Ký ức đen tối của nạn nhân duy nhất sống sót khi bị nhóm buôn người bỏ rơi ở Anh
“Cắn răng” trao 14.000 bảng Anh cho một băng “Đầu rắn”, người đàn ông được hứa hẹn rằng sẽ có một cuộc sống tươi đẹp ở nước Anh. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại.
Việc phát hiện 39 thi thể ở thùng xe tải tại Anh gợi nhớ những ký ức bi thảm về những thảm kịch tương tự của người nhập cư trái phép. Họ phó mặc số phận, chấp nhận trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người để tìm đường tới “ miền đất hứa”. Tuyến bài “ Kinh hoàng những hành trình vượt biên” một lần nữa như lời nhắc nhở đau đớn về mối nguy hiểm do nạn buôn bán người gây ra.
Năm 2004, sự kiện được xem là một trường hợp điển hình của “thảm họa nhập cư” đã xảy ra tại Anh. Một nhóm gồm 24 người nhập cư Trung Quốc làm nghề thu hoạch sò ở Vịnh Morecambe thuộc vùng Lancashire đã bị mắc kẹt khi thủy triều dâng lên khiến 21 người chết đuối, 2 người mất tích. Li Hua là người duy nhất sống sót nhưng cho tới nay, dù đã 42 tuổi, có vợ và 2 con, anh vẫn không thể quên được những gì đã xảy ra ngày hôm ấy.
Những nạn nhân của thảm họa Morecambe từng gây chấn động Anh
Vỡ mộng “miền đất hứa”
Li Hua sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của miền Nam Trung Quốc. Nghề trồng rau chỉ đủ để anh nuôi thân. Vậy nên khi những kẻ buôn người mời chào anh về một cơ hội đổi đời ở Anh quốc, Li Hua lập tức nắm lấy, dù chi phí phải trả lên tới 14.000 bảng Anh (hơn 400 triệu đồng), số tiền khổng lồ với người lao động nghèo.
Sau khi trao tiền cho một băng “Đầu rắn” – băng đảng buôn người khét tiếng tại Trung Quốc, anh đặt chân lên nước Anh vào năm 26 tuổi. Cũng giống như rất nhiều lao động nhập cư người Trung Quốc khác, anh và cả gia đình phải oằn mình gồng gánh khoản nợ lớn cho giấc mơ đổi đời tại trời Âu.
Câu chuyện của Li Hua khá phổ biến tại tỉnh Phúc Kiến, nơi những nam giới trẻ thường lựa chọn cách đi lao động tại châu Âu với kỳ vọng sẽ thu về được một khoản tiền lớn sau 3 – 4 năm.
Li Hua đến Anh bằng cách trốn sau một chiếc xe tải. Sau hành trình gian nan, anh cũng đến được “miền đất hứa”. Nhưng khi vừa đặt chân tới London, những kẻ buôn người liền bỏ anh và những người khác lại, không tiền và không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.
“Một người đàn ông tiếp cận và hỏi tôi rằng có một công việc ở Liverpool. Trong tình cảnh này, tôi lập tức đồng ý. Và chỉ khi đến nơi, tôi mới biết công việc ấy là đi nhặt sò. Trong số chúng tôi chẳng có ai từng làm việc tương tự như vậy cả. Nhưng chúng tôi vẫn phải làm để sống sót”.
Video đang HOT
Chỗ nghỉ ngơi bẩn thỉu và lạnh lẽo
Nhưng rồi, thay vì một cuộc sống dễ dàng như hứa hẹn, Li bị bắt phải lao động 7 ngày trong tuần trong điều kiện khủng khiếp chỉ với 10 bảng Anh (gần 300.000 đồng) mỗi ngày.
Nhặt sò tại các vùng biển của Anh là một công việc khá mạo hiểm, đòi hỏi phải có các công cụ an toàn như áo phao. Nhưng cả nhóm chẳng được cấp bất kỳ thứ gì, thậm chí còn không được cảnh báo về mối nguy đến từ thủy triều và hố cát sụt. “Công việc rất vất vả. Bạn được đưa cho một công cụ để đào, cào được sò thì dùng tay nhặt và bỏ vào túi. Một người phải nhặt ít nhất 2 – 3 túi mỗi ngày”, Li nói.
