Ký ức của người lính đặc công “một đánh mười” từng được báo tử
2 lần là cảm tử quân, thậm chí đã từng được báo tử, kí ức chiến tranh của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Ký là những trận sống mái với kẻ thù, là nỗi đau khi gần như cả đơn vị bị xóa sổ. Người lính đặc công ấy đã khóc khi những người sát cánh cùng ông năm xưa vẫn đang nằm đâu đó ở dải đất lửa Trị – Thiên này.
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Ký (bên trái) về thăm lại thành cổ Quảng Trị trong chuyến hành quân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Năm 1967, tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Ký (quê trú Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vào lính, đi thẳng vào chiến trường Trị Thiên. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, đơn vị đặc công của ông (Đại đội 1, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324) được lệnh vượt qua kho xăng La Văng (giáp giữa Quảng Trị và Huế) để tiến vào Quảng Điền (Huế).
“Tôi vẫn nhớ như in, qua đài mật mã giọng nói của Bác Hồ vang lên: “Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước ta, tôi chúc mừng năm mới như sau: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.
Câu “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” vừa dứt, chúng tôi ào lên chiếm lĩnh mục tiêu. Quân địch nhiều, được trang bị vũ khí hiện đại, quân ta mỏng nhưng có lòng yêu nước, dũng cảm, đánh bằng mưu mẹo lại có nhân dân ủng hộ nên có khi trinh sát đặc công 10 người đánh cả tiểu đoàn hay cả đại đội địch, dưới là không đánh, cứ 1 đổi 10″, đôi mắt ông rực sáng khi nhớ về thời khắc cả nước vùng lên 50 năm trước.
Cuộc đời binh nghiệp của ông là những trận sống mái với kẻ thù, những cuộc chiến đấu không cân sức nhưng với lòng dũng cảm, mưu trí và lòng yêu nước, ông và đơn vị đã giành được những thắng lợi quan trọng, đặc biệt là trong cuộc tiến công vào TP Huế mùa Xuân 1968
Những chiến công của Sư đoàn 324 và của chính những người lính đặc công Bộ mà địch gọi là “quân chính quy Bắc Việt” ấy đã đóng góp quan trọng giành và giữ Huế suốt 26 ngày đêm trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, các đơn vị của ta được lệnh rút khỏi Huế để tiếp tục củng cố lực lượng.
Đơn vị của ông Nguyễn Ngọc Ký tiếp tục tham gia đánh thủy quân lục chiến, “kị binh bay” ở Đường 9 Khe Sanh rồi sang mặt trận Nam Lào (1971). Cũng trong trận chiến này, khi giành nhau với địch trên lô cốt, một quả lựu đạn rơi xuống ngay cạnh ông. Ông cầm lựu đạn ném về phía đối phương nhưng lựu đạn phát nổ, ông ngất đi với cánh tay phải nát bét.
Khi ông tỉnh dậy thấy mình nằm trong bệnh viện. Địch phát hiện ông còn sống, đưa về cứu chữa để khai thác. Không khai thác gì được ông, chúng đưa ông đến nhà tù Phú Quốc giam cầm. Đó cũng là thời điểm gia đình nhận được giấy báo tử của ông.
Có những trận đánh đơn vị của ông gần như bị xóa sổ, nhiều đồng đội ông ngả xuống khi còn rất trẻ….
Với cái tên Trương Minh Quý, ông và đồng đội tiếp tục có những cuộc đấu tranh không kém dữ dội với địch ngay trong nhà lao. Bị tra tấn dã man, người lính đặc công với một cánh tay ấy đã mổ bụng để tỏ khí tiết, khiến kẻ địch phải run sợ. Ông cùng người bạn tù Lê Văn Long (quê Nghệ An) tương kế tựu kế đánh cho tên cai ngục một trận thừa sống thiếu chết. Sau sự việc này, những ngón đòn tra tấn, trả thù đổ lên thân thể người thương binh ấy càng khốc liệt hơn. Năm 1973, ông được trao trả theo Hiệp định Paris…
Video đang HOT
Ngày trở về, người phụ nữ ông yêu, người đã mang nặng đẻ đau cho ông đứa con gái lên 7 tuổi tưởng ông hi sinh đã nên duyên mới. “Tôi về, với một cơ thể không lành lặn, cô ấy xin quay lại để chăm sóc tôi. Tôi bảo “ai khổ để một người khổ thôi, em về với anh ấy đi”, ông kể. Người lính ấy chọn cái khổ đau về mình vì không muốn người đàn ông kia phải mất vợ, không muốn người phụ nữ mình yêu phải giằng xé giữa yêu thương và trách nhiệm.
