Ký túc xá sinh viên trăm tỷ xây dang dở, bỏ hoang 4 năm
Dự án ký túc xá sinh viên phía tây thành phố ở phường Hoà Hiệp Nam ( quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang xây dang dở thì dừng từ năm 2014 đến nay. Công trình bỏ hoang đã 4 năm nay đang xuống cấp nghiêm trọng, rất lãng phí.
Công trình dự án ký túc xá sinh viên phía tây TP Đà Nẵng đang xây dang dở thì dừng và bỏ hoang 4 năm nay.
Ghi nhận thực tế của PV Dân trí ngày 7/9 tại công trình dự án ký túc xá sinh viên phía tây thành phố nói trên, các nhà đang thi công dang dở phủ rêu mốc. Xung quanh công trình, cỏ mọc um tùm. Nhiều hạng mục đã thi công xong lại bỏ đó, đang xuống cấp nghiêm trọng.
Theo người dân ở khu vực gần công trình dự án, công trình đang thi công từ từ 2014 đến nay không thấy ai đả động gì đến nữa. Trước đó, công trình này là dự án nhà ở cho công nhân, nhưng cũng ì ạch gần 10 năm không xong, rồi mới chuyển sang làm ký túc xá sinh viên. Ký túc xá thi công được khoảng hai năm từ 2012 – 2014 thì dừng rồi bỏ hoang từ 4 năm nay.
Nhiều khối nhà đang xây dở thì bỏ hoang, phủ rêu mốc
Video đang HOT
Nhiều hạng mục công trình đang xây thì bỏ dở đã xuống cấp nghiêm trọng
Nhiều hộ dân ở trong khu vực dự án “treo” này cũng khốn khổ theo vì không được xây nhà ở kiên cố, cũng không biết dự án có tiếp tục triển khai hay không, để được đền bù giải toả, bố trí tái định cư.
Đáng nói, địa bàn quận Liên Chiểu tập trung rất nhiều trường đại học, cao đẳng. Nhu cầu về chỗ ở của sinh viên rất lớn. Trong khi công trình ký túc xá sinh viên dự kiến giải quyết được hàng ngàn chỗ ở cho sinh viên thế này lại thi công dang dở rồi bỏ hoang, rất lãng phí.
Trong khi nhu cầu về chỗ ở của sinh viên đang rất bức thiết, việc bỏ hoang công trình đã xây gần xong phần thô như thế này rất lãng phí
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hồng Thanh – Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP Đà Nẵng cho biết: Dự án ký túc xá sinh viên phía tây thành phố trước đây là dự án nhà ở cho công nhân. Đến năm 2012, Thành phố thu hồi dự án nhà ở công nhân, chuyển đổi thành dự án ký túc xá sinh viên, giao nhà thầu thi công tận dụng lại các hạng mục của dự án trước để hoàn thiện dự án, đáp ứng nhu cầu chỗ ở ngày càng lớn cho sinh viên trên địa bàn.
7 khối nhà gồm 2 nhà 5 tầng và 5 nhà 7 tầng cùng khối nhà trung tâm sinh viên đang xây dang dở đang được tính tiếp tục thi công hoàn thiện.
Tuy nhiên, đến năm 2014, dự án ký túc xá sinh viên đang thi công dang dở lại dừng do nguồn vốn đầu tư dự án từ nguồn trái phiếu Chính phủ bị dừng. 4 năm qua, các khối nhà thi công dang dở bỏ hoang, xuống cấp.
Mới đây, từ tháng 8 vừa qua, nhằm tránh lãng phí công trình thi công dang dở, Thành phố đã có chủ trương tiếp tục thi công hoàn thiện công trình dự án, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho sinh viên.
Về việc các công trình đang thi công dở rồi bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng, ông Thanh cho biết, Ban Quản lý Dự án đã tính toán đến, hầu hết các khối nhà mới thi công xong phần thô, nên sẽ gia cố hệ thống cốt thép, tận dụng lại được toàn bộ các phần đã xây dựng xong (khoảng 80% công trình dự án đã xây xong phần thô).
Các hạng mục đang thi công dang dở sẽ được thi công hoàn thiện gồm: 2 khối nhà ở 5 tầng, 5 khối 7 tầng, 1 Trung tâm sinh viên 3 tầng và hạ tầng giao thông cấp thoát nước. Dự toán kinh phí đầu tư dự án khoảng 240 tỷ đồng. Hiện trong năm 2018, Thành phố đã bố trí vốn 100 tỷ đồng cho dự án.
Khánh Hiền
Theo Dantri
Bí thư Đà Nẵng: "Dự án Làng Đại học "treo" hơn 20 năm rồi mà không thấy mỏi à?"
