Ký ức kinh hoàng vụ Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima
Quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống Hiroshima ngày 6/8/1945 đã san phẳng toàn bộ thành phố và khiến 140.000 người thiệt mạng chỉ trong 1 năm.
Theo AP, giống như toàn bộ các công trình khác trên khắp thành phố sau thảm họa hạt nhân nói trên, Mái vòm Genbaku chỉ còn trơ lại vài bức tường. Mái vòm này ngày nay là một phần nằm trong Khu tưởng niệm Hòa bình Hiroshima trên sông Motoyasu.
Mái vòm Genbaku tan hoang sau vụ thả bom hạt nhân ngày 6/8/1945 (Ảnh AP)
Hầu như không còn công trình nào của thành phố này còn tồn tại sau thảm họa kinh hoàng 70 năm trước.
Nỗi đau từ 70 năm trước
“Tôi không muốn nhìn Mái vòm Genbaku này quá lâu”, bà Kimie Mihara, một phụ nữ 98 tuổi nói và đi chầm chậm qua công trình đã bị bom đánh chỉ còn trơ lại khung này.
Cho đến sáng 6/8/1945, Mái vòm Genbaku vốn là văn phòng làm việc của bà. Ngày hôm đó, bà đã đi làm muộn và điều này đã cứu sống bà.
“Khi nơi này được công nhận là Di sản văn hóa của UNESCO (vào năm 1996), tôi đã nghĩ đến việc xuất hiện ở đó. Dù vậy, tôi vẫn không muốn nhìn thấy Mái vòm Genbaku”, bà Mihara nói.
Bà Mihara cầu nguyện gần Mái vòm Genbaku (Ảnh AP)
Bà Mihara kể lại, khi vụ ném bom xảy ra, bà mới 19 tuổi và làm việc tại Mái vòm Genbaku được 2 tháng. Là một nhân viên của Bộ Nội vụ Nhật Bản, bà rất giỏi sử dụng bàn tính và thường được phòng kế toán nhờ giúp việc.
Bà Mihara cho biết, lúc đó, bà rất bận rộn và dù văn phòng của bà ở tầng 1 nhìn ra sông Motoyasu nhưng bà thậm chí không “ngẩng mặt lên được để nhìn dòng sông ngay bên ngoài cửa sổ văn phòng”.
Theo bà Mihara, ngày 6/8/1945, bà phải có mặt tại văn phòng vào lúc 8h sáng, trong khi đó, oanh tạc cơ B-29 Enola Gay thả bom nguyên tử vào lúc 8h15. Tuy nhiên, ngày hôm đó, bà Mihara cảm thấy rất mệt mỏi và không muốn đi làm.
“Tôi đã sống sót vì tôi đã đến muộn. Vì thế, tôi thấy mình may mắn khi không có mặt ở đó, tuy nhiên, cứ nghĩ đến việc nhiều người mất mạng chỉ vì họ chăm chỉ và đúng giờ, tôi lại cảm thấy hối tiếc cho họ”, bà Mihara nói.
Tuy nhiên, bà Mihara hầu như không nhớ gì về những người đồng nghiệp của mình bởi cơn ác mộng về quả bom nguyên tử đã xóa hết những ký ức của bà về thời điểm đó.
Dù may mắn sống sót, khuôn mặt, chân tay của bà bị bỏng nặng. Nhà của bà bị thiêu rụi và bà phải nằm viện 3 tháng. Bà cũng mất đi người cha của mình, người đang làm việc gần tâm chấn vụ ném bom.
Những người còn lại trong gia đình bà đã quyết định rời khỏi Hiroshima để xây dựng cuộc sống mới. Bà Mihara đã gặp chồng mình tại đảo Kyushu, miền Nam quần đảo này và có 3 người con.
Trong khi nhiều người sống sót sau vụ ném bom, đặc biệt là phụ nữ sợ kết hôn vì lo ngại con mình có thể bị dị tật sau khi sinh, chồng của bà Mihara đã nhất quyết phải có con và điều này đã thuyết phục được bà.
