Kỳ vọng thượng đỉnh 3 bên Mỹ – Hàn – Triều
Hội nghị thượng đỉnh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên vào hôm nay sẽ là nền tảng quan trọng cho sự thành công của hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên trong tương lai gần và có thể mở ra khả năng tổ chức thượng đỉnh 3 bên Mỹ – Hàn – Triều.
Bà Lee Miyon, Công sứ kiêm Tổng lãnh sự Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay có cuộc gặp thượng đỉnh tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở biên giới liên Triều. Đây là lần đầu tiên trong 11 năm qua, Hàn Quốc và Triều Tiên – hiện vẫn trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật – tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Trong bối cảnh mối quan hệ liên Triều đã bị gián đoạn và xấu đi trong thời gian dài vừa qua, việc hình thành niềm tin giữa hai bên thông qua các cuộc đối thoại thẳng thắn của lãnh đạo hai phía là mục tiêu quan trọng của hội nghị này. Sự kiện sẽ là dịp để xây dựng những nấc thang đầu tiên cho việc phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cũng như phát triển quan hệ liên Triều.
“Từ năm ngoái tới nay, tình hình trên bán đảo Triều Tiên khá căng thẳng, có những lúc tưởng như bùng nổ chiến tranh. Trong bối cảnh như vậy, Tổng thống và chính phủ Hàn Quốc luôn giữ lập trường nhất quán là thuyết phục Triều Tiên vào bàn đối thoại. Bên cạnh đó, nhờ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, lần này hai miền Triều Tiên đã thống nhất tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Có thể nói, sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn và đặc biệt”, bà Lee Miyon, Công sứ kiêm Tổng lãnh sự Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, đánh giá về ý nghĩa của hội nghị.
Bà Lee Miyon nhấn mạnh, hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra tại Nhà Hòa Bình bên phần Hàn Quốc kiểm soát tại biên giới liên Triều, đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân sang lãnh thổ Hàn Quốc.
Theo bà Lee Miyon, hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc và Triều Tiên lần này gồm 3 nội dung: Trao đổi tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thiết lập nền hòa bình vĩnh cửu trên bán đảo, và phát triển quan hệ hai miền.
“Hàn Quốc hết sức mong chờ hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là cơ hội tiến tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, xây dựng nền hòa bình và phát triển quan hệ hai miền”, bà nói.
Kỳ vọng hội nghị 3 bên Mỹ – Hàn – Triều
Triều Tiên gần đây đã tuyên bố ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đóng cửa cơ sở thử hạt nhân. Bà Lee Miyon cho rằng quyết định này của Bình Nhưỡng có thể mở ra con đường hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Video đang HOT
“Quyết định đó không chỉ tác động rất tích cực đến hội đàm thượng đỉnh Hàn – Triều mà còn tạo môi trường hòa bình để có thể tiến tới hội đàm thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên”, bà Lee Miyon cho hay.
Trước đó, tại Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang tháng 2/2018, Triều Tiên đã cử đoàn vận động viên tham gia. Đại biểu hai miền có những hoạt động giao lưu tại lễ khai mạc và bế mạc. Chính phủ Hàn Quốc đã thể hiện thiện chí thông qua sự đón tiếp đoàn đại biểu Triều Tiên.
Mặc dù vậy, bà Lee Miyon cũng cho rằng còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới và con đường phía trước cũng không dễ dàng.
“Tôi hy vọng chúng ta chứng kiến hình ảnh lãnh đạo Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự hội đàm thượng đỉnh tại Bàn Môn Điếm với sự thiện chí”, bà nói.
Sau hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc – Triều Tiên vào hôm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên dự kiến cũng sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm với một nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Hội nghị thượng đỉnh Hàn – Triều sẽ là khởi đầu cho những cuộc đối thoại, hội đàm khác giữa hai miền. Sự thành công của hội nghị hôm nay cũng sẽ trở thành nền tảng quan trọng cho sự thành công của hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên trong tương lai gần.
