Kỹ sư điện đi… trồng nấm, nuôi dế, sở hữu 32 loài nấm quý hiếm
Có trong tay tấm bằng kỹ sư điện, nhưng anh Ngô Xuân Điền (phường Trà An, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) lại đam mê làm trang trại. Sau rất nhiều nỗ lực anh đã thành công với chuỗi trang trại nhỏ, với những sản phẩm “độc”, lạ như 32 loại nấm quý hiếm, đông trùng hạ thảo, gà đông tảo, dế…
Đam mê không sợ khổ
Năm 2014, anh Điền tốt nghiệp đại học và xin vào làm tại UBND phường Trà An. Có thời gian rảnh rỗi, anh lại mày mò tìm hiểu về mô hình nông nghiệp tốn ít diện tích đất và khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm linh chi. Là “tay mơ”, chưa có kiến thức gì về loại nấm này nên thời gian đầu anh liên tiếp gặp khó khăn. “Kiến thức trồng nấm của tôi hầu như là con số không nên ban đầu tôi phải đến những nơi làm nấm chuyên nghiệp tại các khu vực lân cận, lên cả Đồng Nai để tham quan, học hỏi. Mình đến gõ cửa người ta, nhưng ai cũng ngại dạy bí quyết cho người lạ, sợ bị cạnh tranh, vì vậy tôi phải tự mày mò tìm hiểu trên internet và qua sách vở” – anh Điền kể.
Vừa làm vừa học nên nấm anh Điền trồng chậm phát triển, tỷ lệ hao hụt cao. Thậm chí anh Điền đã phải nhận “trái đắng” sau 2 vụ trồng khi thiệt hại tới gần 100 triệu đồng. Dù rất “xót của” nhưng anh vẫn không nản lòng bởi anh tin vào hướng đi của mình và coi đó là bài học kinh nghiệm. Để làm lại, bên cạnh việc trồng nấm linh chi, anh trồng thêm nấm rơm. Anh Điền cho biết: “Nấm rơm dễ trồng, nhanh thu hoạch nên tôi đã xem đó là cách để “lấy ngắn nuôi dài”, tạo nguồn vốn đầu tư cho các loại nấm dược liệu. Nấm rơm làm ra, tôi phải đi bán nhỏ lẻ cho các chợ. Khó nhưng tôi vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng”.
Trang trại nấm linh chi của anh Điền. Ảnh: Huỳnh Xây
Sau thời gian dài mày mò, cuối năm 2015, anh đã thành công với mô hình trồng nấm linh chi. Dịp Tết Nguyên đán 2016, sản phẩm của anh đã được bán ra thị trường, thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Cũng trong thời gian nghiên cứu trồng nấm linh chi, anh còn nuôi gà Đông Tảo, làm rượu nấm, chậu linh chi kiểng.
Khi hỏi tại sao lại chọn làm những mô hình còn ít người quan tâm, anh Điền nói: “Ở thành phố có ít đất nên mình phải nghiên cứu, tìm tòi để phát triển những mô hình không cần nhiều đất nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, đó phải là những sản phẩm nông nghiệp sạch và ít đụng hàng mới dễ bán. Mình làm vì đam mê nên không sợ cực khổ, lại càng không sợ thất bại”.
Theo anh Điền, các sản phẩm của anh được sản xuất tỉ mỉ trong từng khâu, từ nguồn nước cho đến nguyên liệu, thức ăn đều được kiểm tra gắt gao, đảm bảo sạch và an toàn, đảm bảo chất lượng.
Video đang HOT
Mở hướng cho nông nghiệp đô thị
Mỗi ngày, anh Điền bán được hàng chục kg nấm các loại, sau khi trừ chi phí anh thu lãi khoảng 400 triệu đồng/năm. Anh Điền cho biết vài tháng tới đây, anh sẽ công bố, giới thiệu 2 loại nấm mới được anh nghiên cứu, sản xuất thành công trong phòng thí nghiệm. Đó là nấm hoàng đế (một giống nấm mới có trọng lượng lớn, có thể đạt hàng chục kg/chùm nấm) và nấm mối – loài nấm vốn chỉ mọc trong tự nhiên vào mùa mưa.
