Ký ức kinh hoàng di dân sống ‘chui’ ở Anh qua lời kể nạn nhân duy nhất sống sót
Ký ức về đêm đông buốt giá cướp đi sinh mạng của 23 người nhập cư trái phép vào Anh cách đây 15 năm cho đến nay vẫn ám ảnh nạn nhân duy nhất còn sống sót.
Khi trả 14.000 bảng Anh (gần 420 triệu đồng) cho băng đảng buôn người “đầu rắn” khét tiếng của Trung Quốc, Li Hua tin rằng anh chỉ còn cách cuộc sống mới ở trời Tây 1 tuần.
Nhưng hành trình tới “miền đất hứa” của Li kéo dài tới 2 năm, xuyên châu Á, băng qua nhiều nước châu Âu.
“Đó là 2 năm vật vã, chúng tôi đi qua hàng trăm điểm mà không biết đó là đâu. Chúng tôi không được phép hỏi bất cứ câu hỏi nào”, Li nhớ lại.
Năm 2004, Li tới Anh, sống trong một căn phòng bẩn thỉu, ngủ trên sàn bê tông cùng 25 người khác. Mỗi ngày, Li cùng những người nhập cư trái phép khác tới cào sò ở vịnh Morecambe, Lancashire.
Căn phòng mà Li sống cùng 25 người khác.
Li bắt đầu công việc được 1 tuần thì xảy ra chuyện. Khi Li và những người khác đang cào sò, thủy triều bất ngờ dâng lên. 23 người chết đuối, Li là người duy nhất sống sót sau thảm kịch.
Các nạn nhân giống như Li đều là những người được đưa sang Anh theo đường dây của băng đảng “Đầu rắn”.
Li lớn lên ở một vùng quê nghèo khó miền Nam Trung Quốc. Để được sang Anh, gia đình Li phải chạy vạy khắp nơi để gom được khoản tiền mà những kẻ buôn người đòi hỏi.
“Hồi ở làng, tôi bán rau nhưng chỉ đủ nuôi miệng ăn. Tôi muốn kiếm thêm tiền để nuôi gia đình”, Li nói.
Do đó, khi nghe lời mời chào tới Anh, gia đình Li chấp nhận bỏ ra 14.000 bảng.
Video đang HOT
“Tôi trả rất nhiều tiền vì họ nói rằng tôi có thể kiếm được một công việc tốt hơn. Họ hứa sẽ cho tôi sống ở một nơi thoải mái”, Li nhớ lại.
Câu chuyện của Li khá phổ biến ở Phúc Kiến, nơi các gia đình sẵn sàng gom góp những khoản tiền lớn để gửi nam giới trẻ tuổi tới châu Âu với niềm tin sẽ “thu vốn” về sau 3,4 năm.
Li tới Anh trót lọt nhờ trốn sau một chiếc xe tải nhưng bị bỏ lại giữa London, không tiền, không thể giao tiếp.
“Họ bỏ tôi lại giữa khu phố Tàu và không được hỏi bất cứ điều gì. Một người đàn ông tiếp cận tôi, đề nghị một công việc ở Liverpool. Tôi lập tức đồng ý. Tới nơi, tôi mới biết công việc là cào sò. Không một ai trong chúng tôi từng làm công việc tương tự nhưng vì kế sinh nhai, chúng tôi vẫn phải làm”, Li nói.
Cơn ác mộng ở trời Tây của Li từ đó cứ thế tiếp diễn. Li phải việc quần quật 7 ngày/tuần với thù lao chỉ vỏn vẹn 10 bảng Anh/ngày (gần 300.000 đồng).
“Chúng tôi được đưa cho một công cụ để đào, cào được rồi thì phải lấy tay bỏ sò vào túi. Mỗi người phải nhặt 2-3 túi mỗi ngày”, Li nói.
Công việc vất vả nhưng Li chỉ được ăn bánh mì, uống nước trắng, ngủ trên sàn bê tông lạnh cóng trong căn hộ ọp ẹp, bốc mùi, chia nhau tấm chăn mỏng với 1 người khác. Không ai dám kiến nghị dù có những ngày họ phải làm không công.
“Mỗi ngày chúng tôi phải làm việc tới mức kiệt sức, không còn sức để nấu nướng, ăn uống hay tắm rửa, chỉ muốn ngủ”, Li nhớ lại những ngày tháng chẳng khác nào địa ngục trần gian.
Tại các bãi cào sò, Li và những người khác không được cấp áo phao. Cũng chẳng ai c ảnh báo về mối nguy tới từ thủy triều và các hố cát sụt.
“Chúng tôi chỉ biết nghe theo những gì họ nói. Cũng chưa từng nghĩ tới nguy hiểm, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tin các ông chủ”, Li nói.
