Kỹ sư Việt kể chuyện chinh phục đỉnh núi hung bạo
Sau khi hoàn thành mục tiêu ‘thất đỉnh’ (7 đỉnh núi cao nhất ở mỗi châu lục), Khải Nguyễn tiếp tục chinh phục K2 hiểm trở và đầy thách thức.
Không cao như Everest (8.849 m), đỉnh K2 chỉ có độ cao 8.611 m. Tuy nhiên, trong giới leo núi, việc chinh phục K2 không phải điều nhà leo núi nào cũng có thể thực hiện.
Bên cạnh vấn đề chi phí, hiểm nguy khi leo K2 cũng là điều khiến nhiều người ngần ngại. Sự khắc nghiệt, khốc liệt trên quãng đường lên đỉnh khiến K2 còn nổi tiếng với tên “ Savage Mountain” (tạm dịch: Ngọn núi hung bạo).
Từ trước khi hoàn thành mục tiêu “thất đỉnh”, kỹ sư Khải Nguyễn đã mơ tới ngày chạm đỉnh K2. Với anh và cả cộng đồng leo núi, đó là thử thách lớn, thậm chí còn hơn cả Everest. Dù khó khăn là thế, Khải Nguyễn cũng đã thành công
Cái chết rình rập
Một trong những yếu tố khiến nhiều nhà leo núi ngần ngại chinh phục K2 là tỷ lệ tử vong quá cao. Tỷ lệ người chết khi leo K2 là 4:1 (bốn người leo, một người chết). Đặc biệt vào mùa đông, hầu như không ai dám liều lĩnh để chinh phục đỉnh núi này.
Trao đổi với Zing, Khải Nguyễn nói mình đã nghĩ tới việc chinh phục K2 từ khá lâu, trước cả khi hoàn thành “thất đỉnh”. Với anh, K2 là thử thách một nhà leo núi khát khao vượt qua. Thậm chí, ước mơ chinh phục K2 còn cao hơn cả Everest.
“Không có quy định nào về việc leo K2. Nếu chịu tìm hiểu, ai cũng biết nó là một đích đến khó và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Người leo cần có sức khỏe và kỹ năng tốt. Có một số người chưa bao giờ leo núi cao trên 8.000 m vẫn leo được K2. Con số này khá ít khi so sánh với những người dám leo Everest mà trước đó chưa từng chinh phục núi cao trên 8.000 m”, Khải Nguyễn chia sẻ.
Bản đồ hành trình chinh phục K2. Ảnh: Google Earth.
Như những người lần đầu leo K2, Khải Nguyễn cũng phải dành thời gian tìm hiểu kỹ về hành trình lên đỉnh này.
Trong thời gian tham khảo tài liệu, anh đã đánh dấu được một số điểm “cực kỳ nguy hiểm” tại K2. Đó là đoạn “Bottleneck” (tạm dịch: cổ chai), nằm giữa trạm 4 và đỉnh. Ngoài ra còn có đoạn House’s Chimney (tạm dịch: ống khói) trên đường tới trạm 2 và Black Pyramid (tạm dịch: kim tự tháp đen) nằm giữa trạm 2 và trạm 3.
“Tại K2, đá rơi rất nhiều vì núi có độ dốc lớn, không thể bám được lâu. Khi trời tối, đá còn rơi nhiều hơn vì băng tuyết giữa các hòn đá tan ra khiến lớp tuyết không còn chắc chắn. Điều này tạo ra các vụ lở tuyết. Ngoài ra, việc tuyết rơi quá dày cũng là nguyên nhân”, anh nói.
Khởi đầu
19/6, Khải Nguyễn cùng đoàn di chuyển bằng xe jeep từ Skardu đến trạm Jhula. Hai điểm cách nhau khoảng 10 giờ chạy xe. Đường đi xấu, toàn đất đá. Thỉnh thoảng lại có người trong đoàn đập đầu vào trần xe. Có đoạn, đá rơi móp chiếc xe jeep nhưng may mắn không ai bị thương.
