Ký ức những ngày chiến đấu giúp bạn
Cách đây 40 năm, ngày 1-4-1979, Trung đoàn 14 Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) (nay là BĐBP) được thành lập với mục tiêu chi viện, chiến đấu giúp bạn Campuchia.
Dù trải qua 40 năm, nhưng ký ức của những người trong cuộc vẫn nguyên vẹn hình ảnh về cuộc chiến kiên cường, sẵn sàng làm nghĩa vụ quốc tế cao cả chiến đấu hy sinh giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, Ieng Sary.
Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh. Ảnh: Thanh Thuận
Gian nan những ngày đầu trên đất bạn
Có dịp được gặp Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, nguyên Phó Chủ nhiệm Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, tại Hà Nội thấy ông vẫn còn khỏe mạnh, phong thái vẫn rất đĩnh đạc, mang cốt cách của vị chỉ huy, dù đã hơn 70 tuổi. 40 năm trôi qua kể từ ngày thành lập Trung đoàn 14 CANDVT chiến đấu giúp bạn Campuchia, những kỷ niệm về một thời chiến đấu ngoan cường, anh dũng, hào hùng của các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 14 vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí ông. Đặc biệt hơn, trong dịp lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Trung đoàn 14, gặp lại những gương mặt thân quen của đồng đội, những kỷ niệm 10 năm chiến đấu giúp bạn Campuchia lại được dịp nhắc nhớ.
Thiếu tướng cho biết, trước yêu cầu khẩn cấp của Cách mạng Campuchia phải nhanh chóng tiêu diệt lực lượng vũ trang của bọn Pôn Pốt, cứu nhân dân nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng. Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, quân ta đã nhanh chóng tổ chức lực lượng tấn công tiêu diệt Pol Pot.
Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 1979, Bộ Tư lệnh, các cơ quan và các tỉnh, thành CANDVT trong cả nước đã khẩn trương dồn ghép các đơn vị, điều động gom quân thành lập 7 Trung đoàn chi viện giúp bạn. Ngày 1-4-1979, Trung tướng Trần Quyết, Thứ trưởng Bộ Công an Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng CANDVT ký quyết định thành lập Trung đoàn 14 chi viện, chiến đấu giúp bạn Campuchia.
Địa bàn hoạt động của Trung đoàn 14 mà Quân đoàn 4 giao là khu rừng già Pua Sát, vùng biên giới của Campuchia giáp Thái Lan. Đây là vùng “rừng thiêng nước độc”, được mệnh danh là “vùng đất chết” mà người dân nước bạn không ai dám đến ở vì thời tiết khắc nghiệt, ngày nóng như mùa hè, đêm lạnh như mùa đông và là vùng có tỷ lệ sốt rét cao nhất ở Campuchia.
Video đang HOT
Từ tỉnh lỵ Pua Sát ra biên giới dài gần 240km chỉ có một con đường đất-đường 56. Ô tô chỉ đi được 3-4 tháng mùa khô, còn mùa mưa thì mọi việc vận chuyển chỉ có thể dựa vào hai vai người chiến sĩ gùi vác đi bộ. Trong khi đó, địch lại thường xuyên đánh phá, phục kích vào các đơn vị vận tải của ta, gây ra không ít thương vong. “Có nhiều khi hạt gạo đến tay quân ta không chỉ thấm đẫm mồ hôi, mà còn thấm máu bao đồng chí, đồng đội. Khó khăn chồng chất khó khăn, thiếu gạo, thiếu thực phẩm, thiếu rau xanh… Sốt rét ác tính, sốt rét tâm thần hành hạ…” – Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh xúc động.
Hoạt động của địch ở vùng này từng thời kỳ, từng giai đoạn có khác nhau. Năm 1979, chúng chỉ là bọn tàn quân, gặp ta thì lẩn trốn, ta nổ súng thì chúng chạy. Nhưng sang năm 1980 trở đi, lực lượng địch dần dần được phục hồi, củng cố, xây dựng và tăng cường hoạt động chống phá ta.
Dùng mìn địch diệt lại địch
Được sự chỉ đạo, chỉ huy của cấp trên mà trực tiếp là Quân đoàn 4, Quân khu 9, các đơn vị bạn chi viện…, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 14 đã phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng của QĐND Việt Nam anh hùng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu ác liệt. Đầu tiên phải kể đến phong trào hiến kế lập công, phá thế bao vây bằng mìn của địch, dùng mìn của địch diệt lại địch.
Từ cuối năm 1979 trở đi, địch dùng mìn KP2, lựu đạn, mìn định hướng, cài vướng nổ, đạp nổ, cài lối đi, cài gốc cây, ụ mối… cài mìn kết hợp phục kích để tiêu diệt quân ta. Giữa năm 1981 lại xuất hiện loại mìn A2 nhỏ nhẹ, trọng lượng mỗi quả chỉ có 155g, có hộp, có màng chống mưa, chống ẩm, chống máy dò mìn.
Loại mìn này rất nguy hiểm cho ta, chân nào đạp trúng quả mìn, mìn nổ thì bị cắt ngay bàn chân đó. Loại mìn A2 đã gây cho ta rất nhiều khó khăn. Ban đầu, một số chiến sĩ e ngại không dám, không mạnh dạn bung ra ngoài đánh địch vì sợ vướng mìn.
