Ký ức không thể quên về một giờ bảo vệ Bác Hồ
Đã ngoài 80 tuổi nhưng giây phút được nhận nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ ngày Bác về thăm xã Yên Trường (Yên Định – Thanh Hóa) cách đây hơn 50 năm không bao giờ phai nhạt trong ký ức của cụ Trịnh Gia Vân.
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Trịnh Gia Vân, xã Yên Trường để nghe kể về kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm. Cụ Vân năm nay đã bước sang tuổi 84 nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Khi nghe nhắc chuyện Bác Hồ về thăm Yên Trường vào năm 1961, cụ Vân như sống lại những giây phút ấy. Lục lại những dòng ký ức, cụ Vân kể rõ ràng, rành mạch từng chi tiết. Cụ bảo “Sự kiện Bác Hồ về thăm Yên Trường ngày ấy là một kỷ niệm không bao giờ tôi có thể quên được”.
Khoảng đầu tháng 12 năm 1961, xã đội trưởng Trịnh Gia Vân bất ngờ được cấp trên gọi lên giao nhiệm vụ. Ông được giao một tình huống giả định yêu cầu nêu phương án bảo vệ tại một địa điểm sẽ có cán bộ cao cấp về thăm.
Cụ Trịnh Gia Vân – người xã đội trưởng năm xưa được vinh dự 1 giờ bảo vệ Bác Hồ
Trước yêu cầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, trong chốc lát, ông trình bày phương án bảo vệ chu đáo, khoa học. Ngay lập tức được huyện đội tin tưởng giao phó trọng trách. Tin tức hoàn toàn được bí mật, ban đầu, xã đội trưởng chỉ nghĩ sẽ có một cán bộ cấp cao nào đó về thăm chứ không dám nghĩ rằng đó là Bác Hồ.
Nhưng khi được nghe đồng chí Trịnh Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh lúc bấy giờ cho biết công tác chuẩn bị đón tiếp không cần cầu kỳ, đơn giản mà an toàn, thì ông đoán ngay có thể là Bác Hồ. Trở về địa phương, ông trình bày với thường vụ xã, lựa chọn những thanh niên tiên tiến, xuất sắc trong hàng ngũ dân quân để tham gia bảo vệ Người. Có khoảng 40 người dưới sự phân công, chỉ đạo của ông thực hiện bảo vệ tại hai vòng trong và ngoài. Tất cả đều chung một niềm vinh hạnh xen lẫn tự hào.
Để ra mật hiệu và đánh dấu địa điểm cho trực thăng hạ cánh, ông chỉ đạo cho đốt rơm khô để tạo khói. Sân khấu, khu vực đón tiếp, hậu cần tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng.
Đêm trước khi đoàn cán bộ cao cấp về, xã đội trưởng Trịnh Gia Vân không tài nào chợp mắt được. Ông đi lại kiểm tra địa điểm đón tiếp, công tác bảo vệ, hậu cần và bố trí sắp xếp cán bộ đón tiếp.
Ông kể: “Khoảng hơn 8 giờ ngày 11 tháng 12 năm 1961, trực thăng chở đoàn cán bộ cao cấp xuất hiện tại cánh đồng bông của xã Yên Trường. Tất thảy ai hồi hộp chờ đón, nhưng khi vừa thấy Bác Hồ bước xuống từ trực thăng, cả biển người hò reo như sấm dậy. Nhìn Bác khoan thai, giản dị bước đến trong bộ áo gụ kiểu nông dân, mọi người ai cũng cảm động. Người nọ truyền tai người kia, làng nọ truyền tại làng kia, xã nọ truyền tai xã kia, cứ thế dòng người ùn ùn kéo nhau đến Yên Trường để được nhìn thấy Bác”.
