Kỳ vọng các chính sách mới với nhà giáo sẽ là đòn bẩy giúp giáo dục đi lên
Cần nhanh chóng triển khai Luật Giáo dục 2019 vào thực tiễn theo lộ trình hợp lý, để có thể điều chỉnh nền giáo dục đang trong quá trình chuyển động phát triển
Luật Giáo dục 2019 (Luật số 43/2019/QH14) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020.
Đâu là những quy định mới và nó sẽ tác động như thế nào đến giáo dục và đào tạo những năm tới, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Đỗ thơm
Phóng viên: Đại biểu đánh giá việc Quốc hội sau 3 kỳ họp đã thông qua Dự án Luật Giáo dục 2019 có ý nghĩa như thế nào với giáo dục nước nhà?
Đại biểu: Tôi cho rằng, việc Quốc hội khoá XIV thông qua Luật Giáo dục 2019 có nhiều ý nghĩa, tạo điều kiện cho giáo dục nước nhà phát triển.
Đó là việc mở rộng hành lang pháp lý nhằm tháo gỡ rào cản, khơi thông cơ chế, tạo hiệu ứng tốt cho giáo dục Việt Nam chuyển động đúng hướng trong xu thế hội nhập và phát triển.
Đó là cơ hội phát triển hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, đẩy mạnh phân luồng và liên thông nhằm đáp ứng mọi nhu cầu và tăng quyền lựa chọn cho người học, tạo điều kiện để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập suốt đời.
Đó còn là cơ hội đổi mới tư duy quản lý giáo dục và công tác quản lý của ngành, đẩy mạnh quản trị cơ sở giáo dục, tăng cường tự chủ, dân chủ gắn với trách nhiệm giải trình.
Video đang HOT
Tuy nhiên, dù kỳ vọng vào Luật Giáo dục 2019 với rất nhiều những cơ hội đang mở ra, nhưng điều quan trọng hơn là cần nhanh chóng triển khai Luật Giáo dục năm 2019 vào thực tiễn theo một lộ trình hợp lý, để có thể điều chỉnh nền giáo dục đang trong quá trình chuyển động phát triển đúng hướng trong thời gian tới.
Phóng viên: Luật Giáo dục 2019 có rất nhiều điểm mới như luật hóa chủ trương đổi mới sách giáo khoa; nâng chuẩn trình độ giáo viên; học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí; miễn học phí với học sinh diện phổ cập (giao Chính phủ về lộ trình…)…Theo bà, đâu là điểm thay đổi có ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục? Cá nhân bà dành sự quan tâm nhất với sự thay đổi nào?
Đại biểu: Tôi nghĩ rằng tất cả những điểm mới được quy định trong Luật Giáo dục lần này đều có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành giáo dục.
Hơn nữa, mục tiêu sửa đổi Luật Giáo dục là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục, Luật Giáo dục 2019 đã điều chỉnh đồng bộ các cơ chế, chính sách tác động tới hệ thống giáo dục quốc dân.
Chẳng hạn như quy định cụ thể về phân luồng, liên thông trong giáo dục sẽ làm cho hệ thống giáo dục quốc dân trở nên mạch lạc hơn, tạo thuận lợi cho người học hơn, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu của xã hội.
Quy định bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước gắn với quy định về xã hội hoá giáo dục sẽ góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục…
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không xác định được mức độ quan trọng của các yếu tố chính sách mới.
Về phía cá nhân, tôi rất hy vọng vào những chính sách liên quan tới nhà giáo, cụ thể là chính sách nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và và giảng viên đại học; quy định nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ; đối với sinh viên sư phạm, theo luật mới, được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.
Những chính sách này rất cần thiết, bởi lẽ đội ngũ giáo viên là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục.
Phóng viên: Chính sách sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí vẫn đang được xem là giải pháp để thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm. Nhưng ngay khi Luật Giáo dục 2019 được thông qua, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng khó đạt được mục tiêu trên, bà có thể chia sẻ điều gì về những băn khoăn này?
Đại biểu: Đúng là chế độ hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm cũng như việc miễn học phí như trước đây đều chỉ là giải pháp “phần ngọn”.
Thực tế những năm qua cho thấy việc miễn học phí chưa thực sự trở thành động lực khuyến khích sinh viên vào học ngành sư phạm, nhất là trong bối cảnh nhiều ngành nghề hấp dẫn hơn, lương và thu nhập bình quân của xã hội tăng cao hơn.
