Ký ức không quên của quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia
Đã 35 năm kể từ ngày giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng và 25 năm sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, nhưng ký ức ấy in sâu trong tâm trí những người lính Việt Nam ở mặt trận Đông và Đông Bắc Campuchia (Mặt trận 779).
Thủ tướng Campuchia Hun Sen trò chuyện cùng các cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (Nguồn: TTXVN)
Đó không chỉ là ký ức về một cuộc chiến chống lại sự tàn bạo của tập đoàn phản động Pol Pot – Iêng Xary, mà còn là quá khứ hào hùng của một đội quân tình nguyện giúp bạn hồi sinh sau khi thoát khỏi họa diệt chủng.
Ký ức thời chiến
Sau khi phối hợp với nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng thủ đô Phnôm Pênh – Campuchia ngày 7/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam đã tiếp tục giúp đỡ nhân dân Campuchia xây dựng lại đất nước sau thời kỳ “đen tối” dưới họa diệt chủng.
Mặt trận 779 được thành lập trên nền tảng Bộ Tư lệnh Tiền phương – Quân khu 7 năm 1981, giúp nước bạn ở các tỉnh Công Pông Thơm, Công Pông Chàm, Svây Riêng, Prây Veng, Kra Chê.
Cuộc chiến đã lùi xa, nhưng Đại tá Đinh Văn Huệ, nguyên Quyền Tham mưu trưởng Mặt trận 779 vẫn không quên được hình ảnh đau xót của đất nước Campuchia hơn 35 năm về trước.
Đại tá Huệ ngậm ngùi kể lại: “Khi chúng tôi đi qua những nơi từng là trung tâm sầm uất của đất nước Campuchia, chỉ thấy cảnh hoang tàn, xơ xác. Nhà cửa, trường học, các khu chợ bị đập phá, vắng bóng người. Bọn Pôn Pốt đã dồn dân tới các trại tập trung bắt lao động khổ sai. Những người dân còn sót lại chỉ biết kêu lên những tiếng ai oán khi người thân bị đập đầu, giết hại. Tại một số ngôi chùa, xác người dân được chất thành đống, rất khủng khiếp”.
Là một người từng sống tại Campuchia những năm đầu thập niên 70, Đại tá Đinh Văn Huệ không khó để nhận ra sự thay đổi “không thể tưởng tượng” mà bọn diệt chủng Pôn Pốt gây ra cho đất nước Campuchia. Theo Đại tá Huệ, dưới sự cai trị của bọn Khmer Đỏ thì “Ở đó như đã quay lại thời trung cổ”.
Video đang HOT
Sự đau khổ dường như đến tột cùng của người dân Campuchia đã được giải thoát bằng tình cảm, sự nhiệt huyết và tấm lòng cao cả của quân tình nguyện Việt Nam.
Đại tá Đặng Khắc Thỏa, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 7701, Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 779 cho biết, nhìn thấy niềm vui hiện ra trên khuôn mặt người dân Campuchia sau khi được giải thoát khỏi các trại tập trung của Pôn Pốt trở về phum – ấp, chúng ta mới thấy hết được công sức lớn lao của quân tình nguyện Việt Nam. Nhiều người dân Campuchia khi đó đã nói, bộ đội Việt Nam đã sinh ra họ thêm một lần nữa.
Trong cuốn hồi ký “ Quân tình nguyện Mặt trận 779 – Ký ức người trong cuộc” xuất bản năm 2013, ông Nguyễn Huy đã chia sẻ về cảnh tượng kinh hoàng mà bọn Khmer Đỏ gây ra cho chính dân tộc của họ “Chế độ Pôn Pốt đã biến Campuchia thành nhà tù khổng lồ, lắm đau thương và đói nghèo, tật bệnh. Ruộng, rẫy hoang hóa thành một màu cỏ vàng xơ xác. Thỉnh thoảng mới thấy một phum, cỏ lan mặt đất, phên vách tả tơi, không một bóng người! Đầu lâu, xương người trắng xỉn lăn lóc khắp nơi. Từng đàn quạ đen chao lượn trên trời. Đêm đến tiếng cú rúc buồn bã”.
Trong ký ức của Đại tá Đặng Khắc Thỏa, điều mà ông không bao giờ quên chính là sự kiện Đoàn 7701 của ông vượt qua sông Mê Kông, tiến vào Công Pông Thơm. Nguyên Đoàn trưởng Đoàn 7701 kể: Lúc đó đã nửa đêm, nhưng người dân Campuchia vẫn ra đứng đầy hai bên đường để nhảy múa, vẫy tay đón chào những người bạn đang giúp họ đẩy lùi chế độ diệt chủng. Những gương mặt khắc khổ đã bật lên nụ cười hạnh phúc dưới những ánh lửa lấp lóe trong đêm.
