Kỹ sư điện tử viễn thông tái chế jeans để trả nợ cuộc đời
Ngân thương mại hóa sản phẩm của mình cũng theo một cách rất khác: Chỉ nhận quần, áo cũ không mặc đến và chỉ tính tiền công tái chế.
Tám năm bền bỉ mang đến cho món đồ jeans bị bỏ đi một “kiếp sống” khác nhưng hai năm nay chị Bùi Thị Kim Ngân mới thương mại hóa sản phẩm của mình. “Khởi nghiệp từ rác”, “kiếm tiền từ rác thải”…những cụm từ xa lạ đó chưa bao giờ có mặt trong đời sống tái chế đồ jeans của chị. Chị nghĩ đơn giản: Cần phải hành động, dù là việc nhỏ nhất thì mới có thể nói đến chuyện bảo vệ môi trường, trái đất.
Chị Ngân đến với công việc tái chế đồ jeans cũ từ khi đứng giữa lằn ranh sinh tử
Từ phận người nghĩ về đời rác
“Xưởng” tái chế jeans – Renew Jeans của chị Bùi Thị Kim Ngân là một phòng trên tầng ba ngôi nhà gia đình chị đang sinh sống tại TP.Hà Nội. Hai máy may phục vụ chị Ngân và thợ. Một kệ bày những sản phẩm từ ba-lô, túi, ví đến bông tai – tất cả đều được làm từ nguyên liệu chính là đồ jeans bỏ đi. Hai kệ chất kín quần, áo jeans cũ do khách gửi đến nhờ tái chế theo yêu cầu. Khi nghe nhắc về việc ngành thời trang đã trút rất nhiều hóa chất ô nhiễm xuống đất, nước, sông ngòi; chị Ngân đã nói ngay: “Chất thải từ dệt may, thời trang là nguồn ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới”.
Trước Ngân và cùng giai đoạn làm đồ handmade với Ngân đã có không ít người chọn tái chế “rác”. Thế nhưng điều gì đã khiến một kỹ sư điện tử viễn thông rẽ ngang lối như chị? Lạ hơn, là suốt sáu năm chị bỏ công làm mới những món jeans bỏ đi chỉ để tặng người khác? Chị trả lời: “Tôi muốn những nhận thức của mình trở thành hành động, dù nhỏ bé thôi nhưng cũng thiết thực góp phần bảo vệ môi trường. Song đúng là câu chuyện làm mới jeans với tôi còn xuất phát từ hoàn cảnh cá nhân”.
Lặng im một lúc khá lâu, giọng chị Ngân như nghẹn lại: “Chín năm trước tôi bị xuất huyết tiểu cầu, đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ đều không tìm được nguyên nhân. Tôi đã sống cùng chứng bệnh không rõ do đâu ấy đến tận bây giờ”. Ngày đó, hầu như sáng nào tỉnh dậy chị cũng thấy có vết máu trên gối, những trận chảy máu cam thì kéo dài hàng giờ đồng hồ. Chị nhập viện, trong người chỉ còn 8.000 tiểu cầu; trong khi số tiểu cầu ở người bình thường là 150.000 – 450.000.
Chị chưa bao giờ quên cái ngày vào phòng chọc tủy, chị đã suýt ngất khi nhìn thấy cây kim to dài. Một tuần nằm viện, chị Ngân tăng 5kg cùng chứng trầm cảm mất ngủ triền miên do tác dụng phụ của thuốc. “Đêm nào tôi cũng khóc, thậm chí còn nghĩ đến cái chết nhưng gia đình đã kéo tôi lại”.
Mẫu túi này, chị Ngân đã mất nhiều lần, nhiều năm chỉnh sửa lại sao cho có tính thẩm mỹ nhất
Từng tuyệt vọng là vậy nhưng đó chưa phải là những ngày cam go nhất của chị Ngân cũng như của gia đình. Đầu năm 2013, chị lại nhập viện vì xuất huyết ổ bụng. Bác sĩ nói trong bụng chị có đến cả lít máu. Chính những ngày đó, chị nghĩ nhiều về ý nghĩa của cuộc sống. Kiếp người hữu hạn, một năm nữa, mà có khi chỉ một tháng nữa nếu chị không qua khỏi – bất ngờ như cái cách căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn tìm đến cuộc đời chị; thì sau đôi năm nữa, có ai – kể cả người yêu sau mấy lần chị đòi chia tay vẫn ở bên cạnh chị, còn nhớ đến chị không? Đó cũng là những ngày dự án tái chế đồ cũ hình thành trong tâm trí chị. Chị nghĩ đến sự quay vòng của thời trang, nghĩ đến những chiếc quần, áo jeans lỗi mốt sau vài năm “làm mưa làm gió”…
Sức khỏe kém, những chuyến du lịch cùng cơ quan chỉ là giấc mơ. Chị nghĩ: Mình sẽ làm túi, làm ba-lô từ quần, áo jeans cũ, bỏ đi; để những chiếc túi và ba-lô ấy sẽ đi du lịch khắp nơi, thay mình. Thế là chị bắt đầu.
