Ký ức Điện Biên của người lính quân báo
Với kết quả “thăm dò” của 6 khẩu cối 82 ly trên núi Pú Hồng Mèo, nắm rõ sân bay Mường Thanh, trận địa pháo của địch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, tiến chắc”. Toàn quân bước vào công cuộc khoét núi, ngủ hầm để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
83 tuổi, cụ Nguyễn Việt Sỹ (trú phường Quang Trung, Tp Vinh, Nghệ An) vẫn giữ được sự mẫn tiệp, tinh anh hiếm có. Trong kí ức của người lính quân báo của Đại đoàn 316, 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” ở lòng chảo Điện Biên Phủ dường như mới xảy ra hôm qua.
Sau 63 năm, những ngày khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn rõ như in trong ký ức của người lính quân báo Nguyễn Việt Sỹ.
Năm 1952, chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Việt Sỹ rời quê nhà Diễn Ngọc (Diễn Châu, Nghệ An) lên đường tòng quân cứu nước. “Mẹ không cho đi, tôi trốn nhà đi. Tối hôm đó, chị dâu nấu cho nồi cơm nếp mang theo”, ông kể.
Sau khi tham gia chiến dịch Tây Bắc, đơn vị ông Sỹ hành quân lên Điện Biên Phủ. Lòng chảo Điện Biên vẫn là một ẩn số đối với Bộ chỉ huy chiến dịch. “Cuối năm 1953 địch đổ quân xuống Điện Biên. Các cố vấn của ta nhận định, địch vừa đổ quân xuống, chưa kịp đào công sự, khả năng phòng ngự yếu nên cần đánh nhanh, thắng nhanh, nội trong 3 ngày 2 đêm là có thể giải quyết được sân bay Mường Thanh”, ông Nguyễn Việt Sỹ nhớ lại.
Tuy nhiên, trong quá trình tấn công vào tập đoàn cứ điểm này, ta phải chịu nhiều thiệt hại lớn về người, vũ khí và phương tiện chiến đấu, đặc biệt là chịu hậu quả nặng nề từ các trận pháo kích của đối phương. Căn cứ của địch, cách bố trí các trận địa pháo, sân bay Mường Thanh… là một ẩn số cần phải được làm rõ bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả các trận đánh của ta.
Bằng mắt thường, ông Sỹ cùng các đồng đội đã “đo” khoảng cách từ đỉnh Pú Hồng Mèo đến sân bay Mường Thanh, lập trận địa cối 82 ly để từ đó phát hiện ra các trận địa pháo của địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Một tổ trinh sát 6 người thuộc Đại đội 926, Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 được cử làm nhiệm vụ này. “Chúng tôi trèo lên đỉnh núi Pú Hồng Mèo, dùng mắt thường để “đo” khoảng cách tới sân bay Mường Thanh, xác định các loại máy bay mà địch sử dụng như máy bay chở xăng, máy bay chở bom. Lần lượt mỗi người trèo lên cây “đo” 1 lần, sau đó thống nhất với nhau về khoảng cách.
Theo đường chim bay, khoảng cách từ núi Pú Hồng Mèo đến sân bay Mường Thanh là 1.800m. Từ đỉnh Pú Hồng Mèo, chúng tôi có thể nắm quy luật thả dù của Pháp, nếu thả dù đỏ, tức là thả tướng, dù xanh là thả lính, dù trắng là tiếp phẩm”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Thái Nguyên sang Điện Biên Phủ trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Căn hầm Đại tướng được đào dưới chân núi Pú Hồng Mèo, trên đỉnh núi, một trận địa cối 82 ly được bày bố. Đêm Giao thừa năm 1954, từ đỉnh Pú Hồng Mèo, lần lượt 6 khẩu cối 82 ly khai hỏa về phía sân bay Mường Thanh, một số máy bay của địch bốc cháy dữ dội.
Video đang HOT
Ông cũng là người góp phần biên soạn cuốn sách “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn” của Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên Phủ Tp Vinh (Nghệ An).
Ngay lập tức, các đợt pháo kích của địch cấp tập bắn về trận địa cối 82 ly, 13 người hi sinh. Ông Nguyễn Việt Sỹ cũng bị thương. Quân ta bị thương vong nặng nề nhưng các trận địa pháo của địch bảo vệ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng bị lộ.
“Ngay chiều hôm sau (26/1/1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức cuộc họp ở hầm chỉ huy. Sau khi phân tích tình hình thực tế, Đại tướng quyết định chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đại tướng ra lệnh rút quân, kéo pháo ra, tổ chức xây dựng công sự kiên cố, đào hào bao vây tiêu hao sinh lực địch”, người lính già vẫn nhớ như in dù đã 63 năm trôi qua.
