Kỹ xảo cổ lỗ sĩ’ của Tây Du Ký
Vì điều kiện công nghệ và kỹ xảo còn khá lạc hậu nên những phương pháp thô sơ lại tỏ ra khả thi hẳn, đơn cử như cách dùng cần câu hay dây câu là một ví dụ.
Tháng 2/1987, đúng ngay sau Tết âm lịch vài hôm, đoàn phim Tây Du Ký rời Bắc Kinh để thực hiện các cảnh quay cho tập 23 – Truyền nghệ Ngọc Hoa Châu (hay còn gọi là Truyền nghệ ở Ngọc Hoa châu) tại 6 địa điểm chính gồm hai tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông và các điểm như Tuyền Châu, Triệu Khánh…
Thời gian đoàn đến thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến và tìm tới danh thắng lịch sử chùa Thanh Tịnh, một công trình kiến trúc Phật giáo được xây cất từ năm 1038 Công nguyên thuộc khu tự viện Mục Tư Lâm.
Cảnh trong tập 23 – Truyền nghệ Ngọc Hoa Châu.
Đội thiết kế mỹ thuật của đoàn Tây Du Ký tận dụng khoảng không ở trong khu tự viện để tạo ra bối cảnh quay cho tập 23.
Nhờ sự khéo léo của các nhân viên mỹ thuật, cảnh thật lẫn giả được kết hợp với nhau khéo léo, tạo nên cảnh lữ quán Triệu Gia, cảnh phố thị mang phong cách khác hẳn so với văn hóa kiến trúc của người Trung Quốc, đúng như yêu cầu kịch bản cho tập Truyền nghệ Ngọc Hoa Châu. Khung cảnh này khiến khán giả biết được thầy trò Đường Tăng đã ra khỏi biên giới đất nước Trung Hoa, với những khung cảnh hoàn toàn của “nước ngoài”.
Trong lữ quán Triệu Gia có cảnh quay các thương gia, lữ khách qua đêm tại đây, trong lúc đang thay đồ chuẩn bị đi ngủ thì quần áo đều bị cuốn bay. Mọi người cuống cuồng đuổi bắt hòng lấy lại. Ngay đến vợ chồng chủ quán trọ cũng không thoát khỏi việc bị Ngộ Không “chôm” mất quần áo, khăn khố. Khung cảnh náo loạn khiến mọi người người cảm thấy hoang mang, lo lắng không hiểu có chuyện gì xảy ra.
Vì cấm các nhà tu hành trong vương quốc của mình, quốc vương và hoàng hậu đã bị Ngộ Không dùng phép thuật cạo trọc đầu.
Cảnh quay quần áo bay qua bay lại trong phim ban đầu được đạo diễn Dương Khiết chủ trương sử dụng kỹ xảo ghép hình. Tuy nhiên, để cảnh quay chân thực và sống động, tổ đạo diễn đã thay đổi kịch bản và phương pháp làm, bằng cách thực hiện cảnh này ngay tại trường quay mà không cần đợi đến khâu xử lý hậu kỳ bằng kỹ xảo ghép hình.
Để hoàn thành cảnh quay trên, đội đạo cụ đã chuẩn bị sẵn 7 – 8 chiếc cần câu có buộc sẵn dây câu. Đây được coi là một phát minh khá sáng tạo của nhân viên đoàn phim Tây Du Ký trong hoàn cảnh “cái khó ló cái khôn”. Với phương pháp này, những vật thể có thể cử động hay bay nhảy trên màn ảnh trông rất sống động, vừa tăng hiệu quả thị giác lại tránh được khâu ghép hình vừa phức tạp vừa giả tạo.
Trước khi quay, những sợi dây câu được phủ thêm một lớp chống lóa, nhờ vậy khi lên hình, khán giả khó nhận ra sợi dây khi các “vật thể bay” mà các nhân viên bên ngoài đang “câu”
Trên phim, người xem sẽ thấy quần áo, mũ mão của các nhân vật bay lượn đẹp mắt và chân thật. Hiệu quả từ cách làm trên rất thành công. Khi xem lại, mọi người trong đoàn đều tấm tắc ngợi khen phương pháp tuy “cổ lỗ sĩ” nhưng lại thành công ngoài mong đợi. Ngay đến nghệ sĩ Lý Hồng Xương và Hạng Hán, người vừa vào vai những thương gia bị lột đồ và mũ áo, khi xem lại cũng ôm bụng cười khoái trá.
Video đang HOT
Phần lớn những cảnh quay trong tập này đều vào lúc trời tối, vì vậy đoàn phim cũng phải thức trắng để hoàn thành.