Thay đổi hành vi tiêu dùng quan trọng hơn tái chế
Video đang HOT
Tôi luôn nghĩ, những món đồ mà Ngân tái chế suốt những năm qua ít nhiều gắn với cuộc đời và giá trị mà chị nhận ra trong những ngày ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.
Lúc đầu, Ngân làm túi từ quần jeans cũ của mình, cho chính mình. Sau đó, chị “kêu gọi” bạn bè, chị em gần xa, ai có quần áo jeans cũ không mặc đến thì mang đổi – năm chiếc quần, áo cũ lấy một cái túi jeans. Người ta mang đồ đến, chị lại mất công lựa, những chiếc lành lặn, còn mặc được, chị gửi đi làm từ thiện. Chỉ những chiếc đã quá cũ chị mới sử dụng vào việc làm túi, ví… Bấy giờ, Ngân đang là nhân viên của một công ty, tranh thủ buổi tối cặm cụi làm đồ handmade. Không ai hiểu chị xót xa cho số phận của những cái áo, chiếc quần jeans cũng như gánh nặng rác thải mà trái đất đang oằn mình gánh chịu. Thương những món đồ còn tốt đã bị loại bỏ ấy như thương chính cuộc sống của mình, chị đã để ngoài tai những lời mỉa mai, tiếp tục mang lại cho jeans những đời sống mới. Dần dà, thấy đồ đẹp, tiện dụng, lại ý nghĩa; bạn bè, người quen liên tục nhờ Ngân “biến hóa” quần, áo jeans không mặc đến của mình.
Tái chế dù hữu ích nhưng chỉ là bước đường cùng. Quan trọng nhất vẫn là con người cần thay đổi hành vi tiêu dùng – mua sắm theo sở thích thay vì theo nhu cầu
Ngân thương mại hóa sản phẩm của mình cũng theo một cách rất khác: Chỉ nhận quần, áo cũ không mặc đến và chỉ tính tiền công tái chế. Giơ chiếc áo jeans hiệu rất cũ đã được cắt phần lưng, rồi lại cầm trên tay chiếc túi xách xinh xẻo, chị Ngân cười: “Nhìn túi, bạn có nghĩ nó được làm từ cái áo cũ sờn thế này không? Hay cái ba-lô xanh sáng kia chính là từ cái chân váy jeans đấy”.
Trên bàn máy may, cái túi chéo với túi quần jeans đặc trưng được giữ lại làm một ngăn đựng đồ. Vết cào rách cùng vết dính thuốc tẩy lại trở thành điểm nhấn của túi. Có mẫu, cạp quần cùng đai đỉa, cúc, túi lớn, túi nhỏ phía trước của quần jeans chính là “mặt tiền”… Khách vừa bất ngờ trước diện mạo mới của sản phẩm tái chế, vừa thấy thân quen khi nhìn vào những điểm nhấn đó.
Ban đầu, nhìn những sản phẩm được Ngân biến hóa từ quần áo cũ, tôi đã nghĩ chị học chuyên ngành thời trang hay chí ít cũng là công việc nào đó liên quan đến may mặc. Nhưng không, chuyên ngành của chị là điện tử viễn thông và chị từng học chuyên toán. Những gì liên quan đến công việc đã gắn bó suốt tám năm qua, đều là chị tự học. Lý do thật đơn giản: “Tôi muốn tái chế triệt để, từ cái đai quần đến cụm khóa kéo. Cái áo lúc nãy đã cắt phần lưng, vẫn còn sử dụng được rất nhiều bộ phận nữa”.
Trong rất nhiều chiếc túi tote ra đời từ tay Ngân, không ít cặp cùng “tái sinh” từ một chiếc quần. Hay có những chiếc túi được ráp lại từ nhiều miếng vải jeans với màu sắc khác nhau, đúng “tôn chỉ” tận dụng triệt để. Thậm chí có những chiếc, Ngân còn tỉ mẩn ngồi cắt, tháo chỉ ở phần gấu để “khoe” khéo phần không bị bạc màu trên món đồ được chị trao cho đời sống mới. Bất giác Ngân bảo: “Tái chế giúp hạn chế rác thải. Nhưng, như bạn thấy, tôi vẫn phải dùng nhựa dẻo để định hình cho sản phẩm, vẫn phải dùng chỉ để may. Điều quan trọng nhất là con người cần thay đổi hành vi tiêu dùng – mua sắm quá nhiều theo sở thích chứ không phải theo nhu cầu. Tôi tin, mỗi người thay đổi một hành vi, góp một hành động nhỏ thôi là môi trường – sự sống của chính chúng ta cũng sẽ thay đổi tích cực”.
