Ký ức về những ngày đi học không bao giờ con muốn nhớ đến
Con giờ bắt đầu đi làm nhưng những ký ức về những ngày đi học phổ thông không bao giờ con muốn nhớ đến. Những tổn thương mẹ gây ra cho con chưa bao giờ phai nhạt.
Con không thể quên những ngày mới bước vào lớp 1. Tất cả những đứa trẻ ở lứa tuổi này đều vô cùng bỡ ngỡ khi thay đổi môi trường mới. Làm quen với con chữ, với chữ viết, với phép tính… đều lạ lẫm với con. Lẽ ra, mẹ là người uốn nắn con từng nét chữ. Đằng này, mẹ để mặc con loay hoay với việc tập viết và chỉ cần con viết xấu là ngay lập tức mẹ xé vớ của con. Đứa trẻ 6 tuổi là con lúc đấy chỉ biết khóc vì sợ sệt, khóc vì tủi thân.
Từ nhỏ, con đã luôn bị mẹ đối xử khắc nghiệt khi bị điểm kém. Ảnh minh họa
Học lớp 3, một trang vở của con bị bạn trong lớp cắt, thế nhưng không cần tìm hiểu, mẹ bắt con quỳ cả tối ở nhà. Lúc ấy, con ấm ức vô cùng. Tại sao mẹ lại vô lý như thế, tại sao mẹ không nghe con nói, tại sao mẹ đối xử với con khắc nghiệt như vậy?
Ngày con học lớp 4, vì ham chơi với các bạn nên con về muộn, mẹ đã thẳng tay đuổi con ra khỏi nhà lúc trời chập choạng tối. Mặc con van xin, xin lỗi, mẹ vẫn lạnh băng kéo con ra ngoài và đóng sầm cửa. Con chỉ biết gào khóc và cầu cứu nhà bác hàng xóm. Cũng may, có bác dỗ dành, cho ăn tối, con mới đỡ hoảng loạn. Chỉ đến khi bác dắt con về, mẹ mới mở cửa và lạnh lùng cho con vào nhà. Sự trừng phạt ấy đến giờ nghĩ lại, con vẫn sởn da gà.
Học lớp 8, trong một lần con cãi lại mẹ, mẹ đã trừng mắt chửi con: Mày không bằng con chó! Sự so sánh ấy khiến con vô cùng buồn tủi, chán nản, thất vọng. Suốt cả tuổi thơ của con, con đã bị mẹ so sánh với hết bạn này, bạn kia, với “con nhà người ta”. Không nói ra nhưng mẹ có biết con ghét bị so sánh thế nào không? Chả lẽ con của mẹ kém cỏi toàn tập, chẳng bằng ai trong thế giới này. Mẹ có biết, chính sự so sánh của mẹ mà khiến con tự ti, khiến con không tự tin trước mọi người xung quanh.
Vậy mà lúc đấy, mẹ còn sỉ nhục con không bằng loài vật. Có thể mẹ chỉ nói cho sướng mồm nhưng lại khiến cho đứa trẻ ở tuổi dậy thì như con tổn thương ghê gớm. Khi bắt đầu làm việc gì, con cũng sợ sệt, lo lắng. Lúc nào con cũng nghĩ rằng con làm hỏng, làm sai thì sẽ bị mẹ mắng chửi, sỉ nhục như thế nào. Và con lại co rúm, không còn chút hứng thú, nhiệt huyết nào để bắt đầu.
Video đang HOT
Có thể mẹ chỉ nói cho sướng mồm nhưng lại khiến cho đứa trẻ ở tuổi dậy thì như con tổn thương ghê gớm. Ảnh minh họa
Lên lớp 9, con bị đánh một trận “thừa sống thiếu chết” vì dám cả gan xóa điểm kém bằng bút xóa. Con không thanh minh nhưng chính vì mẹ quá áp lực điểm số khiến con nghĩ mọi cách để giấu điểm kém ấy. Con biết rõ ràng rằng, con sẽ không thoát được nếu mẹ biết con bị điểm kém. Con bị một vài điểm kém, không có nghĩa là con học dốt, con ngu si, vậy nhưng với mẹ, đó là điều không thể chấp nhận được. Mẹ từng tuyên bố: Mẹ không có đứa con bị điểm kém! Hình như mẹ quan tâm đến điểm số của con chứ đâu yêu con. Mẹ không cần biết con có khó khăn, khúc mắc gì trong học tập mà lúc nào cũng đòi hỏi con phải mang điểm giỏi về cho mẹ. Lần ấy, vì quá chán đời, lúc nào trong đầu con cũng đầy ắp những suy nghĩ tiêu cực, con đã định tự tử để chấm dứt cuộc sống của mình.
