Ký ức về biển
Kết thúc kì thi cuối năm với kết quả khá tốt, tôi được ba mẹ cho phép về quê ngoại chơi nửa tháng.
Tôi khoác ba lô lên vai, đội chiếc nón kết màu lam rồi bước ra đầu đường bắt chuyến xe khách ra miền Trung. Chuyến xe chạy miệt mài gần mười tiếng đồng hồ cũng tới nơi. Miền Trung đón tôi bằng cái nóng hâm hẩm, hơi ngột ngạt và nồng mặn mùi biển. Nhà ngoại tôi nằm gần biển nên vừa đặt chân xuống xe tôi đã nghe tiếng sóng biển rì rào phía xa. Cuốc bộ trên con đường đất dẫn vào nhà ngoại, tôi thấy hai bên đường là hàng dâm bụt đỏ tươi vẫy mình trong gió, mấy đứa trẻ con nô đùa trước sân làm cho không khí nơi đây bớt buồn chán. Cũng đã khá lâu tôi chưa có dịp về thăm ngoại, về thăm những gì thân thuộc nơi đây đã từng in dấu một thời trong kí ức tuổi thơ. Lần cuối tôi đặt chân đến đây là vào cuối năm lớp mười – hôm ấy trời cũng xanh trong như thế – từ đó trở đi vì bận bịu chuyện học hành, thi cử, đi tình nguyện… làm tôi không có cơ hội trở lại.
Ngoại đón tôi bằng nụ cười hiền hậu như xưa, bằng cái ôm thắm thiết đứa cháu lâu ngày trở về. Tôi mừng là ngoại vẫn khỏe và bình an. Trưa hôm ấy, tôi ngồi quây quần ăn bữa cơm cùng mấy dì và cậu Bảy vừa mới đi biển về. Canh chua cá chỉ vàng, cá khô và rau muống luộc. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng tôi cảm thấy rất ngon miệng. Tôi kể cho mọi người nghe chuyện học tập của mình, chuyện của thành phố nơi tôi đang sống. Họ lắng nghe, gật gù rồi cười xòa. Bữa cơm trở nên vui vẻ và ấm cúng hơn.
Sáng hôm sau, tôi lang thang ra biển. Biển vắng. Tôi ngồi trên mỏm đá gần đấy đưa mắt nhìn về phía xa ngoài khơi. Tầm mắt tôi trải dài mãi đến khi mất hút giữa ranh giới trời và biển. Gió thổi rì rào qua những nhành dương. Tôi cảm nhận được vị mặn nồng của biển qua hơi nước bốc lên. Trong ánh nắng buổi ban mai phản chiếu trên mặt nước, dường như tôi thấy có một chiếc thuyền đang cưỡi sóng từ từ vào bờ. Chỉ trong thoáng chốc, chiếc thuyền đã hiện ra gần ngay trước tôi. Một người đàn ông trong bộ đồ màu nâu sẫm, bước tới mũi thuyền rồi vẫy tay với tôi. Và như một công tắc được hẹn trước, lòng tôi bỗng rộn lên cảm giác mừng vui, tôi ngỡ ngàng, có chút hoang mang. Tôi gọi lớn với giọng đầy hứng khởi:
- Cậu Út, con là Bi nè!
Người ấy không nói gì, chỉ nhoẻn miệng cười rồi biến mất hẳn trong làn sương, trả về vẻ xanh biếc của mặt biển. Tôi giật mình, sững sờ và nuối tiếc. Người đàn ông chính là cậu Út của tôi, mất cách đây đã mười năm.
Ngày còn bé, gia đình tôi còn ở chung với ngoại và mấy dì, cậu. Sau này do tính chất công việc của ba tôi nên mới chuyển vô Nam sinh sống. Cậu Út khi ấy không có vợ con, chỉ sống độc thân, lấy công việc làm niềm vui cho riêng mình. Khi ấy ngoài ba mẹ tôi thì cậu Út là người yêu thương tôi hết mực. Thứ gì cũng để dành cho tôi và cưng chiều tôi như con ruột của mình. Cậu Út thường xuyên đi biển nên lâu lâu mới ghé về nhà một lần, nhưng lần nào về cậu cũng dành thời gian ngắn ngủi ấy cho tôi, vui chơi và trò chuyện cùng tôi. Trong trí nhớ của cô nhóc là tôi khi đó, cậu Út là một người khá điển trai với làn da rám nắng ướm mùi biển, cậu hiền lành và vui tính. Tôi nghe mẹ kể lại hồi ấy cậu cũng được nhiều cô trong xóm theo đuổi nhưng cậu vẫn không chịu người nào. Tôi nhớ có lần được cậu dắt đi chơi, tôi ngu ngơ hỏi:
- Sao cậu không chịu lấy vợ?
