Ký ức thời thơ ấu nơi miền quê
Thời thơ ấu đã không còn nhưng hình ảnh con mương ngày nào vẫn còn hiện hữu theo từng năm tháng.
Mùa thu – cái mùa dở dở ương ương lúc thì nắng oi ả như thiêu như đốt khiến làn da trở nên khô ráp, lúc thì chơm chớm những cơn gió lạnh kéo theo cơn mưa rào làm rát mặt người đi đường. Nhờ những cơn mưa trút nước mà con mương quanh nhà tôi như được giải tỏa cơn khát sau khi trải qua bao ngày tháng nắng nóng làm cho đất đai nứt nẻ, mặt ruộng gồ ghề. Và mưa… đã mang lại mầm sống mới cho biết bao sinh vật để chúng sinh sôi nảy nở.
Thuở ấu thơ của chúng tôi gắn với những con mương, cái ao bờ ruộng (Ảnh minh họa)
Đến khi nước lên mấp mé bờ mương thì những sợi rau muống, rau ngổ không biết tự nơi đâu bỗng chốc bén rễ, đâm chồi nhô lên những chiếc lá non. Ít lâu sau, chúng sinh sôi phát triển càng lúc càng nhiều hơn, tạo thành mương rau xanh mơn mởn như vừa được bón phân kích thích sinh trưởng.
Và những con cua đồng cứ như từ đất mà ra. Dăm ba tháng, chúng lớn và sinh sản ngày càng nhiều hơn. Đến khi có những trận mưa xối xả trút xuống, chúng bò đầy cả mặt đường để đám trẻ thỏa chí bắt về. Về đêm-khi mọi người say trong giấc nồng thì tiếng ếch nhái kêu ran cả một vùng quê nghèo ở cái xóm lắm mương nhiều cá này.
Vào một hôm, khi sắc trời đang trong xanh bỗng chốc nhuộm màu đen, với đó là những làn mây đen kịt cuồn cuộn kéo đến, đám trẻ chúng tôi đoán chắc sẽ có một trận mưa rất to nên bàn tính chuyện rủ nhau đi tắm mưa. Rồi khi trời ngớt hạt chúng tôi sẽ ra mương hái rau muống về cho mẹ nấu canh chua. Sẵn tiện, bắt những con cua đồng về luộc, chấm với muối tiêu ăn cho ấm bụng lúc trời mưa rét.
Mưa dứt hạt. Thế là chúng tôi bắt đầu xuất phát “cuộc hành trình” đi mò cua, bắt ốc, hái rau…
Tới con mương, chúng tôi xắn quần cao tới đầu gối, sau đó cả đám ríu rít kéo nhau nhảy xuống mương cái “tõm”. Xuống mương, chúng tôi bắt đầu mò mẫm tìm những con cua đồng, cả đám ai cũng giương mắt ếch nhìn lom lom, đứa thì đi trước, đứa thì lếch thếch theo sau. Trong khi cả đám đang tập trung, bất thình lình thằng Tý la lên làm cả nhóm giật thót tim: “A….! Con đỉa, cứu con với má ơi!”. Nó sợ đến nỗi đứng chôn chân dưới cái mương lấm lem bùn đất chẳng dám cử động, còn cái mặt thì nhăn nhó tái nhợt như bị hút hết máu. Thằng Tèo thì sởn da gà nhảy phắt lên bờ cắm đầu cắm cổ chạy thụt mạng vì sợ hãi. Cả nhóm đứa nào đứa nấy đều cười lăn lóc cho hai thằng nhát như thỏ đế. Thấy thương và tội nghiệp thằng Tý, tôi liền tiến lại gần phun nước bọt cái “phụt” vào tay, sau đó xoa lên trên con đỉa cho nó nhả cái chân còm cõi của thằng Tý ra để nó thôi khóc rít lên rầm trời rầm đất!
Video đang HOT
Nhìn con đỉa đen to bằng ngón tay út khiến tôi nổi da gà mà vẫn phải nhắm tịt mắt xoa xoa cho con đỉa buông chân thằng Tý ra. Bứt một cái “phựt” thế là con đỉa đã rời khỏi chân của thằng Tý, nó nhìn lăm lăm lên vết chân vừa bị đỉa cắn, vậy mà con mắt của nó cũng sụt sùi như muốn khóc.
Vừa “gỡ” con đỉa ra, thằng Tý liền nhảy tót lên bờ như ma đuổi. Vậy mà cả đám còn cười rộn ràng khiến nó cảm thấy như bị chế giễu, bị đùa cợt và những giọt nước mắt bỗng dưng “bật” ra lăn dài trên vòm má. Nụ cười tắt đi, chúng tôi bắt đầu dành cho nó những câu an ủi ngọt ngào như rót mật vào tai: “Thôi! Đừng sợ nữa mầy! Con đỉa nhả ra rồi, mầy có bị gì đâu! Tụi tao cho mầy mấy con cua nè, mầy chịu chưa?”