Sau khi chồng bà mất khi còn rất trẻ, bà Mihara đã quay trở về Hiroshima để làm việc tại một công ty thương mại cho đến khi nghỉ hưu.
Trong khi đó, ông Rebun Kayo 38 tuổi, hiện đang làm việc tại Đại học Hiroshima lại coi việc liên tục trở về để nhìn lại Mái vòm Genbaku là một việc bắt buộc phải làm trong suốt cả đời mình.
Tại thành phố Hiroshima, nơi mà các bằng chứng lịch sử về vụ ném bom nguyên tử năm 1945 gần như đã hoàn toàn biến mất, ông Kayo quyết tâm giữ cho mình những mảnh ký ức nhỏ nhất còn sót lại dù nhiều khi những mảnh ký ức này “chỉ lọt thỏm trong bàn tay ông”.
Mái vòm Genbaku- biểu tượng hiếm hoi còn sót lại
Video đang HOT
Trong hai ngày 6 và 15/8, Mỹ đã thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Đây là lần đầu tiên và duy nhất, vũ khí nguyên tử được sử dụng trong một cuộc chiến tranh. Nhật Bản ngày 15/8 đã đầu hàng quân Đồng minh, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Mái vòm Genbaku chỉ là “một mảnh nhỏ bé” của công trình này trước đây. Tòa nhà này hoàn toàn hoang vắng và chỉ có lũ mèo thỉnh thoảng lại nhảy qua những cánh cửa sổ vỡ tan hoang. Những mảng tường và mái nhà, nhiều mảnh dài khoảng hơn 1m vẫn nằm rải rác trên sàn nhà.
Nhiều công trình tại thành phố Hiroshima bị bom nguyên tử san phẳng (Ảnh AP)
Được xây dựng vào năm 1915, công trình này là một hình mẫu hiếm hoi về kiến trúc phương Tây tại Hiroshima vào thời điểm đó. Kiến trúc sư người Séc Jan Letzel đã thiết kế tòa nhà này làm điểm nhấn cho thành phố và là nơi trưng bày các thành tựu về công nghiệp và văn hóa tại đây.
Tòa nhà 3 tầng này nằm cách tâm chấn vụ nổ bom nguyên tử ngày 6/8/1945 chỉ 160m nhưng lại là công trình duy nhất còn sót lại trong khu vực này. Đây là công trình hiếm hoi được xây bằng sắt, thép và gạch trong một thành phố vốn toàn các tòa nhà bằng gỗ.
Vụ nổ bom đã khiến nhiều tòa nhà bị san phẳng và bốc cháy và biến thành phố cảng Hiroshima thành một vùng đất chết.
Khi xảy ra vụ nổ, có khoảng 30 người đang làm việc tại Mái vòm Genbaku, nơi được Chính phủ Nhật Bản trưng dụng làm văn phòng làm việc của chính quyền thành phố trong giai đoạn cao trào của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Đến nay, dù tòa nhà này đã tan hoang và không được mở cửa cho du khách vào xem, Mái vòm Genbaku đã trở thành tâm điểm của Khu tưởng niệm Hòa bình Hiroshima và là điểm phải đến đối với khoảng 11 triệu du khách đến thành phố này hàng năm.
Trong nỗ lực tái thiết thành phố, chính quyền Hiroshima quyết định bảo tồn nguyên trạng Mái vòm Genbaku và coi đó là một biểu tượng của một thành phố bị tàn phá khủng khiếp nhưng đang phục hồi rất nhanh chóng. Mái vòm này được công nhận là Di sản Văn hóa của UNESCO vào năm 1996 nhằm kêu gọi thiết lập một thế giới hòa bình và phi hạt nhân.
