Ký sự du xuân 2019: Săn Bắc cực quang ở Iceland (kỳ cuối)
Tại Iceland, chúng tôi tận thấy những thắng cảnh kỳ vĩ, săn Bắc cực quang và tắm ở hồ nước được hình thành từ độ sâu khoảng 2.000m…
Chỉ khi đến thật gần và tận mắt chứng kiến giữa hai vách đá băng phủ trắng xoá, màn nước ầm ầm đổ xuống hẻm núi, cuốn theo cả những tảng băng lớn quăng xuống dưới vực, mới cảm nhận được hết vẻ hùng vĩ và thơ mộng của thác Vàng Gullfoss
Iceland – Đảo quốc xinh đẹp và nguyên sơ
Iceland đón chúng tôi bằng những cánh đồng băng trải dài như bất tận và cái lạnh 2 độ C. Đến Băng Đảo vào những ngày mùa Đông, cái lạnh buốt giá vùng cực Bắc và những cơn gió Đại Tây Dương quả là thử thách lớn đối với chúng tôi. Băng đảo – Iceland, xứ sở băng giá của những dòng sông băng, núi lửa và suối nước nóng, là điểm đến cuối cùng của chúng tôi trong chuyến đi này.
Đảo quốc xinh đẹp nằm giữa vùng biển Greenland và Bắc Đại Tây Dương, thuộc vành đai Bắc Cực. Đất nước này có diện tích bằng khoảng 1/3 diện tích Việt Nam, nhưng dân số chỉ khoảng 350.000 người, trong đó gần 60% tập trung ở thủ đô Reykjavik, một thành phố lớn ở phía Tây Nam đất nước này.
Nằm ở vành đai Bắc Cực, trên nền kiến tạo do những núi lửa thuộc một rặng núi lửa ngầm dưới biển đang hoạt động hợp thành, lại bao quanh bởi đại dương, vì vậy đảo quốc này có nhiều đặc điểm khác biệt với hầu hết phần còn lại của thế giới.
Rất nhiều du khách đã đến đây vì yêu phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp xứ này. Từ những đồng cỏ yên bình rộng lớn ở thôn quê, những dãy núi cao gồ ghề nham thạch núi lửa, những hồ nước nóng chứa đầy khoáng chất có lợi cho sức khoẻ, những dòng sông băng lớn, những thác nước hùng vĩ hay ánh sáng kỳ ảo của Bắc cực quang.
Những cánh đồng tuyết hai bên đường và những dãy núi tuyết phủ trắng xoá, nổi bật trên nền trời xanh thẳm
Rời sân bay quốc tế Belfast trên chiếc Airbus A320 của hãng hàng không EasyJet, sau khoảng 2h đồng hồ, chúng tôi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Keflavik. Từ sân bay này, mất khoảng 40′ theo đường bộ, chúng tôi có mặt tại Reykjavik, thủ đô hơn ngàn năm tuổi của đảo quốc Iceland.
Khác với xứ Wales, Scotland hay Bắc Ailen, là những thực thể thuộc Vương quốc Anh, việc đi lại như trong nội địa bằng Visa Anh, thì đối với Iceland, chúng tôi nhập cảnh bằng Visa thuộc khối liên minh châu Âu (Schengen), do Lãnh sự Đan Mạch cấp.
Sân bay quốc tế Belfast là một sân bay nhỏ. Việc kiểm tra an ninh đối với hành lý xách tay của hành khách là rất chặt chẽ, phức tạp. Những chai sữa tắm, dầu gội, tuýp kem đánh răng nhỏ theo tiêu chuẩn, mấy cục adaptor và dây sạc… chúng tôi bỏ vào hành lý xách tay, thoải mái đi khắp các hãng hàng không thì qua cửa an ninh của sân bay này đều phải mở ra, cho qua máy soi riêng.
Trên đường về khách sạn, chúng tôi ghé một nhà hàng Thái, có tên là KRUG Thai Restaurant. Ông chủ nhà hàng người Thái Lan, khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam, ông ta tỏ ra rất vui và ngạc nhiên bởi lần đầu tiên được đón một nhóm khách du lịch từ Việt Nam tới. Khách sạn Radisson BLU nơi chúng tôi ở nằm ngay khu vực trung tâm thành phố.
Buổi sáng, sau khi đã khoác lên người đủ thể loại đồ ấm, miếng dán nhiệt, bọc giày bằng những cái đế rọ đi trên băng chuyên nghiệp, chúng tôi rời khách sạn, chính thức khám phá vùng đất được gọi là Băng đảo này.