Trong khi đó, điều kiện làm việc cũng như chế độ lương nhà giáo quá thấp, cơ hội tìm việc làm khó khăn, cùng với đó là áp lực của bệnh thành tích, sự xuống cấp của đạo đức xã hội đã ảnh hưởng tiêu cực tới lòng yêu nghề và nhiệt huyết nhà giáo.
Đầu vào của các trường sư phạm những năm qua quá thấp thực sự là báo động đỏ về chất lượng nguồn giáo viên cho hiện tại và tương lai. Như vậy, để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, cần có giải pháp đồng bộ hơn.
Vấn đề quan trọng, gốc rễ chính là cơ hội việc làm, là điều kiện công tác và cuộc sống nhà giáo được cải thiện qua chính sách tiền lương và môi trường làm việc.
Vị thế ngành sư phạm chỉ có thể thay đổi với điều kiện việc đào tạo sư phạm thực hiện theo cơ chế đặt hàng, sau khi ra trường được bố trí công tác và nhà giáo phải sống được bằng đồng lương.
Hơn hết, hãy trả “nghề dạy học” về đúng vị trí “là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, tạo điều kiện để nhà giáo có thời gian, tâm huyết và động lực cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người!
Lúc đó mới có thể trả lời được câu hỏi bao giờ chúng ta thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.
Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
ĐỖ THƠM
Theo giaoduc.net
Hải Phòng đầu tư mạnh cho giáo dục
Hải Phòng đang hướng tới "thủ phủ" giáo dục khi đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, đãi ngộ cực lớn cho học sinh, giáo viên cũng như đầu tư xây dựng Thành phố giáo dục quốc tế tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm
Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, HĐND TP Hải Phòng khóa XV đã thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến THPT. Theo đó, trẻ mầm non và học sinh THCS, bổ túc THCS sẽ được miễn học phí từ năm học 2020-2021; từ năm học tiếp theo sẽ áp dụng với học sinh THPT và bổ túc THPT. Kinh phí thực hiện chính sách này lên đến 3.000 tỉ đồng, từ ngân sách địa phương.
Hải Phòng đang tập trung đầu tư lớn cho giáo dục. Trong ảnh: Học sinh đọc sách tại thư viện thân thiện tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền)
Cũng tại kỳ họp này, 2 nghị quyết quan trọng liên quan đến giáo dục cũng được HĐND TP Hải Phòng thông qua: Cơ chế chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và chế độ chi hỗ trợ đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn (cô nuôi) trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Cụ thể, thưởng từ 30-500 triệu đồng cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Đây cũng là mức thưởng cao nhất trong cả nước đến thời điểm này. Bên cạnh đó, TP hỗ trợ lương cô nuôi tại các trường mầm non công lập với hệ số 1,86/người/tháng theo mức lương cơ sở.
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cho biết những chính sách trên ra đời nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 29 của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (năm 2013). Khi đó, Hải Phòng đã sớm tập trung đầu tư vào nền giáo dục địa phương. 5 năm qua, học sinh TP có trên 500 giải quốc gia và trên 60 giải quốc tế. Hiện, Hải Phòng có 373 trường đạt chuẩn quốc gia.
Theo ông Lê Khắc Năm, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, đầu năm 2020, Hải Phòng dự kiến triển khai dự án Thành phố giáo dục quốc tế tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm với tổng vốn đầu tư 13.000 tỉ đồng trên diện tích gần 70 ha. Dự án có quy mô 5 trường đại học, 4 trường phổ thông. Đây là công trình lớn bậc nhất quốc gia và khu vực về giáo dục, có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển giáo dục, kinh tế của Hải Phòng nói riêng và cả khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung.
"Đây cũng sẽ là nơi thu hút học sinh, sinh viên tại Hải Phòng, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung, miền Nam và sinh viên đến từ nhiều nước... góp phần đưa Hải Phòng trở thành "thủ phủ" giáo dục quốc tế trong tương lai không xa" - ông Năm kỳ vọng. n
Bài và ảnh: TRỌNG ĐỨC
Theo nguoilaodong
Có dư luận về việc vận động trong chọn sách giáo khoa, chúng ta phải cảnh giác Nói thẳng, đổi mới sách giáo khoa không phải việc dễ. Trong giáo dục, mỗi sự thay đổi đều ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh nên không hề đơn giản. Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên...