Kỳ tích “vượt rào” chưa từng có của thủy sản Việt
Từng được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2018, xuất khẩu thủy sản đã cán mốc 9 tỷ USD, một con số kỷ lục chưa từng có. Sự liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp trong cuộc đấu tranh chống bán phá giá, sự vào cuộc tích cực của chính quyền, ngư dân trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” EC đã tạo nên kỳ tích này.
Kỷ lục ấn tượng
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2018 ước đạt 9 tỷ USD, tăng tới 8,4% so với năm 2017. Trong đó, cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%; tôm 3,58 tỷ USD, giảm 7,1%; nhóm hải sản gồm cá ngừ 675 triệu USD, tăng 13,9%; các loại cá khác 1,52 tỷ USD, tăng 15,5%, nhuyễn thể 785 triệu USD tăng 9,1%, giáp xác 145 triệu USD, tăng 23,0%.
Đưa cá tra vào chế biến xuất khẩu tại doanh nghiệp ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: T.L
Đặc biệt, mặt hàng cá tra ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc từ kim ngạch xuất khẩu, diện tích nuôi 5.400ha (tăng 3,3% so với năm 2017), sản lượng 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với năm 2017. Năm 2018, ngành thủy sản đã thay thế 30.000 con cá bố mẹ, chọn lọc giống được tăng cường. Do đó, chất lượng con giống cá tra đã từng bước được cải thiện, hoạt động sản xuất ương giống, nuôi cá tra thương phẩm đã cơ bản được kiểm soát.
Một trong những kết quả ấn tượng nhất năm 2018 của hoạt động xuất khẩu tôm, cá tra là đầu tháng 9.2018, Mỹ đã thông báo mức thuế chống bán phá giá mới cho cá tra, tôm Việt Nam, mức giá được kỳ vọng sẽ giúp tạo ra sự bứt phá trong hoạt động xuất khẩu.
Điều này đã thành động lực khiến những tháng cuối năm 2018, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng tốc, đưa thị trường này trở lại vị trí số 1 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Tính đến hết tháng 11.2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 494,3 triệu USD, chiếm 24,2% tổng giá trị xuất khẩu cá tra, tăng 54,6% so với cùng kỳ năm trước.
Dù thị trường tiêu thụ cá tra đang khá tốt, song bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần nhanh chóng tối ưu hóa dây chuyền sản xuất để giảm chi phí đầu vào, đồng thời mỗi doanh nghiệp nên có từng phân khúc khách hàng riêng để tránh làm ảnh hưởng đến nhau.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký VASEP cho hay, với con số xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, ngành thủy sản đã nói lên được nhiều điều, cho thấy, ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản đang dần hướng tới sự chuyên nghiệp, bài bản trong thực hiện các chiến lược cũng như ứng phó với các rào cản kỹ thuật các nước dựng lên.
Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước là đơn vị đảm bảo thực thi và doanh nghiệp chỉ là một mắt xích trong đó. Sự liên kết chặt chẽ giữa các mắt xích sẽ tạo động lực để phát triển.
Đơn cử như việc ứng phó với Đạo luật Nông trại Mỹ, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thực hiện tốt công tác chuẩn bị, đón đoàn thanh tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ thanh tra thực địa vùng nuôi và nhà máy chế biến ngay từ 14-25.5.2018. Kết quả thanh tra không phát hiện sai sót gì trong công đoạn nuôi.
Video đang HOT
Đây là cơ sở để ngày 14.9.2018, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất với Văn phòng đăng ký liên bang đăng bản dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận tương đương đối với 3 quốc gia, trong đó có Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá Siluriform vào thị trường Mỹ. Kết quả này là một trong những yếu tố góp phần tăng trưởng giá trị xuất khẩu cá tra năm 2018.
