Kỳ vọng từ ca cấy ghép thận lợn sang người đầu tiên
Các bác sĩ ngày 21/3 thông báo họ đã thực hiện ca ghép thận biến đổi gien đầu tiên từ lợn sang người còn đang sống.
Y tá Melissa Mattola-Kiatos lấy thận lợn ra khỏi hộp để chuẩn bị cho ca cấy ghép. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Massachusetts
Theo đài CNN, ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng đồng hồ được thực hiện vào hôm 16/3 tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts. Đây cũng là bệnh viện thực hiện ca ghép thận đầu tiên trên thế giới vào năm 1954.
Bệnh nhân Rick Slayman (62 tuổi) trước đó bị chẩn đoán mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Ông đang hồi phục tốt và dự kiến sớm xuất viện.
Trong một thông báo ngày 21/3, các bác sĩ cho biết họ đánh giá quả thận mới của ông Slayman có thể hoạt động tốt trong nhiều năm, nhưng cũng thừa nhận còn nhiều điều chưa thể lường trước được trong việc cấy ghép nội tạng từ động vật sang người.
Ông Slayman là bệnh nhân trong chương trình cấy ghép của bệnh viện trong 11 năm. Trước đó, ông đã được ghép một quả thận người vào năm 2018 khi đang có bệnh nền tiểu đường và huyết áp cao. Tuy nhiên, chức năng của quả thận mới có xu hướng bị suy giảm trong 5 năm tiếp theo, buộc ông Slayman phải chạy thận trở lại vào năm 2023.
Năm ngoái, ông Slayman được chẩn đoán mắc bệnh thận giai đoạn cuối và các bác sĩ đã khuyên ông nên thử dùng thận lợn.
“Với tôi, cách đó không chỉ giúp tôi mà còn mang lại hy vọng cho hàng nghìn người cần cấy ghép để sống sót”, ông Slayman chia sẻ.
Giới y học đánh giá ca phẫu thuật cấy ghép hôm 16/3 đánh dấu một cột mốc quan trọng về mặt y học.
Tiến sĩ Parsia Vagefi, trưởng khoa phẫu thuật cấy ghép tại Trung tâm Y tế Tây Nam UT ở Dallas cho biết: “Cuối cùng thì điều này đã thành hiện thực sau nhiều năm làm việc và hợp tác. Thực sự là một bước tiến lớn và là thời điểm tuyệt vời cho việc cấy ghép”.
Video đang HOT
Tiến sĩ Tatsuo Kawai, Giám đốc Trung tâm Dung nạp Cấy ghép Lâm sàng Legorreta đồng thời bác sĩ phẫu thuật thực hiện ca phẫu thuật, cho biết thận lợn có kích thước giống hệt thận người.
Khi đội cấy ghép khâu thận lợn vào cơ thể của ông Slayman, các mạch máu được nối lại và quả thận ngay lập tức “hồng trở lại và bắt đầu tiết nước tiểu”.
“Đó thực sự là quả thận đẹp nhất mà tôi từng thấy”, bác sĩ Kawai – một trong 15 người tham gia ca mổ – nói trong cuộc họp báo.
Hiện tại, nhu cầu về nội tạng cấy ghép đang vượt xa số lượng hiện có. Mỗi ngày, có 17 người ở Mỹ qua đời trong khi chờ nội tạng cấy ghép. Thận là nội tạng có nguồn cung ít nhất. Theo Mạng lưới Mua bán và Cấy ghép Nội tạng, trong năm 2023, khoảng 27.000 quả thận đã được cấy ghép ở nước này nhưng vẫn còn gần 89.000 người vẫn nằm trong danh sách chờ.
Các chuyên gia cho biết xenotransplants (tạm dịch là “cấy ghép dị chủng”) – một thuật ngữ chỉ hành động cấy ghép nội tạng từ động vật vào người – đóng vai trò rất quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu nội tạng cho người bệnh hiện nay.
Tiến sĩ Winfred Williams, Phó trưởng khoa Thận Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết: “Đây cũng có thể là một bước đột phá tiềm năng trong việc giải quyết một trong những vấn đề khó khăn nhất mà chúng ta gặp phải. Đó là cơ hội giúp bệnh nhân thuộc nhóm dân tộc thiểu số được bình đẳng có thể ghép thận”.
