ như bạn chỉ cần cắm mặt vào chơi game rồi sẽ trúng số vậy!
Trên thực tế, ông đã để lại 5000 tỷ USD cho một nhóm thanh niên không có bất kỳ kiến thức chuyên môn nào ngoài chơi điện tử. Không hiểu họ sẽ điều hành OASIS ra sao khi không biết tí gì kinh tế lẫn lập trình. Tại sao Halliday không nhờ Ogden Morrow ( Simon Pegg) quản lý hộ khi điều mà ông hối tiếc nhất chính là đánh mất đi người bạn thân đồng sáng lập này? Dường như ngài tỷ phú của chúng ta đã quá mạo hiểm với số tài sản của mình khi nó vẫn có thể lọt vào tay kẻ xấu. Ý tưởng này thực tế sai về mọi mặt.
2. Ai cũng chơi game rồi ai sẽ đi làm?
Ready Player One tạo ra một thế giới nơi người người nhà nhà chìm đắm trong OASIS. Từ người lớn tới trẻ nhỏ đều dành cả ngày trong thế giới ảo này, nhất là khi chơi game cũng có thể mang về 5000 tỷ USD. Người ta thậm chí còn chơi trong giờ làm việc. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người đi làm hay tham gia các hoạt động sản xuất?
Có vẻ như người lớn cũng chẳng mấy quan tâm tới an toàn hay tương lai của trẻ nhỏ khi để chúng thoải mái đeo kính thực tế ảo rồi chạy rông trên phố mà không sợ tai nạn giao thông.
3. Cảnh sát Mỹ tệ nhất thế giới?
Có vẻ như cảnh sát Mỹ là lực lượng tệ nhất trên thế giới khi mất tích suốt cả phim và chỉ xuất hiện ở cảnh cuối cùng. Trong khi đó, họ thoải mái để IOI tự tung tự tác khi tấn công vào khu nhà của Samantha (Olivia Cooke) như lực lượng hành pháp thực sự. Chính quyền cũng chẳng có động thái gì khi công ty này mở ra hàng loạt trung tâm thu nợ và bắt những “con nợ” lao động còn hơn tù khổ sai. Điều này chẳng phải đi ngược lại chính sách “nhân quyền” của nước Mỹ sao?
4. OASIS kiếm tiền bằng cách nào?
Tạo ra OASIS đã biến James Halliday trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới nhưng với điều kiện là nó phải sinh lời. Tuy nhiên, cách mà tựa game này kiếm tiền khá là bí ẩn khi ông phớt lờ lời đề nghị bắt game thủ nạp tiền của Nolan Sorrento (Ben Mendelsohn). Như vậy, người chơi không cần nạp tiền để mua từng mảnh trang bị “xịn” cho nhân vật, họ có thể dễ dàng thu được cổ vật “khủng” rải rác trong toàn trò chơi cũng như kiếm xu bằng cách diệt quái. Vậy làm thế nào mà Gregarious Games lại có số vốn khổng lồ như thế?
Việc “hút máu” chỉ bằng những món đồ để trang trí không tạo ra doanh thu quá lớn đâu, nhìn League of Leagends và DOTA 2 kìa!
5. Gregarious Games là nhà phát hành “máu lạnh” nhất thế giới
Dù là đơn vị chủ quản của OASIS cũng như hãng trò chơi lớn nhất hành tinh nhưng Gregarious Games hoàn toàn không có ảnh hưởng gì trong phim. Những gì chúng ta thấy là IOI tự do can thiệp vào hệ thống với việc bán hàng loạt món đồ ảo hay tạo ra những cổ vật hùng mạnh tới mức có thể giết toàn bộ người chơi.
Dường như Gregarious Games không hề có bất kỳ động thái nào ngăn chặn IOI hay bảo vệ người dùng dù họ lớn hơn hẳn đối thủ. Chẳng lẽ tập đoàn này chẳng quan tâm gì tới trải nghiệm của game thủ sao? Với nguồn lực khổng lồ, các cổ đông của họ còn không lo sợ việc 5000 tỷ USD sẽ rơi vào tay đối thủ kia mà.