Từ trạm Jhula, Khải Nguyễn trek đến trại nền (K2BC), cách đó khoảng 5.000 m. Anh phải đi mất 6 ngày mới đến được nơi.
Đường trek tới trại nền của K2 nguy hiểm hơn nhiều so với trại nền của Everest – vốn là cung đường được nhiều dân du lịch lựa chọn. Địa hình khá phức tạp với đá, sông băng hay cả khe nứt sông băng. Xuyên suốt quãng đường, anh không thấy một người bản địa nào sống ở đây.
Khung cảnh nhìn từ K2BC. Ảnh: Khải Nguyễn.
Video đang HOT
Quãng thời gian 6 ngày hóa ra vẫn còn khá nhanh. Theo Khải Nguyễn, khi đoàn tới K2BC, trại còn khá vắng. Sau đó một tuần, số người đã tăng lên chóng mặt.
Trong đoàn của Khải Nguyễn, không có khách hàng nào từng leo K2. Tuy nhiên, họ được đảm bảo an toàn bởi những sherpa dày dạn kinh nghiệm, có người đã chinh phục K2 tới 3 lần.
29/6, Khải Nguyễn và các thành viên trong nhóm có lần leo xoay vòng đầu tiên. Đây là hoạt động cần thiết để cơ thể thích nghi với độ cao. Họ không leo quá xa, chỉ lên tới trại đầu tiên (6.065 m) rồi quay về trại nền chỉ trong một ngày.
“Chúng tôi nói chuyện với nhau về những lần leo xoay vòng. Một số người leo khá tốt nhưng cũng có người bắt đầu lung lay ý chí. Trong nhóm tôi còn có một thành viên bị ASM (say độ cao). Người này đã chọn không leo nữa chỉ sau lần xoay vòng đầu tiên do thấy quá nguy hiểm”, anh kể.
Hành trình lên đỉnh
“Ngay từ những lần leo xoay vòng, chúng tôi đã chứng kiến cảnh tuyết lở sát cạnh. Đá lăn xuống cũng thường xuyên. Chắc đây là đặc sản đãi khách của K2. Chỉ mới bắt đầu, tôi đã thấy sự khác biệt giữa hành trình lên đỉnh K2 và Everest: chỉ thấy leo lên và leo lên, không có đoạn nào phẳng như đoạn từ trại một đến trại hai ở Everest”, anh kể.
Năm nay, có khá nhiều người leo K2 nên đá rơi cũng nhiều hơn.
Sau những lần leo xoay vòng, ngày 18/7, Khải Nguyễn chính thức bắt đầu hành trình lên đỉnh. Khi đang lên trại một, anh đã dính trọn một viên đá nhỏ cỡ viên bi bắn thẳng vào đầu gối trái. Nhờ mặc nhiều lớp quần áo, nhà leo núi Việt chỉ bị đau nhẹ.
Những chiếc lều được dựng cheo leo tại trại 2. Ảnh: Khải Nguyễn.
Tuy vậy, đặc sản đá rơi của K2 không chịu “buông tha” anh. Khi lên trại 2 (6.700 m) vào ngày hôm sau, anh lại bị người leo trước vô tình làm rơi một hòn đá cỡ quả bưởi nhỏ trúng ống quyển. Dù vậy, hòn đá rơi ngay gần nên lực không mạnh, chỉ đủ khiến Khải Nguyễn có thêm một vết bầm.
“Những người leo ít kinh nghiệm khiến đá rơi nhiều hơn”, anh giải thích.
Đến 21/7, Khải Nguyễn đã lên đến trại 4 (7.820 m). Lúc này, từ chỗ của anh lên đỉnh cũng không xa, chỉ khoảng 800 m. Thời tiết ở trại 4 hôm ấy khá tốt nhưng tới tối gió thổi mạnh. Sau 3 giờ gió gầm rú, thời tiết bắt đầu ổn hơn. Khoảng 21h30 hôm ấy, đoàn tiếp tục hành trình lên đỉnh.
