Ký ức của nữ biệt động đánh Dinh Độc Lập
Nữ biệt động Sài Gòn Vũ Minh Nghĩa là cô gái duy nhất trong 15 người tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập rạng sáng mùng 2 Tết 1968.
Lần theo con đường 20, phường 6, quận Gò Vấp – TPHCM, tôi tìm đến ngôi nhà của nữ biệt động Sài Gòn Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa) trong những ngày TPHCM long trọng kỷ niệm 45 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bằng giọng trầm ấm, bà đưa tôi về những ký ức hào hùng 45 năm trước với nhiều mất mát đau thương nhưng cũng rất hào hùng trong trận đánh vào Dinh Độc Lập.
Gia đình biệt động
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất thép (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi – TPHCM), bà Chính Nghĩa sớm giác ngộ rồi tham gia cách mạng. Người dân ở mảnh đất anh hùng này gọi gia đình bà là “gia đình biệt động” bởi trong cả 8 người theo cách mạng, có đến 5 người gia nhập lực lượng biệt động. Trong đó, 3 người đã hy sinh, 5 người may mắn sống sót nhưng đều là thương binh.
Ngay từ nhỏ, cô bé Chính Nghĩa đã nhanh nhẹn, thông minh. Khi các dì, các mẹ ở Củ Chi biểu tình đấu tranh chống địch, chẳng ai bảo, cô đã đi mua mía về tiếp tế. “Con bé 7 tuổi ngày đó cong lưng đạp xe chở cả vác mía lớn đã được chặt gọn gàng rồi vừa phát cho từng người vừa nói “Mấy dì cầm mía, vừa làm vũ khí đánh giặc vừa để giải khát nghen”. Sau này, các mẹ, các dì ở Củ Chi cứ nhắc mãi chuyện về con nhỏ Chính Nghĩa” – bà tự hào.
Lớn hơn một chút, bà tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Năm 1960, cùng với phong trào Đồng Khởi, cô bé Chính Nghĩa mới 13 tuổi đã làm giao liên cho cán bộ hoạt động bí mật ở xã. Ngày đó, nhà nhà, người người ở Củ Chi theo cách mạng nên bị đàn áp, ruồng bố triền miên. Địch liên tục đốt nhà, giết những người theo cách mạng và hãm hiếp các cô gái trẻ. Ngôi nhà lá của gia đình bà Chính Nghĩa bị giặc đốt đến 5 lần, cứ dựng lên, chúng lại đốt.
Bà Vũ Minh Nghĩa kể lại chuyện đội biệt động tấn công Dinh Độc Lập vào mùng 2 Tết 1968
Video đang HOT
Bà Chính Nghĩa cho biết ngọn lửa căm thù giặc trong bà càng được thổi bùng mạnh mẽ trước sự kiện người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Sài Gòn đưa ra xử bắn sau khi đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara không thành vào năm 1964. “Trước tấm gương anh dũng của anh Trỗi, chỉ có cầm súng chiến đấu mới thỏa được mong ước của tôi” – bà quả quyết.
Mong muốn lớn nhất
Chính lúc đó, người con gái đất thép đã nung nấu ý định tham gia lực lượng biệt động. Gần 1 năm sau, cơ hội đến với bà khi Đội 5 Biệt động Sài Gòn tìm kiếm một cô gái dũng cảm để làm nhiệm vụ liên lạc với trung tâm TP. “Đây là nhiệm vụ rất nguy hiểm với phụ nữ nên tiêu chuẩn tìm người rất khắt khe… Cuối cùng, tôi lúc ấy 18 tuổi được chọn” – bà Chính Nghĩa rạng rỡ nhớ lại.
Sau khi đi học khóa trinh sát mặt đất, bà Chính Nghĩa được giao một tấm bản đồ Sài Gòn để nắm bắt từng ngóc ngách rồi thực hiện nhiệm vụ liên lạc từ Củ Chi về TP và ngược lại. Làm tốt nhiệm vụ được giao, bà được cấp trên đặt cho biệt danh “Chiến sĩ tên lửa”. Song, mong muốn lớn nhất của bà vẫn chưa thành hiện thực.
Gần Tết 1968, bà Chính Nghĩa được ông Tô Hoài Thanh (Ba Thanh), Đội trưởng Đội 5, dò hỏi: “Em có nguyện vọng gì không?”. Không một giây suy nghĩ, bà đáp: “Liên lạc, vận chuyển vũ khí, đưa thư từ, nhiệm vụ nào em cũng làm rồi. Giờ em chỉ có một nguyện vọng là trực tiếp cầm súng chiến đấu”. Khi ông Ba Thanh đồng ý, bà mừng vô cùng vì không ngờ, lần đầu xung trận lại được đánh lớn. “Lúc đó, máu trong người tôi sôi lên, trong đầu cứ vang lên tiếng reo “tấn công giải phóng Sài Gòn” – bà nhớ lại.
