Ký ức kinh hoàng của thuyền viên liều mình nhảy khỏi tàu cá Đài Loan
“Bị đánh đập cùng cực quá nên 4 anh em bàn với nhau liều mình nhảy xuống biển để trốn khỏi tàu. Bây giờ về đến nhà gặp được mẹ em mới biết mình còn sống”, thuyên viên Trần Văn Dũng kể lại.
Thuyền viên Trần Văn Dũng kể lại những ngày tháng kinh hoàng khi phải làm việc liên tục 18 tiếng mỗi ngày.
Mỗi ngày phải làm việc 18 tiếng
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xóm 5, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An), học hết lớp 9, Trần Văn Dũng (SN 1991) đã phải theo cha lênh đênh trên biển cả mưu sinh. Cuộc sống quá vất vả ở quê nhà, quanh năm bươn chải nhưng điều kiện kinh tế gia đình vẫn còn quá khó khăn. Nghe theo lời giới thiệu của bạn bè cuối năm 2012 Dũng làm hồ sơ xin được đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, với mong ước thoát được cái nghèo có chút vốn làm ăn.
Sau khi nôp hồ sơ và đóng tất cả chi phí mất hơn 17 triệu đồng, Dũng được đưa lên làm việc tại một tàu đánh bắt cá ngừ của Đài Loan với thời hạn hợp đồng 2 năm, mức lương 400 USD/tháng. Trong đó 50 USD được chủ tàu giữ lại làm tiền ăn, còn 350 USD sẽ được gửi về cho gia đình. Tuy nhiên từ khi lên tàu làm việc anh mới biết được những điều kiện làm việc không đúng với trong điều khoản của hợp đồng. Mỗi ngày phải làm việc 18 tiếng, thường xuyên bị thuyền trưởng và máy trưởng đánh đập. Không chịu nổi cuộc sống như ở “địa ngục” anh cùng với 3 thuyền viên khác đã phải liều mình nhảy xuống biển mong tìm được cơ hội giải thoát cho chính mình.
“Chúng em thường xuyên bị đánh bằng cờ lê, búa theo “cảm xúc” của thuyền trưởng và máy trưởng. Có lần đang làm việc em cũng bị đánh”.
Ngồi bên người mẹ, thuyền viên Trần Văn Dũng – một trong bốn thuyền viên đã liều mình nhảy khỏi tàu đánh cá Đài Loan – vẫn còn nhớ như in những ngày tháng kinh hoảng mà bản thân anh cùng các thuyền viên khác phải chịu. Đôi mắt như vẫn còn đọng lại những nỗi sợ hãi Dũng kể: “Tháng đầu tiên khi lên tàu bọn em được phân công đan dàn câu từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối mới được nghỉ. Sang tháng thứ 2 thì tàu bắt đầu đánh cá mọi người trên tàu phải làm việc suốt đêm. Ngoài giờ ăn, mỗi người chỉ được ngủ 5 tiếng, thời gian còn lại phải đánh cá. Đó là chưa kể khi giàn câu bị đứt thì không ai được ngủ nữa”.
Con tàu mà anh Dũng làm việc có tên Việt Nam là Hiệp Đại, trên tàu có 20 thuyền viên, trong đó 10 thuyền viên là người Việt Nam, 8 thuyền viên là người Indonesia, 2 thuyền viên là người Philippines; làm việc dưới sự chỉ đạo của 1 thuyền trưởng và 1 máy trưởng người Đài Loan.
Video đang HOT
Hàng ngày các thuyền viên chỉ được ngủ khoảng 4-6 tiếng đồng hồ. Thời gian còn lại các thuyền viên đều phải làm việc hết công suất nhằm đánh bắt được sản lượng tối đa nhất. “Cứ đến giờ ăn xong một cái bọn em tranh thủ ngủ ngay, làm việc suốt đêm nên ai cũng đã quá mệt, cho nên cũng dễ ngủ. Nhưng khi đã thức thì chủ tàu bắt làm suốt đêm có đêm vừa kéo lưới, vừa buồn ngủ…”, Dũng nhớ lại.