Một năm sau ông lấy vợ, sinh liền 3 đứa con. Ông thương binh nặng, vợ ông – một bà giáo quê tần tảo chăm chồng, nuôi 3 con khôn lớn. “Tôi không nghĩ mình còn sống để quay về. Nghĩ tới những đồng đội đã hi sinh thấy mình còn may mắn quá”, ông tâm sự.
Các cựu chiến binh dâng hương tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (Quảng Trị). Rất nhiều hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy hoặc được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính
Ông về thăm chiến trường xưa với một ước mơ “thắp cho đồng đội một nén hương”. Với cánh tay phải cụt đến khuỷu, ông đi khắp các nghĩa trang mà đoàn vào viếng rồi lặng lẽ quay ra. “Ngày ấy, có những trận, có 10 thằng đặc công đánh cả tiểu đoàn được trang bị tận răng của địch. Hi sinh nhiều lắm, quân số bổ sung liên tục mà có khi đánh xong trận, nhìn lại cả đại đội còn được vài người.
Con người ta có phải tự nhiên nhéo một cái mà chết đâu, có khi hi sinh mà không nhặt được thi thể, có trường hợp khi cấp táng chỉ lấy ni lông gói rồi đắp đá xung quanh, có trường hợp không tìm được xác. Có đứa còn trẻ lắm, vào trận chỉ có biết đánh nhau thôi, chết mà vẫn chưa được cầm tay con gái.
Tôi chỉ mong vào đây, thắp được cho đồng đội mình nén hương nhưng trời đất mênh mông, biết chúng nó nằm ở đâu…”, ông đưa cánh tay còn lại vụng về lau giọt nước mắt ứa ra.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Bức thư kỳ lạ của một liệt sĩ
Đến nay, bà Đặng Thị Xơ (xã Lê Lợi, Kiến Hưng, Thái Bình) - vợ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh vẫn không thể nào quên cái đêm lạ kỳ đầu năm 1973 khi bà mơ thấy ông về, giọng thì thầm: "Anh đi nhé, em đừng buồn.Thân xác anh đi rồi, nhưng linh hồn vẫn ở mãi bên em".
Bà bàng hoàng đoán rằng chồng mình đã có chuyện chẳng lành xảy ra khi đang chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị. Quả nhiên, một thời gian sau bà nhận được giấy báo tử của chồng. Đặc biệt hơn, liệt sĩ Huỳnh như tiên đoán được cái chết của mình, đã viết một bức thư chỉ rõ ràng nơi chôn thi thể. Sau nhiều năm, lần theo thông tin ấy, gia đình đã tìm được hài cốt của anh.
7 ngày làm vợ
Bà Xơ nhiều năm nay một mình sống trong ngôi nhà tình nghĩa ngôi nhà, tuy nhỏ nhưng gọn gàng. Tài sản lớn nhất của người phụ nữ này là bức di ảnh và lá thư của chồng là liệt sỹ Lê Văn Huỳnh gửi cho bà.
Lá thư được phục dựng (đề ngày 11-9-1972, trước lúc liệt sĩ hy sinh 3 tháng 20 ngày (ngày hy sinh 2-1-1973), đóng lồng kính cẩn thận rồi đặt ở nơi trang trọng nhất để thấy bà trân trọng nó thế nào.
Nhắc đến chuyện tình yêu với liệt sĩ Huỳnh, bà Xơ trở nên ngượng ngùng, ấp úng như thiếu nữ vừa mới yêu lần đầu. Bà bảo, ngày xưa hai ông bà là hàng xóm với nhau, lớn lên cùng nhau từ tấm bé. Ông Huỳnh thông minh, học giỏi lắm từ bé, lớn lên ông thi đỗ Đại học Xây dựng. Ngày ông đỗ đại học như thể một sự kiện lớn, làm vẻ vang cả làng, cả huyện.
