Kỹ sư miệt vườn Đồng Tháp sáng chế thiết bị tưới thông minh
Với mong muốn giúp người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, cả nước nói chung giảm đối đa chi phí sản xuất và nhân công lao động, anh Ngô Hùng Thắng ở xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã chế tạo ra hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn vô cùng thông minh được ứng dụng từ công nghệ “ trí tuệ nhân tạo”.
Anh Thắng bên vòi phun nước được thiết kế “ẩn” dưới đất, khi phun nước vòi này sẽ tự nâng lên và trở về vị trí cũ khi làm xong nhiệm vụ (Ảnh: Huỳnh Xây)
Hàng loạt tính năng mới, không ai ngờ tới
Qua nhiều người giới thiệu, phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã tìm được gặp anh Thắng khi anh vừa nghiên cứu thành công hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh. Theo anh Thắng, đây là hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn hiện đại nhất, có nhiều công dụng hơn các hệ thống tưới vườn đang có trên thị trường.
“Tưới nước đóng vai trò rất quan trọng trong trồng trọt, thường thì người dân mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của cho công việc này. Theo đó, hiện nay trên thị trường có nhiều thiết bị tưới thủ công hay bán tự động giúp người dân nhưng vẫn chưa mang lại lợi ích toàn diện, chưa thật sự mang lại hiệu quả cao trong giai đoạn hiện nay” – anh Thắng nói.
Anh Thắng giải thích thêm, một số thiết bị tưới nước hiện nay được điều khiển từ xa bằng điện thoại di động thông qua sóng sms hay internet thường “bó tay” ở một số điều kiện bất lợi như: hụt nước sẽ không bơm được, vòi phun lộ thiên gây khó khăn cho việc làm cỏ và ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch, thiết bị đo độ ẩm nền đất bị hư hao theo thời gian, người dân mất thời gian theo dõi cũng như điều khiển thiết bị…
Về hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn hiện đại của anh Thắng (được đặt tên là sản phẩm Smart Viet HT- 8917) sẽ khắc phục được tất cả các nhược điểm trên. Sản phẩm tự động ghi nhận độ ẩm, thực hiện công việc bơm nước tưới khi đất khô và dừng khi đất có đủ độ ẩm (đang tưới gặp trời mưa thiết bị sẽ tạm dừng hoạt động).
Thiết bị xử lý trung tâm thuộc hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh của anh Thắng (Ảnh: Huỳnh Xây)
Nếu không muốn hệ thống tưới tự động, người dân có thể điều khiển tưới theo các chế độ riêng (chỉ tưới sương, chọn lếp tưới, vô hiệu hoá các lếp không cần tưới, chỉ tưới ban ngày hoặc chỉ tưới ban đêm,…) thông qua ứng dụng được cài đặt một lần duy nhất trên điện thoại.
Chưa dừng lại ở đó, hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn của anh Thắng còn có chế độ bù nước khi mực nước dưới sông thấp, tự động bơm nước từ trong vườn ra sông vào mùa lũ, trời mưa to kéo dài. Ngoài ra, hệ thống này còn có thể cảnh báo mực nước dưới ao, sông (nơi cung cấp nước) thấp, động cơ sắp hư hỏng, bị rò điện, có chế độ chống trộm (khi có kẻ trộm hệ thống bật còi, đèn và thông báo vụ việc đến người dân thông qua ứng dụng trên điện thoại)…
Ứng dụng từ công nghệ “trí tuệ nhân tạo”
Tham quan mô hình thử nghiệm của anh Thắng, phóng viên thấy hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn này rất cần thiết và tiện dụng cho người dân ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Như vòi phun nước trong vườn cây ăn trái được thiết kế “ẩn” dưới mặt đất, khi phun nước vòi này sẽ tự nâng lên và trở về vị trí cũ khi làm xong nhiệm vụ. Cách làm này tạo sự thông thoáng cho khu vườn, người dân có thể đi lại phát cỏ hay thu hoạch hoa quả mà không bị ảnh hưởng.
Anh Thắng thông tin: “Theo tính toán, hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh của tôi có thể giảm đến 70% chi phí so với những thiết bị đang có trên thị trường trong khi họ ít tính năng hơn. Ngoài ra, hệ thống này cũng giúp người dân giảm thêm 70% chi phí lao động, chủ vườn chủ động được thời gian nhàn rổi để làm được nhiều việc khác, hay đi xa không cần phải bận tâm về vấn đề tưới nước”.