Những khát vọng cuối cùng
Suốt 70 năm qua, bà Mihara hầu như không nói gì nhiều về thời gian làm việc tại Mái vòm Genbaku. Tuy nhiên, khi nhiều người trong thế hệ của bà đã qua đời, bà bắt đầu tự hỏi liệu bà phải có trách nhiệm chia sẻ ký ức của mình hay không?
“Đáng lẽ tôi đã qua đời khi quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, tuy nhiên tôi đã rất may mắn sống sót và còn có cả một cuộc sống hạnh phúc”, bà Mihara chia sẻ trong một chiều ảm đạm tháng 7.
Trong khi đó, ông Kayo lần đầu đến thăm Hiroshima trong một chuyến đi dã ngoại vào năm 14 tuổi. Ông đã được nghe một người sống sót kể lại câu chuyện của mình và rất cảm động khi nhìn thấy những vết xước trên cổ và tay của bà.
Ông Kayo nhặt một mảnh vỡ của Mái vòm Genbaku dưới sông Motoyasu (Ảnh AP)
Khoảng 10 năm trước, khi ông Kayo biết được rằng, những mảnh vỡ của Mái vòm Genbaku vẫn có thể được tìm thấy ở dưới sông Motoyasu, ông đã bắt đầu tìm kiếm những mảnh vỡ này một phần là đển lưu giữ những ký ức mà ông sợ rằng sẽ sớm tàn phai.
“Tôi sợ rằng, những ký ức này rồi sẽ trở thành những gì rất xa xôi. Tuy nhiên, ngay trước Mái vòm Genbaku, nơi mọi thứ vẫn đang được bảo tồn nguyên trạng, chúng tôi vẫn tìm được những dấu tích của thời đó. Bằng cách này, tôi đang cố mang những mảnh quá khứ trở về hiện tại”, ông Kayo nói.
Ông Kayo cho biết, ông đã lấy được rất nhiều mảnh gạch, đá, hầu hết có hình chữ L dùng để trang trí công trình này. Trong số đó, có những tấm dài khoảng 1m và phải dùng máy để kéo từ dưới sông lên.
Ông Kayo cũng được phép ra vào bên trong tòa nhà tùy ý đế so sánh những gì mà ông tìm được với những gì còn sót lại của tòa nhà. Cho đến nay ông đã tìm ra được khoảng 1.000 mảnh vỡ hoàn toàn trùng khớp.
Dù không có nghiên cứu nào về việc những mảnh vỡ này rơi xuống sông như thế nào, ông Kayo cho biết, ông ngờ rằng nó đã bị ném xuống sông khi người ta tái thiết lại thành phố. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ khả năng một số mảnh vỡ rơi xuống sông do sức ép của quả bom nguyên tử.
Ông đã gửi các mảnh vỡ này đến hơn 50 trường Đại học và học viện trên toàn thế giới như một bằng chứng cụ thể về sự tàn phá của bom nguyên tử. Dù một số nơi từ chối món quà này nhưng có tới 20 trường đồng ý tiếp nhận, trong đó có Đại học Stanford và Cambridge (Anh).
Trường đại học nơi ông Kayo làm việc cũng trưng bày một số mảnh vỡ tại một bảo tàng nhỏ trong khuôn viên của trường.
Ông Kayo đã sáng lập một tổ chức phi chính phủ và giờ đã có một số sinh viên trẻ giúp việc cho ông. Ông Kayo thậm chí còn theo học Tiến sĩ về giải phẫu đề phòng trường hợp ông phát hiện ra các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử ở dưới đáy sông Motoyasu.
Mỗi khi ông Kayo tìm thêm được những mảnh vỡ của Mái vòm Genbaku, ông lại cúi lạy dòng sông trước khi đi vào trong tòa nhà.
“Đối với tôi, Mái vòm Genbaku là nơi chôn cất những người sinh sống ở Hiroshima trong thảm họa hạt nhân, những người thiệt mạng bên trong Mái vòm Genbaku, những người thiệt mạng gần đó, những người chết đuối ở sông sông Motoyasu và cả những người không qua khỏi trong các bệnh viện dã chiến. Nơi này là nơi chôn cất tất cả những người như họ”, ông Kayo nói./.