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã đặt câu hỏi trên tại buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng chiều 24/8.
Ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng chiều 14/8
Tham dự buổi làm việc của Bí thư Thành ủy với ĐH Đà Nẵng còn có đại diện lãnh đạo chính quyền TP Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến tập trung vào Dự án Xây dựng ĐH Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn, nguyên là dự án Làng Đại học đã "treo" 20 năm, và vừa khởi động lại từ đầu năm 2017.
Nhiều ý kiến tại buổi làm việc tập trung vào Dự án xây dựng ĐH Đà Nẵng, nguyên là dự án Làng Đại học đã "trep" 20 năm, vừa khởi động lại từ đầu năm 2017.
Về dự án này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, hiện ĐH Đà Nẵng (ĐHĐN) đã làm việc với chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam lên khái toán sơ bộ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng hơn 3,4 nghìn tỷ đồng. Đồng thời , ĐHĐN đã đề xuất chủ trương đầu tư Dự án gửi Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Kế hoạch - Đầu tư với khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 8,6 nghìn tỷ đồng.
Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Bộ KH-ĐT về việc bố trí vốn cho Dự án xây dựng ĐHĐN. Trong đó, đề nghị bố trí vốn giai đoạn 2018-2020 để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; xây dựng Trung tâm điều hành, ĐH Việt-Anh với tổng vốn hơn 3,7 nghìn tỷ đồng.
Quá trình triển khai Dự án có một số vướng mắc như thủ tục đầu tư phức tạp, nhất là giải phóng mặt bằng. Việc thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch mất rất nhiều thời gian.
Ở góc độ quan sát từ phía chính quyền địa phương, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đa Nẵng ghi nhận ĐHĐN đã làm được rất nhiều việc, nhưng phải nhìn nhận tiến độ còn chậm. Tính từ khi Dự án khởi động vào tháng 2/2017 (sau thời gian "treo" 20 năm) đến nay, phần việc làm được rất nhỏ so với khối lượng công việc đồ sộ để thực hiện Dự án. Ngay cả quy hoạch Dự án, chiến lược phát triển ĐHĐN đã báo cáo các Bộ nhưng chưa được phê duyệt, phải làm lại.
Để đẩy nhanh tiến độ Dự án, ông Dũng đề nghị ĐHĐN cần thay đổi phương thức phối hợp với chính quyền TP Đà Nẵng và cả Quảng Nam liên tục, chặt chẽ để có sự nhất quán cao hơn trong quá trình thực hiện Dự án; Triển khai Dự án theo kiểu "cuốn chiếu", giải phóng mặt bằng đến đâu, đầu tư xây dựng hạ tầng Dự án đến đó. Đại diện lãnh đạo chính quyền TP còn đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy đưa Dự án vào diện quản lý tiến độ của BTV Thành uỷ.
Ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng ĐHĐN đang có một cơ hội rất lớn khi mà các cơ quan từ Trung ương đến chính quyền đều rất quan tâm, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.
Ông Nghĩa lưu ý ĐHĐN nếu không nắm bắt thời cơ này, hay lãnh đạo ĐHĐN còn giữ tư duy nhiệm kỳ ở đây, thì rất có thể sẽ chậm bước trước các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và những đổi mới trong quan điểm về giáo dục - đào tạo theo xu hướng chung của thế giới hiện nay.
Ngoài ra, tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị ĐHĐN cần tham gia nhiều hơn vào việc chung tay giải quyết các vấn đề "nóng" của đô thị Đà Nẵng như ô nhiễm môi trường, giao thông... , cũng như sự phát triển chung của Thành phố trên mọi lĩnh vực.
"Phải làm sao phát huy được năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên ĐHĐN vào việc tìm giải pháp cho các vấn đề trên nhiều lĩnh vực của Thành phố nhiều hơn.
Đà Nẵng đang định hướng xây dựng Thành phố thông minh, TP môi trường , TP khởi nghiệp..., tựu trung lại là xây dựng một TP đáng sống. ĐHĐN cần nghiên cứu khẳng định vai trò, vị trí của mình trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố" - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh đề nghị.
Khánh Hiền
Theo Dantri
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: "Dân khổ ở dự án treo là có lỗi của chính quyền TP" Nỗi khổ của người dân trong các dự án treo, không chỉ là dự án bán đảo Thanh Đa, đều có phần trách nhiệm của chính quyền thành phố. Đó là nhận định của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM, trong phiên báo cáo và thảo luận Chương trình giám sát chuyên đề quản lý, sử dụng đất công trên...