Một lát sau, tiếng khóc rưng rức của thằng Tý bắt đầu tắt dần, khóe miệng cũng xuất hiện nụ cười mấp mé – “Ừ! Chịu”. Thế là chúng tôi toan lên cười để tạo không khí được vui vẻ. Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục mò cua bắt ốc trước khi trời nhập nhoạng tối.
Về nhà, ai nấy cũng vui cười hớn hở vì gặt hái được thành quả xứng đáng. Thằng Tý và thằng Tèo mang về đầy ắp cua và ốc, còn tôi thì bắt được con cá trê đồng với mớ rau muống đem về nấu canh chua.
Vừa bước vào nhà thấy thằng Tý lấm lem bùn đất, mẹ nó bắt đầu cất giọng đùn đụt có vẻ gắt gỏng:
- Tụi cha bây đi đâu mà mình mẩy như con chuột lột, rồi thằng Tý cái “dò” bị gì mà da rách tứa máu vậy?
Nó nhỏ nhẹ trả lời như con gái mới về nhà chồng, cả đám ai cũng phì cười:
- Dạ! Con… con đi hái rau muống cho mẹ nấu canh chua, “dí” sẵn bắt cua “dề” ăn! Cái…con…bị con đỉa cắn…
- Trời đất! Ăn uống gì chưa thấy mà thấy cái chân xưng lên “chù dù” rồi kìa! Mầy vô nhà lấy dầu thoa lên chưa- cha bây!
- Dạ! Con biết rồi…
Nghe vậy nó liền rón rén bước vào nhà lấy chai dầu thoa thoa lên cái chân vừa bị con đỉa cắn để cho hết xưng. Xong, chúng tôi kéo nhau ra sau nhà thằng Tý “xử lí” đám cua vừa mới bắt về. Mỗi người một việc, tôi có nhiệm vụ rửa cua. Thằng An thì đun nước luộc cua. Thằng Tý thì chạy lên nhà trên lấy muối tiêu. Khi nước bắt đầu sôi ùng ục, chúng tôi vớt cua ra. Thế là chúng tôi bắt đầu thưởng thức món cua luộc do chính tay chúng tôi bắt về và ăn ngon lành như bị bỏ đói mấy ngày liền.
Ăn xong đường ai nấy về. Tôi ôm xắp rau muống với con cá trê về thế là đủ cho bữa cơm chiều. Mẹ nhặt rau muống nấu canh chua; thấy còn nhiều, mẹ đem làm dưa. Mẹ nhặt sạch lá, cắt khúc rồi rửa sạch, để ráo. Sau đó ngâm rau trong nước giấm đường. Ngày hôm sau là ăn được.
Ở vùng quê heo hút này, con mương đã nuôi sống biết bao gia đình. Vào mỗi mùa mưa, rau muống dưới mương xanh mơn mởn. Người ta lội xuống hái đem ra bán đầy cả chợ. Có khi bán không hết thì người ta làm dưa. Ấy vậy mà bán chỉ trong chốc lát là hết sạch trơn. Còn đám trẻ chúng tôi thì lại thích mò cua bắt ốc trên những con mương này.
Thuở ấu thơ của chúng tôi gắn với những con mương, cái ao bờ ruộng… Dù bao năm xa quê khi trở về nhìn con mương đùn đụt được bao phủ bởi màu xanh của đám rau muống xanh um ràn rịt. Tôi vẫn không thể nào quên được những buổi xấp nhỏ chúng tôi từng đi mò cua bắt ốc, hái rau…những kí ức đó như còn in nguyên trong tâm thức tôi. Một thời thơ ấu nay đã không còn, nhưng hình ảnh con mương ngày nào vẫn còn hiện hữu theo từng năm tháng…
Theo 24h
Tình yêu bền vững trong nghèo khó
Hai vợ chồng cô đã vượt qua mọi khó khăn để có một hạnh phúc trọn vẹn.
Tiếng nhạc sập sình của quán cà phê làm cô khó chịu, nhưng vẫn cố vì cuộc sống kiếm miếng cơm khi xa gia đình, hoàn cảnh nghèo khó của một cô sinh viên mới lên thành phố. Đêm nào cũng vậy, cô về đến kí túc xá là 11h, có hôm khách đông cô về trễ nên phải leo rào vào. Hôm nay, quán đông khách cô phải chạy từ bàn này tới bàn kia để đưa nước cho khách. Quán cà phê luôn có nhiều loại người xuất thân khác nhau: dân giang hồ, công chức, thường dân.... Có người tốt kẻ xấu xen lẫn biết đâu mà nhìn. Có nhiều lần bị khách cố tình đụng chạm, cô nhanh nhẹn tránh những sự cố mà người ta - những kẻ lấy công việc người khác để kiếm tiền mà lợi dụng, phỉ báng, coi thường...