- Cậu thích sống một mình hơn, cuộc sống gia đình nhiều khi phức tạp lắm!
Video đang HOT
- Vì sao hả cậu?
Cậu xoa đầu tôi cười khì rồi bảo:
- Khi nào con lớn lên sẽ hiểu.
Một hôm đầu tháng sáu, cậu cho tôi xem cây đậu phộng sau vườn. Những luống cây xanh mơn mởn, vươn mình lên khỏi mặt đất đón lấy ánh nắng mặt trời. Cậu chỉ tay vào chúng rồi khẽ nói:
- Nè Bi, con thấy cây đậu phộng không, khi nào cây lớn, cậu cháu mình nhổ lên rồi luộc ăn ha.
Tôi háo hức chờ đến ngày ấy, nhưng rồi, ngày ấy mãi mãi không bao giờ xảy ra. Đêm mùa hè năm đó, cậu đi biển cùng với một số người bạn thuyền cùng xóm. Sáng hôm sau, mấy bác ngư dân chạy về báo tin dữ cho nhà tôi. Chiếc thuyền của cậu Út đã bị sóng bão đánh vỡ vụn, những người trên thuyền bị nhấn chìm giữa lòng biển. Cả nhà tôi nghe tin xong thì tuyệt vọng, đau đớn. Ngoại tôi vừa nghe qua thì ngất lịm đi. Mấy dì, mấy cậu đều sợ hãi và than khóc. Riêng tôi, tôi không tin điều đó. Tôi chạy nhanh ra bờ biển, gào lên với biển cả:
- Cậu ơi… Cậu đâu rồi? Sao không về với con?!
Không ai đáp lại tôi. Tôi đứng chôn chân tại đấy, nước mắt giàn giụa. Đầu óc tôi vẫn còn nhớ như in lời cậu nói trước đêm cậu đi.
- Bi ở nhà ngoan nha, cậu đi biển bữa cuối rồi về chơi với cháu suốt hè luôn. Chịu hông?
- Dạ chịu.
- Cậu sẽ mang về mấy con sao biển, cậu mới bắt được hôm bữa còn để trên thuyền á.
- Hi hi. Cậu hứa rồi đó nghen.
Cậu đã hứa vậy mà sao cậu không thực hiện lời hứa. Cậu đi sao cậu không trở về. Mùa hè năm ấy, tôi vừa tròn mười tuổi.
Hè năm nay, tôi hai mươi tuổi, trở về ngôi nhà cũ nhưng đã không còn cậu nữa. Giữa gian nhà đơn sơ dù có mấy dì, mấy cậu và ngoại nhưng tôi vẫn thấy thật trống trải. Tôi nhớ cậu lắm. Ngồi ăn cơm nhìn mấy món ăn tôi lại thấy hình ảnh cậu đâu đây. Cậu Út đã từng nấu cho tôi ăn như thế này.
Tôi nhìn quanh, thấy biển thật mênh mông đẹp đẽ nhưng không bình lặng, biển mạnh mẽ dữ dội. Biển vừa khiến tôi yêu vừa khiến tôi sợ. Biển mang đến cho tôi nhiều thứ, nhưng cũng cướp đi của tôi những thứ quý giá nhất. Biển đã mang cậu Út của tôi đi mất…
Ngày đó biển với tôi là bạn, là người thân, là gia đình nhưng từ khi cậu Út tôi bị dòng nước ác nghiệt của biển cuốn đi thì tôi ghét biển. Vì sự kiện đau lòng đó hằn lên tâm trí của một cô nhóc mười tuổi như tôi khiến từ đó về sau kí ức về biển trong tôi là một vệt màu u thẫm và buồn bã. Tôi dường như không thể quên được sự ra đi của cậu Út mỗi khi nghĩ về biển, tôi đã khóc, khóc thật nhiều! Đôi khi tôi cảm thấy sợ hãi vô cùng trước biển, đến nỗi một thời gian tôi không hề đặt chân đến biển. Tôi sợ nếu điều đó xảy ra, kí ức đau buồn lại hiện về.
Hôm nay, tôi lại đứng trước biển. Bình minh trên biển đẹp tuyệt vời. Tôi lặng người trước vẻ đẹp ấy. Hôm nay, tôi đã có thể bình thản nhìn ngắm biển.
