Kỳ tích từ sức mạnh nhân dân
“Việc chiến đấu với quân xâm lược ngay tại Thủ đô là để giam chân địch, giúp T.Ư Đảng, Chính phủ và các cơ quan, nhân dân sơ tán ra vùng an toàn. Trận quyết chiến giữa Thủ đô cũng là để tiêu hao sinh lực địch, đánh vào ý chí xâm lược và kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của quân thù” . Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam – đánh giá như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt.
Theo ông, yếu tố gì đã giúp một quân đội còn non trẻ, vũ khí thô sơ nhưng vẫn có thể chiến đấu với quân thù lớn mạnh trong 60 ngày đêm ngay giữa thủ đô Hà Nội?
Thiếu tướng Lê Mã Lương.
Trước khi diễn ra toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nếu chiến tranh xảy ra thủ đô Hà Nội sẽ giữ được bao lâu? Đại tướng trả lời khoảng một tháng. Lúc đó lực lượng vũ trang của chúng ta chủ yếu là các đội tự vệ thành, Vệ quốc quân, đó là những đơn vị riêng lẻ, trang bị vũ khí hết sức thô sơ. So với quân đội nhà nghề của Pháp với trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại thì họ lớn mạnh hơn ta rất nhiều lần. Thế nhưng khi bước vào cuộc chiến đấu, quân và dân ta đã giữ Thủ đô được 2 tháng, đây là một kỳ tích hiếm có trên thế giới.
Trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô, ta tiêu diệt gần 2.000 tên địch, bắt khoảng 400 tên, phá hủy 22 xe tăng, xe thiết giáp, 31 xe vận tải, bắn rơi và bắn hỏng 7 máy bay, bắn chìm 2 cano.
Trong 2 tháng đó, các cơ quan T.Ư Đảng, Chính phủ, các cơ quan của Hà Nội và người dân sơ tán ra vùng an toàn. Chúng ta cũng đưa được một khối lượng lớn máy móc, thiết bị lên chiến khu. Quân Pháp đã không “chụp” được Chính phủ của Hồ Chí Minh trong Thủ đô. Không những thế, chúng ta còn giam chân và tiêu diệt một lực lượng sinh lực địch rất đáng kể.
Vì sao chúng ta làm được như vậy, bởi Chỉnh phủ và Hồ Chủ tịch đã huy động được toàn bộ sức mạnh của nhân dân, đẩy cuộc chiến tranh lên đỉnh cao, huy động được tối đa khả năng sáng tạo của quân và dân. Bản kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã lay động đến trái tim của các tầng lớp nhân dân. Chính vì thế anh công nhân, nông dân, anh họa sĩ, bác sĩ… ngay lập tức cũng trở thành chiến sĩ với thứ vũ khí “có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”. Trước khi chúng ta nổ súng, người dân đã hưởng ứng bằng cách đem tất cả các vật dụng như tủ, bàn ghế, giường… ra đường phố làm chướng ngại vật cản bước tiến quân thù.
Trong chiến đấu các chiến sĩ tự vệ, Vệ quốc đoàn đục thông tường từ nhà này sang nhà kia tạo thành một giao thông nổi liên hoàn, một thế trận thiên la địa võng, lúc ẩn lúc hiện để đánh quân Pháp. Quân Pháp không thể thực hiện chủ trương đánh nhanh thắng nhanh mà bị cuốn vào thế trận của ta.
Để chiến đấu cầm chân quân địch giữa Thủ đô, chúng ta phải dựa vào dân. Nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong 60 ngày đêm đã được thể hiện thế nào?
Có thể nói nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong 60 ngày đêm chiến đấu của quân và dân ta tại Hà Nội được phát triển từ thấp đến cao, từ không đến có. Khi bước vào cuộc chiến đấu giữa lòng Hà Nội, chúng ta chỉ có những đội tự vệ thành, Vệ quốc đoàn, chúng ta chưa có được đội quân chính quy tầm trung đoàn, sư đoàn. Trong quá trình chiến đấu đó đã thành lập được Trung đoàn Thủ đô, hình thành về các loại chiến thuật, từ chiến thuật vận động tiến công, chiến thuật bao vây, chiến thuật đánh công kiên, trong đó dùng vũ khí như bom ba càng để đánh vào xe tăng, xe bọc thép của địch, ổ đề kháng kiên cố của địch.
Một vấn đề rất quan trọng là để lực lượng chiến đấu hàng vạn người đánh địch trong 60 ngày đêm thì họ ăn gì, thuốc men ở đâu? Trong bối cảnh đó chúng ta đã hậu cần tại chỗ bằng cách Chính phủ, rồi những người lãnh đạo ở Thủ đô đã động viên nhân dân khi đi sơ tán để lại những vật phẩm như lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhờ thế bộ đội mới có để sử dụng. Qua nghiên cứu, tôi thấy đây là sáng tạo của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, không phải quốc gia nào trên thế giới cũng làm được.