Một đêm đông rét căm căm tháng 2/2004, Li và 23 người khác bị dòng thủy triều dâng lên bất ngờ nhấn chìm. Tất cả la hét trong hoảng loạn.
Số sò mà các nạn nhân cào được trước khi thủy triều dâng.
“Tôi chứng kiến cảnh mọi người chết đuối, chìm xuống dòng nước sâu và không bao giờ trở lại nữa. Tôi sợ hãi và bất lực. Tôi nghĩ mình sắp chết. Toàn người tôi tê dại. Tôi thậm chí còn chẳng cảm thấy lạnh nữa khi nhận ra những người khác đã chết đuối”, Li kể lại. Những tiếng kêu cứu lịm dần trước khi tắt hẳn.
May mắn duy nhất mỉm cười với Li khi anh được lực lượng cứu hộ bờ biển phát hiện và đưa vào bờ. Nhưng đập vào mắt Li ngay khi đó là những thi thể bị lột sạch quần áo.
Thảm kịch vịnh Morecambe vào thời điểm đó gây chấn động nước Anh. Giới chức nước này sau khi bắt tay vào điều tra phanh phiu ra sự thật cay đắng. Những gã chủ như “ông chủ” của Li có thể kiếm được hàng triệu bảng mỗi ngày từ mạng lưới “nô lệ lao động”, những người bị vắt kiệt sức lao động nhưng chỉ được trả 10 bảng Anh một ngày.
Sau thảm họa, Li vẫn chưa hết hoảng loạn. Tại cơ quan điều tra, người đàn ông Trung Quốc vẫn sợ các ông chủ của mình tới mức chỉ dám khai nhóm của mình đi dã ngoại và bị thủy triều cuốn trôi.
Mãi cho tới khi nhận được cam kết đưa vào chương trình bảo vệ nhân chứng, Li mới bắt đầu khai thật.
Nhờ đó, Lin Liang Ren, ông chủ “Li”, kẻ điều hành đường dây đưa Li và những người khác tới các bãi biển cào sò bị kết án 14 năm tù vì tội ngộ sát, chứa chấp người nhập cư bất hợp pháp, cung cấp điều kiện lao động dưới tiêu chuẩn.
Thảm họa đã qua đi 15 năm, Li hiện đã 42 tuổi, có vợ và 2 con. Nhưng Li nói những ký ức đau thương trong đêm đông rét buốt đó vẫn ám ảnh anh mỗi ngày.
“Cuộc sống của 23 người bị tước mất. Không ai có thể mang họ trở lại. Tôi chỉ muốn đòi lại công lý cho những người đã khuất. Chúng tôi chỉ muốn kiếm đủ tiền để sống, muốn được đối xử công bằng nhưng tất cả những gì mà gã đó quan tâm chỉ là tiền”, Li nói.
(Nguồn: The Sun)
SONG HY
Theo VTC
Cạm bẫy chực chờ người nhập cư lậu
Từ nhiều năm nay, các nhà chức trách Anh đã cảnh báo về tình trạng "nô lệ thời hiện đại" đối với người nhập cư lậu, trong đó có người Việt, vốn là nạn nhân của những kẻ buôn người.
Một người Việt được giải cứu khỏi một trại trồng cần sa trái phép tại Anh . Ảnh Chụp màn hình The Guardian
Truyền thông Anh đã nhiều lần đưa tin về những vụ việc thương tâm khi hàng trăm người Việt bị đưa lậu sang nước này rồi phải sống trong cảnh bị bóc lột và luôn sợ hãi. Con đường tới với miền đất hứa không trải đầy hoa hồng như lời đường mật của những kẻ buôn người. Lời cảnh tỉnh đã có từ lâu nhưng vẫn còn quá nhiều người nhẹ dạ cả tin.
Mong đổi đời
Theo một báo cáo mới đây được Cao ủy Chống nạn nô lệ độc lập (IASC) của chính phủ Anh công bố, VN là một trong 3 nước có nhiều nạn nhân bị bán sang Anh nhất. Số liệu mà các tổ chức chính phủ và phi chính phủ Anh ghi nhận được cho thấy mỗi năm có hàng trăm người Việt nhập cư lậu vào nước này theo hành trình xuyên quốc gia của đường dây buôn người. Hồi năm 2017, lãnh đạo IASC khi đó là ông Kevin Hyland cho biết việc đưa lậu người vào Anh là một "ngành kinh doanh lớn". Để quảng cáo, các đường dây buôn người nhắm đến người Việt đã vẽ ra bức tranh về cái gọi là "việc nhẹ lương cao" và "cuộc sống vương giả" khi họ được đưa đến trời Âu.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin của con mồi, chúng ra các mức giá khác nhau, theo IASC. Nếu chấp nhận bỏ ra 33.000 bảng (gần 1 tỉ đồng), con đường sang Anh sẽ ngắn nhất và ít rủi ro nhất. Với những người chọn mức giá "phổ thông", từ 10.000 - 20.000 bảng (khoảng 300 - 600 triệu đồng), họ sẽ phải trải qua hành trình kéo dài nhiều tháng "quá cảnh" qua nhiều nước như Nga, CH Czech, Hungary, Đức, CH Ireland và Pháp trước khi vào được Anh.