Vậy nhưng, nhóm của Li mỗi ngày chỉ được ăn bánh mì, uống nước lã, chỗ ở lụp xụp và bẩn thỉu. Họ phải ngủ trên sàn bê tông lạnh, 25 người 1 phòng phải nằm sát cạnh nhau, 2 người chỉ có một tấm chăn mỏng và phòng thì không hề có lò sưởi. Tất cả đều không dám kháng cự vì khoản nợ từ những kẻ buôn người. “Sau mỗi ngày làm việc, chúng tôi đều cảm thấy kiệt sức, chẳng còn muốn ăn uống tắm rửa mà chỉ muốn ngủ”.
Thảm kịch gây chấn động
Một đêm đông lạnh giá vào tháng 2/2004, Li nằm trong số 24 người đã bị nhấn chìm dưới làn nước thủy triều lạnh buốt của vịnh Morecambe khi đang làm việc. Li nhớ lại, anh đã bị những con sóng dữ khủng khiếp quật lên xuống khi cố gắng bơi.
“Tất cả hoảng sợ, la hét và than khóc. Tôi chứng kiến tận mắt cảnh nhóm của mình chìm dần. Tôi đã cực kỳ hoảng sợ và cảm giác bất lực. Tôi đã nghĩ mình sẽ chết. Toàn thân tôi tê dại, thậm chí còn không cảm thấy lạnh nữa”.
May mắn thay, Li được đội cứu hộ bờ biển phát hiện và đưa vào bờ. Trước mắt anh lúc ấy là những thi thể không có lấy mảnh vải che thân. Quần áo của họ đã bị làn sóng dữ lột sạch.
Thảm họa ngày ấy đã khiến dư luận Anh chấn động. Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện các băng đảng buôn người có thể kiếm được hàng triệu bảng mỗi ngày trong khi các nạn nhân chỉ được trả 10 bảng.
Thậm chí sau thảm họa, Li vẫn sợ các ông chủ đến mức anh phải khai với cảnh sát rằng mình và cả nhóm đang đi dã ngoại thì bị thủy triều cuốn trôi. Dĩ nhiên, các điều tra viên không tin điều đó. Họ nhận ra anh đã quá sợ hãi, nên đưa anh vào chương trình bảo vệ nhân chứng.
Lin Liang Ren bị kết án 14 năm tù – một mức án được đánh giá là quá nhẹ
Được cảnh sát đưa vào chương trình bảo vệ nhân chứng, Li sau này đã ra tòa với tư cách là nhân chứng. Nhờ đó mà “trùm” Lin Liang Ren đã bị kết án với tội danh ngộ sát 21 người, chứa chấp người nhập cư bất hợp pháp và cung cấp điều kiện lao động dưới tiêu chuẩn. Tên này bị kết án 14 năm tù giam – một mức án được đánh giá là quá nhẹ so với hậu quả mà hắn cũng như những kẻ trong đường dây của mình gây nên.
Theo danviet
Giấc mơ dang dở của bé gái chết khát khi cố tìm đường vượt biên
Liều lĩnh trao tính mạng cho một hành trình vượt biên đầy nguy hiểm được "bảo trợ" bởi những kẻ buôn người, cô bé 6 tuổi đã phải bỏ mạng trên đường hiện thực hóa giấc mơ tới Mỹ.
Việc phát hiện 39 thi thể ở thùng xe tải tại Anh gợi nhớ những ký ức bi thảm về những thảm kịch tương tự của người nhập cư trái phép. Họ phó mặc số phận, chấp nhận trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người để tìm đường tới "miền đất hứa". Tuyến bài " Kinh hoàng những hành trình vượt biên" một lần nữa như lời nhắc nhở đau đớn về mối nguy hiểm do nạn buôn bán người gây ra.
Cái chết trên sa mạc
Tại một ngôi làng thuộc miền bắc Ấn Độ, mọi người đều biết đến câu chuyện thương tâm của gia đình bé gái 6 tuổi thiệt mạng trên sa mạc Arizona hôm 12/6/2019 khi cùng mẹ tìm đường vượt biên vào Mỹ. Đó là Gurupreet Kaur.
Cô bé Gurupreet Kaur
Bé gái Kaur và mẹ mình nằm trong số 5 công dân Ấn Độ bị một nhóm những kẻ buôn người bỏ rơi ở giữa hoang mạc, tại khu vực biên giới Mỹ-Mexico vào trưa 11/6.
