Kỳ vọng và thách thức đối với tân Thủ tướng Thái Lan
Dư luận Thái Lan cho rằng, quyền lực càng cao thì sự kỳ vọng và thách thức càng lớn đối với tân Thủ tướng Prayuth Chan-ocha
Với việc vừa được bầu làm Thủ tướng lâm thời, Đại tướng Prayuth, người đứng đầu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia và là Tư lệnh Lục quân Thái Lan, đã trở thành nhân vật có quyền lực nhất của chính trường Thái Lan hiện nay.
Theo báo chí Thái Lan ngày 22/8, dư luận chính giới và xã hội Thái Lan bày tỏ hy vọng tân Thủ tướng Prayuth sẽ tiếp tục phát huy được vai trò nhà lãnh đạo quyết đoán với sự hỗ trợ đắc lực của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia và các cơ chế chính trị liên quan để giải quyết hiệu quả những khó khăn về đời sống của nhân dân và tạo cơ sở thuận lợi cho kinh tế Thái Lan tiếp tục phát triển.
Thủ tướng lâm thời, Đại tướng Prayuth (Ảnh AP)
Video đang HOT
Dư luận cũng mong muốn tân Thủ tướng Prayuth thúc đẩy lộ trình cải cách theo đúng tiến độ trong vòng 1 năm tới và đảm bảo Thái Lan sẽ có một chế độ dân chủ hoàn thiện, phát triển bền vững hơn; đồng thời khôi phục và tăng cường sự đoàn kết, hòa giải dân tộc. Nếu đáp ứng được những kỳ vọng nêu trên, tân Thủ tướng Prayuth sẽ có vị trí xứng đáng trong lịch sử của Thái Lan và người dân nước này có thể sẽ đánh giá toàn diện, thực tế hơn về sự nghiệp chính trị của ông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh “không bình thường” của Thái Lan, các mâu thuẫn chính trị ở nước này vẫn chưa được giải quyết, thì tân Thủ tướng lâm thời Prayuth sẽ phải gánh vác những trọng trách to lớn và phải đối mặt với nhiều trở ngại, thách thức.
Theo một số nhà chính trị, học giả và nhà kinh doanh hàng đầu của Thái Lan, công việc quan trọng đầu tiên của tân Thủ tướng Prayuth là phải lập ra một Nội các lâm thời đủ năng lực và uy tín.
Do đó, sự bất cập, quá tải của Chính phủ lâm thời có thể xảy ra, nếu các thành viên Nội các đa số là những tướng lĩnh quân đội hay là những nhân vật được coi là thân tín của tân Thủ tướng Prayuth trong khi lại thiếu những chuyên gia hàng đầu; đồng thời Chính phủ lâm thời không huy động, tập hợp được sự ủng hộ và đóng góp ý kiến của người dân và giới công chức.
Trong lĩnh vực kinh tế, tân Thủ tướng Prayuth và Chính phủ lâm thời sẽ phải khẩn trương giải quyết một số vấn đề quan trọng, cấp bách như: Khắc phục tình trạng giá cả nông sản đang sụt giảm, đảm bảo cho nông dân Thái Lan có thu nhập và điều kiện sản xuất ổn định. Chính phủ phải thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường sức mua của người tiêu dùng; khôi phục lòng tin của giới kinh doanh để tạo thuận lợi cho kinh tế phát triển.
Trong bối cảnh một số chính đảng lớn như đảng Vì nước Thái, đảng Dân chủ không tham gia Hội đồng cải cách quốc gia, nếu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia vẫn duy trì thiết quân luật và hạn chế sự phản biện của xã hội, thì điều này sẽ có thể dẫn tới nguy cơ tiến trình cải cách bị chệch hướng, không giải quyết được các mâu thuẫn chính trị và không đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích của đa số nhân dân Thái Lan. Đây có thể sẽ là thách thức lớn nhất đối với tân Thủ tướng Prayuth./.
Theo VOV
Thái Lan có Thủ tướng lâm thời: Bước vào quỹ đạo mới
Thái Lan đã đạt được một bước tiến quan trọng trong tiến trình ổn định đất nước, ngày 21-8, Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA - tức Quốc hội) đã bầu Tư lệnh Lục quân, tướng Prayuth Chan-ocha làm Thủ tướng lâm thời. Với việc giành được 191 phiếu ủng hộ trong số 194 nghị sĩ có mặt, tướng Chan-ocha trở thành Thủ tướng và chắc chắn Thái Lan sẽ có Chính phủ lâm thời trong vài tuần tới.
Tướng Prayuth Chan-ocha đã được bầu làm Thủ tướng lâm thời Thái Lan.