Bác Hồ về thăm nhân dân Yên Trường năm 1961
Video đang HOT
“Bác Hồ luôn quan tâm trước hết là các cụ già các cháu thiếu nhi. Câu đầu tiên Người nói “Trước hết Bác gửi lời thăm hỏi các cụ phụ lão, bà con xã viên HTX Yên Trường và các HTX xung quanh, Bác hỏi thăm chị em công nhân đang làm việc ở công trường thủy lợi và các cháu thiếu nhi”. Bác nói, ai nấy đều chăm chú lắng nghe từng lời, sau khi biểu dương những thành tích của địa phương đã đạt được trong nông nghiệp, Bác cũng nêu những thiếu sót của HTX và những việc cần làm như: nâng cao thu nhập cho xã viên, thực hiện nam, nữ bình đẳng, thực hiện dân chủ rộng rãi, nhất là về tài chính phải công khai và minh bạch, sổ sách phải rành mạch, thu chi bao nhiêu phải báo cáo rõ ràng cho xã viên biết, tài chính không công khai sẽ ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ của HTX.
“Thay mặt Đảng bộ và nhân dân xã Yên Trường, đồng chí Bí thư Đảng ủy đọc lời hứa trước Bác, tất cả mọi người điều đồng thanh hứa trước Bác và quyết tâm làm theo lời Bác dạy. Trong lúc Bác đang nói chuyện thì một cán bộ đã dùng ô che cho nắng cho Người, nhưng Bác gạt đi và ân cần chỉ xuống chỗ người dân đang đứng và nói người dân cũng đang phải chịu nắng”.
Gần một giờ đồng hồ sau, Bác vào thăm một số gia đình người cao tuổi. Khi đến thăm nhà ông Trịnh Túc, cán bộ về hưu, nhìn thấy cây xoan của gia đình ông Túc, Bác liền nhắc nhở nhân dân nên trồng nhiều cây xoan vừa lấy củi vừa lấy bóng mát. Bác đi đến đâu trẻ con chạy theo đến đấy nhưng vẫn không kịp vì Bác đi rất nhanh. Bác gần gũi khi chia kẹo cho các cháu thiếu nhi và chụp ảnh chung với mọi người.
Ông Trịnh Gia Vân được vinh dự đi trong đoàn cùng Bác đến thăm một số gia đình người cao tuổi trong làng
“Tôi nhớ, trước lúc lên máy bay trực thăng, Bác còn hỏi lại nhân dân có ai còn điều gì muốn nói không. Bác còn ân cần dặn dò đồng chí Bí thư Đảng ủy, là: Phải chú ý lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt việc vệ sinh phòng bệnh, nhất là đối với các cháu thiếu nhi. Bác nói: Xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cho toàn dân già, trẻ, gái, trai được ăn no, mặc ấm, được học hành và làm cho đời sống được hoàn toàn đầy đủ, sung sướng hạnh phúc” – cụ Vân nhớ lại.
Cụ Vân còn nhớ chia tay Bác, người dân Yên Trường lưu luyến tặng Bác món quà là những nông sản của địa phương, nhưng Bác không lấy mà chỉ lấy một bó củ sắn về làm quà.
Kể đến đó, mắt cụ rưng rưng, cụ bảo mỗi lần nhớ lại những giây phút đó cụ vẫn còn thấy cảm giác hạnh phúc, một vinh dự lớn lao mà chỉ một lần duy nhất trong đời có được.
Theo Dantri
Về nhà mẹ Tơm - nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng hơn 70 năm trước
Hơn 70 năm trước, tại mảnh đất cỗi cằn ven biển Hanh Cù, mẹ Tơm đã nuôi giấu biết bao nhiêu người con của cách mạng.
Căn nhà của mẹ Tơm trên mảnh đất Hanh Cù, nay là thôn Đông Thành, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), ngôi nhà rơm ngày ấy không còn nữa nhưng những kỷ vật in hằn ký ức về mẹ vẫn còn được con cháu đời sau lưu giữ cho đến tận bây giờ.