“Chúng tôi cũng mong chờ tương lai sẽ có hội đàm 3 bên giữa Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc”, bà Lee Miyon nói.
An Bình
Theo Dantri
Khát khao ở tuổi "gần đất xa trời" của những người Triều Tiên ly tán
Hội nghị thượng đỉnh 2 miền Triều Tiên diễn ra vào tuần này dường như sẽ là cơ hội cuối cùng để những người ly tán ở 2 bên chiến tuyến được đoàn tụ với gia đình sau hàng chục năm xa cách khi họ đã ở độ tuổi "gần đất xa trời".
Một bé gái đứng ở hàng rào chia cách 2 miền Triều Tiên. (Ảnh: AFP/Getty)
Ngày 27/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp mặt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Với dư luận thế giới, đây là bước tiến quan trọng nhằm hạ nhiệt tình hình căng thẳng giữa 2 miền bán đảo. Với hàng chục nghìn bị chia cắt vì cuộc chiến hơn 60 năm trước, đây dường như là cơ hội cuối cùng để họ có thể gặp lại những người thân trong gia đình nhất là khi họ đã ở đến tuổi "gần đất xa trời", CNN đưa tin.
Thời gian dường như đã sắp cạn với những cụ ông, cụ bà năm nay đã ngoài 80, 90. Họ đã kiên trì chờ đợi hàng chục năm qua, hy vọng để rồi thất vọng.
Cụ ông Kwon Moon-kook, 87 tuổi, ly tán quê hương và gia đình gồm cha mẹ và 2 em trai từ năm 19 tuổi khi cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950. Ông Kwon chưa từng gặp lại họ trong chừng ấy năm.
"Đã có những cuộc gặp, liên lạc giữa 2 miền bán đảo trong quá khứ. Tôi đã bắt đầu thu thập quần áo định để tặng cho người thân trong gia đình sống ở Triều Tiên, nhưng rồi cuối cùng tôi cũng ném chúng đi", ông Kwon kể lại.
Câu chuyện về cuộc đời ông Kwon chỉ là một trong hàng chục ngàn câu chuyện khác, của những nạn nhân của chiến tranh, của sự chia cắt hàng chục năm.
Chưa đầy 3 tuần sau khi chiến tranh bắt đầu, chàng thanh niên 19 tuổi Kwon Moon-kook đã tham gia quân đội Triều Tiên. Sau khi trải qua khóa huấn luyện 1 tuần, ông được chỉ định vào 1 binh đoàn xe tăng có nhiệm vụ tiến công sang đất Hàn Quốc. Đó là thời điểm mà ông Kwon cận kề với cái chết, khi máy bay Mỹ đã ném bom tấn công buộc xe tăng Triều Tiên phải lùi lại.
Sau đó, ông Kwon đã quyết định đào ngũ. Sau 14 ngày đi bộ về nhà, ông đã trốn trên căn gác xép của gia đình trước khi gia nhập lực lượng Liên Hợp Quốc (LHQ) do Mỹ dẫn đầu. "Tôi nghĩ rằng lực lượng của LHQ sẽ chỉ mất từ 2 tới 3 ngày để chiến thắng Triều Tiên", ông nhớ lại, thừa nhận từng nghĩ Mỹ sẽ thắng cuộc chiến dễ dàng.
Ông nói với cha mẹ rằng sẽ gặp lại họ 1 tuần sau đó, nhưng không thể ngờ rằng đó là lần cuối cùng trong gần 70 năm ông nói chuyện với họ. Ông Kwon đã kể câu chuyện này trong hàng chục năm qua, mỗi lần kể người đàn ông lớn tuổi đều không thể kìm được nước mắt.
Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, từ năm 1988 đã có 131.447 người khai là người Triều Tiên ly tán và có khoảng hơn 73.000 người đã qua đời từ đó tới nay. Những người vẫn còn sống nay, phần nhiều đã chạm ngưỡng tuổi "xế chiều".