Trước đây, anh Thắng từng là ông chủ của một công ty chuyên kinh doanh điện thoại. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, anh quyết định giải thể. Trở về nhà sinh sống, anh cảm thấy cha mẹ làm vườn tốn quá nhiều công sức, thời gian nên anh dần bắt tay vào nghiên cứu hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh như trên.
Video đang HOT
Nơi lấy nước và thoát nước trong hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh của anh Thắng (Ảnh: Huỳnh Xây)
3 năm qua, trong quá trình nghiên cứu, sửa chữa nâng cấp sản phẩm của mình, anh Thắng còn tìm đến nhiều hội quán (mô hình tập hợp nông dân hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh chỉ có ở Đồng Tháp) để tìm hiểu về yêu cầu, sở thích sử dụng của người dân về thiết bị tưới vườn để về hoàn thiện theo yêu cầu, sở thích đó.
“Hệ thống này gồm khâu và làm rất cực khổ. Thí dụ như cái vòi phun nước, để nó có thể nằm âm dưới đất, tôi phải nghĩ nhứt đầu cả năm trời mới ra ý tưởng và phải mất rất lâu để nhờ vài đơn vị thiết kế. Tương tự, thiết bị đo độ ẩm đất, thiết bị xử lý trung tâm và ứng dụng cài đặt trên điện thoại để người dân quan sát, theo dõi khu vườn không biết bao lần sửa chữa rồi. Đến thời điểm hiện tại, tổng chi phí đầu tư cho dự án này đã trên 300 triệu đồng” – anh Thắng nói về thời gian khó khăn khi nghiên cứu sản phẩm trên.
Dù chưa ra mắt chính thức nhưng nhiều đơn vị ở ĐBSCL đã có ý ký hợp đồng mua hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh của anh Thắng. Theo kế hoạch, đến đầu năm 2020 tới, anh Thắng sẽ chính thức thành lập doanh nghiệp, tiến tới ra mắt, thương mại hoá sản phẩm Smart Viet HT – 8917. Khi sản phẩm ra mắt, anh Thắng tự tin người dân sẽ thích sản phẩm của mình vì nó có thiết kế nhỏ gọn với nhiều tính năng nổi bật, đáp ứng được yêu cầu thực tế của người dân, với cách lắp đặt, vận hành một cách đơn giản, dễ nhất, chính xác nhất.
“Tôi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào nó và tích hợp nhiều tính năng. Nó làm được gần như mọi thứ theo yêu cầu theo từng loại cây trồng đã được thiết lập trước một lần duy nhất của người sử dụng trên ứng dụng điện thoại. Nó như một con robot, chỉ khác ở chỗ là nó không di chuyển được thôi” – anh Thắng cho biết” – anh Thắng thông tin.
Anh Ngô Hùng Thắng là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được bình chọn và trao tặng danh hiệu “ Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019″. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019″ sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10.2019.
Theo Danviet
Lai Châu: Nữ tỷ phú vượt qua nỗi ám ảnh dịch tả lợn châu Phi
Táo bạo cả trong suy nghĩ và việc làm, bà Tô Thị Bắc, đội 10 (xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) đã phất lên thành tỷ phú nhờ nuôi lợn siêu nạc theo quy trình khép kín. Cũng chính nuôi theo quy trình khép kín, trang trại nuôi lợn siêu nạc của nữ tỷ phú đất Lai Châu này đã vượt qua nổi ám ảnh dịch tả lợn châu Phi.
Bà Tô Thị Bắc - người vừa được bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" chia sẻ về mô hình nuôi lợn siêu nạc.
Ngồi đối diện với chúng tôi bên bộ bàn ghế salon bọc da, kê giữa phòng khách trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, là một phụ nữ xinh xắn, nước da hồng hào. Ít ai nghĩ người phụ nữ này đã tuổi ngoài 50. Đó là bà Tô Thị Bắc - Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019.
Dám nghĩ, dám làm
Cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với bà Bắc, đó là một người phụ nữ dám nghĩ, dám làm, tính cách mạnh mẽ. "Tôi thường suy nghĩ, không làm thì thôi mà đã làm thì phải làm cho "ra tấm, ra món". Cũng chính vì vậy nên trước khi quyết định làm cái gì đó, tôi đều tìm hiểu kĩ, chứ không làm theo kiểu phong trào "được chăng, hay chớ". Có thể vì thế, tôi luôn thành công" - bà Bắc mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
Với nhiều cách làm hay trong nuôi lợn, bà Bắc nuôi lứa nào thắng lứa ấy.