Mẹ Tơm là tên mà nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu gọi trong bài thơ ông viết vào tháng 7/1961. Đó là thời điểm sau 19 năm đi xa rồi trở về thăm, Tố Hữu ra mộ thắp hương cho ông bà, tri ân người đã nuôi dưỡng mình. Lần về thăm ấy đã khiến nhà thơ Tố Hữu xúc động viết bài thơ Mẹ Tơm.
Nhà mẹ Tơm được tái hiện qua một bức tranh
Mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển, sinh năm 1880, tại vùng Hanh Cù. Mẹ lấy chồng cùng quê là cụ ông Vũ Văn Sởn, sinh được 4 người con, trong đó hai người con trai của mẹ đều tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ.
Sau khi chiến khu du kích Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành) thất bại, năm 1942, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa chuyển về Nga Sơn củng cố tổ chức và in báo "Đuổi giặc nước". Thấy có báo của Việt Minh, bọn mật thám và quan lại truy lùng ráo riết. Tình thế nguy cấp, phải chuyển sang Hậu Lộc tiếp tục hoạt động, ngôi nhà ba gian lợp bằng mái rơm trên cồn cát hoang vắng của gia đình mẹ Tơm được chọn làm căn cứ. Nhà mẹ Tơm trở thành cơ quan Tỉnh ủy lâm thời, mỗi thành viên trong gia đình đều là chiến sĩ.
Lúc bấy giờ, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời là đồng chí Lê Tất Đắc, sau đó là Tố Hữu, ở nhà mẹ Tơm còn có các đồng chí Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong, Đặng Hỷ... Tại đây, cán bộ của ta củng cố tổ chức, xây dựng cơ sở móc nối liên lạc, tiếp tục ra báo "Đuổi giặc nước" in bằng li-tô (khắc lên đá sau đó in ra giấy) và truyền đơn, biểu ngữ.
Từ khi cán bộ đến hoạt động, nhà mẹ Tơm bề ngoài không có gì thay đổi, tuy nhiên bên trong làn sóng đấu tranh, tình yêu và niềm tin dành cho cách mạng bắt đầu được thổi cuộn. Trong làng có nhà Chánh Tổng hay soi mói nên ông bà Tơm được phân công canh gác cả ngày và đêm, trước và sau nhà. Mọi sinh hoạt, ăn uống của "đại gia đình" nhờ vào sự tảo tần của mẹ Tơm.
Bữa ăn hằng ngày thường là khoai lang "cõng" ít cơm với cà muối và tép kho mặn. Trồng được mấy vạt rau trên đất cằn, chiều về bà hái mang ra chợ bán cùng với bó củi phi lao, mớ ốc vừa mò được. Dưới đáy rổ rau bà cất báo và tờ truyền đơn, điều kiện thuận lợi bà lại rải khắp nơi. Giác ngộ cách mạng, hai người con trai của mẹ Tơm là Vũ Văn Sồ và Vũ Đức Hậu cũng từ bỏ nghề đi chăn trâu thuê để làm nghề cắt tóc dạo lấy tiền nuôi các cán bộ đồng thời làm liên lạc, móc nối với các tổ chức, và phát báo, rải truyền đơn.
Ông Sởn cũng từ bỏ nghề cày thuê ở nhà đan lát. Ngày ngày ông ngồi trước cửa nhà đan rổ rá và canh chừng, hễ có ai đến là ông lại tỏ ra khó chịu vì "đang bận tập trung đan lát", nhờ đó mà cán bộ của ta yên tâm làm việc trong nhà.
Những kỷ vật như hũ sành đựng gạo, tiền, bộ đồ nghề cắt tóc nuôi cán bộ cách mạng vẫn còn được lưu giữ
Trong ký ức xa xăm của ông Vũ Xuân Thu, người cháu nội cuối cùng còn sống của mẹ Tơm (năm nay cũng đã gần 70 tuổi) thì cả cuộc đời bà nội ông dành trọn tình yêu cho cách mạng. Dù ngày ấy, ông vẫn là một đứa trẻ nhưng ông hiểu tình yêu thương của bà nội dành cho những cán bộ sống ở đấy.