Những cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt
Một cuộc đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán bởi Chiến tranh Triều Tiên (Ảnh: AP)
Các chính trị gia Hàn Quốc đã từng phát biểu nhiều lần rằng thời gian để đoàn tụ các gia đình ở 2 miền Triều Tiên sắp hết. Nhưng ít ai hiểu được cảm giác đó nhiều như Tổng thống Moon Jae-in. Ông là con trai của một gia đình Triều Tiên tị nạn, những người đã chạy trốn về phía nam trong cuộc chiến năm 1950.
Ông Moon đã đi cùng mẹ tới một cuộc hội ngộ gia đình giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên vào năm 2004. Mẹ ông Moon có thể gặp lại người em gái xa cách, còn ông đã gặp lại dì ruột. Từ năm 2000 tới nay, chỉ có 20 cuộc gặp như vậy được tổ chức và chỉ thường diễn ra khi quan hệ 2 nước không căng thẳng. Mỗi cuộc gặp chỉ có khoảng 100 người từ 2 bên được lựa chọn. Cuộc gặp lần cuối được tổ chức vào năm 2015.
Những cuộc đoàn tụ thường diễn ra trong nước mắt khi 2 bên sẽ có vài ngày ở cùng nhau trước khi họ lại phải chia cắt lần 2. Riêng ông Kwon, ông thậm chí còn không dám ghi danh vào danh sách chờ cho những cuộc gặp trước đó vì lo ngại cha mẹ mình sẽ bị phạt do có con trai đào ngũ.
Hiện giờ, rất ít khả năng cha mẹ của ông còn sống, nhưng 2 cậu em trai 12 và 15 tuổi vào thời điểm ông rời khỏi nhà, có thể vẫn còn sống.
Tại Hàn Quốc, ông Kwon kết hôn với một phụ nữ Triều Tiên cũng bị ly tán với gia đình bởi chiến tranh. Ông không giấu nổi sự tự hào khi khoe bức ảnh gia đình với 4 người con và 9 đứa cháu. Nhưng với ông, không một ngày nào ông thôi nhớ tới gia đình còn lại tại Triều Tiên, gia đình ông đã lạc mất từ hàng chục năm trước.
Để thôi bớt nỗi cồn cào, ông thậm chí còn sử dụng công cụ ảnh vệ tinh của Google, sử dụng chút trí nhớ còn lại để định vị xem nhà cũ của mình ở nơi nào trên đất Triều Tiên. Ngôi nhà cũ, theo ông Kwon, nay đã bị thay thế bởi căn cứ quân sự và gần như chắc chắn gia đình ông đã không còn ở đó.
Tại Hàn Quốc, ông Kwon mua 1 căn nhà ở làng Abai ở bờ đông gần khu biên giới liên Triều. Hàng ngàn người Triều Tiên ly tán cũng mua nhà ở đó với hy vọng có thể di chuyển về quê hương dễ dàng. Nhưng họ chưa có cơ hội làm như vậy trong hàng chục năm qua.
Với những sự kiện đã chứng kiến trong đời, ông Kwon vẫn nuôi hy vọng một ngày bán đảo Triều Tiên sẽ thống nhất, dù ông cho rằng ông sẽ không thể chờ tới ngày đó.
"Tôi không phản đối hội nghị thượng đỉnh. Tôi sẽ lắng nghe những gì 2 bên nói nhưng sẽ không đặt hy vọng quá cao. Rồi sẽ có những hội nghị thứ 2, thứ 3 nhưng giờ thì tôi đã quá già rồi. Chắc hẳn sẽ không còn dấu mốc quan trọng nào xảy ra nữa trong cuộc đời của tôi", ông chia sẻ.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Việt Nam hoan nghênh thượng đỉnh liên Triều Việt Nam hoan nghênh việc Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức thượng đỉnh liên Triều để thúc đẩy đối thoại, duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Thượng đỉnh liên Triều dự kiến tổ chức ngày 27.4 tới. Ảnh: Toronto Star. Bình luận về việc Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều...