Ký ức của cựu chiến binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Quá bất ngờ, tôi được gặp lại ông Trương Xuân Bái (90 tuổi, trú tại xã Thạch Môn, TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) – cựu chiến binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954 ngay trên đỉnh đồi A1.
Dù bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Bái vẫn minh mẫn kể lại từng câu chuyện mà đơn vị ông đã chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Mở đầu câu chuyện, ông Bái nhắc ngay đến anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn như một người anh: “Tôi và anh Bế Văn Đàn cùng một tiểu đội, anh Đàn là tiểu đội trưởng, tôi là tiểu đội phó, nhưng tình thân như anh em ruột. Ngày anh Đàn hy sinh, tôi là người đã bế anh Đàn đi chôn cất, năm 1958 cũng chính tôi là người đưa anh Đàn về an nghỉ tại nghĩa trang A1″.
Ông Trương Xuân Bái kể lại cho con cháu về Trung đoàn 741 anh dũng chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là trận đánh đồi A1.
Lục lại trí nhớ, người cựu chiến binh Điện Biên Phủ năm xưa đã kể cho chúng tôi nghe những trận đánh ác liệt của đại đội ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là trận đánh Mường Pồn, trận đánh đồi A1.
“Tôi và anh Bế Văn Đàn thuộc Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Năm 1953, đơn vị chúng tôi giải phóng Lai Châu xong, quân Pháp còn khoảng 300 tên đã chạy về hướng Điện Biên, đến xã Mường Pồn thì chúng dừng chân, thành lập những ổ đề kháng. Lúc này địch chiếm những điểm cao, khống chế toàn bộ cánh đồng Mường Pồ. Đơn vị tôi được lệnh phải tiêu diệt toàn bộ số quân địch tại đây. 16h ngày 12.12.1953, chúng tôi bắt đầu tấn công, bao vây giữ Pháp ở Mường Pồn. Lúc đó, khi thấy lực lượng Việt Minh ít, Pháp tập trung hai đại đội có phi pháo yểm trợ liên tiếp phản kích, nhưng cả hai lần chúng đều bị đại đội tôi đánh bật. Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng và quyết liệt. Quân Pháp liều chết xông lên, quân ta kiên quyết ngăn chặn, chốt giữ”.
Trước ngôi mộ của Tiểu đội trưởng Bế Văn Đàn, ông Bái bùi ngùi: “Anh ơi em đưa các con cháu đến thắp hương cho anh đây. Anh ơi không biết khi nào em mới trở lại thăm anh”.
Theo lời kể của ông Bái, lúc đó, cấp trên có lệnh cho đại đội quyết tâm giữ ở Mường Pồn bằng bất cứ giá nào, để các đơn vị khác triển khai lực lượng, thực hiện các chủ trương của chiến dịch. Mặc dù liệt sĩ Bế Văn Đàn vừa đi công tác về nhưng khi thấy chỉ huy thông báo, ông đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Bế Văn Đàn vượt qua lưới đạn dày đặc của quân Pháp, xuống truyền đạt mệnh lệnh cho đại đội kịp thời, chính xác. Trong khi đó, trận chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt hơn.
Video đang HOT
Ông Trương Xuân Bái cùng các con cháu trên đồi A1 lịch sử.
“Quân Pháp phản kích lần thứ ba, mở đường tiến, đại đội của tôi bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân anh Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng anh Đàn vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của anh Chu Văn Pù cũng chưa bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức khẩn trương, anh Bế Văn Đàn không ngần ngại chạy lại cầm 2 chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn đã nói: “Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi!”. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, Bế Văn Đàn bị hai vết thương nữa và hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình.
Anh Đàn đã anh dũng hy sinh, vậy là lời hứa giữa tôi và anh ấy sau khi giải phóng 2 anh em sẽ về thăm quê của nhau không bao giờ trở thành hiện thực. Ngày ấy mỗi đêm anh Đàn thường kể cho tôi nghe về quê hương Cao Bằng của anh, rừng núi trùng điệp nhưng con người thì sống chan hòa, dù còn khó khăn nhưng vẫn một lòng theo Đảng. Anh Đàn ước mơ một lần về thăm quê tôi, thăm mảnh đất Hà Tĩnh đầy nắng gió, và được một lần về Nam Đàn thăm quê Bác”, ông Bái bùi ngùi chia sẻ.
Lần nào trở lại Điện Biên, ông Bái cũng đến thắp hương cho người tiểu đội trưởng của mình.
Sau khi chôn cất người tiểu đội trưởng, ông Bái cùng đơn vị tiếp tục tiến quân về chiến trường Điện Biên Phủ. Đơn vị của ông Bái được cấp trên giao trọng trách đánh đồi A1. Đây là “cối xay thịt” trong chiến dịch Điện Biên Phủ, còn đối với ông Bái, đồi A1 là nơi tưởng niệm những đồng đội của ông mãi mãi ra đi, bởi mỗi ngày ở đó có hàng trăm chiến sĩ đã hy sinh dưới pháo đạn, bom mìn của quân thù. Trong tâm trí của ông, không bao giờ quên cảnh tượng vác bộc phá đi dọc chiến hào và vấp phải những mảnh xác người vẫn còn vương vãi vì bom, mìn, trong đó có cả đồng đội của mình.