Theo NTD
Ký ức 70 năm về vụ ném bom nguyên tử Hiroshima
Buổi sáng mùa hè ngày 6/8/1945, cô bé Yukiko Nakabushi đang chơi đùa trong trường mẫu giáo thì một ánh sáng lóe lên cùng tiếng nổ cực lớn. Cả thành phố Hiroshima sau đó biến thành địa ngục.
Đám khói bốc lên khi bom nguyên tử đánh xuống Hiroshima được quân đội Mỹ chụp lại ngày 6/8/1945. Ảnh: EPA
Đó là một buổi sáng mùa hè ấm áp, cô bé Nakabushi 5 tuổi là người đầu tiên có mặt tại trường mẫu giáo.Yukiko chơi đùa một mình lặng lẽ trong lúc chờ đợi các bạn mình tới lớp. Nhưng họ đã không bao giờ đến.
Đúng 8h15, tất cả những gì cô bé cảm nhận được chỉ là ánh sáng chói lóa cùng một tiếng nổ cực lớn. Trong giây phút đó, quả bom nguyên tử đầu tiên mà thế giới biết tới đã được ném xuống thành phố Hiroshima.
70 năm sau, bà Nakabushi, hiện 75 tuổi, là một trong 183.519 người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử năm 1945. Họ được gọi là những hibakusha, những con người mà ký ức tại thời điểm đó đã in sâu và ám ảnh tâm trí của họ.
Ký ức tang thương
Với những người sống sót giống như bà Nakabushi, những ngày này gợi lại nhiều ký ức đau buồn, từ những thương vong bà chứng kiến đến cái chết của người mẹ, cùng với đó là sự quyết tâm chống lại chiến tranh hạt nhân.
Sự sống sót của bà Nakabushi tượng trưng cho nhiều sự may mắn ngẫu nhiên, từ việc trường mẫu giáo đã vô tình bảo vệ bà khỏi phơi nhiễm phóng xạ, đến việc thoát khỏi ngôi trường trước khi nó sập xuống. Bà đã sống sót dù chỉ cách tâm vụ nổ hơn một dặm.
Hồi tưởng lại vụ thả bom, điều tiếp theo bà Nakabushi có thể nhớ được sau ánh sáng chói mắt là việc đứng bên ngôi nhà đổ nát của mình ngay đối diện trường mẫu giáo, chứng kiến ông của mình đang cố gắng giải thoát bà ra khỏi đống đổ nát.
Mẹ của bà Nakabushi không được may mắn như vậy. Quả bom phát nổ cách nơi bà và họ hàng làm việc chỉ nửa dặm. Bà đã ngay lập tức bị thiêu sống.
"Mẹ của tôi bị bỏng nặng nhiều vết trên khắp cơ thể nhưng đã cố gắng để trở về nhà", bà Nakabushi nhớ lại. "Ông tôi kể lại rằng ngay khi biết được tôi còn sống, mẹ đã ngất đi. Mọi người đều nói với tôi rằng mẹ tôi cố gắng về được nhà để biết rằng tôi vẫn ổn dù bà bị thương rất nặng. Tôi đã hiểu được tình yêu của mẹ từ khi còn rất bé".
"Gia đình tôi sau đó đến vùng ngoại ô thành phố với mẹ tôi trên một chiếc xe hai bánh và tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng mình chứng kiến lúc đó. Quang cảnh thành phố hoàn toàn thay đổi. Những ngôi nhà biến mất, và chúng tôi thấy hàng trăm người với những vết bỏng đang lê lết", bà tiếp tục.