6. Cái giá của IOI có hơi thấp chăng?
Dù giải thưởng dành cho người tìm ra quả trứng Phục sinh là 5000 tỷ USD và toàn quyền quản lý OASIS nhưng cái giá mà IOI đưa ra khi mời Wade Watts (Tye Sheridan) về làm cho mình chỉ là… 25 triệu đô la. Với cái giá chưa tới 1/200.000 phần thưởng đích thực thì chỉ có “ngu” mới chấp nhận.
7. Wade – đứa cháu vô cảm
Thất bại trong việc thương lượng, Nolan Sorrento quyết định thủ tiêu luôn Wade. Thế nhưng gã phản diện này lại tiết lộ kế hoạch trước khi diễn ra những 10 phút. Anh chàng đủ thời gian chạy từ bãi đỗ xe về nhà thì cũng có sẽ thừa thời gian để bỏ trốn.
Tuy nhiên, điều khó hiểu nhất là Wade nhanh chóng quên đi cái chết của dì Alice (Susan Lynch) chỉ bởi gặp được người trong mộng. Anh chàng chuyển ngay từ chế độ “đau buồn” sang “tán gái trong hạnh phúc” chỉ bằng một nốt nhạc.
8. Hiện đại tới vậy vẫn cần mật khẩu?
Thật khó hiểu khi đã dùng tới công nghệ nhận dạng khuôn mặt nhưng OASIS vẫn đòi hỏi… mật khẩu để đăng nhập. iPhone hay Samsung đã không cần tới mật khẩu rồi đấy và chúng ta chỉ mới ở thời điểm 2018 so với 2045 trong phim mà thôi. Chẳng bất ngờ gì việc để mật khẩu hớ hênh của Nolan Sorrento khiến IOI bị đánh bại một cách mông lung như một trò đùa.
9. Công ty hàng đầu thế giới nhưng ra vào vô cùng dễ dàng
Được mệnh danh là công ty lớn thứ 2 thế giới nhưng việc bảo mật của IOI thật sự có vấn đề. Samantha dễ dàng thoát ra khỏi buồng giam nhờ một cần gạt đơn giản. Cô nàng cũng chẳng gặp mấy khó khăn khi ra vào phòng của… tổng giám đốc cũng như gia nhập vào hàng ngũ Lục binh để phá hoại rồi trốn ra ngoài. Làm ăn cẩu thả như thế chẳng trách sao IOI dễ dàng bị 5 game thủ “ăn không ngồi rồi” hạ gục.
10. Những hạt sạn li ti khác
- Dù danh tính trong trò chơi vẫn là bí mật nhưng bản hợp đồng do Anorak đưa cho Parzival lại có chữ ký mang tên Wade Watts.
- Dù OASIS có mặt trên toàn thế giới nhưng may mắn làm sao, cả 5 nhân vật chính đều ở cùng một thành phố.
- Người chơi có thể thoát game bất kỳ lúc nào nhưng họ lại chẳng làm thế để tránh quả bom Catalyst.
- Chẳng hiểu sao bản nhật ký của Halliday lại có rất nhiều cảnh quay từ khi ông còn bé tí cho tới lúc công ty còn chưa ra đời. Ai là người thực hiện những cảnh đó nhỉ?
Theo Trí Thức Trẻ
Steven Spielberg Ông hoàng bom tấn đầy quyền lực trong giới đạo diễn Hollywood
Vị đạo diễn 71 tuổi này cũng chính là người đã khai sinh ra khái niệm "bom tấn hè" cho Hollywood với thành công từ tác phẩm kinh dị "Jaw" (Hàm Cá Mập) năm 1975.
Có thể khẳng định, ở thời điểm hiện tại, Steven Spielberg đang là đạo diễn và nhà làm phim thành công nhất mọi thời đại. Ông đã nhận được 3 đề cử và mang về 2 tượng vàng Oscar cho danh hiệu Đạo diễn xuất sắc nhất, đồng thời là người có công mở ra kỷ nguyên huy hoàng cho dòng phim bom tấn trên màn ảnh. Tác phẩm mới nhất của Spielberg là Ready Player One (Ready Player One: Đấu Trường Ảo) dù mới ra mắt nhưng đã nhận được rất nhiều sự mến mộ từ khán giả.