Đứng trên đỉnh đồi A1 lịch sử, ông Bái hoài niệm lại những ngày tháng chiến đấu ác liệt cách đây tròn 65 năm. Với ông từng mét đất đều thấm đẫm máu của các đồng đội.
“Tôi không thể tưởng tượng được đồi A1 ngày hôm nay khác xa với đồi A1 65 năm trước. Đồi A1 65 năm trước toàn là đất đỏ cày xới lên và bộ đội ta đi dọc chiến hào lên. Cứ 10 người hy sinh thì 10 người khác lên thay. Tiểu đội tôi lên 11 người thì chết 9, có đêm xung phong chiến đấu, cả tiểu đội hy sinh hết, nhìn đồng đội ngã xuống dưới chiến hào lại càng thôi thúc chúng tôi quyết trả thù”, ông Bái chia sẻ.
Ông Bái cùng con cháu thắp hương, tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn.
Thắp nén hương thành kính trước mộ người tiểu đội trưởng năm xưa, ông Bái rưng rưng nước mắt: “Anh Đàn ơi, em đến thăm anh đây, không biết bao giờ em mới trở lại thắp hương cho anh được”. Ông Bái cho biết, vào những dịp kỷ niệm 60 năm, 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ông đều được Tỉnh ủy Hà Tĩnh mời đi thăm quan chiến trường xưa, nhưng ông từ chối.
“Tôi muốn đưa con cháu đi thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ để con cháu hiểu được sự anh dũng hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mà trận chiến Điện Biên Phủ đã vang khắp năm châu”, ông Bái tâm sự
Trước sự đổi thay trên chiến trường xưa, ông Bái bùi ngùi xúc động: “Tôi không nghĩ Điện Biên hôm nay phát triển nhanh như vậy, nhà phố đông đúc, đường sá sạch đẹp. Tôi mong rằng đồng bào các dân tộc Điện Biên cùng chung tay xây dựng một Điện Biên giàu đẹp, đây cũng là sự tri ân đối với linh hồn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Theo Danviet
Tình báo Pháp và hai điểm "mù" trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tình báo Pháp được đầu tư tối đa về nhân sự, kỹ thuật và tài chính để nắm bắt các thông tin về đối phương. Tuy nhiên có hai điểm mà tình báo Pháp bất lực - là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ.
Tướng De Castries, Chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ, có trong tay các thông tin trực tiếp từ Nhóm tác chiến Tây Bắc (GONO) và từ các nguồn bên ngoài. Chỉ huy phòng Nhì GONO, một đơn vị tình báo ban đầu là Đại tá Diestielung (đến cuối tháng 2.1954), sau đó là Đại tá Jacques Noel. Phòng được chia thành ba bộ phận là Bắc, Trung và Nam do các Thiếu úy Guichard, Touzin và Luciani phụ trách. Phòng có nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của Việt Minh để báo cáo tổng chỉ huy. Ban đầu phòng Nhì ở Điện Biên Phủ được cấp 20.000 quan/tháng, từ tháng 4.1954 tăng lên 50.000 quan/tháng để chi cho các nhân viên tình báo và người cung cấp thông tin. Việc tăng chi này cho thấy các phương tiện hiện đại không thay thế được những đôi mắt con người và giá mua tin trở nên đắt đỏ trong làn đạn dày đặc của đối phương.
Tướng De Castries và các tướng lĩnh sĩ quan Pháp bàn luận kế hoạch xây dựng chốt giữ cứ điểm Điện Biên Phủ (Ảnh IT)
GONO nhận tin từ Đơn vị tình báo tác chiến (SRO), Nhóm đặc biệt bay hỗn hợp (GCMA) và Nhóm can thiệp hỗn hợp (GMI). SRO có mặt ở Điện Biên Phủ trong những ngày đầu của cuộc hành binh Castor (tháng 11.1953) do Đại úy Mayer chỉ huy. Nhân viên của SRO đóng giả làm cu li trà trộn vào các đơn vị của Việt Minh để nắm bắt thông tin. Họ thường cung cấp những thông tin về số lượng lính, trang phục, dân tộc và vũ khí. GCMA sau đổi tên là GMI thành lập vào tháng 12.1953. GMI tập hợp và cử những du kích người Thái và H'Mông đi thu thập thông tin ở các vị trí xung quanh cứ điểm. Một du kích người H'Mông đã phát hiện được sự có mặt của trung đoàn pháo cao xạ 37 mm của Việt Minh tại Tuần Giáo ngày 4.3.1954. Các nhóm này kém hiệu quả khi quân Pháp bị xiết chặt vòng vây ở Điện Biên Phủ.
Số lượng tù binh ít và chỉ có hơn chục lính Việt Minh đảo ngũ. Các thông tin thu được từ họ chủ yếu là vị trí đóng quân và đặc điểm nhận dạng. Một tù binh đã khai ngày tấn công của Việt Minh là ngày 25.1.1954.
