Kỹ thuật viên Trung Quốc “xúi” tận diệt hải sản
Bộ NN&PTNT cho biết, vừa nhận được báo cáo của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ninh về việc một số kỹ thuật viên Trung Quốc dùng máy nén khí công suất lớn để đánh bắt sá sùng và các loại hải sản khác trên vùng biển Quảng Ninh.
Vùng biển khu vực huyện Vân Đồn, Quảng Ninh
Chi cục cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn đã bắt giữ được một số vụ kỹ thuật viên Trung Quốc chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân Việt Nam dùng máy nén khí công suất lớn để đánh bắt các loài thủy sản như sá sùng, tôm, cua, cá… Điều nguy hại là nếu hình thức đánh bắt này không được kịp thời ngăn chặn sẽ tận diệt toàn bộ nguồn lợi thủy sản ở cả tầng mặt và tầng đáy biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, chỉ tính trong tháng 4 và 5-2012, đã phát hiện 4 vụ đều do người Trung Quốc chỉ huy ngư dân khai thác bằng hình thức tận diệt trên. Công an huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng phát hiện nhiều vụ khai thác sá sùng bằng phương pháp bơm hơi áp lực, với sự tham gia của kỹ thuật viên Trung Quốc. Trước đó, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện một tàu cá 22CV, trọng tải 3,5 tấn không có biển số, đang khai thác thủy sản bằng phương pháp lặn có máy nén khí kết hợp máy bơm công suất lớn tại khu vực đảo Hòn Chín, thuộc xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn. Trên tàu có 6 người, trong đó 2 ngư dân Vân Đồn, 4 thợ lặn Trung Quốc.
Trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng cũng phát hiện ngư dân Trung Quốc thuê phương tiện, ngư cụ của người Việt Nam để tổ chức đánh bắt cá trái phép trên vùng biển Quảng Ninh. Có thời điểm lên tới vài ba chục tàu hoạt động tại các khu vực như đảo Minh Châu, Quan Lạn, Hòn Chín thuộc huyện Vân Đồn. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý các vi phạm mới chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính, tịch thu tang vật, không thể khởi tố vì thiếu chế tài.
Trước tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các sở, ngành liên quan yêu cầu chủ động ra lệnh cấm việc khai thác thủy sản tầng đáy bằng hình thức tận diệt nguy hiểm trên. Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nạn khai thác thủy sản bằng máy nén khí công suất lớn trên địa bàn. Trong tháng 8-2012, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ ra quy định mới để phạt nặng, thậm chí khởi tố với các hành vi khai thác tận diệt.
Video đang HOT
Trước đó, vào cuối tháng 7-2012, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã đề nghị cấm tàu cá Trung Quốc tự do đi lại thu mua hải sản trên vùng biển Việt Nam. Ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản không cấp phép cho tàu và người Trung Quốc tự do đi lại, thu mua vận chuyển hải sản. Tuy nhiên phía cơ quan quản lý chưa có “hồi âm” đề nghị của Phú Yên được đưa ra sau thời gian dài nhiều thương lái Trung Quốc tự do thâm nhập vào thị trường Việt Nam để thu gom nông, thủy sản và nguyên liệu. Nhiều trường hợp hoạt động không có giấy phép, gây xáo trộn trên thị trường.
Ngoài ra, nhiều tàu cá Trung Quốc còn xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, gây áp lực không cho ngư dân đánh bắt hải sản. Phú Yên hiện có gần 7.500 tàu thuyền bằng gỗ đánh bắt thủy sản với khoảng 500 chiếc đánh bắt xa bờ công suất 90CV trở lên. UBND tỉnh Phú Yên còn đề nghị cấp cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tàu vỏ sắt công suất 3.000CV để bảo vệ biển và cứu hộ, cứu nạn. Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu vỏ sắt có công suất lớn để hình thành những đội tàu đánh bắt xa bờ hiện đại.
Theo ANTD
Làm đường cho... lâm tặc?
Những ngày gần đây, người dân xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) không khỏi lo lắng khi phát hiện một con đường rộng khoảng 6-7m được làm xuyên qua khu rừng nguyên sinh trên đảo Trà Ngọ - Cái Lim thuộc Vườn quốc gia (VQG) Bái Tử Long. Theo họ, để làm con đường này, nhiều cây gỗ quý như lim xanh, táu mặt quỷ, ngát... đã bị đốn hạ, phá vỡ cảnh quan sinh thái, xâm phạm vùng lõi của VQG Bái Tử Long.
Con đường tuần tra được BQL VQG thi công quá "hoành tráng"
Con mồi béo bở
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ phá rừng thuộc VQG Bái Tử Long, phóng viên Báo ANTĐ đã có mặt tại hiện trường. Cách đây vài tháng, con đường xuyên qua khu rừng lim cổ trên đảo Trà Ngọ - Cái Lim, được VQG Bái Tử Long đứng ra thực hiện theo kế hoạch mà UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt từ năm 2010.
Con đường này có chiều dài hơn 4,5km rộng 3m, với tổng số vốn đầu tư 6,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, con đường lại được Ban quản lý (BQL) VQG làm khá hoành tráng, có những chỗ chiều rộng mặt đường lên đến 6-7m. Trong khi thi công, đơn vị thực hiện đã phải đốn hạ nhiều cây gỗ quý. Hiện dọc hai bên đường có nhiều cây gỗ lim cổ thụ, đứng trơ trọi rất có thể là "con mồi" béo bở cho lâm tặc.