Bị đánh bằng cờ lê, dội dầu máy lên cơ thể
Các thuyền viên trên tàu còn thường xuyên bị thuyền trưởng và máy trưởng người Đài Loan đánh đập tàn nhẫn bằng cờ lê, búa, có thuyền viên bị dội cả can dầu máy lên người. Họ bị đánh theo “cảm xúc” của thuyền trưởng và máy trưởng. Anh Dũng cho biết: “Vui họ cũng đánh, buồn họ cũng đánh. Có thời gian các thuyền viên bị đánh liên tục, mà chúng em không biết vì lý do gì. Đặc biệt là những lúc lỡ làm sai việc được giao chúng em bị đánh nặng nhất”.
Anh Dũng vẫn nhớ như in: “Khi đó em sang khoảng được 3 tháng, không hiểu vì đã làm gì trái ý với thuyền trưởng nên bị ông ấy đánh hộc máu mồm và chảy máu mũi rất nhiều. Trên tàu có thuyền viên người Indonesia bị thuyền trưởng và máy trưởng dùng cà lê và búa đánh gần một tiếng, thâm khắp mặt mũi và cơ thể. Có lần một người sau khi bị đánh, máy trưởng còn đổ cả can dầu máy lên cơ thể”.
Bà Trần Thị Ngọc mẹ anh Dũng xót xa: “Biết thế tôi đã không cho nó đi…”.
Không thể chịu nổi cuộc sống cùng cực trên con tàu “địa ngục” đó anh Dũng cùng với 3 thuyền viên người Việt Nam khác đã bàn với nhau kế hoạch “vượt ngục” đầy táo bạo, khi con tàu chuẩn bị cập cảng đảo Tahiti vào ngày 3/8. Lợi dụng việc thuyền trưởng, máy trưởng sơ ý, 4 thuyền viên đã nhảy xuống biển để trốn khi con tàu cách bờ hơn 4 hải lý.
Khi nhảy xuống biển 4 thuyền viên chỉ kịp mang theo 2 áo phao, cứ thế 4 người bám chặt vào chiếc áo bơi lênh đênh trên biển 2 giờ liền. Cho tới khi được cảnh sát biển cứu giúp, họ mới biết mình còn sống. Dũng nhớ lại: “2 ngày trước khi tàu chuẩn bị cập cảng, bọn em bàn với nhau. Ở lại làm việc tiếp cũng chết, mà nhảy xuống biển cũng chết. Nên 4 anh em liều mình nhảy xuống tìm cơ hội giải thoát cho bản thân”.
Mặc dù biết cơ hội sống sót rất mong manh, và nếu cuộc “vượt ngục” không thành công họ sẽ tiếp tục bị hành hạ dã man hơn gấp nhiều lần. Nhưng 4 thuyền viên vẫn đánh liều với số phận. Thời khắc phải gieo mình xuống biển cả, Dũng cũng như những người khác đều nghĩ ngày trở về quê hương có lẽ đã không còn.
Giờ đây khi về bên cạnh mẹ và gia đình Dũng mới thực sự dám tin mình còn sống.
Cùng bỏ trốn với Dũng còn 3 thuyền viên người Việt Nam khác, một người quê ở Qùy Châu (Nghệ An), một thuyền viên ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), một người ở Nha Trang (Khánh Hòa). Sau khi được cảnh sát biển cứu, 4 thuyền viên được Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) liên hệ và đưa về nước.
Nghe người con trai kể về những tháng ngày làm việc cùng cực, đặc biệt thường xuyên bị đáng đập bà Trần Thị Ngọc (mẹ của anh Dũng) xót xa: “Nếu biết nó phải chịu khổ như thế thì tôi đã không cho nó đi. Ở nhà dù nghèo, mẹ con rau cháo nuôi nhau còn đỡ khổ hơn. Cũng là con người với nhau sao họ ác thế”.