Đây là ca cấy ghép nội tạng lợn thứ ba vào người sống. Hai ca đầu tiên là ghép tim lợn cho người còn sống. Cả hai bệnh nhân đều mất vài tuần sau khi được nhận nội tạng.
Các nhà nghiên cứu nhận định mặc dù ca phẫu thuật mới nhất đánh dấu bước tiến quan trọng, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn. Lý tưởng nhất là một nghiên cứu lớn được thực hiện tại nhiều bệnh viện để hiểu rõ hơn về hiệu quả của việc cấy ghép thận lợn.
Theo Tiến sĩ Leonardo Riella – Giám đốc Y tế ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, phương pháp cấy ghép dị chủng rất có ý nghĩa đối với những bệnh nhân như ông Slayman, người gặp khó khăn lớn trong quá trình lọc máu. Bệnh mạch máu, tiểu đường và huyết áp cao khiến bệnh nhân dễ gặp tình trạng đông máu trong quá trình chạy thận và khiến việc điều trị trở nên phức tạp. Để loại bỏ các cục máu đông, ông Slayman phải trải qua từ 3- đến 40 thủ thuật để điều trị.
“Có lúc, ông ấy nói không nghĩ mình sẽ tiếp tục”, Tiến sĩ Williams nói và cho biết vào thời điểm đó, ông bắt đầu tìm hiểu những phương án khác thường và nảy ra ý tưởng sử dụng nội tạng lợn cho ông Slayman.
Các bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts thực hiện ca ghép thận lợn biến đổi gien cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Massachusetts
Cột mốc quan trọng dần hình thành
Phần thận được cấy ghép thuộc về một con lợn đã được công ty eGenesis Bio biến đổi gien để tương thích hơn với con người. Các công ty khác cũng đang nghiên cứu để tạo ra các mô và nội tạng lợn phù hợp cho việc cấy ghép dị chủng.
Từ những năm 1600, các nhà khoa học đã thử nghiệm lấy máu và da từ loài động vật này để sử dụng cho con người.
Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù thận lợn rất giống với thận của con người, nhưng việc tìm ra cách ngăn hệ thống miễn dịch của con người đào thải chúng không phải là điều dễ dàng.
Tiến sĩ Joren Madsen, Giám đốc Trung tâm Cấy ghép Tổng quát, cho hay: “Hệ thống miễn dịch của con người phản ứng cực kỳ dữ dội với nội tạng của lợn, nhiều hơn so với nội tạng của người”. Ông Madsen chỉ ra nếu người được cấy ghép thận lợn sử dụng thuốc để ngăn đào thải tương tự như thuốc cho bệnh nhân được cấy ghép thận người, phần nội tạng lợn thêm mới sẽ bị đào thải và chuyển sang màu đen sau vài phút.
Ca phẫu thuật mới nhất đã đạt được ba tiến bộ quan trọng và cuối cùng đã biến việc cấy ghép dị chủng trở thành hiện thực.
Đầu tiên, eGenesis sử dụng công nghệ CRISPR-Cas9 để thực hiện 69 chỉnh sửa chính xác đối với ADN của lợn để ngăn cơ thể con người nhận ra thận lợn là vật thể lạ và đài thải. Họ đã loại bỏ 3 gien quy định thường biểu hiện trên bề mặt tế bào lợn mà kháng thể của con người có thể nhận ra và tấn công. Họ cũng sử dụng phương pháp chỉnh sửa gien để vô hiệu hóa các retrovirus của lợn có thể được kích hoạt và lây nhiễm sang người.
Thứ hai, các công ty dược phẩm có thể tạo ra các kháng thể đơn dòng đặc biệt được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn đào thải nội tạng lợn.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã có thể thử nghiệm nội tạng lợn trên mô hình động vật không phải con người để phát triển các quy trình tốt nhất nhằm áp dụng công nghệ này cho con người.
Tiến sĩ Michael Curtis, Giám đốc điều hành eGenesis, bày tỏ: “Quá trình thành công này là dấu hiệu dự báo cho một kỷ nguyên mới trong y học. Trong đó, chúng tôi xóa bỏ rào cản về nguồn cung nội tạng cấy ghép và hiện thực hóa mục tiêu không có bệnh nhân nào phải bỏ mạng trong khi chờ đợi cấy ghép nội tạng”.
Xâm nhập ngành công nghiệp chờ đợi sự tái sinh sau cái chết
Trên khắp thế giới có một số công ty đông lạnh xác hoạt động. Với sự phát triển của công nghệ và kinh tế, nhu cầu đông lạnh xác đang ngày càng gia tăng.