Năm cuối cấp phổ thông, lúc đó con cũng lớn hẳn rồi mà vẫn không được yên để học. Có lần, không đạt được kỳ vọng của mẹ, mẹ đã đánh và cầm dao dí vào cổ con. Lúc ấy con nghĩ, mình mà chết dưới bàn tay của mẹ thì sẽ thế nào nhỉ? Đó thực sự là cái chết tồi tệ và vô cùng thảm thương!
Mẹ à, dù con yêu mẹ nhưng con không bao giờ dám chia sẻ, tâm sự với mẹ chuyện gì. Những vết thương mà mẹ gây ra cho con vẫn chưa bao giờ lành. Con từng ước có mẹ là “bạn thân” nhưng đó chỉ là giấc mơ. Cuộc đời con luôn cô đơn vì cách mẹ đối xử với con nghiệt ngã như thế!
Theo phunuvietnam.vn
Câu chuyện về cuộc hôn nhân 10 năm giá 300 nghìn: Chúng ta sau này sẽ có tất cả, chỉ tiếc rằng không thể có nhau như 2 chữ "đã từng"
Hân cầm trên tay đống giấy tờ mà lòng chua chát, nhắn tin cho chồng: "Cuộc hôn nhân 10 năm của chúng ta có giá 300 nghìn thôi anh ạ".
Hân vừa trở về từ tòa án. Mệt mỏi, uể oải, cuộc hôn nhân này cứ dai dẳng và không biết bao giờ mới có hồi kết. Chưa bao giờ cô thèm được tự do như lúc này. Sự tự do dâng lên thành khao khát cháy bỏng, vùi dập tất thảy tình yêu đẹp đẽ suốt 10 năm qua.
Hân cất từng bước nặng nhọc về khu tập thể cũ kĩ. Nó sặc mùi ẩm mốc và ngột ngạt như cuộc hôn nhân của cô vậy. Cố lên, cô sắp thoát khỏi gông cùm rồi!
"Nộp đơn rồi à? Duyên chưa tận, đừng buông xuôi con ạ, rồi hối chẳng kịp đâu", bà hàng xóm nhoẻn cười, đưa cho Hân chìa khóa nhà mà chồng cô gửi hồi sáng.
Lòng nặng trĩu, chẳng hiểu sao cô ôm lấy bà hàng xóm, òa khóc như một đứa trẻ. Bà vỗ vai cô, chắc hẳn cùng là phụ nữ bà hiểu. Đưa Hân cốc trà nóng, bà nhìn ra một góc xa xăm từ tốn: "Cô sẽ kể cho con nghe một câu chuyện...
Ảnh minh họa
Năm ấy, có 1 cặp vợ chồng rất trẻ đến thuê nhà ở khu tập thể này. Anh chồng sửa khóa, cô vợ là giáo viên dạy nhạc, sinh ra trong 1 gia đình cơ bản. Vậy mà vì tình yêu, họ vượt mọi rào cản, bất chấp tất cả để xây dựng 'một túp lều tranh, 2 trái tim vàng'.
Ngày qua ngày, cuộc sống cơm áo gạo tiền bắt đầu mài mòn dần tình yêu của họ. Những cuộc cãi vã nổ ra, bất đồng quan điểm, kinh tế đè nặng... chồng hay cáu gắt với vợ, vợ chốc chốc lại thở dài ca thán chồng. Anh không còn muốn nghe những tiếng đàn réo rắt, du dương của vợ, cô cũng chẳng thiết ngắm những nét góc cạnh, nam tính trên gương mặt anh mỗi ngày. Cứ như thế họ dần cách xa nhau. Nhưng có 1 điều, vợ chồng ấy chưa bao giờ đòi ly hôn vì họ xác định được lý do vì sao họ bắt đầu, dấn thân vào sự lựa chọn này.
Năm thứ 20 của cuộc hôn nhân ấy, kinh tế vợ chồng cũng khá hơn, con cái trưởng thành. Vợ chồng họ thực sự được tận hưởng sự an nhàn thì ông chồng phát hiện mắc ung thư. Bác sĩ nói thời gian sống của ông không còn nhiều nữa vì vậy người thân cần chuẩn bị tinh thần. Bấy giờ vợ chồng họ cứ nhìn nhau mà khóc như chưa bao giờ được khóc. Sự đau đớn khi phải chiến đấu với bệnh tật cũng chẳng bằng những ngày quá ngắn ngủi còn lại bên nhau.