Chiến đấu tới viên đạn cuối cùng
“Đó là ngày hạnh phúc nhất nhưng cũng bi thương. Hạnh phúc khi được cầm súng chiến đấu nhưng buồn đau vì đồng đội của mình hy sinh quá nửa, số còn lại thì bị thương” – bà Chính Nghĩa hồi tưởng thời khắc đội biệt động đánh vào Dinh Độc Lập mùng 2 Tết 1968.
Theo bà Chính Nghĩa, trước giờ xuất quân, đội trưởng Ba Thanh mới thông báo thay đổi mục tiêu công kích sang nơi quan trọng hơn là Dinh Độc Lập và cố giữ trận địa 15-30 phút sẽ có quân chi viện. “Dù bất ngờ nhưng ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Mọi người thề với nhau sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng dù phải hy sinh” – bà nhớ lại.
Rạng sáng mùng 2 Tết, 15 chiến sĩ biệt động đi trên 3 xe tải nhỏ và 2 xe máy tiến vào cổng sau Dinh Độc Lập. Chiếc xe tải đi đầu nhanh chóng tiêu diệt chốt gác, tạo điều kiện đặt thuốc nổ phá cổng. Tuy nhiên, khối thuốc không nổ, lực lượng biệt động bị mắc kẹt ở cổng, 5 chiến sĩ hy sinh ngay khi trèo qua tường rào… “Không thể vào trong, chúng tôi chiến đấu ngay bên ngoài cổng. Gần 40 phút cầm cự, chúng tôi vẫn chưa thấy quân ta tiếp viện” – bà Chính Nghĩa kể. Bỗng nhiên, có 2 ánh đèn pha ô tô rọi đến, bà hoảng hốt kêu lên: “Không phải quân ta anh Ba ơi, địch đấy!”.
Cuộc chiến đấu không cân sức giữa 15 chiến sĩ biệt động với hàng trăm tên địch diễn ra trong 2 đêm 1 ngày. Tám người đã anh dũng hy sinh, số còn lại dù bị thương nhưng vẫn kiên cường chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. “Trận đánh đó mãi là một ký ức không thể nào quên khi tôi tận mắt chứng kiến những đồng đội thân thương của mình ngã xuống. Lúc đó, tôi nghe một tiếng “bịch”, nhìn lại thì thấy anh Ba máu me đầy người. Tôi định băng bó nhưng anh ngăn: “Anh bị thương nặng lắm, chắc không qua khỏi, hãy để băng dùng cho đồng đội khác”. Người đội trưởng đã hy sinh ngay trên tay tôi” – mắt bà ngấn lệ.
Lại được lệnh đánh Dinh Độc Lập
Sau trận đánh vào Dinh Độc Lập, bà Chính Nghĩa bị bắt. Dù bị tra tấn rất tàn bạo, dã man nhưng người con gái đất thép vẫn quyết không khai nửa lời. Địch đã giam bà qua hàng loạt nhà tù, cuối cùng đưa đến “địa ngục trần gian” – nhà tù Côn Đảo.
Năm 1974, bà Chính Nghĩa được trả tự do. Một lần nữa, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bà lại được lệnh đánh vào Dinh Độc Lập nhưng khi mọi việc đang tiến hành thì mọi người vỡ òa sung sướng khi hay tin tổng thống chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng.
Theo 24h
"Giọt máu" đêm Mậu Thân
Trước giải phóng, vô khu Bảy Hiền, ngang đường Hồ Tấn Đức, hỏi thăm cô Mười Rốn hay còn gọi là Mười Thọ ai cũng biết. Cô Mười nổi tiếng không chỉ vì cô đẹp, giỏi nghề dệt, giỏi làm ăn - là chủ một cơ sở dệt ăn nên làm ra, mà còn vì một sự lạ.
Ai hỏi cha mấy đứa nhỏ đâu, người nhà cô Mười chỉ lắc đầu: Nó chửa hoang ở đâu hổng biết! ...
Cái tết cuối cùng
Kể lại chuyện cũ tới đâu, anh Nguyễn Văn Phú (hiện ngụ tại phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM) thấy thương má mình tới đó. Những chuyện ngày xưa đó anh cũng chỉ được nghe má với mấy dì, mấy cậu kể lại thôi. "Hồi đó, má với người trong nhà chủ động tung tin ra ngoài là má chửa hoang để che mắt cảnh sát, mật vụ của chính quyền, chứ sự tình thế nào thì bà con hàng xóm đều biết. May mà mấy ngày về thăm nhà, cha mình đã kịp đến chào họ hàng bên ngoại" - anh Phú kể.