Anh Trần Văn Đoán (một người dân địa phương) cho biết, con đường này được họ làm trong vòng chưa đầy một tháng. Do là dân làm ăn trên biển nên anh chẳng mấy quan tâm. Nhưng khi nghĩ đến những cây gỗ quý như lim xanh, táu mặt quỷ... có niên đại hàng trăm năm tuổi ở đây thì không khỏi xót xa. Đến khi đột nhập sâu vào bên trong con đường mới mở, chúng tôi không khỏi lo ngại, con đường "rộng đẹp" này dễ dàng tạo điều kiện thuận lợi cho lâm tặc lộng hành. Vì thực tế, nhiều loại gỗ quý của khu rừng cổ thụ này còn được đến bây giờ cũng là nhờ địa hình hiểm trở, lâm tặc khó vận chuyển gỗ nên chưa tấn công đến.
Được biết, ngay sau khi nhận được tin tố giác của công dân, ngày 5-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Đặng Huy Hậu đã ký Văn bản số 3171/UBND-NLN2 gửi Sở NN&PTNT, UBND huyện Vân Đồn, BQL VQG Bái Tử Long và yêu cầu kiểm tra, xác minh về việc trên.
Ngày 7-7, khi có mặt ở đầu đường bên kia đảo Trà Ngọ - Cái Lim, hiện vẫn còn hơn chục công nhân được đơn vị thi công thuê, đang tạm nghỉ ở khu lán nằm sát ngay Trạm Kiểm lâm (thuộc VQG Bái Tử Long). Anh Trương Văn Phấn (quê Yên Bái) cho biết, cũng như nhiều công nhân khác ở đây, anh được một ông chủ xây dựng quê Thái Bình thuê xếp đá, trải lại mặt đường đã được hơn một tháng nay.
Buộc lòng phải chặt gỗ quý
Những cây lim có đường kính một người ôm không hết nằm sát ven đường
sẽ là "con mồi" béo bở cho lâm tặc
Ông Phạm Văn Toàn - Phụ trách Trạm Kiểm lâm ở đảo Trà Ngọ cho biết, đây là con đường được VQG Bái Tử Long thực hiện theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Và đây là đường tuần tra chứ không phải làm đường khai thác gỗ như những lời đồn đại. Nhiều người cho rằng, việc mở đường như thế này thì lâm tặc dễ dàng ra tay chặt trộm gỗ hơn là không chính xác. Ở đây là trạm, chốt lối ra vào, máy móc làm sao đưa lên để khai thác gỗ được? Ngoài ra, anh em trong trạm thay phiên nhau tuần tra 24/24 để bảo vệ rừng.
Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, ông Nguyễn Thanh Phương - Giám đốc BQL VQG Bái Tử Long cho biết: "Đúng là BQL VQG Bái Tử Long có thực hiện làm con đường xuyên rừng ở đảo Trà Ngọ - Cái Lim. Con đường này được đầu tư 6,4 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, thông qua Chương trình đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Trước mắt, con đường này được làm để phục vụ cho các kiểm lâm viên và cán bộ của BQL vườn đi tuần tra".
Tuy nhiên, xoay quanh những thắc mắc về việc, nếu chỉ là đường tuần tra sao VQG lại thi công con đường này hoành tráng thế? Điều này được ông Phương lý giải, ngoài việc phục vụ công tác tuần tra, sau này còn kết hợp với việc phát triển du lịch sinh thái.
Liên quan đến việc làm đường, triệt hạ gỗ quý và VQG có quá lạm dụng quyền khi thực hiện dự án này trên đất rừng đã được giao cho một số hộ dân, ông Ngô Văn Định - Trưởng phòng KHKT và Hợp tác quốc tế (VQG Bái Tử Long) thừa nhận, khi thực hiện con đường này đã phải chặt đi một số cây gỗ quý, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nhưng BQL VQG Bái Tử Long buộc lòng phải chấp nhận. Đồng thời, ông Định cũng thẳng thắn cho biết, đảo Trà Ngọ thuộc vùng lõi VQG Bái Tử Long nhưng hơn 400ha rừng trên đảo Trà Ngọ đã được giao cho hộ ông Nguyễn Văn Tích (ở huyệnVân Đồn) quản lý từ năm 1993. Toàn bộ tuyến đường Trà Ngọ - Cái Lim do VQG vừa đầu tư nằm trên đất đã được giao cho người dân nhưng đến nay, VQG vẫn chưa làm thủ tục bồi thường cho chủ rừng.
Theo ANTD
Sá sùng - món "mồi" ngon nhất Tôi nhìn thấy sá sùng lần đầu tiên khi bảy tuổi, trong một lần theo mẹ về quê thăm bà ngoại ở thị trấn Trới, Hoành Bồ, Quảng Ninh. Nghe mọi người bảo bà đi "săn" sá sùng, tôi thơ ngây nghĩ chắc con sá sùng ấy phải to như nai, như hươu... Gần tới trưa, bà ngoại về tới, bỏ mai và...