Anh có trách nhiệm với vợ đẹp, con xinh và sự nghiệp thành đạt (Ảnh minh họa)
Cô trông khá xinh, ăn nói có duyên nên cũng có nhiều khách quen để ý, lân la làm quen, xin điện thoại nhưng đều bị cô khước từ. Ngày 8/3/2011, cái ngày mà cô bị người ta đem ra lăng nhục, cô đau đớn vì nhân phẩm của mình bị chà đạp, người đàn ông gây ra là một khách quen của chủ quán. Ông ta đem lòng si mê cô, là người có vợ nhưng vẫn có thói trăng hoa, ông đến quán uống cà phê mang tặng cô sợi dây chuyền vàng: "Em đẹp mà phải đi làm ở quán cà phê như gì tiếc quá. Anh muốn em là người phụ nữ của anh, em muốn gì anh chiều hết, anh có tiền mà. Làm vợ bé anh đi người đẹp". Trời ạ, đau đớn nào bằng người ta đem cô ra như một món hàng, một đứa con gái dễ dãi sao? Cô trả lời: "Không, xin ông giữ lòng tự trọng. Tôi không phải hạng gái đó. Còn món quà kia tôi không nhận". Bỗng có một bàn tay túm lấy tóc cô, chửi rủa cô trước mặt bao nhiêu người. Đó là một phụ nữ tầm 35 tuổi, ăn diện sang trọng và xinh đẹp, người phụ nữ đó tạt ly nước vào người cô ướt sũng: "Đồ con điếm, mầy dụ dỗ chồng tao, sinh viên đây sao? Mày giống hạng gái mua hoa bán phấn thì đúng hơn. À, đây là cái gì? Dây chuyền vàng hả? Mày ăn của tao hết bao nhiêu tiền rồi". Người đàn ông kia sợ mất mặt, kéo người phụ nữ ra nhưng cô ta càng hét to hơn, tiến tới lấy kéo cắt tóc cô.
Cô ê chề, xấu hổ với mọi người, thương cho bản thân vì người ta đang đánh ghen trong khi cô có làm gì đâu, cô đâu phá vỡ hạnh phúc của ai, cô chỉ đi làm thêm thôi mà. Chủ quán đuổi việc cô:"Cô xin việc nơi khác đi, cô làm quán tôi mất uy tín quá, lương cô trừ hết". Cô gái mới bước chân vào đời đã nếm vị đắng cay mà cái cuộc đời nghèo khó đã giúp cô cứng cỏi hơn nhưng giờ làm cô ngã quỵ. Bỗng có một thanh niên trẻ tuổi, vốc dáng cao to lên tiếng: "Cô ấy là người yêu tôi. Các người làm gì mà đối xử như vậy? Ông thân có vợ mà ve vãn người khác là sao? Còn vợ ông nữa, đánh ghen nhầm người bị ở tù, tin không? Giờ đợi công an lại giải quyết, trả lại trong sạch cho người yêu tôi. Còn chủ quán thấy người ta bị đánh không can mà trừ lương là nghĩa làm sao. Lương tâm đâu mất rồi". Rồi bọn người kia xin anh đừng báo công an, cô cũng nói với anh thôi cho qua mọi chuyện để rườm rà. Rồi cô và anh trở thành bạn của nhau, anh giúp đỡ cô mọi thứ và trong họ bắt đầu yêu nhau.
Cô đến với anh bằng tình yêu nồng cháy, anh yêu cô say đắm và rồi anh để lại trong cô một giọt máu chính là sự kết tinh tình yêu của hai người. Cô sinh viên trẻ đã phải nghỉ học vì cái thai càng lớn, anh thu xếp để cô không bị tổn thương. Anh xin gia đình được phép cưới cô, nhưng mẹ anh là người độc đoán, bà không chấp nhận cô con dâu "Ăn cơm trước kẻng". Anh năn nỉ van xin nhưng mẹ anh vẫn cương quyết. Cô tủi nhục, cảm thấy có lỗi với cha mẹ vì mình là đứa không ra gì. Cô giấu nhẹm chuyện mình mang thai với gia đình, vì học xa nhà nên cha mẹ không lên thăm, chỉ liên lạc qua điện thoại. Anh và cô thuê một phòng trọ ở, anh làm phụ hồ, cô thì nhận may quần áo. Cuộc sống cơm áo gạo tiền khi đứa bé sắp chào đời phải sống thiếu thốn, cô ngậm đắng, buồn cho số phận mình nhưng an ủi khi chồng thương yêu.