9h30 sáng 12/2, trời vẫn còn tối. Hôm nay thời tiết không thuận lợi cho chuyến khám phá các thắng cảnh ngoài trời. Tuy nhiệt độ chỉ khoảng 2-3 độ C nhưng gió thổi khá mạnh. Thay vì đi ngắm Vũng Lam (Blue Lagoon), chúng tôi phải chuyển sang làm một chuyến City Tour trên xe, ghé thăm khu bến cảng, toà nhà quốc hội, Nhà thờ lớn Raykjavik, khu vực tư dinh tổng thống và thăm bảo tàng Viking.
Buổi sáng mùa đông. Raykjavik chìm trong tuyết trắng. Đối với những người mê kiến trúc đô thị, sự cổ kính của những công trình kiểu Edinburgh hoặc hiện đại với những toà nhà chọc trời kiểu New York, thì Reykjavik không phải là điểm đến phù hợp. Những gì thiên nhiên ban tặng mới làm nên sự kỳ vĩ của vùng đất này.
Ra khỏi khách sạn, cô hướng dẫn viên người địa phương chỉ cho chúng tôi hai cảnh sát đang khiêng tấm tôn của một mái nhà nào đó bị gió cuốn văng ra đường phố.
Cũng bởi gió quá mạnh nên khi đến khu vực ngọn hải đăng Grotta nằm ven biển Greenland, phía Tây Bắc thành phố – nơi được coi là địa điểm thích hợp nhất ở Raykjavik để quan sát Bắc cực quang – chúng tôi chỉ xuống xe để chụp vài tấm ảnh.
Tòa nhà Quốc hội Iceland được xây dựng vào thế kỷ 17 bằng một loại đá màu nâu xám hình thành bên dưới núi lửa. Nếu không được giới thiệu, có lẽ chúng tôi cũng không thể biết được đó là trụ sở của cơ quan quyền lực nhất ở quốc gia này, bởi sự khiêm tốn của nó. Tuy nhiên, về giá trị lịch sử thì đây là một trong những tòa nhà cổ nhất châu Âu.
Công trình cao nhất ở thủ đô này và là một trong 6 công trình lớn nhất ở Iceland, là nhà thờ lớn, có tên là Hallgrimskirkja, với chiều cao 73 mét. Tương tự như nhà thờ hình nón ở Rio de Janeiro (Brazil) mà năm ngoái chúng tôi đã ghé thăm, đây là toà thánh đường có kiến trúc khá khác lạ so với hầu hết các nhà thờ khác.
Kiến trúc của nhà thờ Hallgrimskirkja gợi lại hình ảnh của một đất nước Iceland với phong cảnh là những tảng đá và tảng băng gồ ghề, to lớn và hình ảnh dung nham phun trào, những nét đặc trưng về điều kiện tự nhiên ở Iceland. Được xây dựng từ năm 1945 và hoàn thành sau 41 năm, nhà thờ Hallgrimskirkja đã trở thành một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng cho đến ngày nay.
Nhưng điều đặc biệt ở nhà thờ Hallgrimskirkja không phải chỉ là kiến trúc bên ngoài, mà còn là bởi là chiếc đàn Organ với một hệ thống âm thanh cực kỳ đặc biệt gồm hàng ngàn ống tuýp lớn nhỏ, sắp xếp theo hình tháp, cao 15 mét và nặng 25 tấn, gắn ở phía trên bức tường phía trước thánh đường.
Người Iceland chẳng cần các công trình đồ sộ bởi thiên nhiên kỳ vĩ ở đây đủ làm bất kỳ ai cũng phải choáng ngợp. Đó là lúc buổi trưa, từ khoảng 13h. Mặt trời xuất hiện toả muôn ngàn tia nắng rực rỡ chiếu sáng một vùng tuyết trắng. Dưới ánh sáng dịu dàng của mặt trời phương Bắc, cảnh vật trở nên cực kỳ sống động.
Bồng lai tiên cảnh cũng đến thế mà thôi!
Xe rời bảo tàng Viking, đưa chúng tôi trực chỉ Vũng Lam (Blue Lagoon), nơi được mệnh danh là một trong 25 kỳ quan của thế giới. Đó là một hồ nước nóng, được hình thành từ độ sâu khoảng 2.000m dưới lòng đất, nơi nước biển và nước khoáng kết hợp ở nhiệt độ cao. Trên tuyến đường số 41 chạy dọc ven biển, từ khoảng cách xấp xỉ 10km, chúng tôi đã nhìn thấy một vùng sương khói bốc lên từ mặt đất.
Một giếng nước nóng thỉnh thoảng lại phun lên từ lòng hồ được hình thành ở độ sâu khoảng 2.000m
Chiếc xe của chúng tôi len lỏi trên con đường nhỏ, hai làn xe, uốn lượn giữa cánh đồng đá màu đen phủ một lớp rêu địa y, tàn tích dung nham núi lửa. Và, chúng tôi không khỏi trầm trồ khi chạm mắt vào hồ nước nóng ngoạn mục nhất Băng đảo. Thật khó có thể tưởng tượng, giữa mênh mông đá đen nham thạch, lại xuất hiện một hồ nước màu ngọc bích, phảng phất sương khói dưới ánh nắng nhàn nhạt của mặt trời phương Bắc.
