Ký ức hài hước của cảnh sát truy lùng băng cướp ‘râu xanh’
Gò lưng lóc cóc đạp xe, đôi mắt chàng cảnh sát hình sự không ngừng liếc quanh cánh đồng. Bất ngờ một nhóm người xuất hiện sau một ụ đất, quát: “Đứng im, giơ tay lên”.
Gần một năm ròng rã ăn bờ nằm bụi để truy lùng dấu vết băng cướp gồm 10 tên do Nguyễn Ngọc Sang cầm đầu, những chiến sĩ tinh nhuệ trong Ban chuyên án của Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng không ít lần rơi vào cảnh dở khóc dở cười.
Lên kế hoạch mật phúc băng cướp “râu xanh”.
Đêm một ngày đầu năm 1994, nhận nhiệm vụ tuần tra trên cánh đồng vắng của huyện Thăng Bình, viên thiếu úy trẻ xộc xệch trong bộ quần tây – áo sơ mi nhàu nhĩ. Gò lưng lóc cóc đạp xe, đôi mắt chàng cảnh sát không ngừng liếc quanh cánh đồng. Bất ngờ một nhóm người lù lù xuất hiện sau một ụ đất, quát: “Đứng im, giơ tay lên”.
Những người mặc thường phục này xưng là công an huyện Thăng Bình đi tuần tra, nhanh chóng áp sát và khống chế gã thanh niên đi xe đạp vì “bộ dạng khả nghi”. Hỏi tên tuổi, địa chỉ, làm gì trong đêm thì anh này không nói. Lục soát người, họ tìm thấy khẩu K54 mà không hề có một thứ giấy tờ nào nên lập tức đưa về trụ sở.
“Vì nhiệm vụ bí mật nên anh ấy không thể nói ra thân phận. Còn chúng tôi khi ấy cũng thực thi nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến đường thường xuyên xảy ra cướp bóc nên rất cảnh giác. Khi sự việc được báo cáo với cấp trên, sau cuốc điện thoại của lãnh đạo công an tỉnh, chúng tôi mới biết anh ấy là đồng đội”, viên cảnh sát huyện Thăng Bình ngày xưa kể.
Lại có lần, đang phục kích tại khu vực đồng không mông quạnh, các trinh sát phát hiện một bóng đen lom khom bước xuống từ chiếc xe khách. Thấy bộ dạng người này khả nghi, họ áp lại gần, mới biết đó là một bà lão. Tưởng gặp cướp, bà cụ hoảng hốt van xin: “Các chú thương tình, tui già rồi có chi mô mà cướp”. Ngơ ngác một lúc, tổ trinh sát bèn nhận là dân xe ôm và xin được đưa bà cụ về nhà. “Lần đó chúng tôi được bà cho 2.000 đồng. Đang lúc rỗng túi nên số tiền của bà trở thành một kỷ niệm khó quên”, một thành viên Ban chuyên án kể lại.
Đại úy Huỳnh Đức Cường xem trích lục hồ sơ băng cướp.
Còn với trung tá Trần Anh Dũng (Đội cảnh sát điều tra về trật tự xã hội Công an TP Đà Nẵng), thành viên Ban chuyên án năm xưa, dù sự việc xảy ra đã gần 20 năm, song ông vẫn chưa quên được lần “cướp và cảnh sát cùng rình nhau trong đêm”.
Video đang HOT
Hôm đó, nhận nhiệm vụ phục kích tại cánh đồng, tổ trinh sát gồm 3 người đã ém quân từ sớm. Đến khuya, họ phát hiện hai bóng đen đạp xe trên đường rồi bất ngờ giấu xe, chạy xuống cánh đồng nấp vào ụ mả, cách tổ trinh sát không xa. Theo chỉ đạo của Ban chuyên án “bằng mọi giá phải bắt quả tang, không vội vàng bắt giữ hoặc nổ súng nếu thấy không chắc chắn”, nên dù bị muỗi cắn, đỉa bu và rất thèm một hơi thuốc nhưng các chiến sĩ vẫn cố chịu đựng. Cả tổ trinh sát như những người câm, chỉ làm dấu hiệu, mắt không rời mục tiêu.