Steven Spielberg và những biểu tượng điện ảnh đã trở thành văn hóa đại chúng
Về mặt thương mại, tổng doanh thu các phim mà Steven làm đạo diễn ước tính khoảng 9,4 tỷ USD trên toàn cầu (chưa tính lạm phát - số liệu từ Forbes). Ông xếp thứ 1 trong danh sách gồm có Peter Jackson, Michael Bay, James Cameron, David Yates...
Đạo diễn huyền thoại từng bị đánh trượt đại học ... 3 lần
Steven Allan Spielberg sinh ngày 18/12/1946 trong một gia đình Do Thái sinh sống ở bang Ohio, Mỹ. Ngay từ thuở thiếu niên, cậu con trai lớn của nhà Spielberg đã nung nấu giấc mơ làm nên những bộ phim cho riêng mình.
Đạo diễn người Mỹ và diễn viên nhí Henry Thomas trên phim trường "E.T The Extra - Terrestrial" (1982).
Ở tuổi 13, Steven đã lấy máy quay của cha để thực hiện một đoạn clip dài 40 phút với tựa đề Escape to Nowhere - nội dung nói về một trận chiến ở Đông Phi. Năm 16 tuổi, khi đang là học sinh cấp 3 của trường Arcadia (Phonex, bang Arizona), Steven đã hoàn thành bộ phim phiêu lưu viễn tưởng đầu tiên của đời mình mang tên Firelight. Phim dài 140 phút, được thực hiện từ ngân sách 400 USD và đã mang về số tiền bán vé là 100 USD.
Lúc đó, một nhà báo địa phương đã nhận định chàng thiếu niên này sẽ là người làm nên những tác phẩm lớn. Nhưng ban tuyển sinh của trường Đại học California tại Los Angeles và Đại học Nam California lại không nghĩ thế. Họ cho rằng một học sinh tốt nghiệp cấp 3 với điểm trung bình loại C thì không đủ tiêu chuẩn.
Đạo diễn Spielberg và chú khủng long rên phim trường "Jurrasic Park" (1993).
Bị cánh cửa đại học từ chối đến 3 lần, nhưng Steven Spielberg vẫn không từ bỏ. Ông nộp đơn vào một trường đại học khác ít tiếng tăm hơn và sẵn lòng làm công việc biên tập không lương ở Universal để đến gần với giấc mơ làm phim.
"Tôi chỉ rất yêu nó [công việc đạo diễn]. Đây là điều mà tôi sẽ làm trong suốt quãng đời của mình."
Làm phim để giãi bày cảm xúc cá nhân
Steven Spielberg không có nhiều hồi ức đẹp khi còn đi học. Ông thường bị kì thị, bị bắt nạt dưới ảnh hưởng của phong trào bài trừ người Do Thái. Bị đấm, bị đá và thậm chí là từng hai lần bị đánh đến gãy mũi, những kỷ niệm bạo lực kinh hoàng ấy vẫn mãi ám ảnh vị đạo diễn tài ba của nước Mỹ: "Là một người Do Thái có nghĩa là tôi không phải là người bình thường. Tôi chỉ muốn được chấp nhận như bao người khác mà thôi."
Trong sự nghiệp đồ sộ của mình, Steven vẫn luôn dành một phần tâm trí để làm phim cho trẻ em hoặc khắc họa chân dung về những cô cậu bé cô đơn, học cách vượt qua hoàn cảnh khốn khó. The E.T (1982), Empire of the Sun (1987), Hook (1991), War Horse (2011), The BFG (2016)... đều là những câu chuyện được kể thông qua đôi mắt của trẻ thơ.
Thế giới phim ảnh của Steven Spielberg luôn có một phần rất lớn dành cho các cô, cậu bé.