Chúng tôi cũng không hình dung được giữa cái lạnh kinh người, lại có thể tắm ở cái hồ ngoài trời này. Chỉ đến khi thả người trong làn nước tự nhiên ấm áp của hồ Blue Lagoon, mới chắc chắn đó không phải là giấc mộng. Trong cái tĩnh lặng của buổi chiều phương Bắc, dưới ánh tà dương vô cùng êm ả, trên mặt hồ mênh mông màu ngọc bích, mờ mờ sương khói, tứ bề bao quanh bởi những dãy núi phủ đầy tuyết trắng, dập dìu những cặp đôi, thật sát bên nhau, trong làn nước ấm. Những ánh mắt yêu thương, những nụ hôn ngọt ngào trong lãng đãng khói sương. Vô cùng yên ả. Bồng lai tiên cảnh cũng chỉ đến thế mà thôi…
Buổi tối, sau khi đã được nước hồ Blue Lagoon xoa dịu từng giác quan, chúng tôi đến một nhà hàng hải sản bufet, có tên là Restaurant Reykjavik, nằm ở trung tâm thành phố. Rất nhiều những món ăn, được chế biến từ hải sản vùng biển Bắc hoặc gia súc vùng Băng Đảo, mà lần đầu tiên trong đời, chúng tôi nếm thử.
Chẳng hạn món Cá mập lên men (một số người còn gọi là Cá mập thối), được coi là một món khó ăn nhất nhưng lại rất nổi tiếng của người Iceland. Để có món này, cá mập vùng biển Greenland được làm sạch, chặt đầu, chôn từ 6-12 tháng dưới đất, để cá lên men. Sau đó lại được phơi khô vài tháng trước khi được thái thành từng miếng nhỏ, có mùi khai khai. Những miếng nhỏ hình vuông cá mập lên men được thưởng thức trong các bữa tiệc cùng với một ly rượu mạnh.
Video đang HOT
Món đầu cừu cũng là một món ăn truyền thống ở xứ Băng Đảo. Một chiếc đĩa được bê ra, trên đó đặt nguyên một nửa đầu con cừu (có lẽ được hấp), còn đầy đủ các bộ phận. Người yếu tim, chắc cũng rợn người.
Hay món thịt cá voi, được chế biến bằng cách thái mỏng thịt cá voi sống rồi ướp với mù tạt và thì là (cắt nhuyễn). Sau đó ăn sống cùng với gừng chua (như gừng ăn kèm các món sống của Nhật) và nước sốt đặc biệt của đầu bếp. Nói chung, xác định chắc không có lần trở lại xứ này, vì vậy chúng tôi cũng mạnh dạn “thử cho biết”. Cũng không đến nỗi khó ăn.
Không còn ranh giới giữa mặt đất và bầu trời
Vẫn là khung cảnh nhá nhem tối khi thời gian đã bước sang 9h00. Nhiệt độ ngoài trời – 1 độ C. Chúng tôi lên xe, hướng về phía Đông Bắc, rong ruổi theo cung đường nổi tiếng của Iceland – Cung đường vàng – Golden Circle. Tuyết phủ trắng xoá dọc hai bên đường, trên những lùm cây, mái nhà và cả những dãy núi, ngọn đồi vốn màu đen nham thạch núi lửa. Tất cả được bao phủ bởi một màu trắng. Dường như không có ranh giới giữa mặt đất và bầu trời. Màu trắng của núi đồi và vòm trời mịt mờ sương trắng như giao hoà. Và cứ thế, xe của chúng tôi cứ xuyên đi trong màu trắng mênh mông, bất tận.
Chúng tôi lại thêm một lần sững sờ khi đến công viên quốc gia Thingvellir. Ngay tại nơi này, một đường nứt từ vết đứt gãy do sự trôi dạt giữa hai mảng lục địa Bắc Mỹ và Á – Âu, còn tồn tại, từ hàng triệu triệu năm. Đó được xem là nơi độc đáo nhất trên thế giới. Vết nứt dài 7km, mỗi năm lại mở rộng ra khoảng 2cm.
Mặt trời đã lên bằng một con sào. Dưới ánh mặt trời cuối đông êm dịu, những dải nắng cứ nhuộm hồng nền tuyết trắng phau. Từ trên sườn đồi nhìn xuống, chúng tôi không khỏi kinh ngạc về sự tuyệt mỹ của hồ nước phẳng lặng bên dưới. Năm mươi năm có mặt trên đời, lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng một hồ nước màu vàng lam lấp lánh giữa tuyết trắng mênh mông. Thật khó bút mực nào tả xiết.