Những người muốn đổi đời tìm đủ cách xoay xở tiền để được ra nước ngoài, thậm chí vay nặng lãi từ chính những kẻ buôn người. Họ tin rằng một khi sang được Anh làm việc, họ sẽ nhanh chóng trả xong nợ và gửi nhiều tiền về nhà. Một người Việt không được nêu tên chia sẻ với IASC rằng cô được hứa hẹn sẽ có cuộc sống như bà hoàng ở Anh với đồ ăn ngon, quần áo đẹp, công việc nhàn hạ, lương cao. Tin những lời mật ngọt đó, cô nộp 19.000 bảng nhưng thực tế diễn ra không như mong đợi.
Bên cạnh những người tự nguyện còn có nhiều nạn nhân, nhất là trẻ em ở các vùng quê nghèo, bị lừa. Những đứa trẻ này bị bọn buôn người dụ dỗ, thậm chí bắt cóc để đưa đến Anh bằng con đường bất hợp pháp. Reuters từng dẫn lời luật sư Philippa Southwell - người nhận rất nhiều vụ liên quan đến nạn nhân buôn người ở Anh, cho biết bọn tội phạm thường bắt trẻ em Việt ngủ trong thùng xe tải, đi bộ hàng ngàn cây số, băng rừng, vượt biển trong nhiều tháng, thậm chí hàng năm trời để đến Anh.
Nô lệ thời hiện đại
Chuyến hành trình vốn đã quá bấp bênh, nhưng khi tới miền đất hứa nhiều người Việt mới "vỡ mộng", chịu sự bóc lột, thậm chí sống trong cảnh nô lệ thời hiện đại. Các báo cáo của Anh nhiều năm qua nêu rõ người Việt được đưa lậu vào nước này hầu hết làm công việc lao động chân tay như ở tiệm làm móng, trại trồng cần sa và thậm chí cả mại dâm. Theo tờ The Guardian, một nhân viên làm móng cho biết phải lao động từ sáng đến tối cả 7 ngày trong tuần nhưng chỉ được trả 30 bảng/tuần (khoảng 900.000 đồng). Một số người còn không được giữ số tiền ít ỏi đó mà bị những kẻ buôn người trấn lột. Họ phải sống khép kín theo sự sắp xếp của chủ tiệm. Một mặt họ biết mình đến Anh bất hợp pháp nên thay vì cầu cứu thì họ sợ bị cảnh sát phát hiện và chịu đựng sự bóc lột. Mặt khác, một số người còn không nhận ra mình là nạn nhân của những kẻ buôn người vì nghĩ rằng chính họ lựa chọn nên phải trả tiền.
Trong khi đó, nhiều trẻ em bị lừa sang Anh rồi bị ép trông nom vườn cần sa hay "bóng ma" theo cách gọi của những kẻ buôn người. Chúng sống trong sợ hãi, bị cách ly với thế giới bên ngoài và không được trả lương. Một báo cáo từ cuộc điều tra của Trung tâm chống lạm dụng trẻ em và bảo vệ trực tuyến của Anh (CEOP) trước đây cũng đã phanh phui mối liên hệ mật thiết giữa các trang trại cần sa và tiệm làm móng, theo tờ The Sunday Times.
Cũng chính bởi đường dây tội phạm nguy hiểm như vậy nên những trường hợp được giải cứu sợ hãi không dám khai. Thêm vào đó, giới chức trách Anh thường xếp họ vào diện nhập cư lậu và tội phạm thay vì là nạn nhân buôn người nên không có nhiều biện pháp bảo vệ hiệu quả. Các tổ chức hoạt động chỉ ra rằng, nhiều người từng được giải cứu trong nơi trồng cần sa này nhưng không lâu sau lại bị chính những kẻ buôn người đưa vào một nơi trồng cần sa khác.
Theo thanhnien
Thủ tướng Anh tiết lộ kế hoạch cuối cùng rời Liên minh châu Âu Ngày 2/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tiết lộ kế hoạch cuối cùng của ông về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn Anh rời EU đúng hạn định. Ông cho biết, ông đã đưa ra đề xuất này với Liên minh châu Âu rằng, nếu Brussels không tham gia, Anh sẽ không tiếp...