Kỹ sư ô tô chỉ ra những bộ phận cần chú ý đặc biệt khi chớm vào mùa nóng
Lốp xe, điều hòa, nước làm mát, cần gạt mưa… là những bộ phận trên ô tô dễ gặp vấn đề khi thời tiết nắng nóng. Do vậy, cần kiểm tra và chăm sóc đặc biệt ngay từ đầu hè.
Vào mùa nóng ở Việt Nam, nhiệt độ ngoài trời có thể lên cao tới trên 40 độ C khiến chiếc xe của bạn gặp rất nhiều vấn đề. Do đó, ngay từ đầu hè như hiện nay là thời điểm thích hợp để chúng ta bảo dưỡng và chăm chút cho các bộ phận “dễ bị tổn thương” trên xe.
Vào mùa nóng, xe sẽ có nhiều “bệnh” hơn so với mùa lạnh. (Ảnh: Hoàng Hiệp)
Dưới đây là một số bộ phận mà kỹ sư ô tô Lê Hồng Đại – Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại ô tô Đại Linh (Hà Nội) chỉ ra và khuyên chủ xe cần chú ý chăm sóc đặc biệt ngay từ đầu mùa hè:
Dầu nhớt và nước làm mát
Thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến nhiệt độ của động cơ tăng nhanh, dẫn tới hệ thống làm mát phải hoạt động hết công suất. Điều này khiến các loại nước mát và dầu bôi trơn dễ bị giảm chất lượng và hao hụt nhiều hơn.
Vì thế, lái xe nên kiểm tra dầu bôi trơn, nước làm mát xe ô tô thường xuyên và bổ sung ngay khi thiếu, tránh tình trạng hệ thống máy móc của xe phải hoạt động trong tình trạng quá nhiệt dẫn tới hỏng hóc, thậm chí nằm đường.
Đặc biệt, nước làm mát cần được thay thế, bổ sung bằng loại nước chuyên dụng (thường có màu xanh hoặc hồng) bởi đây là loại dung dịch có khả năng làm mát nhanh hơn, đồng thời chống đóng cặn sau một thời gian sử dụng.
Lốp xe
Lốp xe là bộ phận duy nhất tiếp xúc trực tiếp với mặt đường khi xe di chuyển. Vào mùa hè, nhiệt độ của đường nhựa có thể lên tới trên 70 độ C, cộng với ma sát khiến lốp xe dễ có nguy cơ nổ khi đang di chuyển rất nguy hiểm.
Để giảm thiểu sự cố nổ lốp xe ô tô, lái xe nên kiểm tra phần lốp kĩ càng, đặc biệt trước mỗi chuyến đi đường dài và những ngày có nhiệt độ cao. Nếu lốp xe đã quá mòn hoặc đã sử dụng quá 5 năm, đừng tiếc tiền để thay một bộ lốp mới.
Lốp xe là bộ phận dễ hư hại khi thường xuyên sử dụng dưới thời tiết nắng nóng. (Ảnh: Hoàng Hiệp)
Điều hòa
Điều hòa ô tô là bộ phận không thể thiếu và được sử dụng liên tục khi trời nắng nóng, do đó việc kiểm tra và bảo dưỡng điều hòa là cực kỳ quan trọng, ngay cả có vẻ như hệ thống này vẫn hoạt động bình thường.
Video đang HOT
Thông thường, xe cần được kiểm tra lượng ga làm mát, dầu bôi trơn của máy nén; kiểm tra quạt gió, máy nén khí hay bộ lọc gió để làm sạch hoặc sửa chữa nếu cần. Ngoài ra, lái xe cũng kiểm tra dàn nóng, lạnh trên xe. Nếu có bị bụi bẩn sau một thời gian sử dụng thì nên làm sạch để hệ thống điều hòa làm mát đều và sâu.
Ắc quy
Mùa hè có thời tiết nóng ẩm, nhiệt độ tăng cao là nguyên nhân hàng đầu khiến ắc quy ô tô có thể nhanh hỏng hơn. Theo lý giải, khi nhiệt độ cao khiến phản ứng diễn ra nhanh hơn và dễ gây tổn hại cho cấu trúc phía trong ắc quy. Ngoài ra, nhiệt cao vào mùa hè cũng khiến ắc quy dễ mất cân bằng xung điện làm chập cháy ắc quy, rất nguy hiểm.