11h30, chúng tôi tiếp tục theo cung đường vàng đến với dòng suối nổi tiếng Geysir. Lúc này mặt trời đã lên cao. Vòm trời trong xanh báo hiệu một ngày nắng đẹp. Vẫn là một màu trắng của những cánh đồng tuyết hai bên đường và những dãy núi tuyết phủ trắng xoá, nổi bật trên nền trời xanh thăm thẳm. Thi thoảng, chúng tôi cũng bắt gặp hai bên đường một vài ngôi làng nhỏ, lẻ loi giữa cánh đồng băng phủ.
Hơn 12h trưa, chúng tôi đến khu vực tập trung các giếng phun nước nóng, được gọi là Geysir và Strokkur, nằm ở thung lũng Haukadalur. Cũng nằm trên cung đường Golden Circle, Haukadalur là thung lũng chứa các mạch nước phun rộng lớn và nổi tiếng nhất Iceland bao gồm Geysir và Strokkur. Geysir được người châu Âu biết đến đầu tiên và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới bởi vẻ đẹp lộng lẫy của nó.
Người ta giải thích rằng, ở một độ sâu rất lớn, khoảng 2.000m trong lòng đất, nhiệt độ cực cao làm sôi sục nguồn nước từ mạch nước ngầm thấm xuống, tạo áp suất cực lớn, đẩy nước nóng và hơi nước phun lên mặt đất. Cứ khoảng 5 đến 10′ thì một cột nước lại bắn vọt ra khỏi miệng giếng, cao hàng chục mét. Có khi 2 – 3 cột nước liên tiếp bắn ra khỏi miệng giếng. Hơi nước nóng toả ra tạo nên một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục.
Điểm cuối chúng tôi ghé thăm trên cung đường vàng Golden Circle là ngọn thác Gullfoss Waterfalls hay Golden Falls (thác nước Vàng). Nằm cách trung tâm Reykjavik khoảng gần 120km về phía Đông Bắc, thác Gullfoss là một phần của dòng sông Hvita, đổ xuống hẻm núi từ độ cao 32m. Nếu so sánh với những ngọn thác mà chúng tôi đã từng ghé thăm như Niagara, Mỹ hay Iguazu, Brazil, thì có vẻ Gullfoss không có qui mô và độ cao lớn bằng. Nhưng Gullfoss lại có nét hùng vĩ riêng của nó.
Khi chiếc xe của chúng tôi dừng ở bãi đỗ, cô hướng dẫn viên thông báo mọi người xuống xe để đi thăm ngọn thác vàng Gullfoss, quả thực tôi có thoáng chút thất vọng. Cả một vùng bình nguyên rộng lớn, khá bằng phẳng xung quanh xe, lại hoàn toàn không nghe thấy âm thanh ầm ầm của thác nước như chúng tôi đã từng trải qua. Vậy hẳn chỉ là một ngọn thác nho nhỏ. Chỉ khi đến thật gần và tận mắt chứng kiến, giữa hai vách đá băng phủ trắng xoá, màn nước ầm ầm đổ xuống hẻm núi, cuốn theo cả những tảng băng lớn quăng xuống dưới vực, mới cảm nhận được hết vẻ hùng vĩ và thơ mộng của thác Vàng Gullfoss.
Hơn 15h chiều, sau khi ghé mua một vài thứ đồ lưu niệm khá đẹp như mô hình Nhà thờ Hallgrimskirkja, mô hình chiến thuyền Viking, chúng tôi lên xe về khách sạn. Chỉ trong một ngày, chúng tôi đã được khám phá ba điểm nổi tiếng công viên Pingvellir, cột nước Geysir và ngọn thác vàng Gullfoss, những địa điểm đã tạo nên tour du lịch độc đáo Golden Circle của quốc đảo.
Săn Bắc cực quang
21h00 tối, chúng tôi lên đường đi “săn” Bắc cực quang. Được xem là hiện tượng thiên nhiên kỳ ảo chỉ có thể xảy ra ở Bắc cực, cực quang (aurora) là một “đặc sản” của Iceland. Cô hướng dẫn viên nói rằng rất nhiều du khách đến Iceland không phải để ngắm cảnh, mà chỉ để chiêm ngưỡng Bắc cực quang. Đó là khi bầu trời đêm bắc cực xuất hiện những dải ánh sáng đầy màu sắc, liên tục di chuyển, bện xoắn vào nhau như những dải lụa mềm khổng lồ được phất lên bởi một vũ công điêu luyện.
