Kỳ tích: Lần đầu tiên lá gan của một người chết não được ‘chia đôi’ ghép cho 2 người
Lá gan của một người đàn ông 30 tuổi chết não đã được các bác sĩ đã “chia sẻ” để giúp hồi sinh sự sống cho hai người. Đây đều là các bệnh nhân nặng nếu không được ghép gan sẽ khó qua khỏi.
Gan hiến tặng đã được chia ra để ghép cho 2 người trong đó có một bệnh nhi 8 tuổi.
Hôm nay 15/3, tại Bệnh Việt Đức đã diễn ra buổi họp báo cung cấp thông tin lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công ca phẫu thuật “Chia gan để ghép cho 2 bệnh nhân từ 1 người hiến chết não”.
Theo đó, ngày 9/3, các bác sĩ đã chia gan của một người hiến tạng chết não (nam, 30 tuổi, chết não do chấn thương sọ não nặng) để ghép cho 2 bệnh nhân có chỉ định ghép gan.
Bệnh nhân thứ nhất là bệnh nhi 8 tuổi bị suy gan – hôn mê gan do xơ gan mất bù/ bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa đồng (Wilson) và teo đường mật bẩm sinh, một sự kết hợp giữa 2 bệnh lý hiếm và nặng và cần ghép gan cấp cứu. Bệnh nhân thứ 2, là một bệnh nhân nam 49 tuổi bị ung thư gan trên nền gan xơ.
Ca mổ được bắt đầu từ 7h30 phút và kết thúc lúc 23h30 phút cùng ngày 9/3 với sự kết hợp của các chuyên gia đầu ngành tại bệnh viện từ nhiều chuyên khoa: Phẫu thuật ghép tạng; phẫu thuật tim mạch; phẫu thuật vi phẫu; gây mê hồi sức; chẩn đoán hình ảnh; các labo xét nghiệm…
Sau 16 giờ phẫu thuật, các bác sĩ cùng lúc lấy đa tạng để ghép cho 5 bệnh nhân, trong đó 1 nhân bệnh ghép tim, 2 bệnh nhân ghép gan và 2 bệnh nhân ghép thận. Ngoài ra, từ nguồn tạng hiến này, các bác sĩ đã lấy các đoạn mạch máu để gửi vào Ngân hàng mô bảo quản để ghép cho các bệnh nhân khác.
Đến hôm nay (15/3), sau ghép 6 ngày, tất cả các bệnh nhân đều hồi phục. 2 bệnh nhân ghép gan đã tự thở, tỉnh táo, các chức năng của gan mới đã hoạt động tốt và hoà hợp với người nhận.
Bệnh nhân thứ 2 được ghép gan cũng đang hồi phục tốt.
Chia sẻ tại buổi họp báo, PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa – Giám đốc Trung tâm ghép tạng, BV Việt Đức cho biết, ca ghép gan đầu tiên trên thế giới được thực hiện thành công năm 1967 tại Mỹ, đến năm 1988 tại Đức đã thực hiện chia gan để ghép cho 2 bệnh nhân.
Tuy nhiên kỹ thuật này rất khó thực hiện với bởi các lý do: không nắm được giải phẫu của gan người hiến trước khi chia; cùng lúc phải thực hiện kỹ thuật ghép gan cho 2 bệnh nhân, đòi hỏi mỗi trung tâm y tế phải có 3 kíp kỹ thuật có thể ghép được gan và thực hiện trong điều kiện cấp cứu (chuẩn bị người cho, 2 người nhận, kỹ thuật mổ, gây mê hồi sức….). Chính vì vậy kỹ thuật chia gan để ghép hiện nay chưa phổ biến trên thế giới.
Tính đến năm 2016, Mỹ là quốc gia ghép gan nhiều nhất thế giới thì số ca chia gan đê ghép cũng chỉ chiếm 1%. Một số trung tâm ghép tạng còn không tiến hành kỹ thuật chia gan để ghép, điều đó cho thấy tính chất phức tạp của kỹ thuật này.
Còn theo GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc BV Việt Đức, chương trình ghép gan tại BV Việt Đức bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 21. Ca ghép gan cho người lớn đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công tại bệnh viện vào ngày 28/11/2007; đến ngày 15/04/2010 bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép gan từ người cho chết não (đầu tiên tại Việt Nam).
Hiện tại bệnh viện đã chủ động trong hầu hết các kỹ thuật ghép gan: ghép toàn bộ từ người cho chết não, ghép gan bán phần từ người cho sống, giảm thể tích gan từ người cho chết não để ghép. Khó khăn lớn nhất của ghép gan là sự khan hiếm của nguồn tạng, do vậy số lượng gan ghép chỉ thoả mãn khoảng 10-15% nhu cầu.