Ngày trút hơi thở cuối cùng, ông ấy nắm tay vợ hỏi: 'Tại sao em lại chấp nhận ở bên anh lâu như thế?'. Bà quệt nước mắt trả lời: 'Vì em yêu anh. Vì em biết tình yêu dài hơn hôn nhân. Nếu chúng ta có ly hôn, hôn nhân kết thúc nhưng tình yêu em dành cho anh thì không. Tình yêu không nằm ở hình thức trên tờ hôn thú mà nó ở trong trái tim mỗi người. Vì thế em vẫn muốn bên anh, cùng yêu, cùng giận, cùng nhau già đi. Đâu có hôn nhân nào là mãi mãi yên bình'.
Ông rơi nước mắt, giọt nước mắt cuối đời người chứ đựng bao yêu thương, day dứt. Tiếc rằng, thời gian yêu bà của ông đã hết rồi...".
Ảnh minh họa
Bà dừng lại, nhìn Hân đôi mắt đượm buồn: "Cặp vợ chồng ấy chính là cô chú. Sống gần hết cuộc đời này, dù tình yêu không thể trọn vẹn nhưng cô vẫn chưa bao giờ ân hận vì làm vợ chú. Các con đã đồng hành với nhau suốt 10 năm, vì nhau mà cố gắng đến ngày hôm nay. Vậy tại sao không thử đặt mình vào vị trí của nhau mà suy nghĩ, mà bao dung hơn".
Hân nghẹn ngào. Phải rồi, vợ chồng cô chưa khi nào ngồi lại với nhau mà nói chuyện tử tế. Sự im lặng ngày càng diết chết hôn nhân. Ở thời của cô đã quá quen với việc hỏng cái gì thì vứt, chứ cứ cố sửa biết có được hay không lại mất công, tốn sức hơn.
"Anh cho con đi chơi, chìa khóa anh gửi bên bà nhé, em không cần nấu cơm cho bố con anh, nghỉ ngơi đi", là tin nhắn của chồng Hân. Họ vẫn nói chuyện với nhau vậy đấy. Chẳng đay nghiến, chẳng nặng nhọc nhưng sự khách sáo và hời hợt làm cho họ ngày càng xa nhau.
Hân cầm trên tay đống giấy tờ mà lòng chua chát, nhắn tin cho chồng: "Cuộc hôn nhân 10 năm của chúng ta có giá 300 nghìn thôi anh ạ". Tin nhắn được gửi đi, Hân muốn vò nát tờ án phí trên tay. Sao sự tự do bấy lâu cô khao khát lại đau đớn đến thế này?
Hân nghĩ đến một ngày chẳng may cô hoặc anh cũng bệnh tật, cũng chỉ còn 1 tháng để sống như vợ chồng bà hàng xóm thì sẽ thế nào? Phải chăng chỉ khi người ta cận kề với ranh giới sự sống cái chết thì người ta mới biết quý trọng những gì từng có?
Tình yêu ở thời nào rồi cũng phải trải qua nhiều giai đoạn: sinh sôi nảy mầm, phát triển mạnh mẽ rồi lão hóa theo thời gian. Ngày bắt đầu thì tay trong tay anh và em sẽ bước qua cả thế giới nhưng rồi hôn nhân nghiệt ngã làm ta nhận ra đã quá dại khờ tin vào những thứ màu hồng.
Vậy đấy, sẽ chẳng có cuộc hôn nhân nào là đẹp đẽ mãi. Nhưng đừng vội buông tay khi người thứ 3 chưa xuất hiện. Vì sẽ có ngày bạn nhận ra: Chúng ta sau này sẽ có tất cả, chỉ tiếc rằng không thể có nhau như 2 chữ "đã từng".
Theo family.vn
Bầu Đức và HLV Park Hang-seo: Làm bóng đá ồn ào, nghiệt ngã lại hóa may '20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, tôi không nề hà hay quay lưng mỗi khi VFF gặp khó. Tôi hỗ trợ rất nhiều và cũng có nhiều sự chung tay góp sức âm thầm cho VFF và bóng đá Việt Nam...'. Đó là phát ngôn mới nhất của bầu Đức, nhân chuyện VFF đang xúc tiến đàm phán, gia hạn hợp đồng...