Chúng tôi đến một địa điểm gần mỏm Hafnir trên bờ biển, phía Tây Nam thành phố Reykjavik. Theo dự báo của NOAA-OVATION mà chúng tôi xem trên mạng thì xác suất có cực quang đêm nay được dự báo là khoảng 40 – 50%. Có nghĩa là mất gần 1h đồng hồ chạy qua quãng đường hơn 50 cây số, trang bị chống lạnh đến tận răng, mỗi người lại được phát thêm một tấm chăn nữa, để phục kích nhưng cũng có thể ra về tay trắng.
Gần 22h đêm. Bác tài cho xe chạy theo tuyến đường số 45, dọc ven biển phía Tây sân bay Keflavik. Sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi rẽ vào khu vực Northern Lights Lookout. Ở nơi này cũng có 7-8 đoàn du khách đang ngóng chờ. Hơn 1h đồng hồ lặng lẽ chờ đợi, chúng tôi đành ra về và tự nhủ “Thôi, có lẽ sẽ chẳng được ngắm Bắc cực quang ở Băng đảo, trong cuộc đời này”.
Chúng tôi trở về khách sạn khi đồng hồ chỉ đúng 12h đêm. Ngày mai, chúng tôi sẽ có chuyến bay sớm đi Frankfurt, và sau đó nối chuyến về Việt Nam. Những ngày qua, chúng tôi đã đặt chân lên những vùng đất nổi tiếng của phương Bắc xa xôi, từ những công trình vòng cung đá …. vài ngàn năm tuổi ở Anh quốc, cho đến những lâu đài tráng lệ ở xứ Wales. Từ kinh đô cổ Edinburgh của Scotland đến thủ đô thanh bình Belfast của Bắc Ai Len. Từ thành phố cổ kính đẹp đến nao lòng của xứ Bath cho đến đảo quốc đẹp như chốn thần tiên xứ Băng đảo. Mỗi ngày đi, chúng tôi thêm trải nghiệm về những vùng đất, nền văn hoá mới và thấy thêm yêu cuộc đời này. Chúc một năm mới hạnh phúc cho tất cả bạn bè, người thân của chúng tôi.
Reykjavik, Iceland – 14/2/2019
Tuyết phủ trắng những cánh đồng trải dài, những ngọn đồi ở xứ Băng đảo
Một màu trắng tinh khiết dưới vòm trời xanh thăm thẳm
Dưới ánh mặt trời cuối đông êm dịu, những dải nắng cứ nhuộm hồng nền tuyết trắng phau
Khắp nơi tuyết phủ dầy
Lối lối vào tư dinh tổng thống ở phía sau nhà thờ
Nhà thờ lớn – công trình cao nhất ở thủ đô này và là một trong 6 công trình lớn nhất ở Iceland
Điều đặc biệt ở nhà thờ Hallgrimskirkja không phải chỉ là kiến trúc bên ngoài, mà còn là bởi là chiếc đàn Organ với một hệ thống âm thanh cực kỳ đặc biệt gồm hàng ngàn ống tuýp lớn nhỏ, sắp xếp theo hình tháp, cao 15 mét và nặng 25 tấn, gắn ở phía trên bức tường phía trước thánh đường
Trên chiếc thuyền Viking ở bảo tàng Viking
Một góc phố
Ẩn dưới lướp tuyết dày là những dòng sông băng
Hai vách đá băng phủ trắng xoá, màn nước ầm ầm đổ xuống hẻm núi, cuốn theo cả những tảng băng lớn quăng xuống dưới vực…
Một giếng nước nóng phun trào
Cứ khoảng 5 đến 10′ thì một cột nước lại bắn vọt ra khỏi miệng giếng
Du khách thiên nhiên tắm trong hồ nước dưới tiết trời lạnh giá ở Bắc cực
Cặp đôi trao nhau nụ hôn giữa chốn bồng lai trước ngày Lễ tình nhân 14/2
Bên hồ nước lạ kỳ
Những du khách thả bộ đi chiêm ngưỡng cảnh tiên
Mãn nhãn với hiện tượng thiên nhiên tuyệt diệu
Công viên quốc gia Thingvellir. Ngay tại nơi này, một đường nứt từ vết đứt gãy do sự trôi dạt giữa hai mảng lục địa Bắc Mỹ và Á – Âu, còn tồn tại, từ hàng triệu triệu năm. Đó được xem là nơi độc đáo nhất trên thế giới. Vết nứt dài 7km, mỗi năm lại mở rộng ra khoảng 2cm.
Theo baogiaothong.vn
Iceland Sự cộng hưởng của nước và lửa
Trước khi đến Iceland, tôi có những y niệm rất mơ hồ về nước và lửa. Tôi cứ nghĩ, nước hiền hòa, làm cho lúa lên đòng, cho cây cối nở bông, cho lá hoa căng mọng. Và tôi cũng nghĩ, lửa hủy diệt, thiêu cháy đất đai, hun trụi núi đồi. Cho tới một ngày, tôi đặt chân đến Iceland...