Khi tới Bottleneck, trời vẫn tối. Khải Nguyễn đã đọc nhiều về nơi này. Đó là đoạn nguy hiểm bậc nhất trên đường lên đỉnh K2. Đường đi dốc, khó và có những vòm băng treo trên đầu. Những tảng băng này như “quả bom nổ chậm” có thể rơi xuống bất cứ khi nào. Do đó, Bottleneck được xem là đoạn leo nổi tiếng nhất trên K2.
Khải Nguyễn chụp ảnh ở trại 4 với khung cảnh phía sau là Bottleneck (đoạn băng nhô ra). Ảnh: Khải Nguyễn.
“Tìm hiểu nhiều nhưng lúc lên đó trời tối thui, tôi không chiêm ngưỡng được hết sự vĩ đại của tảng băng. Năm nay, vì khá đông người leo K2 nên Bottleneck bị tắc đường. Tôi bị tắc đường hơn 30 phút tại đây”, kỹ sư người Việt kể.
Việc dính tắc đường tại đây tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà leo núi. Các tài liệu về Bottleneck đều khuyến cáo các nhà leo núi cần đi qua đoạn này càng nhanh càng tốt. Theo cảm nhận của Khải Nguyễn, tuyết đoạn này rất khô, tựa đường cát trắng. Điều khó chịu là tuyết cứ chảy như khi ta đổ đường từ bịch ra.
Bị mắc kẹt ở đoạn đường dốc 70-75 độ và tuyết cứ liên tục chảy rõ ràng không phải trải nghiệm dễ chịu với những người leo núi hôm ấy. Sau khi vượt qua Bottleneck, Khải Nguyễn đến một đoạn tương đối khó nhằn bởi phải vận dụng kỹ thuật leo mũi chân.
Đây cũng là nơi thi thể của nhà leo núi John Snorri đang “tạm yên nghỉ”. Cái chết của nhà leo núi này vào mùa đông năm 2021 cùng những nỗ lực đưa thi thể về nhà từ gia đình đã tốn khá nhiều giấy mực của truyền thông.
Đoạn lên đỉnh còn lại vẫn khá dốc nhưng không mấy khó khăn. Khoảng 5h10 ngày 22/7, Khải Nguyễn đặt chân lên đỉnh K2 – chính thức hoàn thành ước nguyện bao lâu của mình. Trời hôm ấy mây nhiều nên anh không thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của dãy Karakorum (K2 thuộc dãy này).
“Suốt hành trình, tôi luôn giữ tâm mình thật tĩnh và thoải mái. Tôi tránh nghĩ về những nguy hiểm có thể gặp phải. Lần leo Everest năm 2021, tôi cũng áp dụng cách này và leo khá thành công. Dù vậy, gần tới đỉnh, tôi cũng xúc động lắm bởi đây là mơ ước từ rất lâu. Tuy nhiên, tôi vẫn kìm nén cảm xúc đó lại để cảm nhận nhiều hơn khung cảnh trước mắt”, anh kể.
Khải Nguyễn (trái) và sherpa trên đỉnh K2. Ảnh: Khải Nguyễn.
Hành trình của Khải Nguyễn chưa kết thúc. K2 không chia tay các nhà leo núi dễ dàng như thế. Ngày 23/7, anh từ trại 2 quay về trại nền. Khi dừng ở trại một nghỉ ngơi, Khải Nguyễn nghe thấy một người hô lớn “Đá kìa”. Vừa quay lại, một hòn đá lớn như từ trên trời rơi xuống thẳng chiếc lều ở dưới. May mắn thay, không ai ở trong lều lúc đó.
Và đó cũng là “món quà” cuối cùng K2 “tặng” cho nhà leo núi Việt cùng những người bạn đồng hành. Khải Nguyễn nói dù đã hoàn thành “thất đỉnh” lẫn K2, cảm xúc với những ngọn núi của anh vẫn không thay đổi. Mỗi hành trình là một trải nghiệm riêng với những khung cảnh và người đồng hành khác.