Sau giờ học, thay vì giao lưu kết bạn, Steven Spielberg lại thích về nhà để viết kịch bản, biên tập và làm phim. Ngoài sự quan tâm dành cho phim ảnh, gia đình là nơi đặc biệt quan trọng với Steven.
Vậy nên nỗi đau đớn khi chứng kiến cha mẹ chia tay khi còn học trung học vẫn luôn đeo bám lấy Steven. Các nhân vật chính trong phim của ông thường có hoàn cảnh gia đình không nguyên vẹn, như Elliot trong E.T the Extra - Terrestrial(1982) hay Fank Abagnale trong Catch me if you can (2002).
Hình tượng người cha cũng luôn góp mặt trong nhiều bộ phim của Spielberg. Ở đó, chúng ta thường thấy những ông bố có vấn đề về rượu chè, nghiện công việc mà vô tình không để tâm đến con cái. Bộ ba trilogy Jurrasic Park, Hook (1991), War of the Worlds (2005)... đều là những câu chuyện xúc động, làm bật lên ý nghĩa về tình cảm gia đình, cha con.
Tình cảm cha con cũng luôn là chủ đề từng xuất hiện rất nhiều trong phim của ông.
Sau khi bố mẹ chia tay, Steven sống cùng với bố - một người thường xuyên vắng nhà vì công việc. Nhưng cũng chính ông bố bận rộn ấy, với món quà là chiếc camera tặng cho con trai đã giúp nước Mỹ sở hữu được một vị đạo diễn lừng danh.
"Tôi nghĩ một trong những điều tệ nhất từng xảy đến với tôi, chính là cảm giác đổ vỡ dành cho bố tôi. Và rồi tuyệt vời nhất xuất hiện khi tôi nhìn thấy ánh đèn [của máy quay] và nhận ra rằng, mình cần yêu ông ấy theo cách ông ấy có thể lại yêu tôi."
Dù quan hệ không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng Steven Spielberg luôn dành rất nhiều tình cảm cho cha trong đời thật lẫn trong phim của mình.
Người đàn ông duy nhất thành công với cả hai dòng phim: bom tấn và nghệ thuật
Thành công đến với Steven Spielberg ngay từ bộ phim thứ 4 mà ông được trao cơ hội: Jaws. Phim lập nhiều kỷ lục phòng vé, làm choáng váng giới phê bình và từng tạo ra cơn sốt có tên gọi "Jawmania". Những thương hiệu phim lớn lần lượt ra đời và đạt nhiều thành tích vang dội. Trong đó, bộ ba tác phẩm về chàng Indiana Jones trở thành biểu tượng của dòng phim phiêu lưu, thám hiểm.
Steven Spielberg là người hiếm hoi có thể tạo ra sự cân bằng giữa hai dòng phim nghệ thuật - thương mại trong sự nghiệp.
Năm 1993, rất lâu trước khi công nghệ CGI trở nên hoàn thiện, Steven Spielberg đã biết cách làm cho thế giới phải ngả mũ kính phục khi tái hiện lại thế giới khủng long đầy sinh động trong Jurrasic Park. Năm 2015, phần phim mới Jurrasic World kế tục di sản và thu về con số 1,67 tỉ USD cho thấy khán giả vẫn còn rất say mê thế giới mà Steven Spielberg đã tạo ra.
Bên cạnh những phim giải trí với kinh phí lớn, Steven Spielberg còn chứng tỏ tài năng kiệt xuất bằng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. The Color Purple (1985), Saving Private Ryan (1998), Munich (2005), Bridge of Spies (2015)... là góc nhìn của Steven về những vấn đề nhân loại như nạn diệt chủng, chế độ nô lệ, quyền công dân, chiến tranh và nạn khủng bố.
"Schindler's List" (Bản Danh Sách của Schindlert, 1993) là tác phẩm nghệ thuật thành công và đáng nhớ nhất của Steven Spielberg.