“Kỹ xảo” dùng cần và dây câu cá được đoàn áp dụng ở những cảnh quay khác như dùng dây câu quấn quanh chú cá chép và nối vào tay của diễn viên nhí trong vai “tiểu Đường Tăng”. Đây là cảnh quay Đường Huyền Trang ngày bé phóng sinh cho một chú cá.
Chú cá chép được quấn sợi dây câu vào tay diễn viên nhí đế không nhảy xuống hồ khi chưa có “hiệu lệnh”.
Vì chú cá “hiếu động” và nhảy vọt xuống hồ trong khi chưa đến cảnh phóng sinh, do đó phải nhờ đến sợi dây câu để khiến chú cá phải “thuần phục”.
Một cảnh quay khác là những chú nhện khổng lồ sau khi bảy yêu nữ nhện tinh hiện nguyên hình tập 21 – Rơi nhầm Động Bàn Tơ. Để làm cho nhện có thể di chuyển, thay vì sử dụng động cơ điện hay máy móc, đoàn phim đã dùng cần và dây câu cá để khiến những mô hình nhện có thể đi lại dễ dàng.
Theo TTVN
Chuyện bi hài về Bạch Long Mã của 'Tây du ký'
Đoàn phim của đạo diễn Dương Khiết cuối cùng cũng đã có riêng một chú ngựa bạch gắn bó, cùng trải qua 5 năm để hoàn thành bộ phim với bao nỗi buồn vui lẫn những kỷ niệm để đời.
Sau khi hoàn thành tập phim Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, thời gian tháng 6, 7 và 8/1983, đoàn phim tập trung ở trường quay Bắc Kinh để tiến hành quay nội cảnh các cảnh quay trên thiên đình như Lăng Tiểu bảo điện, bàn đào viên, Nam Thiên môn...
Đến tháng 9, ê-kíp đến vùng Xilinhot ở Nội Mông để thực hiện cảnh Ngộ Không thả đàn ngựa trên thiên đình. Lúc này, Ngộ Không bị lừa giữ chức Bật Mã Ôn, sau khi phát hiện "yêu hầu" tức tối thả ngựa thiên đình chạy loạn xạ. Với cảnh quay này, điều khiến đạo diễn Dương Khiết vui không tả xiết là ở khu vực bản địa có quá nhiều ngựa, thật không bù cho thời gian ở Trương Gia Giới - "bói" cũng không có một con ngựa. Trong đám ngựa ở Nội Mông, có một cặp bạch mã, trong đó một con đẹp nhất với thân cao lớn, cơ bắp bóng lưỡng, thần thái oai phong, lông bờm mượt như tơ, không có lấy một sợi bờm nào hỗn tạp.
Dương Khiết tỏ ra thích thú với một trong hai chú ngựa bạch đẹp nhất ở Nội Mông.
Tuy nhiên, tính cách của chú ngựa này lại khá hoang dại, người thường muốn thuần cũng không phải chuyện đơn giản. Chú ngựa kia là con ngựa đầu đàn, thân mình nhỏ hơn con còn lại một chút, dáng dấp, tướng tá đều đẹp, chỉ có điều xuất hiện một vài sợi bờm tạp lẫn bên trong, còn tổng thể không có gì để chê. Chú ngựa này cũng đã chở Đường Tăng trên lưng và gắn bó trên trường ngựa mấy ngày trời. Những cảnh quay cần thiết cũng đã hoàn thành, giữa người và ngựa dần trở nên thân thiết.
Trước lúc đoàn Tây du ký rời đi, đạo diễn Dương Khiết có hỏi người trông giữ ngựa ở đây có thể cho đoàn mượn hoặc bán lại chú ngựa bạch từng quay với đoàn mấy ngày qua hay không. Người chủ ngựa thật thà chia sẻ, về đạo lý, "quân mã" là không thể mang bán, trừ trường hợp "khai trừ" ra khỏi quân đội. Tuy nhiên, nếu đoàn phim muốn dùng để quay phim, họ sẽ thưa lại chuyện với lãnh đạo. Dương Khiết dặn lại, đoàn phim đang rất cần ngựa, bà sẽ liên lạc trực tiếp với người phụ trách chính ở trang trại, hy vọng sẽ nhận được sự chấp thuận.
Sau khi trở về Bắc Kinh, đạo diễn Dương đề xuất phòng sản xuất phim truyền hình của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc về việc cần mua một chú ngựa bạch cho đoàn Tây du ký. Bà không nghĩ yêu cầu trên lại bị hai lãnh đạo ra sức phản đối. Họ đưa ra không biết bao nhiêu lý do, nào là thêm một con ngựa là lại phải chi thêm hàng mấy chục ngàn tệ. Hơn nữa, mỗi lần di chuyển lại phải dùng đến xe chở ngựa, phải cắt cử cả nhân viên chăm sóc. Điều này sẽ càng làm tăng thêm rắc rối và phiền phức...
