Ký ức nước thở và mùi thơm quần áo mới
Gần Tết. Ba An Hưng sắp xếp một ngày nghỉ để đưa hai bé đi mua quần áo mới. An Hưng bé bỏng mừng rơn, chạy khắp nhà lấy giầy, tất, quần áo chuẩn bị đi siêu thị. An Phúc cất tiếng hỏi: “Tết là gì hả mẹ? Tết có thơm như em Cún Xanh không mẹ?”
Cún Xanh là con chó bông cưng nhất của An Hưng, An Phúc. Con đang xỏ dở chiếc tất vào chân, ngẩng đầu lên nhanh nhảu: “Tết có mùi quần áo mới phải không mẹ? Vì nhà mình sắp đi mua quần áo mới mà”. “Đúng rồi, Tết thơm như quần áo mới!” – An Phúc tỏ vẻ trầm ngâm tiếp lời rồi lại lon ton chạy đi mở ngăn tủ chọn quần áo mặc.
Còn tôi, trước sự ngây thơ hồn nhiên của con trẻ, thấy lòng mình thật xao động. Vừa như hân hoan. Vừa như trĩu xuống. Bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ ùa về đầy ăm ắp trong tâm hồn.
Ảnh: Dương Thanh Xuân
Lòng đầy háo hức mong chờ bộ quần áo mới. Mãi rồi tiếng lọc cọc của chiếc xe đạp Thái Bình cũ mèm cũng vang lên ở đầu ngõ. Chúng tôi chạy ùa xuống sân, mặc cho những hạt mưa cứ đan vào nhau làm thành một bức màn dày đặc.Ngày ấy, có lẽ anh em tôi cũng chỉ tầm tuổi của An Hưng bây giờ. Hay lớn hơn một chút? Tôi không nhớ rõ. Chỉ còn phảng phất trong đầu mùi ngai ngái nồng nồng của mái rơm khi anh em chúng tôi ngồi ngoài hiên nhìn từng giọt mưa phùn giăng giăng đợi ba mẹ đi chợ về.
Chúng tôi vồ lấy chiếc làn cói nâu xỉn đã thủng vài lỗ. Khua khoắng. Lục lọi. Và thất vọng. Anh em tôi quẳng chiếc làn cũ chỉ có rau, miến, mộc nhĩ cùng với mớ lá mùi già xuống sân rồi lăn ra nền sân ướt mà khóc. Tết đã đến ngõ rồi. Quanh chúng tôi ai cũng có quần áo mới. Thằng Tâm. Cái Mai. Anh Thanh. Chị Huệ… Vậy sao anh em tôi không có? Chúng tôi lăn dưới mưa. Khóc mếu. Cào cấu. Lúc ấy hẳn nhiên chúng tôi chưa đủ lớn để thấy mẹ đứng chôn chân bên chiếc xe đạp già nua mà nước mắt ứa ra. Chúng tôi cũng chưa đủ khôn ngoan để thấy bóng ba thấp thoáng ngoài cổng mãi không bước nổi chân vào mảnh sân nhỏ đang ồn ã mếu đòi…
Nhưng kỉ niệm về cái Tết xa xưa ấy khảm in trong tâm hồn non nớt của chúng tôi không phải chỉ có khóc mếu, mũi dãi sau quãng ngóng chờ mà thất vọng. Bởi lẽ, ngay hôm ấy, ba đã mang con gà trống quay lại chợ. Con gà duy nhất. Con gà để cúng giao thừa. Sau khi ba bước vào sân, ôm chúng tôi vào lòng vỗ về, và nói: “Quần áo mới của các con ba gửi ở trên phố huyện. Con ngoan, vào nhà cho khỏi ướt, rồi lát nữa ba mang quần áo mới về cho các con nhé”!
Ba chữ “quần áo mới” như có phép diệu kì. Ngay lập tức anh em tôi nín khóc. Lại còn mau mắn cầm rau, cầm miến giúp mẹ vào nhà. Chiều tối hôm ấy, chúng tôi có quần áo mới. Chiếc quần xanh tím than và chiếc áo khoác màu mỡ gà. Chúng tôi sung sướng đến độ sau khi thử xong nhất quyết không cởi ra nữa. Chúng tôi mặc nguyên quần áo mới lên giường… Mùi vải, mùi hồ, mùi mồ hôi mặn chát quyện theo anh em tôi vào giấc ngủ sướng vui đêm giao thừa năm ấy.
