Ký ức kinh hoàng ngày 24 TNXP bị Pôn Pốt thảm sát tại Campuchia
Dẫu thi thể được an nghỉ trên quê hương nhưng ký ức về ngày các anh chị bị thảm sát vẫn còn là nỗi ám ảnh trong lòng đồng đội còn sống. Nơi đất bạn xa xôi, một đài tưởng niệm đã dựng lên như nhắc về một thời hào hùng của tuổi trẻ.
Chiếc xe bon bon trên con đường dài tít tắp đưa những cựu chiến binh (CCB) Việt Nam trở lại chiến trường xưa ăm ắp kỷ niệm. Như thông lệ, hàng năm, cứ gần đến ngày thương binh liệt sĩ, họ – những cựu thanh niên xung phong (TNXP) của Liên đội 303 ( Tổng đội 3 Biên giới) và Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) lại cùng nhau về xã Kokisom, huyện Soai Tiêp, tỉnh Svay Riêng (Campuchia) để thắp nén nhang cho những đồng đội đã ngã xuống. Nơi đây, từng diễn ra trận thảm sát kinh hoàng vào ngày 22/7/1978. Một tiểu đoàn TNXP Việt Nam với 2 khẩu súng AK đã kiên cường chiến đấu. 24 người đã hi sinh anh dũng khi chống lại trận thảm sát của đông đặc binh lính thuộc chế độ diệt chủng Pôn Pốt.
Sự anh dũng, ngoan cường của những người đã ngã xuống trong trận càn quét của 35 năm về trước đến giờ vẫn mãi không nguôi ngoai trong ký ức của đồng đội họ, những con người may mắn sống sót.
Đồng đội và người thân quây quần trên nắp hầm chữ A, trước bia khắc tên 24 liệt sĩ nơi xảy ra trận thảm sát năm xưa
Mỗi năm, như thường lệ, những CCB và TNXP lại cùng nhau trên hành trình từ TPHCM, qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) để tiến về chiến trường xưa trên đất nước bạn để thắp nén nhang lòng cho đồng đội cũ đã ngã xuống.
Qua những con đường gập ghềnh, lầy lội nằm sâu hun hút tại vùng đất hẻo lánh của xã Kokisom, huyện Soai Tiêp, tỉnh Svay Riêng, gian nhà tưởng niệm 24 TXP hy sinh trong cuộc thảm sát ngày 22/7/1978 hiển hiện. Những CCB đôi mắt đỏ hoe, môi mấp máy không thốt nên lời khi đặt chân đến mảnh đất mà nơi đây 35 năm về trước họ đã nếm mật nằm gai để thực hiện sứ mệnh giúp đất nước bạn khỏi chế độ diệt chủng.
Họ cẩn thận thắp từng nén nhang, đọc lại dòng tên của những đồng đội cũ đã hy sinh. Những câu chuyện hào hùng của ngày xưa cứ chảy dài, miên man theo dòng cảm xúc.
Video đang HOT
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, cựu TNXP Liên đội 303, người may mắn sống sót trong trận thảm sát đứng tần ngần một hồi lâu ở khu phục dựng 2 hầm chữ A. Ông Tuấn kể rằng, ngày ấy, Liên đội của ông có 27 người. Trước ngày thảm sát xảy ra, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết được cử về Sài Gòn tập văn nghệ. Đến khoảng 4h sáng 22/7/1978, khi anh chị em TNXP thức dậy nhóm lửa chuẩn bị nấu cơm. Bất ngờ, bọn Pôn Pốt thình lình kéo từ đồng ruộng vào đông đặc. Chúng hú hét, kích động và tàn nhẫn xả súng vào căn hầm. Các TNXP có 27 người nhưng lúc đó chỉ được trang bị 2 khẩu AK nên đã không cầm cự nổi. Họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và ngã gục trước họng súng của quân thù. Ông Tuấn và đồng đội khác là chị Nguyễn Thị Lý bị thương. Do đồng đội hy sinh nằm đè lên nhau và nhờ thế, anh chị may mắn sống sót.
Hát cho linh hồn đồng đội cũ trong ngày giỗ thứ 35 sau vụ thảm sát
Chỉ trong tích tắc, một buổi sáng định mệnh, do tương quan lực lượng và vũ khí, 24/27 TNXP của Liên đội 303 đã anh dũng hy sinh dưới họng súng tàn ác của quân lính chế độ diệt chủng.
Đồng chí Bùi Duy Hiến (Cựu chiến binh Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4) kể lại rằng, ngay khi nhận tin các TNXP bị thảm sát, ông cùng đồng đội nhanh chóng đến ứng cứu nhưng tất cả đã muộn. Nhìn đồng chí, đồng đội của mình không còn nguyên vẹn, nằm chồng lên nhau sau khi bị giết và đốt cháy khiến ông nhói tim gan. Lòng căm thù quân giặc trở nên sục sôi hơn bao giờ hết. Chính tay người lính này đã gom các thi thể lại nằm ngay ngắn bên nhau. Ông lau rửa, mặc quần áo cho họ, rồi cuộn bọc ni lông, rồi đưa đi an táng.