Ngoài trang trại nấm linh chi, anh Điền còn đầu tư trại nuôi bồ câu với diện tích khoảng 60m2, trại nuôi gà Đông Tảo khoảng 50m2 và khu vực nuôi dế khoảng 16m2… Không chỉ thành công với những vật nuôi độc, lạ chàng trai 28 tuổi quê Cần Thơ còn làm rượu nấm, kiểng nấm (nấm bon sai). “Đến nay, tôi đã nghiên cứu thành công 32 loại nấm, trong đó toàn là những nấm “độc”, lạ, có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, trị bệnh. Tôi cũng đang xây dựng nhiều nhà lạnh để tiếp tục nghiên cứu, trồng các loại nấm trên” – anh Điền khoe.
Tham quan các trang trại của anh Điền, chúng tôi nhận thấy nấm linh chi phát triển rất đều, đẹp mắt. Anh Điền cho biết, ngoài thời gian làm việc tại UBND phường, anh đều dành thời gian vào việc nghiên cứu, sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp “độc”, lạ trên.
“Trung bình mỗi trang trại, tôi đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Mỗi nơi đều có người phụ trách riêng, còn tôi chịu trách nhiệm chung và quảng bá, giới thiệu, kinh doanh sản phẩm làm ra. Từ khi đến với nông nghiệp, tôi hầu như không bao giờ ngủ trước 12 giờ đêm” – anh Điền chia sẻ.
Với sức trẻ của mình và với đam mê nông nghiệp sạch, anh Điền mong muốn tạo ra thói quen mới trong sản xuất là không cần nhiều diện tích đất và sản phẩm đến tay người tiêu dùng càng ít khâu trung gian càng tốt. Vì vậy, anh đã tận dụng mạng xã hội Facebook để quảng bá sản phẩm. Để nhiều người có thể tiếp cận được các sản phẩm “độc”, lạ của mình, anh không ngại bán sản phẩm với số lượng ít. Chẳng hạn, nấm linh chi thường có giá hơn 1 triệu đồng/kg nhưng anh chấp nhận cả những đơn hàng chỉ vài trăm gram.
“Nhiều người muốn tiếp cận sản phẩm nhưng không có nhiều tiền, hoặc ngại mua 1 lần với số tiền lớn nên tôi đã chia nhỏ ra bán. Đây cũng là cách tôi tiêu thụ sản phẩm hiệu quả tới mọi đối tượng khách hàng” – anh Điền cho hay.
Anh Điền đã trồng thành công đông trùng hạ thảo. Ảnh: Huỳnh Xây
Đặc biệt, anh Điền còn tổ chức những chuyến tham quan mô hình cho khách hàng, giúp người tiêu dùng có cơ hội tận mắt xem quy trình sản phẩm nấm linh chi – loại dược liệu quý. Mỗi lần như vậy, anh Điền đều được lắng nghe các ý kiến góp ý, phản hồi từ khách hàng. Nhờ cách quảng bá độc đáo như vậy nên sản phẩm của trang trại được tiêu thụ tốt, thậm chí không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng.
Theo Danviet
Khởi nghiệp làm nấm chỉ với... 300.000 đồng
Tốt nghiệp đại học nhưng Nguyễn Thị Linh (25 tuổi, ở thôn Tiên Kha, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh. TP.Hà Nội) quyết định không vất vả đi xin việc mà tự mày mò, học hỏi để lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, tạo việc làm cho bà con trong xã.
Tự tạo việc
Linh chia sẻ: "Nhà em có 6 anh chị em, ở vùng nông thôn nghèo khó. Bố mẹ chỉ mong học giỏi để thoát cảnh nghèo, không phải ăn bám vào gia đình. Tốt nghiệp, em cũng giắt chút tiền chạy đôn chạy đáo xin việc. Trầy trật mãi rồi em cũng xin được vào một công ty gần nhà". Nhưng tính Linh thích độc lập, tự chủ nên đi làm công ty một thời gian, cô cảm thấy mệt mỏi. Do đó, Linh quyết định quay về quê lập nghiệp.