Tình yêu của hai người đến tự nhiên, khi ấy bà Xơ chỉ chờ một lời tỏ tình của ông bởi bà đã ngưỡng mộ ông từ lâu. "Ngày đó, ông ấy thông minh và học rất giỏi, ở làng không ít cô gái để ý.
Sau này tôi với ông ấy yêu nhau, chuyện của chúng tôi thì ai cũng biết, hai bên gia đình nhiều lần giục cưới nhưng chúng tôi cứ khất lần. Cả hai đều không muốn chuyện lập gia đình vì sợ ảnh hưởng đến việc học hành".
Bức di ảnh của liệt sỹ Huỳnh.
Rồi đến Tết Dương lịch, ông Huỳnh xin trường về quê thăm nhà và thông báo với người yêu: "Anh sắp lên đường nhập ngũ". Chiến tranh vốn tàn khốc, đi không hẹn ngày trở lại, họ đã quyết định làm đám cưới trong vài ngày ngắn ngủi đó. Vậy là một đám cưới ấm cúng thời chiến được tổ chức vào ngày 2-1-1972.
Đôi vợ chồng trẻ ở bên nhau được đúng 3 ngày ông Huỳnh phải lên trường. Tết Nguyên đán năm đó, ông được nghỉ và về nhà thêm 3 ngày nữa là 6 ngày. Trước khi lên đường Nam tiến ông được về nhà thăm vợ đúng 1 ngày rồi mãi mãi không trở về nữa. Vậy là họ ở bên nhau vỏn vẹn 7 ngày, 7 đêm.
Bà Xơ nhìn về tấm di ảnh của chồng rồi lẳng lặng nói: "Lần cuối cùng gặp nhau, ông ấy đã nắm tay tôi mà dặn dò: "Mình là vợ chồng. Anh đi chiến đấu, sau này ngộ nhỡ anh trở về không lành lặn, xin em đừng hắt hủi anh, em nhé". Tôi nghe mà ứa nước mắt: "Dù anh có thế nào đi chăng nữa, em vẫn là vợ của anh trọn đời".
Nhưng tôi không bao giờ ngờ rằng, ngay cả việc được đón ông ấy trở về, dù không lành lặn, cũng trở thành một ước mơ quá đỗi xa vời. Sau ngày nhập ngũ, ông ấy theo đơn vị vào chiến trường Quảng Trị, chiến trường khốc liệt nhất những năm 1972-1973. Và ông ấy đã mãi mãi nằm lại nơi đó".
Phải mấy tháng sau khi ông Huỳnh hy sinh, gia đình mới nhận được giấy báo tử. Thế nhưng điều kỳ lạ là, bà Xơ đã đoán định được về cái chết của chồng đúng ngày ông nằm xuống. Bà Xơ kể: "Tôi không biết mọi người nghĩ gì về chuyện tâm linh nhưng với tôi là có.
Đúng cái ngày 2-1-1973, tôi có một giấc mơ lạ lắm. Ông ấy về gặp tôi, mặc bộ quần áo bộ đội, mặt mày lấm lem, đứng cạnh một dòng sông. Tôi hỏi ông ấy: "Ở đâu mà đẹp thế?". Ông ấy không nói gì, chỉ buồn rầu nhìn tôi. Ánh mắt của ông ấy khác lạ lắm, như thể luyến tiếc, như là xót xa.
Ông ấy nhìn tôi mãi, rồi mới mở miệng: "Chuyến này anh đi là không về nữa. Anh đi, em đừng buồn. Thân xác anh không còn nhưng linh hồn anh mãi ở bên em. Nói xong câu đó, ông ấy biến mất. Tôi giật mình choàng tỉnh, mồ hôi vã ra từ đầu đến chân. Tôi còn nhớ rõ, đó là ngày kỷ niệm 1 năm ngày cưới của tôi với ông Huỳnh, và cũng là ngày ông ấy hi sinh theo giấy báo tử".
Bà Xơ bên ban thờ chồng.