Sau khi cùng mẹ đi bộ một quãng đường dài với hi vọng đến gần điểm tị nạn, mẹ của cô bé cùng với một người phụ nữ khác quyết định đi tìm nguồn nước, để lại bé Kaur cùng người phụ nữ còn lại và con của cô này.
Mẹ của Kaur đã lang thang trong vùng hoang mạc suốt 22 tiếng đồng hồ trước khi được một nhân viên tuần tra biên giới Mỹ tìm thấy nhờ lần theo dấu chân.
4 tiếng sau đó, các đặc vụ tuần tra biên giới đã phát hiện thi thể của bé Kaur ở vị trí cách đường biên giới đến Mỹ khoảng 1,6 km. Vào thời điểm bé gái được phát hiện, nền nhiệt đang ở mức 42 độ C. Nạn nhân tử vong do hạ thân nhiệt đột ngột.
Một đoạn tường biên giới tại bang Arizona, gần nơi bé Gurupreet thiệt mạng
Nỗi đau vẫn nguyên vẹn
Đã nhiều tháng kể từ khi thi thể Gurupreet Kaur được tìm thấy, hàng trăm người dân vẫn kéo đến cầu nguyện tại ngôi đền nhỏ Sikh, bày tỏ thương tiếc với cuộc đời ngắn ngủi của bé. Tuy nhiên đối với gia đình Gurupreet, dù thời gian trôi qua lâu thế nào, nỗi đau vẫn nguyên vẹn như ngày hôm qua.
"Chúng tôi rất đau đớn", Gurmeet Singh, 70 tuổi, ông nội của bé Gurupreet, nói trong phòng khách ngôi nhà nơi bé từng sống. "Mất một đứa trẻ không phải là dễ dàng với bất kỳ ai. Điều này thật quá đau lòng. Con bé có thói quen đến lớp đầu tiên. Đó là một đứa trẻ rất thông minh, không biết sợ".
Bên cạnh là bà nội Surinder Kaur đang ôm chặt di ảnh Gurupreet vào lòng và thẫn thờ nhìn xuống đất. Surinder nói bà đã ngất đi khi nghe tin về cái chết của cháu gái. "Khi tỉnh lại, tôi liên tục gọi tên con bé", Surinder nói. "Tôi muốn gặp con bé lần cuối".
Bức ảnh bà Surinder cầm trên tay chụp Gurupreet hai năm trước tại chính căn phòng này, cô bé mặc đồ múa với chân váy hồng, đứng chống tay vào hông tạo dáng. Gurupreet là cô bé hiếu động, yêu thích các trò chơi trên điện thoại và đam mê múa.
Cha của Gurupreet rời Hasanpur tới Mỹ vài tháng sau khi bé được sinh ra. Anh hiện sống ở New York trong thời gian chờ tòa án nhập cư Mỹ xem xét đơn xin tị nạn.
Trong suốt nhiều năm, đoàn tụ với cha luôn là ước mơ lớn nhất của Gurupreet. Cô bé luôn nói với gia đình ở Ấn Độ rằng muốn gặp lại cha nhiều như thế nào. Hai mẹ con Gurupreet sau đó lên kế hoạch tới New York để đoàn tụ gia đình.
Quyết định này đã dẫn tới bước ngoặt bi thảm với Kaur khi trở thành nạn nhân của một nhóm buôn người. Hai mẹ con cô bé bị những kẻ buôn người đưa tới Mexico và dẫn họ theo con đường hẻo lánh để vượt biên vào Mỹ trong một ngày nắng nóng, nhiệt độ lên đến đỉnh điểm.
"Đây là một sự ra đi vô nghĩa, gây ra bởi những băng đảng buôn người đang trục lợi bằng việc đặt mạng sống của người khác vào hiểm nguy", đại diện lực lượng chức năng cho hay. Cảnh sát hiện đang điều tra về đường dây buôn người, những kẻ đã gián tiếp gây nên cái chết cho bé gái.
Theo danviet
Di dân bị lừa mua vé VIP tới Anh làm việc với mức lương 90 triệu đồng Các di dân phải trả 30.000 bảng Anh (900 triệu đồng) cho những kẻ buôn người để mua vé VIP đến Anh làm việc với lời hứa hẹn về mức lương 3.000 bảng Anh/tháng (90 triệu đồng/tháng). Di cư đứng nhìn về phía những chiếc xe tải tại một bãi đậu xe gần Calais, Pháp khi họ đang tìm cách nhập cư lậu...