Ba má anh Phú: bà Nguyễn Thị Thọ và ông Nguyễn Văn Dự quen nhau từ năm 1964. Khi đó, ông Dự đã là quân giải phóng, công tác ở đơn vị F100 khu Sài Gòn - Gia Định. Gia đình bà Thọ là cơ sở của cách mạng, nằm ngay trong khu Bảy Hiền. Được sự mai mối của tổ chức, hai người nên duyên vợ chồng. Đám cưới đơn sơ diễn ra ngay tại chiến khu ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Đám cưới rồi, ông Dự đi biền biệt. Người vợ trẻ một mình ở nhà, vừa làm công nhân xưởng dệt, vừa gom góp tiền bạc, sắm sửa để thỉnh thoảng xuống Củ Chi thăm chồng. Số lần gặp gỡ của hai vợ chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 1967, bà Thọ có mang và sinh hạ được đứa con trai đầu lòng đặt tên là Nguyễn Văn Phú.
Bà Nguyễn Thị Thọ và hai con trai lúc còn trẻ - Ảnh tư liệu gia đình
Tết năm Mậu Thân 1968, 26 tết âm lịch, ông Dự đột nhiên về thăm nhà. Sợ ảnh hưởng tới vợ, con và gia đình, ông không dám về thẳng nhà mà ngủ nhờ nhà người quen gần đó. "Tổng cộng ba về được bốn ngày: 26, 27, 28 và 29 tết. Cùng đi với ba tôi có mấy chú nữa, tên là chú Phương, chú Lợi, chú Hai Liễu. Trong mấy ngày đó, ông và anh em đồng đội lo vận chuyển vũ khí bí mật về ém trong nội thành. Má tôi kể là má đã gom tiền, mua hai chiếc Honda 67 cho ba đi chở vũ khí. Công việc bí mật và gấp rút lắm. Đến chiều 30 tết, ba tạm biệt lên đường".
Người làm nhiệm vụ mang xe đến đón ông Út Dự và đưa đến điểm hẹn ngày hôm ấy là ông Nguyễn Hồng Giáo, nguyên là cán bộ Ban tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách đội võ trang tuyên truyền trong chiến dịch Mậu Thân. Ông Giáo nhớ lại: "Hôm đó, anh Út Dự tới trễ hơn giờ hẹn một chút. Tôi gặp ảnh, chở ảnh xuống giao ngay tại chợ Đa Kao rồi trở về trong vòng hai tiếng đồng hồ. Vì nguyên tắc bí mật, trên đường đi hai anh em không trao đổi thêm điều gì. Tôi không biết cụ thể ảnh sẽ đi đâu, làm gì sau đó. Lúc đó, tôi chỉ biết anh là một chiến đấu viên của biệt động thành, đang chuẩn bị đánh vào trụ sở Bộ tư lệnh hải quân. Không ngờ, Út Dự hi sinh ngay tại Bộ tư lệnh hải quân vào rạng sáng mồng 2 tết. Ảnh hi sinh rồi nhưng có lẽ chính ảnh cũng không ngờ mình đã để lại một giọt máu ngay trong đêm Mậu Thân 1968".
Chuyện về đứa con trai của người đồng đội, được tượng hình trước khi anh bước vào chiến dịch Mậu Thân, mãi đến sau này ông Giáo mới được biết. Đó là khi con trai của liệt sĩ Út Dự tìm đến gặp ông để lấy thêm thông tin cho bản báo cáo đề nghị truy tặng Huân chương Quân công giải phóng cho cha mình.
Hành trình tìm cha
Một tuần sau ngày chia tay ông Út Dự, bà Mười Thọ được tin chồng hi sinh. Một người cháu rể (là lính VN cộng hòa nhưng đang hoạt động nội tuyến cho quân giải phóng) cùng tham gia trận đánh đêm đó với ông, về báo tin: "Dượng đã hi sinh tại trận!". Bà Mười Thọ chết lặng. Nỗi đau mất chồng chưa kịp nguôi ngoai thì chẳng bao lâu sau bà biết mình đã có thai. Nhìn đứa con lớn mới tròn 1 tuổi, thương đứa nhỏ còn chưa kịp chào đời, bà biết rằng một con đường rất dài và đầy chông gai đang chờ bà phía trước.