“Sau này, lúc bắt được băng cướp, chúng tôi mới biết đêm đó chúng đã lên kế hoạch ‘ăn hàng’ nên phục kích tại cánh đồng chờ con mồi, không ngờ lại nằm sát bên tổ trinh sát. Nhưng do ban chiều bọn chúng hơi quá chén và phải chờ lâu nên mệt mỏi ngủ quên, không ra tay”, trung tá Dũng cho hay.
Còn đại tá Huỳnh Đức Cường – Phó phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ Công an Quảng Nam cho biết, lúc thực hiện nhiệm vụ triệt phá băng cướp manh động này, ông và đồng đội phải thường xuyên thay đổi chiến thuật.
Có đêm họ phải đạp xe lòng vòng cả trăm cây số, khi thì đóng giả người đi xe máy buôn chuyến chở hàng cồng kềnh nhằm gây chú ý bọn cướp. Cũng có lúc trời mưa, xe hết xăng, anh em phải thay nhau è cổ đẩy xe nhiều km rồi gõ cửa nhà dân xin xăng. Còn những hôm được lệnh phục kích thì ban chiều đã lo đùm cơm nước ra đồng, căng mắt cả đêm theo dõi mọi di biến động xung quanh.
“Hôm nào được phân công giả là dân buôn đường dài, một trong chúng tôi phải xin vào làm phụ xế, một người xin ra sau thùng xe và người nữa nằm trên nóc cabin. Có lúc xe qua ‘ổ trâu’ tưởng chừng té xuống như chơi, trong khi bên mình súng đạn luôn sẵn sàng, chỉ sợ súng rơi mất hay bất chợt bị cướp cò”, đại tá Cường chia sẻ.
Dẫn giải tên cướp Hồ Thanh Sơn – một trong những tên đặc biệt nguy hiểm phải lĩnh án tử hình sau đó.
Tuy nhiên, với các thành viên Ban chuyên án năm đó, cảm động nhất vẫn là tình cảm của vợ chồng anh Dưỡng ở Tam Kỳ. Khi biết công an đang truy lùng, câu nhử bọn cướp hằng đêm, vợ chồng anh dù nghèo, ngôi nhà chật hẹp nhưng đã nhường cho các chiến sĩ cả gian phòng để anh em “đêm làm, ngày nghỉ”. Họ cũng chăm lo cơm nước và nghe ngóng mọi động tĩnh bên ngoài để báo về cho các trinh sát biết.
Cuối năm 1994, sau gấn 12 tháng nếm mật nằm gai, lực lượng Công an Quảng Nam – Đà Nẵng đã bắt được toàn bộ 9 tên trong băng cướp, hiếp của Sang. Riêng kẻ cầm đầu này trong một lần đấu súng với Công an tỉnh Tiền Giang khi gây án ở cứ địa mới, đã bị tiêu diệt. Cung đường Quốc lộ 1A qua địa bàn trở lại bình yên, các bác tài lại có thể yên tâm nghỉ mệt trên tuyến đường huyết mạch.
Chuyên án kết thúc với rất nhiều câu chuyện nghiệp vụ khác của lực lượng cảnh sát được áp dụng. Nhiều thành viên Ban chuyên án hiện giữ các cương vị lãnh đạo khác nhau của ngành Công an Quảng Nam và Đà Nẵng.
Theo VNE
Trắng đêm ngâm bùn truy bắt băng cướp 'râu xanh'
Linh tính nghề nghiệp mách bảo, tổ trinh sát chồm dậy giữa đồng lúa khi thấy 2 bóng đen trùm đầu. Mặc sình lầy bám nhầy nhụa, các trinh sát bò theo con mương, qua đường quốc lộ hàng trăm mét để tiến gần mục tiêu.
Các trinh sát phục kích trên các tuyến xe tải đường dài.