Lá thư kỳ lạ
Giấy báo tử của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh về đến địa phương. Ai nấy đều lo sợ bà Xơ không chịu nổi cú sốc quá lớn này, người chị dâu khi đó đang làm ở xã đã xin hoãn báo tử 3 tháng. Đến mãi tháng 5-1973, giấy báo tử mới chính thức về đến tay bà Xơ và gia đình cùng toàn bộ quân tư trang của liệt sĩ Huỳnh. Lúc nhận quân tư trang của chồng, bà Xơ không hề hay biết có lá thư của chồng cất trong ba lô.
Bà chỉ biết lặng lẽ cất quân tư trang của chồng vào tủ, không dám đụng đến vì quá đau đớn. "Đến rằm tháng 7 năm đó, mẹ chồng tôi bảo tôi mang đi hóa các di vật đó đi để ông ấy ra đi cho mát mẻ. Lúc đó tôi mới phát hiện bức thư nhàu nát ở đáy ba lô. Cứ nghĩ đến bức thư của ông ấy là tôi lại quặn thắt lại" - bà Xơ rưng rưng.
Bức thư kỳ lạ của một liệt sĩ.
Lá thư của liệt sĩ Huỳnh viết trước khi hy sinh, có đoạn: "... Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khoẻ những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn. Thôi nhé, đó là có điều kiện, còn không thì em hãy cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt lắm rồi...".
Cho đến ngày hôm nay, mọi người đều không hiểu được bức thư kỳ lạ của liệt sĩ Huỳnh là như thế nào. Tất cả lý giải đều chỉ là phỏng đoán, và mọi người tin rằng đó là tâm linh. Cứ mỗi lần mang lá thư của chồng ra đọc đến đoạn trên là bà Xơ lại bật khóc nức nở mà nói: "Tôi chỉ có một thân một mình, đường sá không biết, làm sao tìm được ông về?".
Thế rồi, vào năm 2002, trong một giấc mơ, giọng nói năm nào của chồng lại vọng về: "Bây giờ, người ta đã đưa tôi quy tập bên cạnh 3 người đồng đội. Bà cứ đi vào Quảng Trị, tôi sẽ mách đường cho bà".
Bà Xơ bật khóc kể lại những tháng ngày đẹp đẽ ở bên chồng. Lần này bà cùng gia đình quyết tâm đi tìm liệt sỹ Huỳnh, bà Xơ kể: "Sau năm 1975, khi mặt trận không còn tiếng súng, một người phụ nữ ở Quảng Trị là bà Nguyễn Thị Ngân trở về làng cũ tại thôn Thượng Phước (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, một ngôi làng nhỏ nằm ven bờ sông Thạch Hãn) để làm ăn.
Thấy trong vườn có 3 ngôi mộ liệt sĩ, có một ngôi khắc bằng tôn, bà Ngân và những người trong làng đều chăm sóc và hương khói rất chu đáo. Hoà bình lập lại, đã 2 lần địa phương đến quy tập những ngôi mộ đó về nghĩa trang của tỉnh, nhưng đều không tìm được hài cốt nên chuyện những ngôi mộ cũng dần dần bị quên lãng. Tuy vậy, như có điều gì đó mách bảo, bà Ngân vẫn gom 3 tấm mộ chí bằng tôn đó về một góc vườn để hương khói.
Cuối năm 2002, khi tôi và gia đình tìm đến thôn Thượng Phước, không biết ông Trời đun đẩy thế nào, tôi lại bước vào khu vườn nhà bà Ngân. Tại đó, chúng tôi đã tìm được ông Huỳnh, ngay chính tại nền đất mà bao lâu nay ai ai cũng đã tưởng rằng vô vọng... Có người giải thích chuyện này là do những thay đổi của nền đất tại khu vườn; nhưng cũng có người bảo đấy là ông Huỳnh vì đã hẹn nên cố "chờ" tôi đến đón về".
Theo Phong Anh
Cảnh sát toàn cầu
Dân kêu, doanh nghiệp kêu mà tập thể vẫn xuất sắc "Trong khi người dân, các đơn vị, doanh nghiệp vẫn kêu than khó khăn, họ còn nói với tôi "các sở chậm lắm anh ơi". Thế mà cuối năm, các phòng ban, tập thể nào cũng đạt xuất sắc là sao?" - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong truy vấn tại cuộc họp sơ kết Tình hình kinh tế-xã hội TP.HCM tháng...