Ông kể: "Ngày đó tôi còn nhỏ, thế nhưng vẫn nhớ như in cái dáng người nhỏ thó thấp đi liêu xiêu trong bóng nắng trên những triền cát mỗi lần đi đâu về. Cả cuộc đời bà nội lúc nào cũng vội vã, tất bật chỉ để lo cho cán bộ. Số tiền cắt tóc, bán rau, bán củi, bán rổ rá của mọi người trong gia đình đều được bà nội gom góp, dành dụm vào hai cái hũ sành, một hũ đựng gạo và một hũ đựng tiền. Mỗi ngày bà chắt chiu một chút, số gạo tiền này được dành nuôi cán bộ những ngày mưa bão, ốm đau. Bà ân cần chăm sóc các anh như chính những đứa con đẻ của mình".
Chiếc hòm đựng quần áo và tài liệu của cán bộ cách mạng
"Tôi nhớ vào khoảng năm 1951, trên đường ra Hà Nội công tác, ông Lê Tấc Đắc, một người chiến sĩ cách mạng từng được bà tôi nuôi giấu trong nhà mình đã về thăm lại bà. Đó là buổi chiều khi tôi cùng bà chăn bò ở rừng cây phi lao bên bãi cát. Nhìn thấy bà, ông ấy đã xúc động chạy lại ôm chầm lấy bà như một người con sau bao ngày xa cách nay được gặp lại. Bà và ông Đắc nhìn nhau, nước mắt nghẹn ngào mà không nói lên lời".
"Nhìn thấy người mẹ còm cõi, vẫn bộ quần áo nâu vá víu, ông ấy thương bà lắm. Ông Đắc lấy từ trong ba lô mấy mét vải lụa biếu bà may quần áo. Đêm hôm đó, ông Đắc cùng người cận vệ về nhà tôi ngủ lại. Mọi người tâm sự đến 4h sáng thì bác tôi tiễn chân ông Đắc qua đò sang Nga Sơn (Thanh Hóa) để đi ra Hà Nội" - ông Thu nhớ lại.
Những năm sau đó, khi bị giặc phát hiện, nhà mẹ bị đốt cháy, hai con trai của mẹ bị giặc bắt đi tra tấn. Cán bộ phải dời địa điểm sang nơi khác. Sau cách mạng tháng 8 thành công, chồng của mẹ Tơm qua đời trong một cơn bạo bệnh ở tuổi 62. Không lâu sau đó, giữa trưa hè nắng cháy rát bàn chân đầu năm 1953, mẹ Tơm cũng theo chồng trở về cát bụi.
Khu mộ thờ mẹ Tơm cùng chồng
Cho đến bây giờ, bộ tông đơ cắt tóc dạo ngày ấy, những hũ sành, hòm đựng đựng tiền, gạo, quần áo và tư liệu của bộ đội vẫn được lưu giữ trong căn nhà lưu niệm của mẹ. Dù căn nhà của mẹ ngày đó khi bị phát hiện đã bị giặc đốt phá thành tro bụi nhưng quân thù không thể đốt được những kỷ vật hằn tình yêu thương của mẹ Tơm với cán bộ cách mạng.
"Ngôi nhà của bà nội đã được tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng lại và công nhận là khu di tích lịch sử cách mạng, lưu lại những kỷ vật của ông bà đã sử dụng suốt những năm tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng. Bà nội được tặng Kỷ niệm chương Tổ Quốc ghi công và bằng gia đình có công với nước" - ông Thu tự hào cho biết.
Căn nhà mẹ Tơm được xây dựng lại và công nhận là khu di tích lích sử cách mạng.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Thành ủy TPHCM kiến nghị 5 điểm tới Ban Kinh tế Trung ương Chiều 3/1, tại TPHCM, Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy TPHCM đã đề nghị Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu giúp 5 vấn đề lớn về kinh tế - xã hội. Ông Vương Đình Huệ phát...