Qua câu chuyện với người phụ nữ dám nghĩ, dám làm này, chúng tôi được biết: Bà Bắc nuôi lợn đã lâu nhưng nuôi theo kiểu trang trại lớn quy trình khép kín như hiện giờ thì mới được vài năm trở lại đây. "Bén duyên" với nghề nuôi lợn từ năm 2005, gia đình bà khi đó chỉ nuôi vài con lợn nái. Rồi đàn lợn cứ đông dần lên theo năm tháng, nhưng cũng chỉ dừng lại ở số lượng trên dưới 100 con lợn thương phẩm.
"Nhà ở mặt đường nên tôi thường xuyên chứng kiến những chiếc xe tải chở lợn thịt thương phẩm từ nơi khác đến huyện Than Uyên, thậm chí lên cả thành phố Lai Châu, tiêu thụ. Khi đó, tôi nghĩ, người ta làm được thì mình cũng làm được. Nếu mình làm chắc chắn sẽ thuận lợi hơn họ nhiều, bởi giảm được khâu vận chuyển đi xa, tức là giảm được giá thành..." - bà Bắc nhớ lại.
Chuồng trại nuôi lợn nhà bà Bắc lúc nào cũng được vệ sinh sạch sẽ.
Nghĩ là làm, sau khi thống nhất với chồng, bà Bắc quyết định đầu tư xây dựng trại nuôi lợn. Thay vì nuôi giống lợn địa phương như trước đây, bà Bắc chọn nuôi giống lợn siêu nạc. Sau một thời gian tìm hiểu cách thức xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc lợn siêu nạc tại một số trang trại lớn ở các tỉnh, thành phố, bà Bắc trở về thuê thợ xây dựng chuồng trại. Năm 2014, sau khi hoàn tất việc xây dựng chuồng trại, bà Bắc về tận Công ty Cổ phần DABACO Việt Nam ở thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) để chọn mua 15 con lợn nái về nuôi.
Chuồng trại nuôi lợn nái của bà Bắc được chia thành 3 khu: Khu nuôi lợn thịt thương phẩm, khu nuôi lợn nái hậu bị, khu nuôi lợn nái để nuôi con.
"Nhờ chăm sóc đúng kĩ thuật, cho ăn, tiêm phòng đầy đủ, đàn lợn nái sinh trưởng, phát triển tốt, lần lượt đẻ những chú lợn con mập mạp, khỏe mạnh. Tôi giữ lại nuôi toàn bộ lợn con, chứ không bán giống. Làm ăn có lãi, tôi tiếp tục mua thêm lợn nái giống về nuôi. Hai năm trở lại đây, tôi thường xuyên duy trì khoảng 60 con lợn nái và hơn 500 con lợn thịt. Có lúc đàn lợn nuôi thịt thương phẩm của gia đình lên đến 700 con" - bà Bắc vui vẻ nói.
Thành tỷ phú nhờ nuôi lợn siêu nạc
Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi ngỏ ý muốn đi thăm trại lợn, bà Bắc tỏ vẻ lưỡng lự. Chúng tôi hiểu rõ, ở cái thời điểm dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước, trong đó có tỉnh Lai Châu, thì hộ chăn nuôi lợn lớn như bà Bắc ái ngại trước đề xuất đó cũng là chuyện bình thường.
Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn lợn thương phẩm của bà Bắc con nào cũng béo tốt, khỏe mạnh.
Sau nhiều tháng nỗ lực trong công tác phòng chống, cuối cùng, cách đây hơn 1 tháng, huyện Than Uyên cũng phải công bố dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn.
"Ngay từ khi nghe thông tin về dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn tỉnh, ngoài tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch, khử trùng chuồng trại thường xuyên, tôi không cho ai vào trại lợn, ngoài mấy công nhân chăm sóc, cho đàn lợn ăn mỗi ngày. Đàn lợn của gia đình vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường..." - bà Bắc cho hay.
Sau khi bàn bạc với chồng, cuối cùng bà Bắc cũng đồng ý cho chúng tôi vào thăm trại lợn, nhưng phải đi ủng, mặc áo blouse trắng, dài tới đầu gối và tiến hành khử trùng cẩn thận.
Thẻ theo dõi ngày phối của đàn lợn nái được bà Bắc ghi chép cẩn thận.
Trại lợn của gia đình bà Bắc cách nhà ở vài chục mét, được xây dựng khá khoa học, có cổng sắt và tường rào bao quanh. Bước qua cổng vào khu chuồng trại nuôi lợn, chúng tôi phải lội qua vũng nước sát trùng, sau đó đi qua giàn phun khử trùng quần áo vào trại lợn.