Quang cảnh hoang tàn của Hiroshima sau vụ thả bom nguyên tử. Ảnh: AFP
"Người họ phủ đầy tro tàn từ đầu tới chân, tóc dựng đứng và những mảng da thịt cháy xém bong tróc trên toàn bộ cơ thể như những miếng giẻ cũ. Giống như bạn đang chứng kiến một đội quân ma quỷ vậy. 'Nước, nước', họ van xin nhưng chúng tôi chẳng thể làm được gì. Chính gia đình tôi cũng không có nước. Chúng tôi đi qua hai cây cầu và chứng kiến những cảnh tượng kinh khủng. Nhiều xác chết và cả người còn sống bị cuốn đi".
Gia đình bà Nakabushi cuối cùng cũng tìm được một nơi trú ẩn nhỏ hẹp. "Thứ mùi ở đó thật kinh khủng. Những người bị thương van xin nước uống. Nhưng chúng tôi được cảnh báo không cho họ uống vì họ sẽ chết ngay sau ngụm đầu tiên. Đó là sự thật", bà kể.
"Những tiếng kêu than, rên rỉ rồi cũng nhỏ dần đi và từng người một lần lượt qua đời. Mẹ tôi đã ra đi ngay bên cạnh mà tôi không hề biết vào ngày 8/8. Bà đã không thể thấy ba và anh trai tôi lần cuối, khi đó bà mới 31 tuổi. Tôi biết chú và bác tôi đã chết cùng một nơi. Nhưng cái chết của mẹ tôi có ảnh hưởng lớn nhất. Tôi mới năm tuổi và nó đã thay đổi cuộc đời tôi".
Theo bà Nakabushi, dù hậu quả trực tiếp của vụ ném bom rất nặng nề, bà vẫn cảm thấy mình may mắn.
"Ăn và sống sót trở thành nhiệm vụ hàng ngày và chúng tôi phải cố gắng vượt qua những ký ức kinh hoàng. Bất chấp tất cả những điều đó, tôi biết chắc rằng không chỉ riêng tôi nghĩ "như thế này còn tốt hơn là chiến tranh".
Sự kỳ thị của xã hội
Đối với Nakabushi, vụ đánh bom và sự ra đi của người mẹ là ngã rẽ của cuộc đời bà cũng như hàng nghìn những hibakusha khác. Bà tự thấy mình là một người may mắn. Sau khi sống tại Hiroshima với bố và mẹ kế, bà cưới một người chồng có học thức và chuyển tới Osaka năm 25 tuổi. Hai người đã có 3 đứa con và nay họ đều đã ở tuổi 40.
Nhiều người khác không được may mắn như vậy. Với họ, cuộc chiến sinh tồn vẫn kéo dài rất lâu sau khi quả bom nguyên tử cùng chiến tranh đã chìm vào dĩ vãng và thành phố được xây dựng lại. Bên cạnh những vết thương và gánh nặng tâm lý, nhiều người và thậm chí cả con cái của họ bị xã hội Nhật Bản kỳ thị và chối bỏ.
Một phụ nữ với những phần da bị cháy xem do vụ đánh bom. Ảnh: National Archives
Những người phụ nữ bị người yêu khước từ hôn sự vì lo sợ họ không có khả năng sinh những đứa con khỏe mạnh, trong khi người sử dụng lao động phân biệt đối xử với những hibakusha, khiến họ càng không thể hòa nhập lại với lực lượng sản xuất. Các hibakusha cũng nhận được một khoản trợ cấp rất nhỏ hàng tháng từ chính phủ.
Sự kỳ thị liên quan tới phơi nhiễm phóng xạ không hề biến mất trong xã hội hiện tại, điển hình như sau thảm họa Fukushima năm 2011, khi người dân địa phương lánh xa những bệnh viện và trại tị nạn do lo sợ họ làm những người khác phơi nhiễm.
Không hề ngạc nhiên khi sau hàng chục năm kể từ vụ đánh bom, những người sống sót vẫn luôn cố gắng giữ bí mật và tránh công khai về những gì mình trải qua.