Những thùng chứa chuyên dụng thi thể được bảo quản lạnh. Ảnh: Vice
Việc bảo quản toàn bộ cơ thể có chi phí 220.000 USD trong khi lựa chọn chỉ bảo quản bộ não có giá vào khoảng 80.000 USD. Hầu hết nhân vật tham gia thanh toán bằng bảo hiểm nhân thọ của họ. Một số thậm chí còn lựa chọn đông lạnh vật nuôi. Người đầu tiên được đông lạnh xác chờ "hồi sinh" là giáo sư tâm lý học người Mỹ James Bedford vào năm 1966.
Alcor Life Extension Foundation là công ty nổi tiếng và lâu đời nhất trong lĩnh vực này. Công ty lớn khác, The Cryonics Institute, có 2.180 thành viên trên toàn thế giới, còn có nhiều công ty nhỏ hơn ở châu Âu, Trung Quốc và Nga.
Alcor có 224 bệnh nhân được bảo quản lạnh tại cơ sở hiện đại ở Scottsdale, Arizona (Mỹ) và 1.418 khách hàng đã đăng ký bảo quản lạnh sau khi họ chết. Gần đây, tỷ phú Peter Thiel, nhà sáng lập PayPal, cho biết ông đã đăng ký đông lạnh sau khi chết.
Tỷ phú Peter Thiel. Ảnh: Getty Images
Các công ty khác đưa ra mức giá rẻ hơn Alcor, nhưng các gói của họ thường không bao gồm dịch vụ với đội y tế dự phòng xuất hiện và bắt đầu quá trình đông lạnh xác cho khách hàng ngay sau khi họ sang thế giới bên kia.
Máu của người chết được thay thế bằng chất bảo vệ đông lạnh, giúp giảm nguy cơ hình thành tinh thể băng. Thi thể sau đó được hạ nhiệt dần dần và bảo quản ở mức nhiệt -196 độ C trong các thùng chứa chuyên dụng chứa đầy nitơ lỏng, ngăn thi thể phân hủy. Các thi thể sau đó sẽ được bảo quản vô thời hạn cho đến khi khoa học tiến bộ đến mức có thể hồi sinh họ.
Đầu năm nay, các nhà khoa học tại Đại học Minnesota đã rã đông thành công nội tạng chuột và cấy ghép chúng lần đầu tiên trong lịch sử. Ngành công nghiệp đông lạnh dựa trên giả định rằng một ngày nào đó cái chết có thể đảo ngược. Tuy nhiên, nó không chỉ dừng ở khả năng khiến mọi người sống lại mà còn phải tìm ra phương thức chữa khỏi nguyên nhân gây ra cái chết, cho dù đó là ung thư, tuổi già...
Ý tưởng đưa con người trở lại cuộc sống kèm theo nhiều băn khoăn về pháp lý, đạo đức và triết học. Ví dụ, khi một người sống lại, liệu họ có giữ nguyên danh tính và mã số định danh không? Những người hoài nghi còn cho rằng ngay cả khi việc hồi sinh được hiện thực hóa, sẽ rất khó để con người thức dậy hàng trăm hoặc hàng nghìn năm trong tương lai rồi cố gắng hòa nhập vào một thế giới mới mà họ không hiểu.
Bên cạnh việc đặt nhiều niềm tin vào khoa học, nhân viên của công ty đông lạnh xác còn tin tưởng vào thực tế rằng doanh nghiệp chủ quản sẽ vẫn tồn tại hàng trăm năm nữa. Alcor bảo vệ tương lai của mình thông qua Patient Care Trust, hoạt động như một thực thể riêng biệt để quản lý và bảo vệ nguồn vốn cho khách hàng. Có quy định rất nghiêm ngặt về quản lý tiền, bao gồm việc cho phép rút không quá 2% mỗi năm.
Bệnh nhân thứ 2 trên thế giới được cấy ghép tim lợn Các chuyên gia tại Trung tâm Y khoa Đại học Maryland (bang Maryland, Mỹ) vừa tiến hành thành công ca phẫu thuật thứ 2 về ghép tim lợn trên người. Bộ phận được cấy ghép là quả tim lợn được can thiệp gien Trung tâm Y khoa Đại học Maryland Hãng AFP ngày 24.9 đưa tin một người đàn ông 58 tuổi vừa...