Anh chu đáo, mỗi tối anh đều lau chân cho cô, anh sợ cô may đồ mệt: "Em nghỉ nhận may quần áo đi. Chuyện tiền nong để anh lo, em cứ việc ở nhà giữ gìn sức khỏe cho em và con". Cô không chịu, cô muốn gánh vác lo toan chia sẻ với chồng. Tối ngủ cô xoay người liên tục vì em bé càng lớn trong người cô càng không thoải mái. Anh biết nên ngày hôm sau, anh đi hiến máu nhân đạo lấy số tiền 120.000 nghìn đi mua cho cô cái nệm, nhưng đi mua anh vẫn không đủ tiền, anh chỉ mua cho vợ được cái nệm nhỏ nhưng có còn hơn không: "Cô ơi, cái nệm này bao nhiêu?". Người bán hàng trả lời: "130.000 nghìn con". Anh nài nỉ: "Cô bớt cho con 10 nghìn cô nha. Vợ con sắp sinh nhưng trong túi con chỉ có vẻn vẹn 120 thôi cô. Cô làm ơn nha cô, con rất biết ơn cô". Rồi trước sự chân thành của anh, cô bán hàng bán cho anh cái nệm màu tím, màu vợ anh thích. Thế là cô có nệm nằm, cô không trở mình vào mỗi đêm, anh ôm cô vào lòng mà trào nước mắt: "Vợ à, anh cố gắng kiếm tiền cho em sung sướng, anh sẽ đường đường chính chính cưới em, về xin cha mẹ vợ tha thứ, anh sẽ bù đắp cho vợ". Hai vợ chồng ôm nhau khóc suốt đêm vì cái tình phu thê sớm tối có nhau.
Rồi cô sinh em bé, một bé trai bụ bẫm giống cha y hệt: "Con giống anh lắm em à. Anh sẽ thuyết phục mẹ nhận cháu, nhận dâu. Cảm ơn em vì anh mà thiệt thòi vợ à". Cô hạnh phúc đón đứa con đầu lòng, hạnh phúc vì hi sinh cho chồng, bỏ dang dở việc học hành nhưng bù đắp vào đó là tình yêu chồng dành tặng.
Anh được mối làm ăn, kinh doanh cà phê ở Sài Gòn. Anh lập xưởng sản xuất cà phê bỏ mối. Vì anh có hiểu biết về cà phê, anh sành loại nào ngon, loại nào dở nên công việc làm ăn thuận lợi. Mẹ anh chấp nhận cô, đón cô về nhà ra mắt họ hàng và sang nhà gái thưa chuyện. Cha mẹ cô sửng sốt khi biết chuyện con gái và cũng đành gật đầu chấp nhận vì gạo nấu thành cơm. Cô nhận thấy nét buồn trên đôi mắt cha, mẹ rơi nước mắt vì con khờ dại. Cha cô bệnh nặng nên phải thay thận, chồng cô hiến thận cho bố vợ: "Con xin hiến thận cho cha để chuộc lỗi mà con gây ra và hơn hết con muốn thể hiện tình cảm của thằng rể chưa giúp gì cho cha mẹ vợ, cha nhận đi cho con vui. Đó là tấm lòng của con mong cha hiểu". Rồi họ đã được người lớn cảm thông, thương mến.
Cô mở cửa hàng bán cà phê do chính chồng pha chế, thương hiệu của chồng cô ngày được nhiều người biết đến, cô thuê nhân viên đa phần là sinh viên vì cô hiểu nỗi khổ của những người xa nhà cần đồng tiền đi học. Cô rộng rãi với họ, xem họ như người thân của mình và đáp lại tình cảm của cô là họ làm việc nhiệt tình. Rồi cô thi vào lớp đại học từ xa, cô hoàn thành chuyện học dở dang để cô cũng như cha mẹ mãn nguyện. Còn anh - một người có đầu óc kinh doanh, thương vợ, có trách nhiệm với vợ đẹp, con xinh và sự nghiệp thành đạt.
Theo 24h
Giải quyết 5 tình huống "khó đỡ" khi hẹn hò 5 tình huống hay gặp đi đôi với gợi ý "chữa cháy" sẽ giúp bạn tự tin hẹn hò. Trong những lúc hẹn hò, ngoài cảm xúc yêu đương nồng cháy, lãng mạn thì cũng không ít cặp đôi vấp phải những tình huống khá nhạy cảm, khó xử. Việc lường trước và "bỏ túi" cho mình vài kinh nghiệm giải quyết rắc...