Ảnh chụp ông Nguyễn Văn Dự trong chiến khu gửi về cho vợ - Ảnh tư liệu gia đình
Người con trai năm nay tròn 45 tuổi, chưa một lần biết mặt cha mình ấy là anh Nguyễn Văn Hoàng, sinh năm 1968, em ruột anh Nguyễn Văn Phú. Hai anh em sinh năm một, lít nhít như trứng gà, trứng vịt, suốt những năm tuổi thơ chỉ biết lẽo đẽo theo mẹ. Thấy bà Thọ còn xuân sắc dù đã hai con, nhiều người muốn cùng bà gá nghĩa vợ chồng nhưng bà một mực không chịu. Thương hai con từ lúc lọt lòng đã thiếu vắng tình cha, bà từ chối tất cả, quyết định nuôi con một mình. Anh Phú nhớ lại: "Má tôi giỏi lắm, một tay bà quán xuyến trong ngoài, trông coi cơ sở dệt và chăm sóc anh em tôi. Ngày nhận bằng Tổ quốc ghi công của cha, chúng tôi mới được chính thức công nhận là con liệt sĩ".
Ngày ấy, con liệt sĩ được vào học nội trú ở Trường Lý Tự Trọng. Quy định thời đó, chỉ những ai có cả cha lẫn mẹ là liệt sĩ, hoặc hoàn cảnh gia đình quá khó khăn thì tất cả những đứa con mới được vào học ở trường. Bà Thọ đăng ký cho cả Phú và Hoàng vào trường, nhưng chỉ có anh Phú được học lâu dài còn Hoàng học một năm."Hồi đó cả nước còn nghèo, đời sống của thầy trò trong trường nội trú đều khó khăn. Biết tôi học trong trường nhiều thiếu thốn, mỗi lần tôi về nhà má lại nấu thêm chút đồ ngon cho tôi ăn. Những năm tháng ấy, anh em tôi lớn lên bằng tình thương của má và niềm tự hào về cha, dù chỉ biết mặt cha qua tấm hình nhỏ xíu cha chụp ở chiến khu gửi về tặng mẹ"- anh Phú kể.
Khi anh Hoàng và anh Phú đã lớn, gia đình đã qua giai đoạn khó khăn thì cả nhà bắt đầu hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Dự. Mấy mẹ con đi khắp các nghĩa trang trong thành phố, nghe ai chỉ ở đâu cũng tìm tới. Ban đầu, gia đình nghĩ liệt sĩ Dự hi sinh ở Bộ tổng tham mưu, mãi sau này khi gặp được ông Tư Chu, xem được danh sách những người hi sinh khi tham gia đánh vào Bộ tư lệnh hải quân trong trận Mậu Thân, mẹ con bà Thọ mới biết chính xác nơi chồng, cha hi sinh. Mở điện thoại cho chúng tôi xem bản danh sách mà mình đã cẩn thận chụp lại, anh Phú chỉ vào một ô trống: "Cha anh nè!".Trên ô trống đó, vẻn vẹn một chữ "Dự". Cũng trong bản danh sách đó, chúng tôi nhìn thấy thêm nhiều cái tên cụt ngủn khác: Tư Lai, Bảy Lốp, Quốc... Nhiều người nằm xuống chỉ để lại một bí danh.
Năm 2007, bà Thọ mất khi ước nguyện tìm được hài cốt ông vẫn chưa thành. Sau ngày giải phóng, gia đình đã làm một ngôi mộ gió cho ông ở quê hương Hòa Vang, Đà Nẵng. Bà mất rồi, hai anh em anh Phú quyết định đem di ảnh cha ra đặt cạnh di ảnh mẹ ở nghĩa trang TP.HCM, cho hai cụ được gần nhau
45 năm trôi qua, anh Phú, anh Hoàng giờ đã là những người làm ăn thành đạt, là chủ hai cơ sở bán hàng trang trí nội thất lớn ở quận Gò Vấp. Những ngày giáp tết, hai anh em đang chuẩn bị làm đám giỗ cho cha. "Hồi trước, má đâu biết cha mất vào rạng sáng mồng 2 tết nên bà chọn 28 tết - ngày cha về thăm nhà - để làm đám giỗ. Má nói đó là ngày sum họp hiếm hoi và vui vẻ nhất của hai vợ chồng. Mỗi năm làm giỗ ngày này vừa để nhớ về những ngày tháng khốc liệt của Tết Mậu Thân, vừa để nhớ về ngày sum họp đó".
Theo 24h
Đường phố Sài Gòn sáng rực đón năm mới Hai ngày trước thời khắc giao thừa, phố Nam Kỳ Khởi Nghĩa rực ánh đèn hoa sen, đại lộ Lê Lợi hồng hoa đào, đường Đồng Khởi lại vàng hoa mai, đại lộ Lê Duẩn lại giăng giăng những chiếc nón lá... Đường phố Sài Gòn năm nay trang trí nhiều hơn, mỗi con đường đều có một phong cách riêng, tập trung...