GONO còn thu thập tin từ các đài quan sát của lực lượng pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ. Có 5 đài quan sát đặt ở đồi Béatrice, Gabrielle, Anna Marie, Claudine và ở nóc hầm chỉ huy pháo binh. Các đài quan sát này ngày đêm theo dõi các dấu hiệu đào bới và lắp đặt các ụ pháo của đối phương. Từ ngày 13 đến ngày 17.3.1954, quân Việt Minh lần lượt chiếm cứ điểm Béatrice, Gabrielle và Anna Marie. Quân Pháp mất 3 đài quan sát có tầm nhìn tốt nhất ở Điện Biên Phủ.
Máy bay Morane ở Điện Biên Phủ được sử dụng trinh sát trận địa để hỗ lực lượng mặt đất, nhưng đã bị đối phương loại bỏ ngay trong đợt tấn công đầu tiên. Ngày 23.3.1954, De Castries than thở với tướng Cogny như sau: "Trong khi kẻ thù của chúng ta có một hành lang quan sát tuyệt vời, không một lực lượng hay một sự di chuyển nào của chúng ta thoát khỏi tầm quan sát của họ thì tôi lại như mù vì thiếu các phương tiện trinh thám không quân".
Quân Pháp nhảy dù xuống cụm tập đoàn căn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
GONO có các nguồn tin bên ngoài từ trinh sát không quân và thông tin kỹ thuật. Không quân Pháp sử dụng hai phi đội máy bay Bearcat và RB26 để chụp ảnh do thám từ trên không, chủ yếu để xác định lại thông tin từ các nguồn khác. Mỗi ngày có từ 1 đến 2 chuyến bay trinh sát. Có một đơn vị chuyên làm nhiệm vụ xử lý không ảnh. Những báo cáo phân tích ảnh sẽ được gửi đến phòng Nhì GONO. Trinh sát không quân gặp khó khăn do địa hình hiểm trở, rừng rậm, sương mù dày và những ngày mưa to từ tháng 4. Có những ngày họ không chụp được chiếc ảnh nào. Việt Minh ngụy trang tài tình đến nỗi trinh sát không quân đành bó tay do không tìm được sơ hở nào của đối phương. Họ chỉ phát hiện được những dấu vết của một số đơn vị, xe cơ giới, chiến hào nhưng đó là khi Việt Minh sắp tấn công nên ít đề phòng.
Hệ thống kiểm soát vô tuyến điện (GCR) thu thập các tín hiệu từ các trạm phát tín hiệu của Việt Minh. Hệ thống kỹ thuật tìm kiếm (STR) nghe trộm các cuộc điện đàm của Việt Minh. Nhiệm vụ giải mã những cuộc gọi bị mã hóa do một đơn vị đóng tại Đà Lạt thực hiện. Từ tháng 12.1953, Việt Minh sử dụng mật mã mới kiểu Trung Quốc nên Pháp không thể phá mã, mãi đến tháng 4.1954 mới phá được mật mã của đại đoàn 320 và 351. Việc giải mã thông tin không dễ dàng do Việt Minh thường xuyên đổi mật mã.
Người Pháp đánh giá cao hoạt động tình báo của Việt Minh. Mọi cuộc hành quân dù lớn hay nhỏ của Việt Minh đều dựa theo thông tin tình báo. Mỗi khi trinh sát Việt Minh có mặt ở đâu thì tình báo Pháp biết sắp có các hoạt động của Việt Minh ở đó. Các đơn vị trinh sát Việt Minh bắt cóc lính Pháp để moi tin. Trong đêm ngày 30.1.1954, họ đã bắt cóc 1 trung sĩ và 5 lính Pháp. Họ đặt các trạm quan sát quanh cứ điểm. Ở trên đồi cao họ quan sát bằng mắt thường hoặc ống nhòm, không bỏ sót bất cứ hoạt động nào của quân Pháp. Sát ngày diễn ra trận đánh họ tăng tốc hoạt động. Họ mạnh dạn đột nhập vào trận địa quân Pháp. Mỗi nhóm trinh sát có 5 người hoạt động theo nguyên tắc. Đêm thứ nhất đột nhập, đêm thứ hai khảo sát kỹ thuật và kiểm tra lại thông tin thu thập được đêm trước, đêm thứ ba đột nhập lại lần nữa. Việt Minh tiến hành nghe trộm nhưng gặp khó khăn trong việc giải mã các cuộc điện đàm của Pháp.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tình báo Pháp được đầu tư tối đa về nhân sự, kỹ thuật và tài chính để nắm bắt các thông tin về đối phương. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các nguồn tin dồi dào và chính xác. Qua tin tình báo người Pháp biết rõ ngày tấn công, quân số, vũ khí, dân công, v.v.. Tuy nhiên, có hai điểm mà tình báo Pháp bất lực đó là chiến thuật sử dụng pháo cao xạ và trọng pháo của Việt Minh (chưa từng sử dụng) và vị trí các hầm pháo trên núi của Việt Minh. Hai điểm mù trong hoạt động tình báo này là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ.
Theo Danviet
Phát huy tinh thần Chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt trân trọng giới thiệu bài viết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2019). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" là kết quả của sự lãnh...