Tối ngày 6/5, khối bộc phá gần 1.000kg phát nổ dưới lòng đồi A1, phát lệnh tổng tiến công. Từ các chiến hào, quân ta tràn lên chiếm lĩnh trận địa trước sự chống cự quyết liệt của địch với sự hỗ trợ của đại liên, xe tăng, trọng pháo và máy bay ném bom.
Chiều 7/5, tướng Đờ Cát xin hàng, kết thúc gần 1 thế kỷ xâm lược nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. 17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ chiến thắng ngạo nghễ tung bay trên nóc hầm Đờ Cát nhưng phải đến sáng 8/5, đám tàn quân Pháp mới hoàn toàn bị quét sạch ở lòng chảo Điện Biên.
Những đóng góp của ông cùng gia đình trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước được Đảng, Chính phủ và Nhà nước ghi nhận
Sau chiến dịch, ông Nguyễn Việt Sỹ tiếp tục công tác tại Quân khu 2. Năm 1961, ông chuyển ngành sang thương nghiệp châu Điện Biên Phủ. Năm 1964, ông chuyển công tác về Nghệ An, hoạt động trong ngành xây dựng cho đến khi nghỉ hưu.
“Điều day dứt lớn nhất cuộc đời tôi là ngày ra đi, tôi không chào mẹ được 1 câu. Đến khi chiến dịch thành công, trở về thì mẹ đã mất. Dân làng kể, vì thương nhớ tôi, mẹ dời từ Diễn Ngọc ra ngã ba Cầu Bùng (Diễn Kỷ, Diễn Châu) dựng một căn lán. Mỗi khi có đoàn quân đi qua, mẹ đứng đó gọi tên tôi từ đầu cho đến cuối hàng quân rồi thất vọng trở về.
Năm 1953, mẹ tôi qua đời, dân làng đắp cho mẹ một ngôi mộ ngay ven đường. Sau này tôi đi tìm để đưa mẹ về với bố tôi, với tổ tiên nhưng mộ đã bị thất lạc không tìm được. Vì nghĩa nước, tôi không có gì ân hận nhưng là một người con, tôi đã không làm tròn đạo hiếu với mẹ”, đôi mắt của người lính già như phủ một lớp sương mờ.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Trung tướng phi công Phạm Phú Thái kể về một thời vinh quang và mất mát
Trung tướng Phạm Phú Thái trẻ hơn người ta nghĩ, đôi khi lãng tử, bất cần, ông cười rắn rỏi sảng khoái mỗi khi kể lại chuyện thời chiến tranh của vinh quang và mất mát.
Cuộc chiến đó có thể kể không đoạn ngày đoạn tháng nhưng khi nhắc lại đồng đội người còn, người mất thì đó lại là khoảng lặng sâu thẳm đối nghịch với màn trời, lưới lửa khốc liệt ngày ấy.
"Đánh B-52 hay bắn máy bay địch không dễ như khi ngồi kể lại trong phòng khách như thế này đâu" - ông Thái nói, mắt nheo nheo hóm hỉnh. "Mà chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cũng chỉ là một trong các nút thắt trong một loạt các chiến dịch kéo dài từ khi mở mặt trận trên không thắng lợi theo mệnh lệnh của Bác Hồ đến năm 1967 và cho đến tận 1972. Nên việc bắn cháy máy bay địch trên trời chỉ là những chấm sáng nho nhỏ mà trung đoàn bay của bọn tớ thắp lên trong cuộc chiến tranh tổng lực toàn dân. Bước vào cuộc chiến khốc liệt đó, từ người chỉ huy chiến thuật, các hoạt động xử lý thông tin ta- địch, tổ chức trận địa nghi binh đến từng người phi công trong buồng lái, chiến sỹ trên mâm pháo, người dân quân đào hào chiến sự đều hoạt động nhịp nhàng, tạo được nguồn tinh lực đột biến." - ông nói.
Biên đội tiêm kích Mg-21(trái qua) Thái - Liêm - Soát - Thư tham gia đánh trận 27-6-1972 bắn rơi 4 chiếc F-4.
Không phải vô cớ đồng đội có câu truyền miệng "bay như Thái, gái như..." khi Phạm Phú Thái là người trẻ nhất trong đoàn bay nhưng là phi công lái giỏi nhất, chuẩn nhất và cũng... liều nhất. Mới học xong lớp 8, ông Thái đã trúng tuyển làm phi công, rồi sang Liên Xô học. Về nước, khi tốt nghiệp với hơn 162 giờ bay ở trường Không quân Liên Xô rồi về nhà tập thêm hai ba chục chuyến bay là đã phải vào trực chiến chứ đâu tập hàng nghìn giờ kỹ càng trước khi xuất trận như phi công của Nga, của Mỹ.