Video đang HOT
Ảnh: Dương Thanh Xuân
Gần 12 giờ đêm. Mẹ nhẹ nhàng lay chúng tôi dậy: “Chuẩn bị đón ba gánh nước sông về nào!”. Chúng tôi còn chưa kịp tỉnh ngủ thì đã nghe thấy tiếng kĩu kịt và những bước chân nặng chịch từ phía đầu làng mỗi lúc một dồn dập hơn, khỏe khoắn hơn. Những người đàn ông – chủ gia đình – thay mặt cả nhà đang gánh những gánh nước trong veo, nặng trĩu từ con sông Cái về nhà.
Mẹ bảo, tục gánh nước của làng mình đã có từ xa xưa. Vào giây phút chuyển giao năm cũ và năm mới, gánh nước mát lành từ sông mẹ sẽ đem theo bình an, may mắn và tài lộc đến cho khắp cả mọi nhà. Tiếng đòn gánh kĩu kịt từ con sông tỏa ra mọi ngóc ngách của xóm làng lần lượt đánh thức mọi người còn đang say ngủ.
Ba dừng bước ngay đầu ngõ, chậm rãi và cẩn thận bật diêm châm ba thẻ hương. Mùi hương trầm phảng phất trong cái se lạnh của đêm thật ấm áp làm sao. Ba vừa cầm hương, vừa gánh nước vào sân. Dưới ánh đèn dầu, mặt nước trong thùng ánh lên sóng sánh như đang nhảy múa. Anh tôi háo hức reo lên:
- Mẹ ơi! Nước thở!
Trong giây phút ấy, tôi sững người, cảm thấy làn khói quyện quanh thùng nước chính là hơi thở của sông Cái mênh mang theo chân ba vào nhà. Hơi thở mang mùi nồng nồng mặn mặn. Như mùi ba mỗi khi đi làm về muộn.
Tết năm ấy không có gà cúng sang canh. Vì thế, sau khi ba thắp hương xong, anh em tôi lại lăn ra ngủ. Nghe mùi hương trầm vấn vít cùng mùi nồng mặn của nước sông và mùi thơm quần áo mới…
- “Mẹ! Đi thôi mẹ! Đi nhanh mua quần áo đẹp diện Tết cho An Hưng nào”!
Tiếng hai con bé bỏng kéo tôi khỏi những kỉ niệm thuở xưa. Tôi mỉm cười, gật đầu rồi rảo bước theo con. Trong đầu vẫn vang ngân câu hỏi hồn nhiên của con trẻ: “Tết là gì hả mẹ”?
TRƯƠNG THỊ THU HƯỜNG
Theo thegioitiepthi.vn
Tết với ký ức bóng bay
Cái thời để được định nghĩa là tuổi thơ của tôi, nó đã trôi về một nơi thật xa xôi nào đó, nơi có cái áo dạ mới, cái quần màu xanh nước biển thẫm, đôi dép lê gót cao lên khoảng hai phân, và có những quả bóng bay màu hồng.
Cách đây 20 năm, hẳn rằng cũng không còn quá gần gũi nữa, nhà tôi vẫn nghèo, bố mẹ vẫn đi làm ăn xa, và chúng tôi lớn lên bằng những bát cơm chan canh suông kèm vài quả cà nén. Bốn chị em, lớn như ngô như ngỗng, chẳng mấy bận ốm đau, hoặc có ốm đau chúng tôi cũng không còn ghi nhớ trong cái đầu những đứa trẻ lên năm lên bảy.
Ảnh: IT.
Không khí Tết của nhà tôi sẽ bắt đầu bằng việc ông nội ngồi chẻ lạt phía đầu hồi. Sau đó, ông treo túm đám lạt vừa chẻ lên một góc hiên nhà, để gió hanh hao hút hết nước ở thân tre, trả lại những chiếc lạt mỏng tanh tang mà dai mà chắc, dùng gói bánh chưng và cuốn giò thủ. Bắt đầu bằng việc những chiếc lá rong được ông rửa sạch kĩ càng, dùng mấy lượt khăn lau cho khô sạch nước, đặt trên chiếc nia rồi cất gầm giường. Gạo nếp, đỗ xanh cũng được bà đem ra nhặt sạch lại sạn (và mọt, nếu có). Chúng tôi rất khoái mấy trò nhặt sạn, bởi được xòa tay vào đám gạo ấy, một chốc sau tay trăng trắng cám gạo rồi xoa vào má nhau cười khanh khách, để nghe bà mắng "Nẻ má bỏ bố chúng bay ra bây giờ".