Quốc đảo Iceland tương đối neo người thuộc vùng biển xa xôi phía Bắc Đại Tây Dương. Núi lửa sục sôi chực tuôn trào, sông băng vĩnh cửu, mây vờn muôn hình vạn trạng và gió giật điên cuồng, không ngừng tôi luyện mảnh đất này thành những cảnh quan siêu thực. Iceland hẳn là nơi mà ta có thể tìm thấy thiên nhiên trong phiên bản nguyên thủy nhất: Thuần khiết, đầy đe dọa nhưng cũng có lúc êm đềm và dịu lắng. Nước, lửa và gió - sức mạnh của các yếu tố thiên nhiên làm nên sức mạnh Iceland, đẩy những xúc cảm con người đến đỉnh điểm. Những thái cực tưởng như không thể tồn tại song song nhưng lại cùng hiện hữu trên đất nước nhỏ bé này thực sự quyến rũ tôi.
Hồ sông băng Jkulsárlón có diện tích lớn nhất.
NƯỚC
Ở Iceland, nước không chỉ có một sắc thái. Nước ở Iceland là băng. Phải rồi, cái tên Iceland có nghĩa là Băng Đảo. Ngay cả giữa mùa Hè, một phần không nhỏ diện tích đất nước này vẫn được phủ một lớp băng dày. Vatnajkull, vùng đất giá lạnh nhất Iceland, là một chỏm băng khổng lồ, lớn nhất châu Âu. Vatnajkull rộng hơn 8.000km2 và độ dày trung bình 400m, có nơi lên tới 1.000m. Đây là thế giới bất tận của băng vĩnh cửu và cũng là thiên đường của những người thích phiêu lưu, từ trekking trên sông cho đến thám hiểm các động băng.
So với đi bộ trên núi đá bình thường, trekking trên sông băng cần nhiều thiết bị an toàn hơn và sức khỏe tốt hơn một chút. Tuy vậy, mọi nỗ lực đều được đền đáp khi tôi bắt đầu lên cao dần, bốn bề không còn gì khác ngoài một bức tranh đơn sắc tuyệt mỹ của băng tuyết. Băng kêu răng rắc dưới chân khi tôi chuyền từ mỏm băng này sang mỏm băng khác. Bên dưới là những vết nứt sâu hoắm, ánh lên màu xanh trong veo như ngọc quy, đầy mê hoặc. Phần rìa chỏm băng Vatnajkull chia nhánh thành vô vàn sông băng lớn nhỏ. Hầu hết các sông băng này đều kết thúc ở một hồ sông băng. Trong số đó, Jkulsárlón có diện tích lớn nhất. Thảnh thơi tản bộ dọc theo bờ hồ, tôi ngắm nhìn không biết chán những tảng băng trôi được đẽo gọt bởi gió và ánh sáng. Những lúc may mắn, tôi bắt gặp những chú hải cẩu nằm phơi nắng, hưởng thụ cuộc sống bình yên và an nhàn. Thi thoảng, mặt nước đang không một gợn sóng bỗng vang lên tiếng gầm dữ dội khi những khối băng tách ra từ sông rồi trút mình xuống hồ.
Bông hồng bằng ngọc của Bruarfoss.
Nước ở Iceland là mưa. Những ngày đầu tôi đến trời Reykjavik không có lấy một vạt nắng. Reykjavik là thủ đô Iceland, không lớn so với thủ đô các nước châu Âu khác. Tuy vậy, đây vẫn là thành phố lớn nhất Iceland với hơn 60% dân số cả nước - hơn 200 nghìn người. Gió biển đưa đẩy những đám mây màu ghi xám qua lại trên đầu làm mưa bay bay, lúc như mưa phùn mùa Xuân, lúc nặng hạt như giữa cơn giông mùa Hạ. Nghĩ đến Reykjavik dưới mưa, tôi thường mường tượng thấy khu bến cảng cũ vắng lặng, mặn nồng mùi cá biển. Từ đây, tôi thích nhìn những con thuyền nhỏ dập dìu, sóng gợn vỗ về hai ngọn hải đăng cũng màu vàng rực ở hai đầu bến cảng. Tôi nhớ buổi sáng tựa cằm ngắm mưa rơi bên bậu cửa sổ quán bar ở tầng 2 của Kex Hostel, ngày xưa từng là xưởng làm bánh quy, nay là nơi dân ba lô tụ tập. Và tôi chắc chắn không thể quên những cơn gió đại dương lạnh teo, ẩm ướt, cuốn hương Thu khắc khoải vào một chiều Hè mênh mang. Vì thế, Reykjavik trong mắt tôi êm đềm và nhẹ nhàng chứ không tấp nập, làm tôi liên tưởng đến một cô gái âu sầu, ngồi lặng lẽ nhìn ra biển.