Chính vì vậy BV đã chủ trương tăng tối đa khả năng ghép gan cho bệnh nhân, trong đó giao cho Trung tâm ghép tạng nghiên cứu triển khai kỹ thuật chia gan để ghép giúp cho nhiều bệnh nhân được ghép gan hơn.
Video đang HOT
Hà An
Theo Đời sống Plus/GĐVN
Hành trình nối dài kỳ tích ghép tạng xuyên Việt
Trong 3 năm qua, 6 ca ghép tạng xuyên Việt tưởng chừng "không tưởng" đã được thực hiện, sự sống được tiếp nối trong 10 cơ thể người bệnh.
Các bác sĩ phẫu thuật lấy tạng
6 giờ chạy đua chuyển tim gan hiến tặng từ Nam ra Bắc
Ngày 4 và 5/9/2015, lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam ghi nhận ca ghép tạng thành công mà tim và gan của người hiến được vận chuyển xuyên Việt, 1.700 km bằng máy bay. Tập thể hơn 100 y, bác sỹ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đã làm được việc này, mang đến sự hồi sinh cho hai bệnh nhân đang cận kề cái chết.
Ngày 3/9, Giám đốc Trung tâm điều phối hiến, ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy tới Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo ở Bệnh viện Chợ Rẫy có một bệnh nhân chết não và gia đình đồng ý hiến tạng.
Kíp đập đá để chuẩn bị bảo quản tạng sau khi được đưa ra khỏi ổ bụng.
Cùng lúc, thông tin nêu trên được Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia chuyển đến các đầu cầu gồm: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 103, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Trung ương Huế.
Qua rà soát, đối chiếu, các y, bác sỹ đã sàng lọc ra hai bệnh nhân hội tụ các điều kiện tương thích với tạng của người cho để tiến hành lấy ghép. Hai bệnh nhân may mắn sau quá trình rà soát là ông Trần Ngọc Hải (59 tuổi) bị ung thư gan và suy gan giai đoạn cuối và anh Nguyễn Văn Hải (37) tuổi bị bệnh suy tim giai đoạn cuối. Hai bệnh nhân này cùng ở Hà Nội, nằm trong danh sách chờ ghép từ trước nhưng không có tạng phù hợp để tiến hành lấy ghép.
Nhờ sự giúp đỡ của hàng không, kíp bác sĩ đã kịp thời có chỗ ngồi trên chuyến bay lúc 14h30 ngày 4/9 thay vì 16h30 như dự kiến ban đầu.
Đúng 14 giờ 30 ngày 4/9, một đoàn bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức ngay lập tức lên đường, ra sân bay quốc tế Nội Bài để hành quân thần tốc vào miền Nam.
Có mặt tại BV Việt Đức úc 23 giờ 30 đêm 4/9, quả tim được đưa và phòng mổ để chuẩn bị các bước trước khi ghép cho bệnh nhân suy tim.
Dẫn đầu đoàn là hai chuyên gia đầu ngành về ghép tạng của Việt Nam là GS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia và PGS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức.
Ngay sau khi có mặt tại phòng phẫu thuật Bệnh viện Chợ Rẫy, kíp bác sĩ Bệnh viện Việt Đức bắt tay vào bóc tách tim và gan của người hiến rồi cho vào túi nilon đựng dung dịch chuyên biệt để bảo quản tạng.
Đến 17 giờ 30 cùng ngày, với sự hỗ trợ tận tâm của các y, bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, ê kíp bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đã lấy thành công khối tạng gồm tim, gan của bệnh nhân chết não hiến tặng. Tạng được chuyển vào thiết bị bảo quản và đưa thẳng ra sân bay.
Nhóm giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng BV Việt Đức cùng 2 thùng đựng sẵn đá và dung dịch bảo quản tạng từ BV chuẩn bị ra sân bay vào TP HCM nhận tạng hiến ngày 4/9
Trên chuyến bay trở về, cứ 15 phút, các bác sĩ lại kiểm tra độ an toàn của 2 chiếc hộp chứa quả tim, lá gan của người hiến chết não được đặt trên khoang lái.
Chuyến bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào lúc 23 giờ 30. Một xe cấp cứu đã được phép tiếp cận tận đường băng để đón đoàn sau đó xé màn đêm lao thẳng về Bệnh viện Việt Đức.
Tới nơi, đoàn bác sỹ cùng hơn 60 y, bác sỹ khác tại bệnh viện bắt tay vào thực hiện hai ca ghép cho hai bệnh nhân.
Sau hàng loạt các thao tác chính xác và cẩn trọng, ngay khi các miệng nối của tĩnh mạch và động mạch của người nhận và tim người hiến được khớp với nhau, trái tim mới đã đập trở lại trong lồng ngực một người hoàn toàn xa lạ.