“Tôi còn muốn leo nhiều, chỉ sợ không đủ điều kiện tài chính và thời gian thôi. Tôi cũng muốn tăng độ khó như leo không cần oxy hoặc leo trong mùa đông. Đây là những chuyến leo rất khó và chỉ một số ít người có thể làm được”, anh tâm sự.
Chinh phục Ky Quan San
Nằm ở độ cao 3.046 m, đỉnh núi Ky Quan San được mệnh danh là một trong bốn đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
Với nhiều du khách ưa khám phá, Ky Quan San luôn nằm trong danh sách phải đến. Vì thế khi có cơ hội, nhiều người thu xếp lên đường...
1. Ky Quan San lâu nay được giới du lịch và các phượt thủ gọi là đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, nằm giữa ranh giới tự nhiên của 2 xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) và Sàng Ma Sao (Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Vì thế, hành trình chinh phục Ky Quan San có thể bắt đầu từ Lào Cai hoặc Lai Châu tùy sở thích của du khách.
Người dân địa phương gọi ngọn núi này là Ky Quan San, cao 3.046 m so với mực nước biển, tạm đứng sau các đỉnh Pu Si Lung (3.076 m), Pu Ta Leng (3.096 m) và Fansipan (3.143 m).
Ky Quan San được đưa vào khai thác từ năm 2012, ngay sau đó điểm đến này đã được biết đến rộng rãi, trở thành một trong những điểm trekking cực kỳ nổi tiếng, được nhiều trekker mê xê dịch đến săn mây.
Đoạn đường chinh phục ngọn núi với vô vàn khó khăn, từ đèo cao, vực sâu, dốc đá đến khu rừng hiểm trở. Đổi lại, du khách sẽ được ngắm mây đẹp nhất nhì Tây Bắc. Những biển mây dày và trải rộng quanh năm, đặc biệt bình minh trên núi Muối khiến ai cũng xao xuyến.
Đỉnh Ky Quan San là 1 trong 4 đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
Chinh phục Ky Quan San có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào trong năm, vì mùa xuân, mùa hè, mùa thu hay mùa đông đều tìm thấy những vẻ đẹp riêng, những trải nghiệm đáng nhớ. Thế nhưng, để đảm bảo an toàn, thì có những thời điểm du khách không nên chinh phục Ky Quan San vì hành trình có thể mang tới những nguy hiểm do mưa lớn, sương mù bao phủ và rét đậm... Kinh nghiệm của những người làm du lịch và giới "phượt thủ" cho thấy, thời điểm phù hợp nhất để chinh phục đỉnh núi Ky Quan San là khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau.
Vào những tuần cuối năm như thế này, đỉnh Ky Quan San là điểm khám phá được nhiều bạn trẻ lựa chọn vì đây còn là một trong những địa điểm "săn mây" tuyệt đẹp. Khi đến đỉnh núi Muối cao 2.800 m, nếu thời tiết thuận lợi, du khách sẽ có cơ hội ngắm biển mây bồng bềnh trong sắc nắng vàng ươm. Đây là nơi được mệnh danh thiên đường săn mây với cảnh sắc đẹp như tranh, với xích đu giữa trời đẹp không thể rời mắt.
Cuối năm, cũng là lúc thời tiết có những diễn biến khác lạ, có thể gặp "đặc sản" là tuyết. Với những du khách chưa lần nào được ngắm tuyết rơi thì ngọn núi này là một gợi ý lý tưởng.
Ky Quan San là một trong những địa điểm "săn mây" tuyệt đẹp, thu hút nhiều người mê "xê dịch".
2. Theo kinh nghiệm của nhiều phượt thủ, du khách cần khoảng 3 ngày 2 đêm để hoàn thành hành trình chinh phục đỉnh Ky Quan San bởi tổng chiều dài quãng đường từ chân núi lên đến đỉnh khoảng 14 km. Phần lớn hành trình chinh phục núi Ky Quan San chỉ có đi lên và một chút ít đường bằng phẳng.