Háifoss cao 122m là một trong những thác nước đẹp nhất Iceland.
Nước ở Iceland là thác. Ai từng đến Iceland cũng biết, thác là một trong những "đặc sản" của đất nước này. Mùa Hè cũng là lúc băng tan. Những dòng sông ngầm dưới băng dồn nước xuống những vùng trũng hơn, hòa cùng dòng chảy của những cơn mưa xối xả, tạo thành những dòng thác muôn hình muôn vẻ. Gullfoss, nằm trên cung đường Golden Circle, hoành tráng và mãnh liệt. Háifoss tao nhã thả mình từ độ cao 122m. Bruarfoss bí ẩn với xoáy nước mở ra như một bông hồng bằng ngọc. Seljalandsfoss nơi người ta có thể ngắm hoàng hôn huyền diệu từ phía sau làn nước mỏng. Svartifoss nằm giữa vườn quốc gia Skaftafell với cấu trúc cột đá độc nhất vô nhị. Godafoss sang trọng và đằm thắm như một quy bà. Nước ở Iceland là đại dương. Tại đây, ta được ngắm thế giới của những loài chim biển vùng cực Bắc đương đầu với gió mạnh, làm tổ trên vách đá thẳng đứng, ngắm những ngọn sóng lớn đổ ập vào bức tường và bào mòn chúng thành những bờ cát đen dài.
Thiên đường của những người thích phiêu lưu, từ trekking trên sông cho đến thám hiểm các động băng.
Khác với những mảng màu quen thuộc trên những hòn đảo nghỉ mát vùng Địa Trung Hải, nước biển Iceland có một màu xanh sâu thẳm, lạnh lẽo và bí ẩn lạ kỳ. Tôi không thể quên khoảnh khắc đối mặt với khoảng xám xanh vô tận của Đại Tây Dương ở một nơi nào đó trên bán đảo Snfellsnes. Gió dữ dội và sóng cũng dữ dội. Chim bay nháo nhác và ồn ào. Ngồi đó thật lâu, bằng tất cả sự bình yên trong tâm tưởng, tôi lặng lẽ ngắm nhìn sức mạnh của đại dương bao la và nhận ra mình nhỏ bé đến thế nào trên thước đo của vũ trụ.
Ngắm hoàng hôn từ phía sau thác Seljalandsfoss
LỬA
Dù giá lạnh trên bề mặt, nhưng trong lòng Iceland lại rạn lửa. Tấm áo choàng băng giá của các sông băng ấp ủ những miệng núi lửa khổng lồ vẫn còn sôi sục dưới lớp băng dày, dần tích lũy nguồn năng lượng của lòng đất, chờ đến lúc được phun trào. Trên những chặng đường trong vùng cao nguyêntrung tâm, không ít lần xe tôi lăn bánh dưới bóng đỉnh núi Hekla sừng sững. Đây là ngọn núi lửa nổi tiếng và hoạt động mạnh nhất Iceland. Trong nhiều thế kỷ, Hekla đã nhiều lần nổi cơn thịnh nộ, đến mức trong thời Trung cổ, người Iceland coi đây là cổng vào địa ngục. Những năm trở lại đây, cứ theo chu kỳ mười năm, Hekla lại thức dậy một lần, gần đây nhất là năm 2000. Thiên nhiên khắc nhiệt tạo ra những con người can đảm. Những cảm xúc mạnh tạo nên những tâm hồn nghệ sĩ. Nhờ đó những saga, những bản anh hùng ca Iceland hoành tráng được ra đời.
Cừu ở Iceland béo tròn và tự do tự tại.
Tiếp tục hành trình về phía Bắc, tôi đến Krafla và Hevrir, vùng địa nhiệt quanh hồ Myvatn. Phong cảnh trong vùng được tạo ra bởi núi lửa dưới mọi hình thức, màu sắc và mùi vị. Càng tiến gần đến Myvatn, mùi lưu huỳnh càng đánh thức mọi giác quan. Không khó để nhận ra những chảo bùn sôi sục, những cánh đồng mắc ma còn nóng hổi, những lỗ phun khí lưu huỳnh đóng cặn màu vàng chanh, và những miệng núi lửa chưa kịp nguội. Mỗi bước chân đi trên mảnh đất này tôi đều được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp không thể chối cãi, vừa huyền bí, vừa bi thương. Giữa không gian chết chóc, người Iceland đã xây dựng nên nhà máy điện nhiệt lớn nhất của họ. Họ đã biến điểm yếu thành lợi thế, biến cái không thể thành có thể. Và từ đó, sự sống được duy trì bằng chính sức mạnh của sự hủy diệt.