Việc băng cướp do Nguyễn Ngọc Sang cầm đầu cả chục tên liên tục cướp của, hiếp dâm, trên tuyến Quốc lộ 1A gây kinh hoàng cho người dân đã khiến các chiến sĩ Công an Quảng Nam - Đà Nẵng như ngồi trên đống lửa. Nhất là trong 64 vụ án mà Sang và đồng bọn gây ra, từ tháng 5/1992 đến đầu tháng 7/1994 thì có đến 43 vụ ở địa bàn tỉnh này.
Công an tỉnh quyết định thành lập Ban chuyên án với những trinh sát dày dạn nhất được được tung vào cuộc. Theo lời kể của các nạn nhân, cảnh sát xác định khi gây án, băng cướp thường giả giọng các vùng miền nên việc lần ra manh mối rất khó khăn. Cảnh sát lục tung cả đống hồ sơ cũ có liên quan đến cướp, bới từng ngõ ngách, từng sổ đăng ký tạm trú các khách sạn, đưa vào tầm ngắm gần 150 người khả nghi rồi loại dần.
Ban chuyên án cũng phân công lực lượng các địa phương khảo sát kỹ lại địa bàn, thông tin cho công an khắp các tỉnh miền Trung hỗ trợ phát hiện những kẻ khả nghi, nhờ quân đội xác minh nguồn gốc những khẩu súng từ những vụ cướp. Bản thân những người trong Ban chuyên án cũng đóng vai các tài xế xe tải đường dài, tuần tra trắng đêm hàng tháng trời để phục kích và "câu" cướp. Nhiều tháng trôi qua, Sang và đồng bọn vẫn "lặn tăm" bởi lúc này chúng đã "đánh hơi" được lực lượng công an đang truy lùng ráo riết nên chuyển địa bàn hoạt động từ Bình Thuận vào các tỉnh miền Nam.
"Đó là những tháng ngày mà chúng tôi dãi nắng dầm mưa, cơm đùm cơm vắt, ngủ bờ ngủ bụi, muỗi cắn, rết đốt... chỉ với mục tiêu bám sát địa bàn, truy lùng nghi phạm. Các chiến thuật cũng linh hoạt thay đổi phù hợp để tìm ra manh mối của băng cướp", một thành viên Ban chuyên án kể.
Băng bó vết thương cho Đỗ Thái Bình lúc bị bắn.
Sau gần một năm trời ròng rã giăng lưới, lúc 3h30 ngày 6/5/1994, tổ phục kích gồm 3 trinh sát gan dạ, bản lĩnh nhất ém quân tại khu vực cầu Cảnh Tiên - nơi thường xuyên xảy ra cướp trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Bất ngờ họ phát hiện khu vực hướng Bắc có tiếng ném đá vào thùng xe tải, nhưng chiếc xe đó không dừng.
Linh tính nghề nghiệp mách bảo đây chính là mục tiêu, tổ trinh sát chồm dậy giữa đồng lúa khi thấy 2 bóng đen. Mặc sình lầy bám nhầy nhụa, các trinh sát bò theo con mương rồi qua đường quốc lộ dài hàng trăm mét. Lúc đã áp gần những kẻ khả nghi, một phát pháo sáng được bắn lên bầu trời cùng một loạt đạn chỉ thiên, kèm theo tiếng quát: "Tất cả đứng im không sẽ bị bắn!".
Khựng lại bởi tiếng đạn AK, hai kẻ đội mũ trùm đầu với 2 khẩu súng trên tay bỏ chạy thục mạng về hai hướng. Thêm vài phát đạn vang lên, một tên trúng đạn nấp dưới bờ kênh đã bị các trinh sát bắt được. Công an cũng thu được khẩu súng, chiếc xe đạp, ba lô và nhiều đồ nghề khác.