Người đàn ông xé quần jeans độc lạ ở Sài Gòn và kỷ niệm với chiếc áo 35 triệu đồng
Nghề xé quần jeans không chỉ giúp ông Viễn có thu nhập mà còn giúp ông sống một cuộc đời thú vị, được sáng tạo và sống với đam mê.
Cứ đến 3 giờ chiều, ông Trương Tấn Viễn, 57 tuổi, lại chạy chiếc xe máy cũ từ nhà ở quận Bình Tân đến góc đường Hồ Xuân Hương (quận 3). Với một cây dao rọc giấy, một chiếc ghế nhỏ và tầm chục chiếc quần jeans đã xé sẵn treo trên bờ tường, ông Viễn bắt đầu công việc quen thuộc 30 năm nay của mình.
Ông Trương Tấn Viễn ngồi cặm cụi xé quần jeans ở góc phố đường Hồ Xuân Hương (quận 3). Ảnh: Kim Vân
Xé chiếc áo đặc biệt 35 triệu đồng
Tôi đến gặp ông Viễn vào buổi chiều cuối tháng tư. Ông không biết mình trở nên nổi tiếng, chỉ biết cách đây một thời gian có nhiều phóng viên, báo đài tìm đến hỏi chuyện.
Người đàn ông tóc bạc muối tiêu cho hay, trước đây ông là họa sĩ vẽ ảnh chân dung, biển hiệu quảng cáo..., tuy nhiên thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên phải kiếm nghề phụ để có thu nhập thêm.
30 năm trước, ông Viễn thấy trên đường Hồ Xuân Hương bán đồ jeans nhiều nên ông kinh doanh quần jeans để kiếm thêm thu nhập. Một ngày lấy đồ ra bán, tự nhiên trong đầu ông Viễn nhớ đến ngày xưa xem băng đĩa các ban nhạc quốc tế, các ca sĩ hay mặc những chiếc quần jeans xé rách rất là ấn tượng, từ đó ông mới nảy sinh ra ý nghĩ xé thử quần jeans mình đang kinh doanh sao cho mới lạ. Ai ngờ một số người thích thú, ông Viễn trở nên đắt hàng và là động lực để ông gắn bó với nghề xé đồ jeans đến ngày hôm nay.
Ông Viễn vốn là họa sĩ nên khi sang nghề xé quần jeans có nhiều lợi thế. "Mình có mỹ thuật rồi, giờ có thêm kỹ thuật là ok", ông Viễn cho hay. Ảnh: Kim Vân
Theo ông Viễn, ông tự thấy ông làm nghề "xé" đồ jeans như là hội họa, thay vì người họa sĩ dùng cọ tô màu lên tranh thì ông Viễn xài dao xé dọc ngang đồ jeans để tạo nên hình.
Cũng theo ông Viễn, ông không theo bất kỳ trường lớp nào dạy, làm lâu ngày nên có kinh nghiệm, từ từ tích lũy và cải cách kỹ thuật.
Thành thạo xé quần jeans nhưng ngón tay ông Viễn không tránh khỏi việc thường xuyên bị chảy máu và xước do dao lia vào khi làm việc. Ảnh: Kim Vân
30 năm gắn bó với nghề xé đồ jeans, ông Viễn không nhớ nổi mình đã xé bao nhiêu sản phẩm, gặp bao nhiêu khách hàng. Thế nên nhiều khách hàng mười mấy năm quay lại nhắc ông, ông mới nhớ ra "ờ, đúng rồi".
Tuy nhiên, trong số hàng ngàn khách hàng đã từng qua "tiệm" của ông, gồm có cả những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng với những sản phẩm có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng, ông đặc biệt ấn tượng với khách hàng là vận động viên Nguyễn Tiểu Phương. Mới đây, chị có đem chiếc áo jeans độc đáo trị giá 35 triệu đồng (một trong hai chiếc hiện có ở Việt Nam) ra nhờ ông xé. Khi nhận được sản phẩm từ ông Viễn, chị Phương rất thích thú.