Quên mình cho nước bạn hồi sinh
Những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn không hề đơn giản đối với những người lính vừa trải qua một cuộc trường kỳ kháng chiến. Đại tá Đặng Khắc Thỏa chia sẻ: Sống cùng gia đình chưa lâu sau khi thống nhất đất nước, lại phải lên đường làm nhiệm vụ là một khó khăn thật sự.
Nhưng vì Tổ quốc và vì nhân dân nước bạn nên những “vấn vương” gia đình đã được gác qua một bên. Đó là sự hi sinh lớn lao và cao thượng của quân ta mà không phải ai cũng cảm nhận được.
Với một người lập gia đình muộn như ông Thỏa (năm 1974 khi đã 42 tuổi), trong suốt 15 năm trời, ông chỉ ở cạnh gia đình hơn một năm là một thử thách.
Cầm trên tay bức thư còn lưu giữ lại của người vợ gửi cho ông khi đang làm nhiệm vụ tại Campuchia năm 1986, ông Thỏa chia sẻ: Bà ấy luôn ủng hộ mình, chấp nhận cuộc sống khó khăn ở quê nhà để mình yên tâm làm nhiệm vụ, nhưng thoảng trong những câu từ là nỗi buồn da diết khi phải xa chồng trong quãng thời gian dài. Đọc bức thư vừa buồn, vừa thương nhớ vợ. Nhưng nghĩ đến những khó khăn mà nhân dân nước bạn gánh chịu, những gì mình đã và đang làm được thì nỗi buồn cũng vơi đi.
Người dân Campuchia chạy sang biên giới Tây Nam lánh nạn diệt chủng của Pol Pot (Nguồn: TTXVN)
Nói về những năm cuối thập niên 70, khi đi vận động những đồng chí, đồng đội đã giải ngũ hoặc chuyển ngành quay trở lại để làm nhiệm vụ, Đại tá Đinh Văn Huệ lộ rõ nỗi buồn trong đôi mắt nhăn nheo ở tuổi 86.
“Dù tất cả các đồng chí ấy đều quay lại sát cánh bên nhau giúp nước bạn, nhưng khi nhìn thấy những nỗi buồn trên gương mặt người thân của họ mới hiểu hết được sự hi sinh cao cả của những người ra đi và người thân ở quê nhà. Họ mới chỉ gần nhau chưa đầy 2 năm sau ngày đất nước thống nhất. Và có những người đã không thể trở về với gia đình”, Đại tá Huệ nghẹn ngào.
Không chỉ giúp bạn thoát họa diệt chủng, quân tình nguyện Việt Nam đã chung tay cùng bạn xây dựng lại đất nước, từ những ngôi nhà, trường học đến hướng dẫn làm kinh tế. Trong tâm trí của nhiều người từng tham gia Mặt trận 779, họ luôn nhớ về hình ảnh Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Prây Veng bật khóc khi thấy bộ đội ta ăn cháo để dành gạo cứu đói cho người dân Campuchia. Đó là hình ảnh đáng quý mà quân tình nguyện Việt Nam thường nói vui là “đói cứu đói”.
Trong cuốn “Quân tình nguyện Mặt trận 779 – Ký ức người trong cuộc”, cố Thiếu tướng Đặng Quang Long, Tư lệnh Mặt trận 779 đã từng chia sẻ hai câu chuyện thể hiện sự thân tình, tinh thần quốc tế vô tư của quân tình nguyện và nhân dân Việt Nam. Trước đám đông đồng bào đang nhận phần gạo cứu trợ do đoàn xe của nhân dân Việt Nam gửi đến, Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh Svây Riêng đã nói với nhân dân Campuchia “Đây là gạo của nhân dân Việt Nam gửi đến cứu đói cho chúng ta, chúng ta nhận gạo này trong lúc nhân dân Việt Nam cũng đang bị đói, chúng ta không bao giờ quên sự nhường cơm sẻ áo này”.