"Mọi người cùng thế hệ với bố mẹ tôi đều nói với chúng tôi rằng không được kể với ai mình là hibakusha vì nó có thể ảnh hưởng đến chuyện hôn nhân", bà Nakabushi nói. "Nhưng tôi đã kết hôn và tôi cảm thấy mình thật may mắn vì được ở cạnh những người không kỳ thị mình".
Tuy nhiên thừa hiểu thái độ của xã hội với những hibakusha, bà cố gắng bảo vệ những đứa con của mình khỏi sự đối xử tương tự.
"Tôi không muốn chúng nói về việc mình là thế hệ thứ hai của những hibakusha vì tôi lo sợ chúng sẽ bị bắt nạt", bà chia sẻ.
Cho đến khi về già, bà dần nhận thấy việc chia sẻ những trải nghiệm của mình là cách tốt như thế nào để cho mọi người hiểu rõ sự thật khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân.
Bà Nakabushi bắt đầu trò chuyện với trẻ em khắp nước Nhật về trải nghiệm đau thương của mình. Trong những bài phát biểu của mình, bà nhấn mạnh vào những thống kê chi tiết: số người chết thực tế ở Hiroshima vào ngày bị ném bom là 100.000 người, con số này gấp đôi lên 200.000 người sau 5 năm, và còn tăng lên 247.000 vào năm sau đó.
"Không chỉ con số này tiếp tục tăng mà mọi người vẫn đang sống trong những tình trạng khó khăn do hậu quả của vụ ném bom", bà Nakabushi, một thành viên tích cực của tổ chức Liên đoàn những người chịu ảnh hưởng của bom hạt nhân Tokyo nói.
"Lúc đầu tôi miễn cưỡng chia sẻ những trải nghiệm của tôi vì không muốn nhớ lại những hình ảnh khủng khiếp đó. Nhưng mọi người đã nói với tôi rằng quan điểm của họ về cuộc chiến tranh đã hoàn toàn thay đổi sau khi nghe tôi nói. Tôi đã trò chuyện với nhiều sinh viên và thậm chí đã đến Mỹ để diễn thuyết".
Bà Yukiko Nakabushi. Ảnh: Telegraph
Cho tới tận bây giờ, bà Nakabushi vẫn thi thoảng mơ thấy mình ngày còn bé đi xin nước. Khi được hỏi còn cảm thấy đau buồn không, bà đáp:
"Dĩ nhiên là có. Không có gì kinh khủng hơn những gì chúng tôi đã trải qua. Đây là lý do vì sao tôi phải nói chuyện với bọn trẻ. Tôi không muốn hồi tưởng lại, chẳng ai trên thế giới này đáng phải chịu đựng những thứ như vậy. Vũ khí hạt nhân là hoàn toàn là tội ác. Chiến tranh cướp đi những mạng sống vô tội của cả hai bên. Hòa bình là điều hạnh phúc và quý giá nhất đối với loài người".
Ngày mai, Nhật Bản sẽ tưởng niệm 70 năm ngày bom nguyên tử tàn phá thành phố Hiroshima, và ba ngày sau ngày 9/8 là thành phố Nagasaki.
Khi nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới tập trung tại hai thành phố này để tưởng nhớ các nạn nhân, đối với nhiều người đây là một cơ hội để kêu gọi một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Sự tàn phá khủng khiếp của quả bom nguyên tử đầu tiên sử dụng trong chiến tranh ngày nay được ghi rõ trong nhiều tài liệu. Nó cướp đi mạng sống của 200.000 người ngay lập tức, và nhiều người khác sau đó do nhiễm độc phóng xạ trong hàng thập kỷ.
Tuấn Vũ
Theo Telegraph
70 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima Ngày 6/8/1945, Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Ba ngày sau, quả bom thứ hai đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki. Cách đây 70 năm , Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, Nhật Bản. Trong ảnh, chiếc máy bay B-29 "Enola Gay" đã thực hiện vụ ném bom xuống thành phố...