Hay trong những nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam do khai thác không có quản lý, không truy xuất nguồn gốc, không theo quy định (IUU), ghi nhận sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, ngành chức năng, doanh nghiệp và ngư dân. Điều này giúp tình trạng tàu đi khai thác trái phép ở vùng biển các nước đã giảm đáng kể; tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các quốc đảo Thái Bình Dương đã chấm dứt. Trong cuộc kiểm tra mới đây, đại diện của EC cũng rất ghi nhận nỗ lực này.
Nghiên cứu sâu để tạo giá trị gia tăng
Năm 2019, Tổng cục Thủy sản sẽ tập trung đưa Luật Thủy sản năm 2017 vào cuộc sống. Mục tiêu đặt ra của ngành là giá trị sản xuất tăng 4,25% so với năm 2018, tổng sản lượng thủy sản 7,9 triệu tấn (khai thác 3,6 triệu tấn, nuôi trồng 4,3 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu thủy sản phấn đấu đạt 10 tỷ USD.
Đánh giá về những kết quả đã đạt được Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngoài bối cảnh chung, năm 2018, ngành thủy sản đã tập trung hoàn thiện thể chế, tổ chức triển khai Luật Thủy sản 2017. Cạnh đó, chuyển từ nghề cá khai thác truyền thống sang nghề cá khai thác có trách nhiệm.
Đây cũng là năm tái cơ cấu ngành khai thủy sản, với những nỗ lực để EC rút thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam. Cùng với đó là việc ứng phó, xử lý đối việc con cá tra bị đối xử bất bình đẳng, một số thời điểm con tôm đối diện tình trang dư cung toàn cầu. Phấn đấu tiếp tục tăng trưởng ở khu vực khai thác và nuôi trồng…
Phân tích những yếu tố này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành thủy sản đã nỗ lực vượt qua thách thức, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản. Trong đó, hoàn thiện tiếp một bước về thể chế trong tinh thần hội nhập rất sâu và rất cầu thị; hình thành một ghề cá phát triển bền vững với sự quyết tâm rất cao của cả hệ thống.
Để đạt được những mục tiêu trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, Tổng cục Thủy sản cần phải tiếp tục đổi mới thể chế bộ máy. Rà soát đánh giá lại, sắp xếp hình thành nghề cá bền vững, hướng đến hội nhập. Xây dựng thiết chế phát triển hạ tầng cảng cá.
Con tôm và cá đã đạt được những kết quả đạt nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt câu hỏi, liệu đã bền vững chưa, phát triển sâu chưa, hiệu quả chưa? “Cần phải nghiên cứu sâu để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn đối với các sản phẩm chủ lực này”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Những con số kỷ lục ngành thủy sản đạt được trong năm 2018 cho thấy, đã đến thời của sự làm ăn bài bản, của những chuỗi liên kết, ở đó, mọi giá trị được chia đều cho các thành phần tham gia, trách nhiệm của từng khâu được thể hiện rõ. Chỉ khi làm được điều đó, tôm, cá Việt mới có thể vượt được những rào cản, tiếp tục hành trình vượt đại dương.
Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NNPTNT:
Tập trung gỡ “thẻ vàng” của EC
Để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2019 ngành thủy sản cần tập trung khai thác đồng bộ các nội dung của Luật Thủy sản; tập trung tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam để tạo niềm tin tổ chức ngành thủy sản hiệu quả, bền vững, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân và các địa phương trong thực hiện và triển khai Luật Thủy sản.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP):
Nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh
Những năm qua, các mặt hàng thủy sản chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra đang từng bước được các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ cùng nhà nhập khẩu gia tăng thêm hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm thông qua chế biến sâu.
Tuy vậy, những thách thức trong thời gian tới cũng cần được nhận diện như: Các thị trường lớn ở châu Âu, Mỹ đang tiếp tục áp dụng chương trình kiểm soát nhập khẩu, cần sự đồng hành, chung tay của Nhà nước và doanh nghiệp để vượt qua. Khi vượt qua được đồng nghĩa với việc năng lực cạnh tranh của chúng ta được cải thiện.