Khi một phóng viên nước ngoài hỏi “Quân Việt Nam sang đây, Campuchia phải cung cấp cho họ những gì”?, Chủ tịch tỉnh Kông Pông Chàm Pi Chay trả lời ngay “Chỉ nước và khí trời”. Điều đó đã nói lên tất cả về tấm lòng cao thượng của quân tình nguyện Việt Nam, tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Trong một dịp trở lại thăm đất nước Campuchia gần đây, Đại tá Đinh Văn Huệ đã mừng thầm trước sự phát triển của nước bạn, một đất nước đã đi lên từ họa diệt chủng. Đại tá Huệ cho biết, ông cũng như những người bạn không khỏi bất ngờ về sự hồi sinh mạnh mẽ của đất nước Campuchia. Và trong lòng mỗi người luôn rất tự hào, vì mình đã đóng góp một phần công sức trong sự hồi sinh đó.
http://www.vietnamplus.vn/ky-uc-khong-quen-cua-quan-tinh-nguyen-viet-nam-o-campuchia/238158.vnp
Theo Dantri
Biểu tình lớn phản đối xuyên tạc lịch sử ở Campuchia
Sáng 9/6, khoảng 10.000 nạn nhân chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã tổ chức biểu tình tại Quảng trường dân chủ ở Phnom Penh để phản đối ông Kem Sokha, quyền Chủ tịch đảng đối lập Cứu dân tộc Campuchia (CNRP), do ông này đã "xuyên tạc sự thật lịch sử".
Ông Kem Sokha bị chỉ trích kịch liệt khi nói rằng nhà tù Tuol Sleng là giả hiệu do Việt Nam dựng lên.
Những người tham gia biểu tình bao gồm những nạn nhân trực tiếp còn sống sót, thân nhân của chế độ diệt chủng, đã biểu thị hoàn toàn đồng tình với phát biểu của Hội trưởng Chum Mey "kịch liệt phản đối phát biểu xuyên tạc sự thật lịch sự, xúc phạm nặng nề đối với 3 triệu người đã chết dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ từ 1975-1979, trong đó có khoảng 2 vạn người đã chết ở nhà tù khét tiếng Tuol Sleng".
Sáng 19/6, khoảng 10.000 người đã biểu tình phản đối phát biểu xuyên tạc lịch sử của quyền Chủ tịch đảng đối lập Kem Sokha.(Ảnh: Chí Hùng/Vietnam )
Tại cuộc biểu tình, ông Chum Mey, nói rằng thực tế lịch sử đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu của ông Kem Sokha trong phát biểu ngày 18/5 tại tỉnh Kandal rằng nếu thực sự Tuoln Sleng là nhà tù diệt chủng thì quân Pol Pot phải giật sập trước rút khỏi khỏi Phnom Penh năm tháng 1/1979.
Ông Chum Mey nói trước cuộc tấn công thần tốc của quân đội Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam vào giải phóng thủ đô Phnom Penh 7/1/1979, bọn đao phủ ở Tuol Sleng đã phải tháo chạy, nhưng chứng tích về sự dã man của chúng vẫn còn lại; chính cựu Giám đốc nhà tù Tuol Sleng đã phải nhận tội trước Tòa án xét xử tội ác (ECCC) và bị kết án hơn 30 năm tù giam; và hiện nay các nhân vật đầu sỏ của Khmer Đỏ như cựu Chủ tịch Quốc hội Nuon Chhea, cựu Chủ tịch nước Khieu Samphan vẫn còn tiếp tục đối diện với ECCC để điều trần về những tội ác của chế độ Khmer Đỏ và trách nhiệm cá nhân của họ.
Sau cuộc biểu tỉnh, ông Chum Mey đã dẫn đầu 500 người đến trụ sở đảng CNRP để trao kiến nghị đòi ông Kem Sokha phải đến thắp hương tại nhà tù Tuol Sleng để tạ lỗi những nạn nhân của chế độ diệt chủng sau những phát biểu vô trách nhiệm của ông.
Tại cổng trụ sở CNRP, bà Mu Sochun, Tổng thư ký đảng, cùng một số lãnh đạo khác của đảng đối lập đã tiếp nhận kiến nghị từ ông Chum Mey và hứa sẽ chuyển đến ông Kem Sokha nhưng đã tránh bình luận về đáp ứng của quyền chủ tịch đảng đối lập.
Theo Hội nạn nhân chế độ diệt chủng, cùng ngày, nhiều cuộc biểu tình tương tự đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh của Campuchia.
Sau giải phóng 7/1/1979, nhà tù Tuol Sleng, vốn là một trường trung học, đã trở thành bảo tàng tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ, thu hút nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan./.
Theo Dantri
LHQ cho tòa án xử Khmer Đỏ vay 2 triệu USD Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 1/4 thông báo cho tòa án Campuchia xét xử các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ vay 2 triệu USD để trả lương nợ các nhân viên mấy tháng qua. Văn phòng Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia, được LHQ hậu thuẫn, thông báo, khoản vay 2 triệu USD sẽ được dùng để trả lương...