Theo muctim.com.vn
Quê nhà những ngày bình yên
Con lớn lên cùng những câu chuyện cổ, những đêm ngửa mặt ngắm ông Thần Nông, đàn vịt trời, và cả những cuộc phiêu lưu bắt đom đóm trong mưa...Hương mùa thu man mát, lành lạnh khiến những đêm trung thu càng đáng nhớ hơn.
Quê nhà những ngày mưa gió ấy thật yên bình. Nơi ấy không ồn ào bởi tiếng còi xe, tiếng gắt gỏng tranh đường, những bộn bề công việc hay sự kèn cựa để mưu sinh.
Mưa mát lành trong đôi mắt trong veo của đám trẻ! Còn gì vui hơn khi cùng chúng bạn nô đùa dưới mưa? Mưa đưa con về lại tuổi thơ ngỡ như chìm vào vùng cổ tích khiến con thần mặt tiếc ngẩn tiếc ngơ một điều gì đó không bao giờ trở lại. Sao mà nhớ quay quắt những tháng ngày xưa cũ ấy, những nỗi nhớ có lúc như mơ hồ nhưng có lúc lại rõ ràng như vừa mới đây thôi.
Con nhớ những sợi nhớ, sợi thương trong lời ru của mẹ. Con ước gì được rúc vào lòng mẹ với tấm áo nâu sờn, cũ kĩ, những giọt mồ hôi ấm áp tình quê hương.
Con nhớ những trưa thu yên ả, dáng mẹ gầy liêu xiêu trong tiếng hò bên triền đê lộng gió. Để rồi chỉ nhìn từ xa, con đã nhận ra hơi ấm của mẹ, con nhảy cẫng lên chạy về phía bóng dáng ấy và ôm chầm lấy mẹ. Hai mẹ con dắt tay nhau cười rúc rích và trở về nơi mái tranh nghèo sậm màu mưa nắng.
Con nhớ những ô mạ mùa thu xanh mơn mởn, dáng mẹ lưng cong xuống ruộng cày. Đám bùn nức hương gieo hy vọng để mẹ dãi gió dầm mưa nuôi chúng con.
Con nhớ khoảng sân rộng nhà bà nội, nhớ những đồi sim tím ngát hương cuối làng, nhớ cả những dòng sông êm ả, mềm mại như những dải lụa đào dịu dàng vắt qua làng êm đềm như những bài thơ. Những điều ngọt ngào nhưng lại quá xa xôi.
Con lớn lên cùng những câu chuyện cổ, những đêm ngửa mặt ngắm ông Thần Nông, đàn vịt trời, và cả những cuộc phiêu lưu bắt đom đóm trong mưa...Hương mùa thu man mát, lành lạnh khiến những đêm trung thu càng đáng nhớ hơn. Chúng con bận rộn để tự tay làm những chiếc đèn ông sao cho riêng mình. Chỉ vài thanh tre với một ngọn nến nhỏ lung linh vậy mà cũng khiến chúng con hì hục cả ngày trời. Mồ hôi lấm tấm, mệt nhưng vui. Tình bạn trong nghèo khó, khắc khổ của đám bạn chăn trâu là tình bạn không chút toan tính và trong sáng nhất đời con. Chúng con rước đèn, tùng rinh rồng rắn qua khắp làng để rồi đứa nào đứa nầy mệt nhoài người nhưng vẫn đua nhau cười nắc nẻ.
Vậy đấy, trung thu nơi làng quê cũng mộc mạc, chân chất, và thảo thơm như tấm lòng người quê. Lại một mùa trung thu nữa sắp về. Trung thu nơi đô thành dù có đủ đầy và rực rỡ đến mấy cũng không bao giờ sánh được những trung thu yên bình và ấm áp của làng quê, mẹ nhỉ? Chẳng thế mà những đứa con xa xứ chỉ biết mong chờ ngày này để tìm lối về để lại được ngắm trăng quê yên bình, được núp mình bên áo mẹ sau những mệt mỏi trong kiếp mưu sinh chốn phồn hoa đô thị.
Theo blogradio.vn
Tôi đang tìm cách trị tật ham vui của chồng Một tuần anh có khoảng 3, 4 buổi đá bóng, đá xong có một đến 2 buổi bia rượu, tầm hơn 1 1 giờ đêm về, không báo trước. Ảnh minh họa Tôi sống nghiêng về tình cảm nên ngay từ cách chọn chồng đã chọn một người yêu thương và quan tâm đến mình, không cần nhà cửa, không cần lương cao...