"Từ trước đến giờ tôi rất thích những chiếc quần áo tạo ra những vết cắt, kiểu bùi bụi, phủi phủi. Trước tôi toàn tự làm ở nhà, nay biết chú Viễn có làm công việc này nên tôi mang ra chú làm cho đẹp hơn", chị Phương vui vẻ cho hay.
Chị Phương hài lòng với chiếc áo jeans được ông Viễn xé. Ảnh: nhân vật cung cấp
Chỉ cần có đam mê
Không chỉ nhờ ông Viễn tạo kiểu, nhiều khách hàng tìm đến ông Viễn để tâm sự, nói chuyện và bàn về... thời trang. Ông Viễn vui vẻ tiếp chuyện họ và không đặt nặng việc kiếm tiền. Bởi lẽ hai con ông đã lớn và trưởng thành, ông không phải vất vả mưu sinh cho con ăn học như thời gian trước.
Ngoài thời gian buổi chiều ở "tiệm" Hồ Xuân Hương, ông Viễn tranh thủ buổi sáng và tối ở nhà gia công và tái chế những chiếc túi jeans từ quần áo cũ. Mỗi sản phẩm có giá từ 200.000 - 300.000 đồng. Ảnh: nhân vật cung cấp
Theo ông Viễn, hiện nay nếu ai đam mê, làm nghề xé đồ jeans sẽ có thu nhập ổn định. Bởi lẽ, hơn 20 năm trở về trước, thời điểm ông Viễn mới làm thì ít người công nhận sản phẩm ông xé là sản phẩm thời trang. Bây giờ những thương hiệu thời trang nước ngoài lớn đưa các sản phẩm quần jeans xé sẵn ra thị trường, mọi người trở nên yêu chuộng. Và những chiếc quần jeans được xé thủ công truyền thống của ông Viễn rõ ràng có lợi thế hơn là xé công nghiệp.
Nghề xé quần jeans cũng là bộ môn nghệ thuật, đòi hỏi sự sáng tạo, thẩm mỹ. Ảnh: Kim Vân
Đa số khách hàng sau khi nhận sản phẩm từ ông Viễn đều hài lòng bởi trong đó có ý tưởng của họ, ông Viễn là người hiện thực nó. Nhiều sản phẩm đã cũ, sờn khi qua tay ông Viễn "phù phép", khách bất ngờ bởi nó mang một diện mạo mới, một hình thể mới.
"Trời ơi, sao mà đẹp thế chú. Thích quá" là câu thường xuyên của khách hàng nói và nó khiến ông Viễn vui và có thêm động lực sáng tạo, gắn bó với nghề.
Chiếc quần jeans được ông Viễn xé bao gồm hình một xe đạp và 11 chữ cái, ông lấy khách 280.000 đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Với mỗi mảng xé (lỗ xé), ông Viễn tính giá 20.000 đồng. Không chỉ tạo kiểu trên quần jeans, ông Viễn còn tạo kiểu trên áo, túi và giày. Ngoài ra, ông còn nhận tái chế quần, áo, mũ jeans cũ thành túi xách. Những chiếc túi độc lạ được bán với giá 250.000-300.000 đồng.
Được biết, ở Sài Gòn hiện tại không có ai làm nghề giống ông Viễn. Ông được xem là người duy nhất tại Sài Gòn mưu sinh bằng công việc độc đáo này.
Ông Viễn bên "tiệm" cùng các sản phẩm được ông thực hiện. Ảnh: Kim Vân
Những khách hàng tìm đến "tiệm" của ông Viễn để tạo kiểu quần áo xé đa số là những người có gu thời trang mạnh mẽ, cá tính, yêu tính tỉ mỉ và lối sống tự do.
"Nhiều người ngạc nhiên lắm tại sao lại có cái nghề xé đồ jeans. Tôi cũng chưa có dạy ai nghề này bởi hiện tại chưa có ai đến xin học cả. Nếu ai đam mê, có nhu cầu, tôi sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật và dạy lại. Tôi muốn nhiều người làm để mình chia sẻ được nghề lại. Nghề này tôi thấy cũng dễ và đơn giản, nó đâu đòi hỏi mình có dụng cụ và đầu tư gì nhiều đâu. Chỉ cần có đam mê thôi...", ông Viễn chân thành nói.
4 màu sắc giúp cô nàng công sở nổi bật và trẻ trung Thay vì chỉ mãi quanh quẩn trong những gam màu cơ bản như đen, trắng, xám..., hội gái Hàn khuyên các nàng công sở có thể bổ sung thêm 4 gam màu sau vào tủ đồ vì đây cũng là 4 gam màu dễ mặc, hợp với nhiều style và môi trường công sở khác biệt. Ngoài ra 4 màu sắc này còn...