Phẫn nộ trước sự dã man của bọn Pôn Pốt, bộ đội Việt Nam ráo riết truy lùng và tiêu diệt gọn chúng ngay sau đó. Giữa lúc đạn xé trên đầu, lính sư đoàn 7 tìm thấy hai TNXP bị thương nặng nhưng may mắn còn sống do được xác đồng đội đè lên, khuất tầm mắt kẻ địch là đồng chí Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Thị Lý bây giờ.
Đại tá Đinh Văn Kha (Cựu Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7) khẳng định, sự hy sinh của 24 TNXP thuộc Liên đội 303 mang một ý nghĩa rất lớn. Bởi, nếu không có họ, kế hoạch tập kích bất ngờ của Pôn Pốt vào sở chỉ huy Sư đoàn 7 nhiều khả năng đã thành công. Nếu như vậy, sẽ khó tránh khỏi những tổn thất lớn có thể ảnh hưởng đến cả cục diện trên chiến trường.
Giao lưu với người dân địa phương
Chiến tranh kết thúc, sứ mệnh giúp đất nước bạn Campuchia khỏi chế độ diệt vong hoàn thành, bộ đội Việt Nam trở về nước. Thế nhưng, với những người lính thuộc Sư đoàn 7 và TNXP Liên đội 303 may mắn sống sót vẫn không quên nỗi kinh hoàng của trận thảm sát. Những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống khiến họ mãi ray rứt khôn nguôi.
Nặng nghĩa, nợ tình, nên các cựu TNXP Liên đội 303 và CCB Sư đoàn 7 đã nhiều lần quay lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội. Tại căn hầm nơi bị thảm sát ngày ấy, họ đã vận động để xây dựng một nhà tưởng niệm hoàn thiện vào năm 2012. Từ đây, những CCB đã an lòng vì vong linh của đồng đội mình đã có nơi trú ngụ. Nơi đây, hàng năm, họ quay về để viếng giỗ đồng đội, ôn lại những kỷ niệm xưa, dẫu đau thương nhưng lắm đỗi tự hào.
Công Quang
Ảnh: Hồng Sĩ
Theo Dantri
Cựu chiến binh Lào dâng hương tưởng niệm liệt sĩ nhân ngày 27/7
Việc dâng hương nhằm bày tỏ lòng biết ơn với những người lính liên quân Việt NamLào đã không tiếc máu xương chiến đấu.
Nhân kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, hôm nay, (26/7) Đoàn đại biểu Liên hiệp Trung ương Cựu chiến binh Lào, do Thiếu tướng Xomphone Keomixay dẫn đầu, đã đến dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Liên quân Lào- Việt tại Bản Cơn, Vientiane.
Bày tỏ lòng biết ơn đối với những người lính liên quân Việt Nam- Lào đã không tiếc máu xương chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp quốc tế cao cả, vì nền độc lập tự do của hai dân tộc Việt Nam và Lào, ông Xomphone Keomixay nhấn mạnh: "Một lần nữa tôi xin gửi lời chúc sức khỏe tới thân nhân các anh hùng liệt sĩ, những người thương binh và các gia đình chính sách, đã cống hiến hy sinh vì đất nước, mong gia đình các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và phát triển không ngừng. Tôi tin tưởng tuyệt đối rằng, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam và Lào sẽ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".
Đài tưởng niệm liệt sĩ Bản Cơn cách Thủ đô Vientiane 70 cây số, do Liên hiệp Trung ương Cựu chiến binh Lào và bà con Việt kiều xây dựng năm 2010 để ghi công 11 liệt sĩ, gồm 2 liệt sĩ Lào, 8 liệt sĩ Việt Nam và 1 chiến sỹ tình nguyện Nhật Bản, trong số 26 liệt sĩ liên quân Lào - Việt bị giặc Pháp đẩy xuống giếng chôn tập thể năm 1946.
Dịp này, nhiều bà con kiều bào thuộc Câu lạc bộ Đồng hương Xiengkhuang đang sinh sống tại Thủ đô Vientiane, cũng đã đến dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Liên quân Lào - Việt tại Bản Cơn./.
Quốc Khánh
Theo_VOV
Kỳ 2: "Cơn bão" thủ tục và niềm vui ngắn chẳng tày gang 3 lần bổ sung hồ sơ, nhiều đồng đội cùng đơn vị chứng nhận, cam kết bằng cả luật pháp lẫn danh dự, vô số bản đề xuất từ thôn, xã, huyện đề nghị cho bà Xuân được hưởng chế độ để bù đắp những thiệt thòi vốn đang khiến bà héo mòn... Hoa cả mắt trước thủ tục, vậy mà, cái quyền...