Trước tình hình đó, Trung đoàn 14 đã phát động phong trào hiến kế lập công, phá thế bao vây bằng mìn của địch, tiến lên dùng mìn địch đánh lại địch. Chỉ tiêu ban đầu mỗi người phấn đấu gỡ 20 quả. Qua thực tế học tập kinh nghiệm của nhau, một vài đồng chí đã gỡ được 40 đến 50 quả.
Trong đó, đồng chí Dương Văn Tuấn, Đại đội 5, Tiểu đoàn 220 trong 4 ngày gỡ 80 quả, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3; đồng chí Trần Văn Thịnh, Đại đội 9, Tiểu đoàn 222 gỡ được 65 quả; đồng chí Nguyễn Văn Thành, Đại đội 3, Tiểu đoàn 218 gỡ được 102 quả. Từ đó, các đơn vị đã giải quyết được tư tưởng sợ mìn địch và chủ động tổ chức các phân đội nhỏ bung ra ngoài đánh địch.
Tiêu biểu là trận phục kích ngày 4-2-1981 (ngày 30 Tết Kỷ Dậu) của 12 chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 218 do Chuẩn úy Nguyễn Thanh Dụ chỉ huy. Trên đường trinh sát, anh em đã phát hiện trận địa địch cài mìn, cài lựu đạn phục kích quân ta. Anh em bí mật gỡ mìn, lựu đạn địch đã cài, sau đó, bố trí cài lại thành trận địa phục kích đánh địch.
Khi vừa bố trí xong thì địch cũng vừa tới, chúng bị ta bất ngờ nổ súng, tấn công bất ngờ, khiến địch chạy vào bãi mìn ta gài sẵn. Mìn nổ tứ phía, 12 tên địch bị diệt tại chỗ. Trận phục kích này được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 và Tiền phương Bộ Tổng Tham mưu biểu dương, được đi báo cáo điển hình tại hội nghị tổng kết công tác huấn luyện các đơn vị phía Nam do Tiền phương Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam triệu tập.
Quyết liệt giữ điểm cao 492
Trận đánh giữ điểm cao 492 của Trung đoàn 14 không chỉ là trận đánh phòng ngự mà quân ta còn kết hợp phục kích, tập kích địch giành thắng lợi. Cao điểm 492 là vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến biên giới Pua Sát-Thái Lan. Cao điểm 492 còn là điểm chốt chặn, cắt đứt con đường vận chuyển huyết mạch số 5 của Pôn Pốt từ Thái Lan và Campuchia và ngược lại. Ta phải giữ và quyết giữ cao điểm.
Từ ngày 30-11 đến ngày 7-12-1981, Pôn Pốt đã điều động Sư đoàn 111 và một phần lực lượng Sư đoàn 164 lên đánh chiếm cao điểm 492. Trước tình hình đó, Trung đoàn 14 đã huy động toàn bộ lực lượng vào trận, chiến đấu quyết liệt. Ta và địch giành giật từng mỏm đồi, khúc sông, đoạn suối liên tục trong 9 ngày đêm. Kết quả, quân ta đã đập tan cuộc tiến công của địch, giữ vững điểm cao 492, diệt 77 tên địch, thu nhiều súng và các trang bị vũ khí khác. Quân ta hy sinh 8 đồng chí, bị thương 22 đồng chí.
Chặng đường 10 năm chiến đấu giúp bạn Campuchiacủa Trung đoàn 14 CANDVT là quãng thời gian 10 năm vượt khó khăn, gian khổ, chiến đấu kiên cường, lập nhiều thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Tư lệnh CANDVT đã giao. Chiến công của Trung đoàn 14 CANDVT và các đơn vị Biên phòng làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia đã góp phần tô thắm trang sử vàng của lực lượng BĐBP, tăng cường tình hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.
Thanh Thuận
Theo Baobienphong
Kỷ luật 50 cán bộ biên phòng làm nhiệm vụ chống buôn lậu
Năm 2018, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, xử lý kỷ luật đối với 3 tổ chức Đảng, 50 cán bộ có hành vi tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Lực lượng Biên phòng, Hải quan Quảng Trị phối hợp kiểm tra phương tiện nhập cảnh, hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: Q.H
Đó là những chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) Đỗ Ngọc Cảnh trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí chiều ngày 10/4.
Trong thực thi nhiệm vụ, có những đơn vị, cá nhân rất tích cực, lập nhiều thành tích nổi bật, tuy nhiên vẫn có những tổ chức, cá nhân chưa thực sự tích cực, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu.
Đối với lượng Biên phòng, năm 2018, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, xử lý kỷ luật đối với 3 tổ chức Đảng, 50 cán bộ có hành vi tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Để khắc phục tình trạng trên, các đơn vị phải làm tốt công tác tư tưởng, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, đặc biệt lực lượng Biên phòng, sau những vụ việc kiểm điểm, kỷ luật được triển khai nghiêm túc.
Đến nay, tổ chức, đơn vị nào để xảy ra buôn lậu, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, bản thân cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Đồng thời, lực lượng Biên phòng cũng làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, đồng thời khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích.
Vừa qua, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần khích lệ, động viên kịp thời.
Theo HQ Online
Những "tượng đài máu" trên biên giới Tây Ninh Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, BĐBP Tây Ninh có 125 cán bộ, chiến sĩ đã hóa thân vào lòng đất mẹ; 238 người trở thành thương binh. Vì thế, ở các đồn Biên phòng từ Chàng Riệc đến Xa Mát, Lò Gò, Phước Tân... đều có bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Với người dân Tây...