Mùi tết, ngập tràn trong tim chính là mùi kỉ niệm.
Bố mẹ tôi đi làm ăn xa, suốt cả năm, chúng tôi ở cùng bà và chú. Chú sau bố, chú thứ hai. Ông bà có bốn người con, thì đi làm ăn xa cả, chỉ có chú ở nhà, ngày ngày cọc cạch đạp chiếc xe đạp khung trở đi, tối trở về cành cạch phía cổng. Chúng tôi hay gọi là bố, bố Huệ.
Mỗi dịp tết, bố Huệ sẽ mua cho chúng tôi quần áo mới, hoặc giày dép mới. Đứa nào cũng giống đứa nào, chỉ khác kích cỡ, để cho mấy chị em khỏi tị nạnh. Cả năm ở nhà cùng bố Huệ, cứ đứa nào được điểm 10 là được thưởng năm trăm đồng. Ngày nào chị em cũng thích được cô giáo chấm điểm, để lấy được thưởng tiền của bố.
Ảnh : IT
Văn hóa tết mà chúng tôi thích nhất là được mừng tuổi. Có người mừng tuổi hai trăm đồng hay năm trăm đồn g, nhưng bao giờ bố Huệ cũng mừng chúng tôi năm nghìn đồng; kèm theo đó là những quả bóng bay sâu màu hồng, lốm đốm li ti thêm mấy màu xanh xanh vàng vàng, tim tím. Nhà tôi, tết năm nào cũng rất nhiều bóng bay, và đám trẻ con đến nhà chơi luôn được mừng tuổi kèm theo một quả bóng bay như thế.
Tôi vẫn nhớ chúng thích lắm, chắc chắn rất thích. Bởi năm ấy, theo một thói quen, chúng nó tới chúc tết mà không còn bóng màu xanh, màu hồng; chúng hỏi ông tôi: "Ông ơi không có bóng bay ạ?". Tôi thấy bà nội tôi ngồi góc giường lau nước mắt, còn ông tôi lặng lẽ khất "Cho ông nợ sang năm". Đó là năm bố Huệ của chúng tôi mất.
Bố Huệ mất năm 27 tuổi, bằng tuổi tôi bây giờ. Năm ấy, bố đưa người yêu về ra mắt trong sự mong ngóng của cả gia đình. Hai 27 tuổi mới lấy vợ, thuộc dạng "ế" của làng của xã. Mà người ế này lại rất đẹp trai và tốt bụng. Bao lâu bà nội tôi giục "Mày có nhanh cho tao còn bế cháu không?", sau bao cái cười trừ, những tưởng năm ấy, nhà tôi có thêm thành viên mới, vậy mà...
"Văn hóa" tặng bóng bay xanh, hồng của nhà tôi bắt đầu từ bố Huệ, bởi bố bảo chúng tôi rất thích bóng bay, nên tết đến "Bố mua cho các con chơi chán thì thôi". Nhưng chúng tôi còn chưa chán, bố lại không mua nữa rồi...
Cho đến bây giờ, người ta cứ nhắc tết không còn vẹn nguyên như xưa nữa. Nhưng với chúng tôi, cất trong một góc tim, một khoảng trời nghèo nhiều bóng bay xanh, hồng, khi đó tết mới tròn đầy, mới đủ an ủi những tâm trí đầy non nớt và thương nhớ.
Dù thời gian đã trôi đi, dù có thể chúng tôi đã quên đi ít nhiều dáng hình của bố, dù gia đình tôi vẫn thống nhất tặng kèm bóng bay xanh, hồng cho mỗi đứa trẻ khi chúng tới nhà để luôn thấy bóng dáng bố gần bên chúng tôi... Dù điều gì đi chăng nữa, thứ mùi Tết yêu thương và thiết tha mong cầu níu kéo ở đây, chính là đầy đủ một gia đình.
Tết là đoàn viên, là đủ đầy tất cả nụ cười một gia đình.
TUYẾT MINH
Theo thegioitiepthi.vn
Hít hà Tết Không thể không bắt đầu bằng những cái Tết tuổi thơ đã xa lâu rồi, đó là những cái Tết nghèo ở quê biển mà tôi nhớ nhất là việc ông nội gói bánh chưng, việc bà mua hai cây mía về để thờ ở hai góc gian thờ. Còn tôi, được vui chơi, được thấy mọi người lo tết, làm tết, vui...