Chú ngựa bạch đã gắn bó với đoàn phim 5 năm trời, cùng bao kỷ niệm buồn vui.
Về phía Dương Khiết, bà vẫn kiên quyết phải mua một con ngựa bạch cho đoàn toàn quyền sử dụng trong mọi trường hợp mà không bị động. Bà trình bày những tình huống phiền phức và khốn khổ khi không có ngựa riêng.
Ngoài ra, mỗi lần quay một nơi lại là một con ngựa khác nhau, điều này vô hình chung làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nghệ thuật của bộ phim nói chung. Thêm vào đó, kinh phí cho một con ngựa cũng không quá lớn so với việc mất thời gian và tiền bạc lẫn công sức khi mỗi lần di chuyển lại phải tìm một con ngựa để quay.
Hai bên tranh luận khá gay gắt, ai nấy mặt đỏ tía tai, không ai chịu phục ai. Dương Khiết biết không thể đôi co với hai vị lãnh đạo của phòng ban nên chỉ còn cách đề xuất trực tiếp lên lãnh đạo của đài, vì việc mua một con ngựa bạch cho đoàn là điều không thể không làm trong lúc này. Ngay khi nhận được báo cáo của đạo diễn Dương, lãnh đạo đài lập tức phê chuẩn và đồng thời cấp kinh phí cho phép đoàn Tây du ký mua một chú ngựa bạch, phục vụ cho việc thực hiện bộ phim.
Với yêu cầu nhanh chóng được chấp thuận, Dương Khiết liền liên lạc với người phụ trách trang trại ngựa ở Nội Mông để có thể mua chú ngựa bạch lần trước từng tham gia đóng phim với đoàn. Nào ngờ phía trại ngựa đã tiến hành khai trừ "quân tịch" của chú ngựa bạch mà Dương Khiết từng nhắm đến lần trước, chỉ còn đợi bà đến đưa đi. Việc giao dịch chú ngựa chỉ hết 800 NDT (2,7 triệu đồng).
Chú ngựa bạch được xem như đồ đệ thứ 4 của Đường Tăng.
Chỉ sau vài ngày, đồ đệ thứ tư của Đường Tăng đã chính thức về với đoàn Tây du ký. Chú ngựa từ khi vào đoàn đã cống hiến và phục vụ hết mình, làm tròn trách nhiệm cùng thầy trò Đường Tăng hoàn thành nhiệm vụ đi thỉnh kinh. Gia nhập đoàn khi 4 tuổi, chú ngựa này đã cùng đoàn phim đi khắp đất nước Trung Quốc, trèo đèo lội suối, trải bao gian nan vất vả. Tổng cộng thời gian nó gắn bó với đoàn phim là 5 năm.
Trong ê-kíp có 2 nhân viên chuyên trách chăm sóc cho chú ngựa bạch. Nhiều lần, ngựa và đạo cụ, phục trang của đoàn được xếp cùng một khoang khi di chuyển bằng tàu hỏa trong những chặng đường dài. Ngoài ra, hai nhân viên trông coi ngựa cũng phải ngồi chung toa với chú ngựa bạch của đoàn. Những đoạn đường ngắn, ngựa lại được chuyển sang chở bằng xe tải, tất nhiên vẫn được xếp chung cùng với đạo cụ và phục trang.
Nhân viên chăm sóc và trông giữ ngựa là những người hết sức tận tụy, không kể ngày đêm họ đều phải chăm cho ngựa ăn đầy đủ. Nhờ có sự chăm sóc chu đáo của hai nhân viên này, chú ngựa bạch từ khi về đoàn đã trở nên béo tốt, lông bóng lượt, trông càng có thần thái, thật xứng với một chú Bạch Long Mã mà đoàn phim đang cần.
Vương Bá Chiêu được chọn vào vai Tam Thái Tử hóa thân thành Bạch Long Mã.
Tam Thái Tử và công chúa Long Nữ giao đấu ở Long Cung.
Hóa thân của Bạch Long Mã là Tam Thái Tử, nhân vật này hẳn phải là một anh chàng khôi ngô, tuấn tú. Diễn viên thể hiện nhân vật Tam Thái Tử được đạo diễnDương Khiết giao cho nam diễn viên Vương Bá Chiêu từ Xưởng phim điện ảnh Bắc Kinh.