Do vậy, nên thường xuyên kiểm tra tình trạng của ắc quy vào mùa nóng, đặc biệt là các mối nối, đầu cực ắc quy xem có hiện tượng “sùi” bột trắng không. Nếu có những hiện tượng lạ, cần kiểm tra và thay thế một bình ắc quy khác đúng chủng loại để yên tâm hơn khi sử dụng ô tô mùa nóng.
Cần gạt mưa
Cần gạt mưa là bộ phận không thường xuyên làm việc nhưng nếu có mưa bão bất chợt thì đây là chi tiết rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn và sự an toàn khi lái xe. Lưỡi gạt mưa làm bằng cao su hoặc nhựa dẻo cũng rất dễ hư hỏng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều, do đó cần thường xuyên kiểm tra bộ phận này.
Nếu gạt mưa mà có cảm giác không sạch, để lại vệt vòng trên kính lái hoặc có tiếng kêu “cọt kẹt” bởi ma sát giữa lưỡi gạt và kính thì bạn nên thay một lưỡi gạt mới. Ngoài ra, nước rửa kính chuyên dụng cũng nên được kiểm tra và bổ sung thường xuyên để đảm bảo gạt mưa hoạt động tốt nhất.
Nghỉ lễ dài ngày, cần kiểm tra những bộ phận sau để có chuyến đi an toàn
Kỳ nghỉ lễ dài ngày như 30/4-1/5 sắp tới là dịp để nhiều gia đình về quê hay đi du lịch bằng ô tô cá nhân.
Chỉ cần bớt chút thời gian và để ý một số bộ phận dưới đây sẽ giúp chuyến đi của bạn trở nên an tâm hơn nhiều.
Những chuyến đưa cả gia đình về quê hay dã ngoại dài ngày dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới luôn đòi hỏi chiếc xe của bạn phải ở trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất.
Nếu có điều kiện, bạn nên đưa "xế yêu" của mình đến gara để kiểm tra tổng thể. Còn nếu không, hãy chú ý đến một số bộ phận dưới đây để chuyến đi được an tâm, an toàn:
1. Lốp xe
Lốp xe là một trong những bộ phận cực kỳ quan trọng và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra những trục trặc cho chuyến đi, nhất là trên những cung đường xấu, đường nông thôn, đường đèo núi,... Do đó, trước khi đi xa, kiểm tra lốp là điều hết sức cần thiết.
Lốp xe là bộ phận có thể kiểm tra tình trạng bằng mắt thường.
Các lốp xe phải đủ hơi với chỉ số áp suất theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Nếu lốp của bạn quá mòn hoặc đã hết date, đừng tiếc rẻ mà hãy thay ngay những chiếc lốp mới để yên tâm đi trong dịp nghỉ lễ. Các chuyên gia khuyên rằng, lốp ô tô chỉ nên dùng liên tục dưới 5 năm và không quá 10 năm sau ngày sản xuất.
Bạn cũng cần kiểm tra cả lốp dự phòng và đồ thay lốp, đảm bảo lốp đủ hơi và còn hoạt động tốt. Phòng trường hợp không may bị thủng lốp giữa đường, nhiều người cũng trang bị thêm một chiếc bơm mini để sẵn trong xe, có thể bổ sung hơi khi cần thiết.
2. Ắc quy
Vấn đề về ắc quy có thể dẫn tới những phiền phức bất thình lình khi chiếc xe của bạn khó nổ hoặc không thể nổ được. Do vậy, trước mỗi chuyến đi dài, bạn nên mở nắp ca-pô, quan sát bên ngoài ắc quy xem có bị phồng, biến dạng hay sùi ở các cọc ắc quy hay không.
Nếu xuất hiện các hiện tượng trên, bạn nên thay ngay một bình ắc quy mới. Ngoài ra, ắc quy cũng được thay thế định kỳ sau khoảng 2-3 năm sử dụng.
3. Nước làm mát
Nước làm mát là thành phần cực kỳ quan trọng giúp làm mát động cơ. Khi bị rò rỉ nước, nắp bình nước phụ không kín khít hay bục đường ống, chiếc xe của bạn sẽ bị hết nước. Hệ quả của điều này là nhiệt độ động cơ tăng rất cao dẫn đến bó máy và nằm đường, nặng hơn có thể dẫn tới hỏng máy, phải sửa chữa rất tốn kém.
Nước làm mát có thể bị rò rỉ và hao hụt, dẫn đến nguy cơ xe bị bó máy và nằm đường.