"Ngay từ khi còn là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Điện lực, em đã có "máu" làm kinh tế rồi. Với tấm bằng đẹp em có thể dễ dàng kiếm được một công việc với một mức thu nhập ổn định, nhưng tính của em thích độc lập. Lúc đầu, em định kinh doanh rau sạch, nhưng rồi thấy thị trường rau sạch đã có nhiều người làm nên em quyết định chọn kỹ thuật trồng nấm" - Linh tâm sự.
Nguyễn Thị Linh đang làm việc tại phân xưởng nấm. Ảnh: P.P
Trang trại trồng nấm của Nguyễn Thị Linh vừa giải quyết được công ăn việc làm cho người dân lúc nông nhàn, vừa tận dụng được nguồn vật liệu thừa trong nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa, bông phế phẩm nên rất sạch, có tác dụng bảo vệ môi trường". Ông Đoàn Quang Hoài-Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Dương
Lúc bắt đầu xây dựng kế hoạch, Linh cùng người chị đăng ký một khóa học trồng nấm tại Viện Di truyền Nông nghiệp. Từ những kiến thức sơ đẳng tích lũy được, cộng với những chuyến đi thực tế, học qua sách vở, tivi, đặc biệt tham gia các hội nhóm kinh nghiệm trồng nấm trên mạng xã hội, Linh đã bắt tay vào thử nghiệm với số vốn ban đầu chỉ có 300.000 đồng.
Vụ sau đó, Linh thu lãi 3 triệu đồng. Thấy có lãi, em tiếp tục tăng số vốn lên 600.000 đồng và thu về 6 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ nghề trồng nấm, Linh quyết định mở rộng trang trại.
Quả ngọt
Linh chạy vạy tìm vốn, mượn anh em, bạn bè, gom góp được 300 triệu đồng. Cô đấu thầu thêm khu đất rộng 1.500m2, mua trang thiết bị, giống, thuê nhân công sốt sắng mở trang trại. Song chẳng có khởi đầu nào suôn sẻ. Dù đã dày công nghiên cứu tài liệu, thực hành nhiều năm, nhưng với quy mô trang trại lớn, Linh vẫn chưa bao quát hết được. Không ít lần vấp phải thất bại vì sai sót kỹ thuật, điều kiện thời tiết nhưng cô gái trẻ không nản lòng, vẫn bền chí vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Nguyễn Thị Linh đang làm việc tại phân xưởng nấm. Ảnh: P.P
Bù lại những vất vả, nỗ lực, cho đến nay một cơ ngơi trồng nấm khang trang, bề thế mọc lên ngay giữa đồng quê. Ba loại nấm Linh trồng nhiều là nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò cứ đều đặn "ra lò" mỗi vụ. Giá nấm sò từ 30.000-50.000 đồng/kg, nấm rơm, nấm mỡ từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, những dịp lễ, tết giá nấm tăng cao. Năm ngoái, Linh thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Dự tính, năm nay, trừ các chi phí, thu nhập từ nấm vào khoảng từ 500-600 triệu đồng.
Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, trang trại nấm của Nguyễn Thị Linh còn tạo thêm được công ăn việc làm trong lúc nhàn rỗi cho 10 công nhân với mức thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng. Nguyễn Thị Thùy Linh đã được Huyện ủy Đông Anh tặng bằng khen Thanh niên tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Theo Danviet
Trồng nấm lợi lớn nhờ sáng kiến nhỏ Ông Đỗ Đình Hòa, 54 tuổi, ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận (Tây Sơn, Bình Định) đã có nhiều sáng tạo, giải pháp hiệu quả giúp phát triển nghề trồng nấm của địa phương. Ham học hỏi Gia đình ông Hòa chuyên sản xuất meo giống nấm và bịch phôi nấm các loại. Thời gian đầu, ông gặp khó khăn trong việc...