Việc lựa chọn ông Prayuth làm Thủ tướng thứ 29 của Thái Lan không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích khi vị tướng 60 tuổi này là ứng cử viên duy nhất. Trong bối cảnh người dân đất nước Chùa vàng đã quá mệt mỏi với những cuộc biểu tình đường phố, việc lựa chọn một thủ tướng lâm thời được xem là cần thiết nhằm ổn định tình hình an ninh sau đảo chính. Vì thế, cuộc bầu chọn cũng diễn ra nhanh chóng, và không có bất kỳ tiếng nói phản đối nào ngoài việc ba vị chủ tọa là Chủ tịch NLA và hai phó chủ tịch không tham gia bỏ phiếu. Kết quả trên không bất ngờ bởi trong các cuộc thăm dò dư luận trước khi bầu chọn, ông Chan-ocha luôn giành được sự ủng hộ của người dân, giới quân sự và cả một số nhân vật đối lập. Tất cả đều có chung một quan điểm rằng, không ai khác ngoài ông Chan-ocha là người thích hợp để lãnh đạo Chính phủ lâm thời Thái Lan trong môi trường chính trị hiện nay.
Kết quả cuộc bầu chọn (ông Chan-ocha làm Thủ tướng lâm thời) sẽ được chuyển lên Nhà vua Bhumibol Adulyadej để phê chuẩn. Sau đó ông Chan-ocha sẽ tiến hành lựa chọn một nội các gồm 35 thành viên để đưa chính phủ tạm quyền đi vào hoạt động từ đầu tháng 9 này. Tuy vậy, ông Chan-ocha vẫn nắm giữ vị trí người đứng đầu Hội đồng Gìn giữ trật tự và hòa bình quốc gia (NCPO) - cơ quan quyền lực cao nhất của lực lượng làm đảo chính. Do hiến pháp tạm thời không cấm người đứng đầu cơ quan này làm thủ tướng lâm thời nên việc ngồi vào chiếc "ghế nóng" của tướng Chan-ocha không bị coi là vi hiến.
Sự kiện tướng Chan-ocha được bầu làm Thủ tướng nhằm đẩy nhanh tiến trình thành lập Chính phủ lâm thời là một trong những bước đi quan trọng trong bước 2 của lộ trình cải cách 3 bước mà lực lượng tiến hành đảo chính đã cam kết. Sau khi Thái Lan có bản hiến pháp tạm thời ngày 22-7, tiếp đó ngày 31-7 thành lập NLA lâm thời và việc bầu Thủ tướng lâm thời đã được hoàn tất, quân đội nhanh chóng hình thành các thiết chế của một nhà nước sau đảo chính - sớm hơn dự kiến - phần nào đã xoa dịu những lo ngại của lực lượng đối lập về việc quân đội kéo dài thời gian quản lý đất nước. Dù tình trạng thiết quân luật được ban bố từ ngày 20-5 vẫn còn hiệu lực, song với việc Chính phủ lâm thời được thành lập sẽ là nền tảng quan trọng để ổn định chính trường Thái Lan.
Ba tháng sau khi tiến hành đảo chính quân sự, tướng Chan-ocha đã thay bộ đồng phục quân đội bằng bộ đồ dân sự để tiếp nhận vị trí Thủ tướng lâm thời. Thế nhưng, chặng đường một năm chuyển tiếp, trước khi thực hiện cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 10-2015, vẫn còn không ít thách thức. Trong đó làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu cải cách, khôi phục dân chủ và hòa hợp dân tộc cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ lâm thời.
Giới phân tích nhận định rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có phần sáng hơn và bất ổn chính trị giảm bớt sau khi quân đội nắm quyền điều hành đất nước. Song nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại, trong đó phải kể tới gánh nợ của các hộ gia đình ở mức cao. Ủy ban Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDB) mới đây cho biết, với nhịp độ tăng trưởng 0,9% trong quý II-2014, kinh tế Thái Lan đã tránh được suy thoái trong gang tấc sau khi tăng trưởng âm (-1,9%) trong quý I-2014.
Tuy nhiên, NESDB dự báo, kinh tế nước này chỉ sẽ tăng trưởng ở mức 1,5-2% trong năm 2014, thấp hơn so với dự báo tăng 1,5-2,5% trước đó. Ủy ban này nhận định rằng, những biến động chính trị trong 5 tháng đầu năm 2014 sẽ kéo nền kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng trong cả năm 2014, trong bối cảnh lĩnh vực ô tô và du lịch vẫn tăng ì ạch; số du khách đến Thái Lan trong 7 tháng đầu năm nay đã giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 13,62 triệu lượt du khách. Liệu tình hình Thái Lan sắp tới có đi vào quỹ đạo ổn định để phát triển như mong muốn hay không là câu hỏi mà nhiều người dân đang trông đợi ở nhà lãnh đạo Chan-ocha.
Theo Hà Nội Mới
Quốc vương Thái Lan phê chuẩn lãnh đạo đảo chính làm thủ tướng Lãnh đạo đảo chính ở Thái Lan đã chính thức được Quốc vương đáng kính của nước này hôm nay phê chuẩn làm thủ tướng. Tướng Prayut quỳ lạy trước chân dung Quốc vương Thái Lan trong buổi lễ nhận chỉ thị của Quốc vương ngày 25/8. Tư lệnh lục quân Prayut Chan-O-Cha, 60 tuổi, đã lật đổ chính phủ được bầu của...