Học viên Trường Không quân Liên Xô, binh nhất Phạm Phú Thái
Lớp phi công ngày đó bay giỏi, thời gian đào tạo vì thế mà rút ngắn từ 4 - 5 năm xuống chỉ còn 2,5 - 3 năm, riêng một vài phi công còn đang là "tuổi teen" như Phạm Phú Thái, Nguyễn Thanh Quí, Phạm Duy Lê. Ông cười hóm hỉnh nói thêm: " Cậu có biết là khi mình học bay xong, chuẩn bị về nước mới được kết nạp Đoàn đấy chứ" . Đến năm 1968, khi MIG 21 của Thái (khi đó mới 19 tuổi) tham gia đánh trả không quân Mỹ để bảo vệ đường Hồ Chí Minh thì bị trúng tên lửa, hỏng máy bay phải nhảy dù xuống Thanh Chương (Nghệ An), anh vẫn còn đeo lon... binh nhất. Lúc cán bộ huyện đội đến " thẩm vấn" , lấy tư liệu để báo cáo lên trên vẫn còn bán tin bán nghi hỏi vặn.
"Đồng chí không cần phải giữ bí mật, chúng tôi toàn là người của Đảng cả, cứ nói thật đi, cái dù... đẹp như thế kia thì ít nhất phải là trung úy chứ sao lại thế được".
"Khổ lắm, chắc là vì chúng tôi học bay tốt nghiệp nhanh quá nên cấp trên chưa kịp phong đấy" - ông Thái bật cười kể lại.
Lứa phi công thời chiến hồi đó hầu như đều thế, chỉ có binh nhất, hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ nhưng cứ vô tư ra trận, chiến đấu, hy sinh, vượt qua sinh tử có mấy ai quan tâm đến cấp bậc này nọ. Trong thế hệ vàng của phi công thời đó có nhiều người lái được máy bay mà còn chưa biết đi... xe đạp!
Dù được gặng hỏi nhiều về những cuộc chiến trên không, ông Thái đều kể về đồng đội là chính. Trong đó, chúng tôi được biết trận không chiến ngày 27/6/1972 được nhắc đến nhiều nhất, khi 2 phi đội bay thuộc Trung đoàn không quân tiêm kích 927 là Bùi Đức Nhu, Nguyễn Đức Soát, Ngô Duy Thư và Trung đoàn 921 là Phạm Phú Thái, Bùi Thanh Liêm đã đồng loạt bắn hạ 5 máy bay F-4E của Không quân Mỹ. Khi hỏi, ông chỉ nói: "Trận đó không thể quên được vì hôm đó bầu trời Sơn La trong lắm, nhìn rõ từng chiếc máy bay địch bị bắn cháy, cắm đầu rơi xuống như một đống rơm cháy ngùn ngụt. Đẹp!"
Là phi công trực tiếp chiến đấu, Phạm Phú Thái đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ, được tặng thưởng 4 Huy hiệu Bác Hồ
"Trong cuộc chiến giữa không quân ta với không quân Mỹ, đối phó với hàng trăm máy bay Mỹ cũng chỉ có một hai chục phi công chứ có nhiều nhặn gì đâu. Có thời kỳ chỉ còn 1 - 2 chiếc máy bay với vài phi công từ mỗi trung đoàn. Đọc tên những phi công thiện chiến khi tham gia đánh lại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ thì ở trung đoàn 921 là Phúc, Lanh, Thái, Liêm, Việt, Huy... Ở 927 là Đạo, Soát, Sâm Thư, Nghĩa... cứ thay nhau dẫn dắt đàn em tham chiến. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ trên không đối phó với lực lượng hùng hậu của không quân Mỹ cũng chỉ có một phi đội bay đêm với hơn một chục nhân mạng. Ít lắm. Trong khi đó các sân bay thì liên tục bị không quân Mỹ đánh phá theo kiểu hủy diệt. Tóm lại những thời khắc chiến tranh đó, mỗi chuyến xuất kích chiến đấu là một chuyến bay cảm tử, ấy là chưa kể thỉnh thoảng quân ta bắn nhầm quân mình nữa chứ. Nhưng đó là chiến tranh mà".
"Thế bây giờ, chú có nhớ bầu trời không" - tôi hỏi. Trong một giây ngắn ngủi, người chiến binh luống tuổi chợt ngả người vào ghế, nhớ lại cảm giác chiếc máy bay tăng lực đột ngột ép chặt vào lồng ngực đến nghẹt thở. "Nhớ chứ. Nhớ cả mùi dầu máy thoang thoảng bốc lên từ đường băng, rồi mùi dầu cháy trong động cơ nồng sực trong cabin. Làm sao quên được!".