Bà Bắc xây dựng 3 trại san sát nhau, trại nào cũng được quây, lợp tôn lạnh chống nóng và lắp đặt hệ thống quạt làm mát, hút mùi. Trại ngoài cùng gồm 7 ngăn, mỗi ngăn rộng vài chục mét vuông, dành để nuôi lợn thịt. Kế đến là trại nhốt lợn đẻ. Trại trong cùng dành cho lợn nái ở. Trại nào, trại nấy cũng sạch sẽ. Mặc dù nuôi tới 60 con nái và hàng trăm con lợn thịt, nhưng trại lợn của bà Bắc không bốc mùi đặc trưng thường thấy ở những hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ.
Ngoài nuôi lợn, bà Bắc nuôi thêm 500 con thỏ, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
"Nuôi lợn nái, lợn thịt với số lượng lớn nên tôi đặc biệt chú ý đến khâu cho ăn, phòng chống dịch bệnh xảy ra. Tôi cho lợn ăn hoàn toàn bằng cám công nghiệp. Tôi tự mầy mò xây dựng chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp với từng loại lợn cũng như thời kỳ sinh trưởng của chúng. Đối với lợn nái, lợn đẻ, tôi cho chúng ăn theo định lượng, tùy theo thể trạng của mỗi con. Khi lợn con tập ăn, tôi cho chúng ăn cám có độ đạm cao" - chủ trại lợn siêu lạc lớn nhất huyện Than Uyên chia sẻ thêm.
Theo bà Bắc, làm gì cũng phải tâm huyết thì mới thành công. Nuôi lợn cũng vậy, có chăm sóc tốt chúng thì chúng mới cho mình "cái ăn". Định kỳ 6 tháng, bà Bắc tiêm đầy đủ vắc xin phòng các loại bệnh: Tụ huyết trùng, tai xanh, lở mồm lòng móng, khô thai... cho đàn lợn nái. Còn với lợn con, ngay từ lúc mới đẻ cho đến khi cai sữa, bà lần lượt tiêm các loại vắc xin: Chống còi xương, phòng bệnh tả, tụ huyết trùng... cho chúng.
Gia đình bà Bắc trồng khoảng 6.000m2 cỏ VA06 để làm thức ăn cho đàn thỏ và dự định nuôi trâu sau này.
Đàn lợn thịt được bà chăm bẵm mỗi ngày, cho ăn bằng máng ăn tự động, đói lúc nào ăn lúc đấy, ăn no lại quay ra ngủ nên chỉ nuôi tầm 3 đến 5 tháng là bà Bắc lại có lợn bán ra thị trường.
Để tháng nào cũng có lợn hơi xuất bán ra thị trường, bà Bắc tính toán thụ tinh nhân tạo cho đàn lợn nái với số con hợp lý. Không hết, bà còn cẩn thận ghi ngày thụ tinh, ngày lợn đẻ để tiện cho việc theo dõi, chăm sóc.
"Lợn nhà tôi là lợn siêu nạc nên thương lái tranh nhau mua, lứa nào hết lứa đó, không có tình trạng ùn ứ lợn trong chuồng. Khi đến bắt lợn, thương lái không cần xem mà chỉ trao đổi với nhau giá cả. Bình quân mỗi tháng tôi bán ra thị trường khoảng 10 tấn lợn hơi. Năm 2018, tôi thu hơn 1 tỷ đồng từ bán lợn thương phẩm cho thương lái, trừ chi phí còn hơn 700 triệu đồng tiền lãi.
Với thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế gia đình, bà Bắc nhiều năm liền được UBND tỉnh Lai Châu, các cấp, các ngành trong tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen. Bà Tô Thị Bắc vinh dự là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được bình chọn và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10 năm 2019.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà Bắc còn tạo việc làm, thu nhập thường xuyên, ổn định cho 3 lao động tại địa phương. Bà thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nuôi lợn trong bản, trong xã về kĩ thuật, cách thức làm chuồng trại nuôi lợn...
Ngoài nuôi lợn, bà Bắc còn nuôi 500 con thỏ Newzealand, nuôi 300 con gà. Trong thời gian tới, bà dự định nuôi thêm 50 con trâu sinh sản. Hiện chuồng trại nuôi trâu đã được bà Bắc xây dựng xong.
Theo Danviet
Trồng sứ lạ, to như cây Bao Báp châu Phi, dân ở đây kiếm bộn tiền Nổi tiếng với sự nhanh nhẹn và nhạy bén trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian gần đây, nhiều nông dân Sa Đéc (Đồng Tháp) chuyển sang trồng cây sứ (cây hoa sứ) cho thu nhập cao. Không những hấp dẫn người mua với bộ sưu tập nhiều giống sứ mới lạ mà chính kỹ thuật trồng sứ "không giống ai"...