CỘNG HƯỞNG
Trong tiếng Iceland có từ jkulhlaup có nghĩa là "lũ băng", một thảm họa thiên tai kinh hoàng mà chắc hẳn nhiều người Iceland còn nhớ. Một jkulhlaup được tạo ra khi núi lửa bắt đầu phun trào dưới mặt băng vĩnh cửu, làm lớp băng tan từ dưới lên. Một lượng nước lớn được hình thành, nhấc bổng cả tầng băng dày, cuốn phăng mọi thứ trên đường tìm ra biển. Jkulhlaup gần đây nhất của Iceland năm 1996 bởi núi lửa Grímsvtn dưới chỏm băng Vatnajkull đã tạo nên một dòng sông rộng 9km, quét theo một phần đường quốc lộ 1 và nhiều cây cầu lớn. Giao thông đứt đoạn, mùa màng bị tàn phá. Băng giá có thể lạnh lùng, núi lửa có thể bạo liệt, nhưng khi lửa và băng gặp nhau ở Iceland, nơi ấy có thể là địa ngục.
Trang trại Glaumbaer ở miền Nam Iceland.
Tuy vậy, nếu có một nơi mà sự kết hợp của nước và lửa tạo thành thiên đường thì cũng chỉ có ở Iceland, trên cao nguyên Landmannalaugar. Đây là điểm đầu của đường trek nổi tiếng nhất Iceland, Laugavegur, dài 55km, nối Landmannalaugar với órsmrk (thung lũng của Thor). Phong cảnh của những bình nguyên và núi non quanh Landmannalaugar nhuốm đẫm những tông màu siêu thực. Xanh lá của lớp cỏ mềm; đen óng, lấp lánh của các khối than đá khổng lồ trên cánh đồng nham thạch; xanh dương thăm thẳm của bầu trời; trắng tinh của tuyết còn đọng trên sườn núi phía Bắc; vàng chanh của miệng núi lửa còn nghi ngút hơi lưu huỳnh. Tất cả tạo nên một bức tranh màu neon sống động không dễ tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.
Những sắc màu trong mơ của Landmannalaugar.
Dù là mùa Hè, vùng cao nguyên Iceland vẫn rất lạnh. Ban ngày hiếm khi cán mốc 10C và ban đêm nhiệt độ xuống tới gần 0. Ở đây, không có gì thú vị hơn được dốc hết sức lực trên những đoạn đường trek men theo các sườn núi chứa đựng đầy những bất ngờ. Và tối đến, được đắm mình trong hồ nước khoáng tự nhiên nóng rực dưới ráng hồng huyền ảo của một đêm trắng đầu Hè. Mặt trời lúc nửa đêm sưởi ấm bề mặt những đỉnh núi lửa bao quanh khu trại, làm chúng ánh lên rực rỡ. Dưới nước, những sợi rong mềm mại ve vuốt bắp chân. Trên bề mặt, làn hơi nước bốc lên những ảo ảnh mơ màng. Tôi ngỡ mình đang lạc vào cõi thần tiên. Kỳ diệu biết bao!
Hai chú cừu dạo chơi ở đoạn vực biển phía Đông Iceland.
ĐƯỜNG ĐẾN ICELAND
Iceland thuộc khối Schengen. Vì vậy bằng visa của một quốc gia châu Âu thuộc khối Schengen khác, bạn có thể dễ dàng đến Iceland.
Từ Việt Nam đi Iceland chưa có chuyến bay thẳng, cần quá cảnh qua một nước thứ ba, ví dụ như Pháp, Đức, Ý, đến thủ đô Reykjavik.
Iceland có hệ thống bus nối giữa các điểm tham quan nổi tiếng và nhiều dịch vụ tour cho khách du lịch. Tuy vậy, nếu có điều kiện, khám phá Iceland bằng xe riêng sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian và đến được nhiều nơi hơn.
Vùng trung tâm Iceland không có đường nhựa nối với thế giới bên ngoài. Do điều kiện thời tiết, các đường dành cho xe 44 (đường F) đóng cửa từ tháng 9 hàng năm đến tháng 6 năm sau.
Theo elle.vn
17 bức ảnh tuyệt vời chưa qua photoshop Thế giới của chúng ta luôn ẩn chứa những điều thật tuyệt vời. Những bức ảnh hoàn toàn tự nhiên chưa qua chỉnh sửa dưới đây sẽ chứng minh điều đó. 1. Một bờ biển với những vệt sóng kỳ lạ ở Anh Nguồn: Bright Side 2. Mùa thu đã đến nhưng chỉ thay đổi cảnh sắc một nửa khu rừng Nguồn: Bright...