Ban đầu người này khai tên Hồ Đình Dũng, sống lang thang, không nghề nghiệp. Sau thời gian điều trị lành vết thương, anh ta vẫn khẳng định không biết gì về các vụ cướp trước đó. Chỉ đến khi một điều tra viên dày dạn nhất, hỏi: "Anh có biết Đỗ Thái Bình là ai không?", kèm theo một số lý lịch trích ngang như đã từng cầm đầu các vụ cướp tương tự tại tỉnh Bình Định, phải chịu án chung thân, trong một lần điều trị tại bệnh viện đã bỏ trốn... thì hắn tái mặt, thừa nhận nhân vật đó chính là mình.
Tướng cướp Đỗ Thái Bình đã phẫu thuật thẩm mỹ thay đổi nhân dạng để trốn truy nã.
Bình khai, sau khi trốn khỏi trạm giam, hắn xuống TP Quy Nhơn gặp chiến hữu Hồ Thanh Sơn và cùng rủ nhau ra Đà Nẵng nhập nhóm cướp do Nguyễn Ngọc Sang cầm đầu. Để tránh bị phát hiện do bị truy nã, Bình vào TP HCM giải phẫu thẩm mỹ, thay đổi nhân dạng. Trong vụ cướp lúc rạng sáng ngày16/11/1993 tại thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bình là kẻ đã dùng súng uy hiếp cho Sang cưỡng bức thiếu nữ tội nghiệp trước mặt nhiều người. Cùng tham gia vụ này còn có Nguyễn Nhung và Võ Văn Bình (tức Bình Chảy).
"Sau vụ đó, thấy 'động' nên anh Sang vào miền Nam hoạt động. Trong một lần khảo sát địa bàn, ảnh chống trả Công an Tiền Giang nên bị trúng đạn tử vong. Lúc đó cả nhóm kêu tôi lên thay để cùng nhau kiếm ăn", Bình nói và cho biết tài sản cướp được đều tung vào các cuộc ăn chơi trác táng tại Sài Gòn. Tuy cùng băng đảng, nhưng chúng hầu như đều không biết nơi ở của nhau. Chỉ khi lên kế hoạch đi cướp, chúng đến địa điểm "tập kết", ngủ lại ở gầm cầu, mồ mả, đồng vắng... cách Quốc lộ 1A chừng 50-60 m chờ thời cơ ra tay.
"Với sự ranh ma, có kinh nghiệm đối phó với công an, những tên còn lại trong băng cướp liên tục di chuyển. Các trinh sát lúc đó cũng chạy vắt chân lên cổ theo bước di chuyển của chúng", thành viên Ban chuyên án cho hay.
Hàng nghìn người dân đến dự phiên tòa xét xử băng cướp.
Tuy nhiên, được sự phối hợp của công an các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định, Gia Lai - Kon Tum, Đăk Lăk, Quảng Ngãi... lần lượt từng manh mối, từng vỏ bọc được làm sáng tỏ. Trong vòng 5 tháng, sử dụng hết những chiêu thức nghiệp vụ, thậm chí bị đồng đội suýt đánh lầm (vì tưởng là cướp), các trinh sát đã lần lượt tóm được 9 tên. Cảnh sát cũng thu giữ 5 khẩu súng, nhiều dao, mũ trùm đầu... là tang vật của các vụ án mà Sang, Bình và đồng bọn gây ra.
Ngày 24/10/1995, TAND Quảng Nam - Đà Nẵng chưa bao giờ đông đến thế. Hàng nghìn người kéo về kín chật các ngả đường để xem phiên tòa xét xử băng cướp từng là nỗi ám ảnh của người dân trên cung đường Quốc lộ 1A. Hôm đó, HĐXX đã áp dụng 4 án tử hình cho các thành viên nguy hiểm của băng cướp, các tên khác cũng phải nhận ít nhất 15 năm tù.
Theo VNE
Nỗi ám ảnh về băng cướp 'yêu râu xanh' Ít nhất 64 vụ cướp, hiếp do Sang và đồng bọn thực hiện trong những năm 90 đã gây kinh hoàng cho các tài xế khi đi qua địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Liên tiếp dùng "hàng nóng" gây ra hàng loạt vụ cướp trên dọc tuyến Quốc lộ 1A ở địa bàn miền Trung (phần lớn trên địa bàn tỉnh...