Những khoảnh khắc vinh quang là đó. Nhưng cũng có những nỗi ám ảnh đi suốt cuộc đời. Có thể là một ngày mây mù dầy đặc, sau khi người bạn cất cánh, tất cả nhìn nhau như phút mặc niệm đưa tang đồng đội trước. Rồi những ngày tận mắt chứng kiến, vẫn bó rơm ngùn ngụt cháy, đấy lại là máy bay đồng đội, gọi liên hồi qua điện đàm "Nam ơi!" nhưng không có lời đáp trả.
Kỷ niệm buồn đầu năm 1970 vẫn đeo đuổi Phạm Phú Thái khi làm chỉ huy mà không cứu được người phi công liệt sỹ Phạm Thành Nam, hi sinh trên đường làm nhiệm vụ cho mặt trận cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng. Khi bay từ biên giới Lào về đến Ninh Bình, Sở chỉ huy dẫn ra thì gặp 4 chiếc F4 chặn đánh lúc nhiên liệu chỉ còn đủ bay về đến sân bay. "Mình cũng bị 2 thằng bám theo, bay trên cao nhìn xuống để chỉ huy cho đồng đội. Đến quả tên lửa thứ 4 thì Nam bị trúng. Chiếc máy bay cháy, rơi chúi vào vùng mây. Gọi mãi không thấy trả lời" - ông Thái rít hơi thuốc, trầm ngâm kể lại.
Nỗi day dứt đó, lịch sử không ghi lại được mà ghim vào lồng ngực, vào những cơn mê, đồng đội chỉ đứng đó, trước mặt mình, nét mặt buồn, mắt nhìn trân trối, không cất lên một tiếng.
"Những ngày đồng đội liên tiếp hi sinh, bước vào buồng lái cũng thấy kinh, cũng sợ chết bỏ mẹ chứ đâu phải lúc nào cũng hào hùng. Nào có như bộ binh, còn được vuốt mắt đồng đội. Trên trời mà bị bắn trúng không nhảy dù được là chẳng còn gì cả, nổ như pháo hoa - Hết!".
"Bây giờ, khi cuộc chiến càng trôi sâu về quá khứ thì mình càng thấy thắng lợi của cuộc chiến chống lại chiến tranh phá hoại của Mỹ càng ý nghĩa, đặc biệt là tác chiến phòng không, Từ bấy đến nay trên thế giới đã có mấy ai bắn rơi được máy bay Mỹ, bắt sống được phi công Mỹ?" - mắt ông lấp lánh.
Hẹn gặp Trung tướng Phạm Phú Thái nhiều khi rất khó, ngay cả việc cứ nghĩ rằng trên internet tìm thể nào cũng có. Nhưng đánh từ khóa tên ông thì cũng chỉ xuất hiện vài dòng đâu đó. Hóa ra, cứ khi nào rảnh, ông lại trốn biệt về quê ông, đất lúa Thái Bình có món rạm kho, trốn xa khỏi thủ đô Hà Nội lúc nào cũng rầm rập như một công xưởng ngổn ngang, bề bộn. Tôi hỏi ông, nhớ nhất Hà Nội vào lúc nào, ông trả lời ngay, Hà Nội trước khi hai cuộc chiến tranh hai đầu biên giới hết hẳn cuối năm 1989. Con người khi đó vẫn còn trọng nghĩa và sạch sẽ. Chứ còn thế sự bây giờ, cứ ngỡ được cởi trói thì người ta phóng khoáng hơn, nhưng hóa ra không phải vậy. Có những thứ tưởng rõ ràng như đường tên mũi đạn, nhưng cũng không còn như thế.
Ông Thái kể chuyện ngày xưa, hào sảng bao nhiều thì khi kể chuyện thời bình, tôi lại thấy, ông phải nghĩ nhiều, chọn từ kỹ. Năm 2010 Trung tướng Phạm Phú Thái nghỉ hưu. Cũng trong năm đó ông được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang. Ngoài thú vui thăm quê, ông còn thích đón cháu, kể chuyện trên bầu trời, kể chuyện về những chuyến bay ngàn cân treo sợi tóc, kể về một thời "mãi mãi tuổi 20", đã qua, không trở lại.
(Theo Infonet)
Hà Nội: Cây cổ thụ bất ngờ gãy đổ đè vào 2 cửa hàng Khoảng 22h30 tối 23/11, một cây xanh cổ thụ có đường kính lớn trong khuôn viên nhà số 24, phố Điện Biên Phủ (Ba Đình - Hà Nội) bất ngờ bị gãy đổ hướng ra vỉa hè, đè vào cửa một hàng điện thoại và văn phòng luật sư. Cây xanh cổ thụ bất ngờ đổ đè lên cửa hàng điện thoại và...