Kỹ thuật mổ mới điều trị co thắt tâm vị
Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) dùng kỹ thuật cắt cơ vòng thực quản qua nội soi đường miệng để điều trị co thắt tâm vị cho bệnh nhân.
Nữ bệnh nhân 51 tuổi quê Bình Phước khó nuốt, nôn ói và đau vùng thượng vị sau ăn, sụt cân khoảng một năm nay. Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân dưới sự hỗ trợ của chuyên gia từ Hàn Quốc đã lần đầu phẫu thuật nội soi đường miệng để điều trị ngày 8/3. Sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt.
Bác sĩ cắt cơ vòng dưới thực quản qua nội soi đường miệng điều trị co thắt tâm vị tại Bệnh viện Bình Dân. Ảnh: Trần Nhung.
Co thắt tâm vị là tình trạng mất nhu động thực quản, giảm và mất khả năng giãn ra của cơ thắt dưới thực quản khiến thức ăn, nước xuống dạ dày khó khăn. Người bệnh gặp tình trạng khó nuốt ở nhiều mức độ, nôn ói, trào ngược thức ăn chưa tiêu hóa, đau tức ngực sau ăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.
Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây các biến chứng như loét thực quản, sẹo xơ gây chít hẹp thực quản, thực quản giãn to chèn ép khí quản, tĩnh mạch, tim, tăng nguy cơ viêm phổi, áp xe phổi do trào ngược thức ăn vào khí quản, ung thư hóa tại vùng viêm mạn tính, suy dinh dưỡng…
Các nhà nghiên cứu nhận thấy mối liên hệ giữa các nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, bệnh lý tự miễn và di truyền trên các trường hợp co thắt tâm vị. Nguyên nhân gây co thắt tâm vị hiện chưa được xác định.
Video đang HOT
Bệnh có thể được điều trị nội khoa với thuốc, tiêm botulinum toxin nhằm làm giảm áp lực cơ vòng dưới thực quản hoặc nong bóng hơi làm đứt các thớ cơ vòng. Tuy nhiên các phương pháp điều trị nội khoa ít mang lại kết quả, tác dụng ngắn hạn. Nong bóng hơi đòi hỏi can thiệp nhiều lần, nguy cơ gặp các tai biến như thủng thực quản, đau ngực, ra máu, rách niêm mạc, viêm dính, viêm phổi do hít.
Những năm gần đây kỹ thuật cắt cơ vòng dưới thực quản qua nội soi đường miệng được ứng dụng ở nhiều nước, giúp giải quyết tình trạng co thắt tâm vị ít đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Kỹ thuật này ít xâm lấn, giúp giảm tai biến, giảm nguy cơ viêm dính, hậu phẫu nhẹ nhàng, người bệnh hồi phục nhanh so với phẫu thuật nội soi ngả bụng.
Lê Phương
Theo VNE
Suýt chết vì vỡ động mạch nhầm với đau bụng
Nghĩ rằng mình chỉ bị đau bụng, ông N.T.Đ. (60 tuổi, ngụ tại Bình Phước) gắng gượng để lo thủ tục cho lễ cưới của cháu. Chiếc xe đi đón dâu bất đắc dĩ trở thành xe cứu thương khi bệnh nhân đau đớn quằn quại.
Được biết, trước khi nhập viện cấp cứu, ông đang tham dự đám cưới của người cháu thì cơ thể bắt đầu có biểu hiện đau bụng. Những cơn đau từ âm ỉ tăng dần lên dữ dội nhưng ông nghĩ mình chỉ bị đau bụng nên gắng gượng để lo cho xong thủ tục trong lễ cưới của cháu.
Vị trí túi phình động mạch chủ bụng của bệnh nhân bị vỡ (điểm đánh dấu X)
Tuy nhiên, đau đớn vượt quá ngưỡng chịu đựng khiến ông quằn quại "cảm giác đau muốn gãy lưng". Quan viên 2 họ tá hỏa vội đưa ông lên xe sử dụng để đón dâu chuyển thẳng đến bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện địa phương, bác sĩ xác định bệnh nhân bị vỡ túi phình động mạch chủ bụng, nguy kịch tính mạng.
Sau khi thực hiện các can thiệp cấp cứu khẩn nguy, bệnh nhân tiếp tục phải chuyển lên Bệnh viện Bình Dân, TPHCM.
Tại khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu, người bệnh bị sốc mất máu, tụt huyết áp, tri giác lơ mơ, tiếp xúc chậm. Ê-kíp phẫu thuật khẩn trương can thiệp bộc lộ đoạn động mạch chủ bị vỡ. Vị trí túi phình vỡ có đường kính khoảng 71mm gây xuất huyết ào ạt.
Các bác sĩ nhanh chóng kẹp cầm máu, đặt thành công ống ghép mạch máu nhân tạo vào động mạch chủ bụng, thay thế cho đoạn động mạch phình bị vỡ. Người bệnh đã phải truyền 4 đơn vị máu trong suốt quá trình phẫu thuật để bù cho lượng máu mất, kiểm soát tình trạng rối loạn đông máu.
Sau hơn 3 tiếng khẩn trương trong phòng mổ, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân qua nguy kịch. Ngày 19/2, sau một tuần hồi sức hậu phẫu, ông Đ. đã đi lại được, ăn uống tốt, các chỉ số xét nghiệm máu, sinh hóa ổn định.
Người bệnh đã may mắn qua nguy kịch sau khi mất máu cấp do túi phình vỡ
Từ trường hợp trên, bác sĩ Hồ Khánh Đức khuyến cáo, phình động mạch chủ bụng là tình trạng động mạch bị giãn ra to hơn bình thường, thành mạch dần yếu, mỏng, có nguy cơ vỡ đột ngột dưới áp lực bơm máu từ tim. Đây là động mạch lớn nhất trong cơ thể dẫn máu từ tim đến các cơ quan và các mô ở nửa dưới của cơ thể. Bệnh nhân vỡ túi phình sẽ gây mất máu cấp, nguy cơ tử vong rất cao.
Phần lớn các trường hợp phình động mạch chủ bụng không có biểu hiện về mặt lâm sàng. Việc chụp phim CT-scan mạch máu sẽ giúp bác sĩ phát hiện, đánh giá hình thái và kích thước túi phình từ đó có giải pháp theo dõi, phẫu thuật khi túi phình có kích thước lớn. Đối với các bệnh nhân phình động mạch chủ bụng, khi có các dấu hiệu như đau bụng, ngất, da niêm nhạt... là các biểu hiện của vỡ túi phình, cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Phình động mạch chủ thường bị bỏ qua hoặc vô tình phát hiện khi thăm khám các bệnh lý khác qua siêu âm bụng hoặc vô tình sờ thấy khối u trong bụng đập theo nhịp tim. Người dân (đặc biệt là người lớn tuổi) cần khám kiểm tra sức khỏe, siêu âm định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời túi phình động mạch bằng những giải pháp phẫu thuật loại bỏ túi phình hoặc đặt stent nội mạch, tránh nguy cơ bị vỡ, đe dọa tính mạng.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Mảnh ghép 6 nhánh gỡ rối bệnh khó nói của phái nữ Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) phẫu thuật nâng đỡ thành chậu bằng mảnh ghép 6 nhánh cho 2 bệnh nhân bị sa tạng chậu. Tiến sĩ Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết hai người bệnh phát hiện khối sa âm đạo trong nhiều năm gây đau tức vùng chậu, tiểu lắt nhắt, ảnh hưởng chất lượng sống....