Để hành trình leo núi Ky Quan San thuận lợi, nhất định du khách phải đi cùng các porter địa phương. Họ là người có kinh nghiệm, nắm rõ địa hình ở đây và lên kế hoạch cho cả chuyến đi. Bên cạnh việc liên hệ các porter dẫn đường, du khách cần tự chuẩn bị cho mình những vật dụng cần thiết. Đặc biệt nhất là thể lực. Trước hành trình trekking Ky Quan San, du khách nên vận động thường xuyên, chạy bộ, tập thể dục mỗi ngày và ăn uống đủ chất để cơ thể đạt trạng thái khỏe mạnh nhất.
Chinh phục đỉnh núi cao thứ tư này, khi đến độ cao 2.100 m, những đoạn đường khó khăn dần hiện hữu, đầy thách thức. Những con đường mòn băng qua rừng rậm khắc nghiệt, đi qua đoạn đường cực kỳ dốc và khó đi. Đặc biệt, đoạn đường từ núi Muối lên đỉnh Ky Quan San khá cam go khi phải tiếp tục chinh phục những con dốc cao chót vót, vượt qua những phiến đá trơn trượt và còn phải đối mặt với những trận gió táp dữ dội.
Tùy theo thời gian và thời tiết, trong hành trình chinh phục Ky Quan San du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của ruộng bậc thang.
Sau những khắc nghiệt kể trên là cuộc hành trình xuyên qua rừng cây xù xì, những khu rừng trúc rộng lớn. Nếu đi vào buổi sáng hoặc xế chiều, du khách sẽ thấy nắng chiếu xuyên qua những tán lá dày, tiếng chim chóc véo von và mùi hương hoa cỏ quyện vào nhau.
Ngoài ra, trong chặng đường trekking Ky Quan San, du khách còn có cơ hội vượt qua một khu rừng già với những cây rất to, 2 người ôm không xuể. Cây nào cây nấy đều bám đầy rêu, mốc trông như một khu rừng phù thủy.
Chiếc xích đu "huyền thoại" ở độ cao 2.800 m ngắm biển mây ở Ky Quan San.
Điểm dừng chân cuối cùng mà hầu hết các đoàn đều chọn dừng lại là khu vực đèo gió vì nơi này có nguồn nước, thích hợp để cắm trại. Địa hình ở đây khá bằng phẳng, có rừng trúc, cây bụi và có một con suối nhỏ nước lạnh ngắt. Du khách có thể nghỉ ngơi tại đây, chuẩn bị tinh thần và thể lực trước khi chinh phục đoạn đường còn lại, đặt chân lên đỉnh Ky Quan San.
Nếu là lần đầu leo núi hoặc ít khi trekking đoạn đường dài, hẳn bạn sẽ vỡ òa mọi cảm xúc khi đặt chân đến độ cao 3.046 m, hoàn thành sứ mệnh chinh phục đỉnh núi cao bậc nhất Việt Nam. Có người sẽ tự hào, có người sẽ hạnh phúc và thậm chí có người cay xè khóe mắt vì mình đã làm được một điều thật tuyệt vời.
Hai hướng để chinh phục Ky Quan San
Cách thứ 1: Xuất phát từ bản Dền Sung, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Từ đây đi theo đường mòn là sẽ tới được chân núi Kỳ Quan San.
Cách thứ 2: Xuất phát từ bản Kỳ Quan San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai. Đây cũng là con đường được nhiều người lựa chọn hơn bởi đường không quá dốc và dễ đi.
Cô gái Việt làm tiếp viên hãng hàng không đắt giá, 29 tuổi chinh phục 82 quốc gia Trần Huyền Trang hiện là tiếp viên hãng hàng không đắt giá bậc nhất hành tinh. Công việc này giúp cô thực hiện hóa ước mơ đi vòng quanh thế giới. Ở tuổi 29, Trang đã đặt chân tới 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đầu tháng 7/2022, cô gái quê Phú Thọ - Trần Huyền Trang (sinh năm 1993) đã tới...