Trong kịch bản có cảnh giao đấu giữa Tam Thái Tử với Ngộ Không và Long Nữ - công chúa động Bích Ba (Trương Thanh đóng), vì vậy, yêu cầu diễn viên phải biết võ thuật. Tuy nhiên Vương Bá Chiêu lại không biết võ. Đạo diễn trước khi tiến hành quay đã gợi ý cho anh dùng diễn viên đóng thế hay tự mình thể hiện cảnh võ thuật. Tuy nhiên, anh mong muốn được tự thể hiện cảnh hành động, đồng thời anh sẽ dành thời gian học thêm võ nghệ chứ không muốn sử dụng người đóng thế.
Thế nhưng đạo diễn Dương cảm thấy hồ nghi, chỉ còn vài ngày nữa là khởi quay, làm sao Bá Chiêu có thể học võ cho kịp? Bà nghĩ chắc chắn sẽ phải dùng đến diễn viên đóng thế. Trái với suy nghĩ của bà, anh không quản vất vả, tập luyện võ nghệ ngày đêm cùng chỉ đạo võ thuật của đoàn là Lâm Chí Khiêm. Tinh thần làm việc của anh khiến đạo diễn Dương thực sự khâm phục. Trong quá trình tập luyện, dù có bị ngã hay lăn lộn đau đớn đến đâu, anh vẫn nhất quyết học cho bằng được những đường võ sẽ sử dụng cho cảnh quay sắp tới.
Vương Bá Chiêu đã hoàn thành tốt cảnh quay giao đấu với Ngộ Không mặc dù trước đó vài ngày anh không hề biết võ thuật.
Đến ngày quay cảnh của Bá Chiêu, quả nhiên anh đã làm Dương Khiết hài lòng với đường võ hết sức thuần thục và điêu luyện. Nữ đạo diễn nói với Lâm Chí Khiêm khi có ý khen ngợi tinh thần dạy và học của hai người, nhờ có sự tận tụy và quyết tâm đó mà đoàn phim đã nhanh chóng hoàn thành cảnh quay mà không phải làm lại nhiều.
Sau khi Tam Thái Tử hóa thân thành Bạch Long Mã, cũng coi như vai diễn của Vương Bá Chiêu đã gần như hoàn thành. Cảnh quay cuối của Bá Chiêu phải đến tháng 1/1985 mới quay tiếp. Dương Khiết cho mời anh đến lễ đường của Nhà hát Nghệ thuật Quân đội Bắc Kinh, thực hiện cảnh quay đoạt lại bảo vật dưới long cung trong tập 18 - Quét tháp biện kỳ oan.
Vì không tìm được Vương Bá Chiêu, đoàn phim phải để cho chú ngựa kiêm luôn vai diễn của người thông qua cuộc trò chuyện với Bát Giới.
Tháng 4/1985, khi đoàn phim đến chùa Huyện Hoa ở Kôn Minh, có cảnh Bạch Long Mã cứu Đường Tăng trong tập 11 - Cầu viện Mỹ Hầu Vương, cảnh này cần đến hiện hình của Tam Thái Tử. Thế nhưng, khi đoàn liên hệ đến đơn vị của Bá Chiêu không được, gọi điện đến đơn vị của anh nhưng không có ai nhấc máy. Thời đó còn chưa có di động. Đạo diễn Dương Khiết bèn nghĩ ra cách, để chính chú ngựa bạch thể hiện cảnh diễn này. Nhân vật Trư Bát Giới sẽ có màn đối thoại với Bạch Long Mã.
Khi quay, Mã Đức Hoa (Trư Bát Giới) cố gắng nói to, trong khi nhân viên ghi hình sẽ ghi lại toàn bộ động tác, phản ứng của chú ngựa. Sau đó khâu biên tập sẽ lồng thêm tiếng vào, thử xem hiệu quả có thực sự như ý đồ của đạo diễn Dương hay không.
Để quay những hình ảnh của chú ngựa bạch, đoàn phim đã phải mất cả đêm để ghi lại toàn bộ động tác của ngựa, từ đó về lọc những hành động nào hợp với lời thoại sẽ được lấy ra ghép lại với nhau. Kết quả đúng như Dương Khiết đã tính toán, hành động của chú ngựa bạch sau khi qua biên tập tỏ ra rất khớp với lời thoại lồng vào, y như đang đối thoại với Mã Đức Hoa vậy, từ động tác gật đầu, lắc đầu cho đến cắn vào vạt áo của Bát Giới... đều hết sức tự nhiên.
Theo Khám phá
Diễn viên 'Tây du ký' bị cấm chạy show Để đảm bảo tiến độ quay, đạo diễn Dương Khiết đã ra "thiết quân luật" đối với các diễn viên đoàn "Tây du ký", không ai được phép "bắt cá hai tay" trong suốt nhiều năm liền. Thời gian đoàn phim Tây du ký từ lúc khởi quay cho đến khi hoàn thành không phải là trong một chốc một lát là xong....