Để khắc phục tối đa rủi ro này, bạn có thể kiểm tra nước làm mát bằng cách mở nắp bình nước phụ và kiểm tra mức nước xem còn ở mức an toàn hay không? Nếu ít hơn mức Min, bạn cần bổ sung nước làm mát đúng chủng loại ngay lập tức.
Ngoài ra, cũng nên kiểm tra ở phía gầm xe và các dây dẫn xem có hiện tượng rò rỉ nước làm mát không. Nếu có, phải đưa xe đến gara để khắc phục ngay.
4. Dầu nhớt
Dầu nhớt cũng là hạng mục cần kiểm tra, bổ sung trước mỗi hành trình dài. Dầu máy còn quá ít hoặc không đạt chất lượng có thể khiến xe hoạt động bị "ì", để lâu dài có thể làm hỏng các bộ phận của động cơ.
Giống như nước làm mát, mức dầu máy cũng được kiểm tra dễ dàng thông qua que thăm dầu. Nếu dầu máy ở dưới mức min, bạn nên bổ sung dầu ngay lập tức bằng loại dầu phù hợp.
Dầu máy được thay mới khoảng 5.000km-10.000 km tuỳ vào loại dầu và tình trạng xe. Bạn nên thay dầu định kỳ đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất để máy hoạt động được trơn tru và ổn định nhất.
5. Phanh xe
Hệ thống phanh của ô tô có liên quan trực tiếp đến khả năng xử lý tình huống và đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe. Do vậy, trước mỗi chuyến đi xa, hệ thống này cũng cần được kiểm tra kỹ lưỡng.
Nếu thấy bàn đạp phanh có vấn đề, quá mềm hoặc quá cứng; đèn cảnh báo hệ thống phanh bật sáng, có tiếng động lạ phát ra liên tục từ hệ thống phanh,... bạn nên đưa xe vào gara để kiểm tra. Ngoài ra, nếu có thể nên kiểm tra cả tình trạng của má phanh và dầu phanh.
6. Lọc gió
Nên thường xuyên vệ sinh lọc gió để động cơ hoạt động tốt nhất.
Khi lọc gió quá cũ hoặc quá bẩn sẽ dẫn tới tình trạng tiêu tốn nhiều năng lượng, nhanh nóng máy. Lọc gió cần được tháo ra và làm sạch thường xuyên. Nếu lọc gió của bạn đã quá cũ, đừng ngại ngần thay mới chúng.
7. Các loại dây đai, pu-ly
Các trục trặc liên quan đến dây đai (dây cu-roa), pu-ly trên một số xe cũng rất nghiêm trọng và thường xảy ra bất thình lình. Khi đứt dây cu-roa, chiếc xe của bạn ngay lập tức "nằm im" và cách duy nhất là gọi cứu hộ.
Theo các chuyên gia, việc đứt dây cu-roa trên một số dòng xe còn gây nên những hỏng hóc nghiêm trọng khác liên quan đến máy như nứt mặt máy, vỡ máy,... Do đó, các loại dây đai, pu-ly cũng cần phải được ưu tiên kiểm tra.
Khi thấy bề mặt dây cu-roa có xuất hiện vết nứt, dão,..., hãy hỏi các chuyên gia hoặc mang chiếc xe của mình vào vào gara để kiểm tra ngay.
8. Hệ thống đèn
Hệ thống đèn trên chiếc xe ô tô bao gồm khá nhiều loại: Đèn chiếu sáng (pha, cos), đèn xi-nhan, đèn gầm, đèn chiếu hậu, đèn phanh, đèn soi biển số. Hãy bật tất cả các loại đèn và kiểm tra một lượt để chắc chắn rằng chúng còn hoạt động tốt, kể cả đèn phanh và đèn soi biển số.
Những trục trặc về đèn không mấy ảnh hưởng đến sự vận hành của chiếc xe nhưng lại ảnh hưởng lớn đến điều kiện an toàn khi lái xe, đặc biệt là vào ban đêm ở miền núi, nông thôn và nơi có thời tiết xấu. Ngoài ra, nếu một trong những bóng đèn trên chiếc xe bị hỏng còn có thể bị CSGT dừng xe để xử phạt rất phiền phức.
Lái xe đường dài tài xế cần kiểm tra ô tô những gì? Trước khi đi du lịch hay lái xe đường dài tài xế cần chuẩn bị làm bài và kiểm tra xe để đối phó với tắc đường và tránh những tai nạn không đáng có. Mức dầu và chất lượng Trước khi xuất phát, tốt nhất chủ xe nên kiểm tra mức dầu, nước làm mát và các chất liệu khác nhau của...