Tại phòng ghép gan, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã cắt bỏ khối gan hỏng cho bệnh nhân rồi nhanh chóng chuyển lá gan của người hiến vào ổ bụng. Sau 7,5 tiếng ca ghép hoàn tất, lá gan mới chuyển màu hồng đầy sức sống rất nhanh.
Đến 5 giờ ngày 5/9, hai ca ghép tạng hoàn tất. Quả tim đã co bóp bơm dòng máu hòa vào cơ thể hồi sinh sự sống cho bệnh nhân suy tim. Còn lá gan sau khi được ghép xong cũng ngay lập tức tiết mật cứu sống bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối.
Những chuyến ghép tạng xuyên Việt nối dài
Việt Nam hiện có hơn 6 nghìn người cần ghép gan, 4.000 - 5.000 người cần ghép tim, gần chục nghìn người cần ghép thận. Trên thế giới, người chết não hiến tạng ngày càng ít đi, thì tại Việt Nam người hiến tạng chủ yếu người chết não do tai nạn giao thông hoặc người bị phình mạch máu não.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, cho biết, trên thế giới có máy bay chuyên dụng phục vụ vận chuyển tạng. Tại Việt Nam, việc vận chuyển, điều phối tạng xuyên quốc gia phụ thuộc vào hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.
Tạng được vận chuyển bằng máy bay dân dụng nên ê kíp ghép tạng không thể chủ động thời gian, thậm chí mua vé gấp gáp cũng rất khó khăn.
Vận chuyển thùng hàng đặc biệt lên máy bay để chuẩn cho một hành trình đặc biệt
"Năm ca điều phối tạng xuyên quốc gia thành công phải nhờ tới công sức vận chuyển của Vietnam Airlines. Tôi vô cùng cảm kích trước sự giúp đỡ, phục vụ vận chuyển cả 5 tạng thành công và cả 5 bệnh nhân sau ghép tạng đều có cuộc sống khỏe mạnh, tốt đẹp hơn", GS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ.
Đằng sau những ca ghép tạng nghẹt thở ấy còn có sự chung tay của không ít những người tưởng chẳng liên quan: nhân viên hàng không, hải quan, cảnh sát giao thông...
Việc vận chuyển tạng bằng máy bay trực thăng chuyên dụng, chỉ tối đa trong khoảng 500 dặm (hơn 800 km) và có sự hỗ trợ của cảnh sát dẫn đường. Còn ở Việt Nam, khoảng cách vận chuyển quá xa.
Theo GS Sơn, tim sau khi lấy khỏi lồng ngực chỉ bảo quản được 6 giờ, thận là 10 giờ. Người bệnh đang nằm trên bàn mổ chờ ghép tính mạng như "ngàn cân treo sợi tóc" nên bất cứ trục trặc, tắc đường, muộn giờ bay thì nghĩa cử, nỗ lực thành vô nghĩa.
GS Sơn cho biết từ năm 2017, Việt Nam đã có thùng đựng tạng chuyên biệt do Bộ Công an tặng. Còn với các lần ghép tạng "xuyên Việt" trước đó, các bác sĩ Việt Nam đã tạo thêm "kỳ tích" khi đã biến tấu chiếc thùng đựng kem để bảo quản nguồn tạng hiến đưa từ Nam ra Bắc.
Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thực hiện 6 chuyến vận chuyển tạng hiến bằng máy bay để kịp thời ghép tạng cứu 10 người bệnh.
Những cuộc ghép tạng xuyên Việt vẫn sẽ được tiếp tục, níu giữ sự sống mong manh trở lại từ cõi chết...
Tính tới thời điểm này, đã có 6 ca ghép tạng xuyên Việt được thực hiện:
Ca 1 ngày 20/7/2015: TP Hồ Chí Minh - Thừa Thiên Huế: 1 tim 1 phổi
Ca 2 ngày 4/9/2015. TP. Hồ Chí Minh -> Hà Nội: 1 tim 1 gan
Ca 3 ngày 25/4/2016, TP. Hồ Chí Minh -> Hà Nội: 1 tim 1gan
Ca 4 ngày 26/2/2018: Hà Nội -> TP. Hồ Chí Minh: 1 tim 1 thận
Ca 5 ngày 16/5/2018: Hà Nội -> Thừa Thiên Huế: 1 tim
Ca 6 ngày 14/6/2018: Hà Nội -> Thừa Thiên Huế: 1 tim
Theo giadinhmoi
Bác sĩ tương lai hiến gần hết lá gan cứu cô giáo thời tiểu học Chàng trai vừa tốt nghiệp đại học y khoa Chen Ze Rong ở Malaysia đã hiến tặng 67% lá gan của mình để ghép cho cô giáo. Theo Asiaone, Chen học cấp một tại trường Kong Min, được cô giáo Liang Feng Pin dạy môn Khoa học. Con gái cô Liang là Zheng Zi Jing cũng học cùng lớp với Chen. Qua Zheng,...