Hiện tại sau khi được đưa về nước anh tình trạng sức khỏe của anh Dũng đã hồi phục. Tuy nhiên những ký ức của 8 tháng phải “phục dịch” khi làm việc ở xứ người như vẫn còn in hằn trong tâm trí của anh. “Từ nay em ở nhà đi biển với bố thôi, dù cuộc sống còn vất vả nhưng mình được làm người thực sự anh à. Chứ không dám mơ đổi đời với làm giàu nữa đâu, cuộc sống vất vả còn bị người ta đánh đập khổ lắm”.
Phong Tình – Nguyễn Duy
Theo Dantri
Người đàn bà không tay tự sàng gạo, vá may
Câu chuyện về chị Nguyễn Thị Hành (50 tuổi, trú thôn Long Khê, phường Hường Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế) dù không có tay từ nhỏ nhưng đã tự tập làm mọi thứ khiến nhiều người cảm phục.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê Hương Vân, chị Hành có 2 anh chị đều lành lặn, chỉ riêng chị từ lúc lọt lòng đã không có 2 cánh tay. Bởi vậy lớn lên, từ các công việc bình thường nhất như đánh răng, súc miệng, uống nước, ăn cơm chị đều phải nhờ cha mẹ và anh chị giúp đỡ. Khi chị lên 7 tuổi, cha chị qua đời. Vài năm sau, đến lượt mẹ cũng nhắm mắt, bỏ lại 3 người con nhỏ tự lo lắng, đỡ đần nhau. Ý thức về sự tự lập, không để làm phiền anh chị mình xuất phát trong chị từ đó.
Đầu tiên chị ngồi tập co duỗi chân; sau này đã quen dần chị vừa đứng vừa tập. Sau nhiều trận chuột rút đau thắt người, đôi chân chị đã dần thành thục như đôi bàn tay, có thể làm được mọi việc. Giặt áo quần, quét nhà, sàng gạo, lột bắp, may vá hay viết chữ chị Hành đều làm thuần thục bằng đôi chân. Nhiều người trong xóm còn nhờ chị sàng gạo, chăm sóc em bé, và chị đều làm tốt. Chị cũng phụ giúp việc cho người chị Nguyễn Thị Màng (57 tuổi). Hai chị em nuôi nấng, đùm bọc nhau đã mấy chục năm qua.
Chị Hành đang dùng đôi chân để khâu vá áo quần
Ông Hồ Khoai, hàng xóm cho biết, chưa thấy ai vừa bị mất 2 tay, vừa bị vẹo lưng mà có nghị lực như chị Hành.
Ăn cơm, múc đồ ăn, chan canh... chị đều sử dụng chân rất thuần thục. Con gà nhảy ổ, chị lấy chân quắp trứng bỏ vào rổ bên cạnh. Rồi chị lấy chân cặp rổ nhảy lò cò vào nhà.
Được hưởng trợ cấp 180.000đ/tháng, những tháng ngày phía trước của chị Hành là phấn đấu, cố gắng vượt lên những khó khăn trước mắt, để mình không là gánh nặng cho xã hội.
Viết chữ khá đẹp
Phút nghỉ ngơi sau buổi làm việc vất vả, chị chải tóc làm duyên
Theo Dantri
Công đức cho nhà chùa 30 quan tài... không dùng được Kích thước của quan tài quá nhỏ, lại được thiết kế theo một kiểu mẫu giống nhau, chiều dài chỉ khoảng 1,6m, chiều ngang lại vỏn vẹn chưa đầy 0,5m. Chùa Phnôrôka (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) tiếp nhận 30 chiếc quan tài của hội từ thiện TP.HCM để giúp cho gia đình nghèo tổ chức ma chay khi...