Kỹ thuật tăng năng suất cho chanh không hạt
“Việc sử dụng phân hữu cơ không những làm tăng năng suất cây trồng mà còn có tác dụng cải tạo đất, tạo ra sản phẩm sạch” – ông Võ Văn Út ngụ ấp Phú Hưng, xã Phú An (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), người có nhiều năm kinh nghiệm sử dụng phân hữu cơ trong trồng chanh không hạt cho biết.
Năng suất tăng 20%
Hiện gia đình ông Út có khoảng 5.000m2 đất trồng cây chanh không hạt, cho thu hoạch quanh năm, với sản lượng hàng chục tấn/năm. Chia sẻ với chúng tôi, ông Út cho hay: “Từ khi biết sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất, những cây chanh của gia đình tôi phát triển tốt hơn rất nhiều. Nhờ đó năng suất, lợi nhuận cũng cao hơn trước.”
Ông Út đang kiểm tra những trái chanh. Ảnh: Chúc Ly
Video đang HOT
Theo ông Út, các chất hữu cơ có trong các loại phân hữu cơ vi sinh tồn tại xen kẽ với các thành phần của đất, tạo ra sự thông thoáng giúp rễ phát triển mạnh nên dễ dàng hấp thu các nguồn dinh dưỡng. Ngoài ra, chất hữu cơ sẽ lưu giữ các khoáng chất từ các loại phân bón hóa học và cung cấp dần cho cây, hạn chế được hiện tượng thất thoát phân bón trong quá trình sử dụng, giảm chi phí đáng kể trong sản xuất, giúp đất giữ ẩm làm cây chống chịu khô hạn tốt hơn. Ông Út cũng cho biết, đối với cây chanh không hạt, nếu cây từ 3-5 năm tuổi thì mỗi cây cần khoảng 1-1,5kg phân hữu cơ/năm. Cây từ 5 năm tuổi trở lên thì cần khoảng 4kg phân hữu cơ/năm. Khi sử dụng phân hữu cơ sẽ giảm được khoảng 50% phân bón hóa học.
“Nhờ sử dụng phân hữu cơ đầy đủ mà cây chanh không hạt luôn phát triển tốt, rất ít bệnh. Trái chanh bóng và có màu đẹp, năng suất cũng tăng lên khoảng 20%, đồng thời chi phí chỉ khoảng 10%. Như đợt gần đây nhất tôi mới thu được khoảng 2 tấn chanh, với giá bán trung bình khoảng 15.000 đồng/kg, gia đình tôi lãi hơn 20 triệu đồng” – ông Út thông tin.
Tăng tuổi thọ cây trồng
Theo nhiều nhà nông có kinh nghiệm trong việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất, khi sử dụng phân hữu cơ sẽ giúp cho đất ít bị cằn cỗi, đồng thời cây trồng có tuổi thọ cao hơn.
Nói về vấn đề này, ông Út chia sẻ: Đối với cây chanh không hạt thì thường xuyên bị bệnh rỉ sắt, nhưng nếu bón đủ lượng phân hữu cơ cho cây sẽ giúp giảm bệnh rất nhiều. Đồng thời, cây chanh không có hiện tượng bị bạc đầu (chỉ trong thân cây bị vàng dẫn đến cây dễ chết), tuổi thọ cây chanh tăng lên. Đồng thời, còn giúp tăng độ màu mỡ của đất, giảm ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh những mặt tích cực đạt được khi sử dụng phân hữu cơ trong trồng cây chanh không hạt, ông Út cũng lưu ý, khi sử dụng phân hữu cơ giúp cây phát triển nhanh, tuy nhiên cũng kéo theo số chồi non mọc ngang thân, hút nhiều phân mà không có tác dụng gì, cho nên nông dân cần lưu ý thường xuyên theo dõi để loại bỏ nhanh những chồi non dạng này.
Theo Danviet
Nông dân Hậu Giang "gặt hái" lớn từ chanh không hạt
Với mô hình trồng chanh không hạt hiệu quả cao thích ứng với hạn, mặn, nông dân Hậu Giang cải thiện đáng kể nguồn thu nhập.
Thời gian gần đây, khi hạn mặn diễn ra gay gắt tại ĐBSCL khiến việc canh tác lúa gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương trong vùng mới tính chuyện chuyển đổi cơ câu cây trồng để thích nghi với biến đổi khí hậu.
Thật ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được nhiều nông dân nơi đây thực hiện từ lâu tại các vùng trồng lúa kém hiệu quả và việc chuyển đổi này đã mang lại cho họ mức thu nhập cao gấp nhiều lân so với trồng lúa.
Chanh không hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Lê Văn Đời - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ các hộ dân nơi đây áp dụng mô hình trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã tiến hành các bước để cách nay gần 3 năm, Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu "Chanh không hạt Hậu Giang". Đây là những yếu tố để trái chanh không hạt ở vùng đất này đứng vững trên thị trường trong, ngoài nước.
Hiện huyện Châu Thành có gần 800 ha trồng chanh không hạt. Mỗi ngày nơi đây có hơn 40 tấn chanh được Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước và các đầu mối khác thu mua đưa đi tiêu thụ tại các chợ, siêu thị và xuất khẩu, tuy nhiên nguồn cung vẫn không đủ, ông Lê Văn Đời cho biết.
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản trong nước đang thừa hàng, ế chợ thì trái chanh không hạt tại tỉnh Hậu Giang mang lại niềm vui cho nhiều hộ nông dân nơi đây. Với đầu ra sản phẩm khá ổn định, giá cả đôi lúc tăng cao đột biến nên chanh không hạt hiện nay được xem là cây trồng triển vọng đối với nhiều nhà vườn ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Từ cây chanh không hạt ở Hậu Giang cho thấy, trong tình hình biến đối khí hậu như hiện nay nhiều nông dân ở ĐBSCL đang tính chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp. Thiết nghĩ, để việc chuyển đổi thành công thì cần phải gắn sản xuất với thị trường, tức là ngoài việc xác định trồng cây gì, nuôi còn gì thì cũng cần phải tính sau khi thu hoạch mặt hàng mình nuôi, mình trồng sẽ bán ở đâu.
Theo Tấn Phong (VOV)
Người Đồng Khởi ở Đồng Tháp Mười Quá trình khai phá vùng Đồng Tháp Mười đã thu hút rất nhiều người dân từ các miền quê khác nhau đến đây lập nghiệp, trong đó không ít người là dân tỉnh Bến Tre. Người dân xứ Đồng Khởi đã không ngại khó khăn, biến vùng đất hoang hóa năm nào trở thành vùng đất lành, trù phú, mà khi nhìn lại,...