Sau 60 ngày đêm chiến đấu, lực lượng của ta đã vượt sông Hồng rút ra khỏi Hà Nội một cách an toàn, bảo toàn lực lượng để tiếp tục cuộc kháng chiến kéo dài 9 năm. Cuộc rút lui này có người đã ví cuộc rút lui thần kỳ. Nhưng điều thần kỳ sẽ không diễn ra nếu không có sự bao bọc, che chở của nhân dân. Chúng ta rút hàng nghìn quân trong một đêm chuyện đó không phải chuyện đơn giản chút nào khi quân Pháp tổ chức các chốt chặn. Người dân đã chuẩn bị thuyền, bè các loại, thậm chí cả những cây chuối chặt ra ghép lại thành mảng để bộ đội vượt sông…
Video đang HOT
Nhân dân phố Mai Hắc Đế, Hà Nội dựng chướng ngại vật chặn bước tiến của quân Pháp, tháng 12.1946. Ảnh: Tư liệu
Thưa ông, tinh thần và bài học của 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng 70 năm về trước có giá trị thế nào trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay?
- Có thể nói bài học về nhân dân, toàn dân đánh giặc, bài học về đại đoàn kết dân tộc còn nguyên giá trị. Bởi dân tộc ta luôn luôn phải đối phó với các thế lực hùng mạnh. Trong một thế giới luôn luôn có những diễn biến phức tạp, hơn bao giờ hết lực lượng vũ trang càng phải dựa vào dân. Lịch sử đã chứng minh, không biết dựa vào dân thì lực lượng vũ trang không thể có những chiến công lớn.
Quan hệ giữa quân và dân phải giữ được tinh thần như trước đây ta thường nói như cá với nước. Vấn đề nữa, trong quốc phòng, an ninh chúng ta luôn luôn chủ động, ngoài việc xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, hiện đại cũng phải luôn mài sắc vũ khí về mặt tinh thần để sẵn sàng đối phó với những thế lực thù địch, kẻ xâm lược trong mọi tình huống.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!
(Theo Dân Việt)
Hà Nội những ngày toàn quốc kháng chiến
Triển lãm "sống mãi với Thủ đô" được tổ chức từ ngày 23 đến 3/1/2017 tại Hoàng Thành Thăng Long, với gần 200 hiện vật, hình ảnh, tư liệu về những ngày toàn quốc kháng chiến.
Triển lãm được chia thành ba chủ đề lớn: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập; Hà Nội - 60 ngày đêm khói lửa (19/12/1946 đến 17/2/1947) và Giải phóng Thủ đô (10/10/1954).
Gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về cuộc kháng chiến của quân và dân Hà Nội giai đoạn 1945-1954 được trưng bày tại triển lãm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự buổi họp mặt các cử tri Thủ đô tại bãi Phúc Tân ngày 5/1/1946.
Bút tích "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/12/1946.
20h cùng ngày, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, đồng thời quân và dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc.
Sổ tay ghi lại những lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Công văn, Thông tư của Bộ Quốc phòng gửi Trung đoàn Thủ đô ngày đầu kháng chiến và một số hình ảnh chiến đấu, năm 1946-1947.
Bản đồ tác chiến và điện thoại liên lạc.
Súng trung liên và súng Mutcơ-tông của bộ đội dùng chiến đấu trong những năm 1946-1947.
Cuốc chim, dao thái thịt, dao găm được sử dụng trong năm 1946 và 1947.
Mệnh lệnh của Ủy ban kháng chiến khu Đại La về việc trưng thu thóc để tiếp tế cho quân đội, ngày 14/1/1947.
Bộ đội và tự vệ chiến đấu đang nghiên cứu bố trí các cộng sự trên đê Nhật Tân, năm 1946-1947.
Khẩu đại bác đặt tại làng Láng chuẩn bị bắn vào quân Pháp đang gây hấn trong nội thành Hà Nội, năm 1947.
Một khẩu đại bác 37 ly đang chuẩn bị tác chiến trên đê Yên Phụ.
Các chiến sĩ cảm tử quân chuyển khẩu súng máy thu được của địch ở ngã tư Hàng Đậu về vị trí chiến đấu, năm 1946-1947.
Cuộc tuần hành rước vàng trong "Tuần lễ vàng" tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, năm 1946.
Vệ quốc quân và tự vệ tại phố Hàng Buồm, năm 1946-1947.
Thanh Tâm
Theo VNE