Trong đó, bộ phim kể về hành trình giải cứu người Do Thái của nhà công nghiệp Oskar Schindler - Schindler's List (1993) là tác phẩm duy nhất của ông từng mang về tượng vàng Oscar Phim hay nhất. Năm 1999, phim được Viện phim Mỹ xếp vào danh sách 10 tác phẩm vĩ đại nhất của điện ảnh Mỹ.
Khi lần đầu tiên xem phim Godfather vào năm 1972, Steven đã nghĩ: "Tôi có cảm giác muốn bỏ nghề, không thể tiếp tục làm đạo diễn nữa vì tôi sẽ không bao giờ đạt đến trình độ ấy được."
Nhưng thời gian trôi qua, bản thân Steven Spielberg đã đạt được tầm vóc mà ít đạo diễn nào có thể bắt kịp. Bên cạnh sự nghiệp đạo diễn, ông còn là nhà sản xuất rất "mát tay" cho nhiều tác phẩm đình đám, có doanh thu lớn (như Transformers, Men in Black...). Ông còn là một trong những nhà sáng lập của hãng phim DreamWorks.
Cặp đôi "Đạo diễn, diễn viên quốc dân" của nước Mỹ. Tom Hanks là nam diễn viên có số lần cộng tác với Steven Spielberg nhiều nhất với tất cả 5 phim và nhiều dự án sản xuất khác.
Còn đây là bộ ba "quốc dân" của Hollywood: Tom Hanks, Meryl Streep và Steven Spielberg
Steven Spielberg hiện đang là đạo diễn, nhà sản xuất quyền lực nhất thế giới. Còn Tom Hanks và Meryl Streep đều là những tượng đài diễn xuất. Cả ba từng hợp tác trong bộ phim The Post (2017).
Ở tuổi 71, Steven Spielberg vẫn tràn đầy năng lượng dành cho phim ảnh. Ông liên tục làm phim, xen kẽ mỗi năm là một tác phẩm với đối tượng khán giả khác nhau. Bridge of Spies (2015) và The Post (2017) là dòng phim chính kịch, với chủ đề về chính trị, báo chí và hướng đến mục tiêu Oscar. Còn The BFG (2016) và gần đây nhất là Ready Player One (2018) lại là những đại tiệc thị giác được Steven Spielberg thực hiện với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ CGI.
Trailer phim "Ready Player One" (Ready Player One: Đấu Trường Ảo)
Ready Player One được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết cùng tên, với bối cảnh về công nghệ thực tế ảo tên OASIS đã mê hoặc con người. Bên cạnh sự hứa hẹn về một tác phẩm giải trí có chiều sâu, phản chiếu lại cuộc sống hiện tại của chúng ta, Ready Player One còn đánh dấu sự trở lại của Steven Spielberg trong dòng phim khoa học viễn tưởng - thế mạnh đã tạo nên thành công của ông trong quá khứ.
Nhà văn J.G.Ballard (tác giả của Empire of the Sun mà Steven Spielberg từng chuyển thể) đã dành những lời kính nể cho Steven: "Không phải là đạo diễn vĩ đại nhất, nhưng là người thành công nhất".
"Mỗi tháng khi ngước nhìn bầu trời trên cao, tôi lại nghĩ về một bộ phim khác mà mình muốn thực hiện." Sau Ready Player One, Steven Spielberg sẽ lại bắt tay thực hiện thêm 3 dự án phim mới, trong đó có việc khởi động lại thương hiệu Indiana Jones. Cùng với việc tái khởi động lại những cái tên kinh điển như Jurrasic World, Indiana Jones, "đế chế thương hiệu" Steven Spielberg dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo Trí Thức Trẻ
"Ready Player One": Giấc mơ của những kẻ hoài cổ thập niên 80 được tái hiện trong đấu trường ảo Ông hoàng Steven Spielberg đã chính thức trở lại ngôi vương của mình thông qua đứa con tinh thần "Ready Player One", siêu phẩm xoay quanh hành trình giả tưởng điên rồ nhất, hoành tráng nhất mà con người từng tưởng tượng nên. Kể từ lúc công bố đoạn teaser trailer đầu tiên vào năm ngoái, Ready Player One (tựa Việt: Ready Player...