Theo Danviet
Khánh Nguyên (ghi)
"Chim, thu, nụ, đé" sắp đổ bộ Thủ đô
Nhiều loại thủy sản cả nước mặn, nước ngọt của các địa phương trên khắp cả nước sắp đổ bộ Thủ đô thông qua một hội chợ chuyên ngành thủy sản quy mô, nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng sự đa dạng, phong phú của thủy sản Việt Nam.
Theo đó, Hội chợ các sản phẩm thủy sản sẽ được tổ chức từ ngày mùng 6.10 đến 10.10 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại - số 489, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) tổ chức.
Họp báo giới thiệu hội chợ. Ảnh: AT.
Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT), tiếp nối thành công của Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản năm 2017, cũng như nhận thấy nhu cầu thị trường tiêu thụ thủy sản các tỉnh phía Bắc, đặc biệt thị trường Hà Nội rất lớn nhưng các thông tin về sự đa dạng, phong phú của sản phẩm thủy sản Việt Nam, nhất là các sản phẩm thủy sản chủ lực còn hạn chế, chưa cung cấp đầy đủ đến người tiêu dùng, Hội chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2018 sẽ được tổ chức, nhằm mục đích duy trì phát triển bền vững việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của Việt Nam.
Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại nội địa nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa góp phần đưa sản phẩm thủy sản thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị gia tăng cao. Tăng cường hợp tác giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa nhà quản lý- doanh nghiệp - người sản xuất - người tiêu dùng.
Phát triển thủy sản nước ngọt các tỉnh phía Bắc giúp người sản xuất thủy sản nước ngọt có sản lượng đang đáp ứng phục vụ tiêu dùng trong nước và định hướng người sản xuất nhỏ lên sản xuất thương mại; giúp các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ thủy sản củng cố và khai thác thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Các loại thủy sản của các địa phương sẽ được giới thiệu tại hội chợ. Ảnh: Thanh Cường.
Đến thời điểm này, Ban tô chưc Hội chợ đã nhận được sự tham gia của nhiêu tổ chức, đơn vị đên tư cac Sở NNPTNT, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Trung tâm khuyến công các tỉnh, thành phố trong ca nươc; các công ty, hợp tác xã, trang trại, cơ sở, ... hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến và kinh doanh thủy sản; các ngành phụ trợ, dịch vụ phục vụ ngành thủy sản, vật tư thủy sản với khoảng 100 gian hàng.
Tại hội chợ, khách hàng sẽ được giới thiệu hoặc mua những sản phẩm thủy, hải sản tươi sống và chế biến (cá tra, cá ngừ, tôm, mực, bạch tuộc, cá nước ngọt,... giới thiệu sản phẩm thiết bị vật tư phục vụ khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; thức ăn chăn nuôi thủy sản; sản phẩm dịch vụ phụ trợ.
Đặc biệt, hội chợ sẽ có khu ẩm thực nhằm giới thiệu, thao diễn, chế biến các món ăn ngon, lạ, đặc sản từ sản phẩm thủy sản.
Trong khuôn khổ hội chợ sẽ có Hội thảo chuyên đề về Phát triển nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh phía Bắc; hội thảo chuyên đề phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa
Ông Trương Quốc Uy, Trưởng phòng Phát triển thị trường thủy sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NNPTNT), cho biết, 9 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã đạt 6,35 tỷ USD, một con số rất khả quan. Bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, ngành thủy sản cũng hướng đến thị trường nội địa, những hội chợ như thế này là dịp giới thiệu những sản phẩm phong phú của ngành thủy sản Việt Nam.
Theop Danviet
"Bơm" nguồn vốn khủng 1,75 triệu USD phát triển thủy sản ĐBSCL Đó là kinh phí được huy động cho dự án Thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững thông qua tăng cường hợp tác công tư tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vừa được ký kết khởi động chính thức tại Hội chợ triển lãm quốc tế thủy sản - Vietfish 2018. Dự án nằm trong mô hình hợp tác công tư...