Kỹ sư bách khoa kiếm nửa tỷ đồng/năm nhờ nuôi con có nọc độc
Tốt nghiệp trường Đại học bách khoa Hà Nội, anh Nguyễn Xuân Phong không đi làm công ty mà rời chốn thành đô về quê nhà, khởi nghiệp với nghề nuôi ong lấy mật ở bản Tà Niết ( xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Mỗi năm anh thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ việc nuôi ong bán mật.
Anh Phong chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi nhận thấy cơ hội phát triển và theo đuổi nghề nghiệp chuyên ngành được đào tạo không nhiều. Cùng thời điểm đó, tôi trăn trở về hướng phát triển kinh tế gia đình – nuôi ong mật. Sau khi tìm hiểu thị trường, để ý thấy nghề này có nhiều tiềm năng, mang lại lợi ích kinh tế cao và ổn định. Sau đó, tôi đã quyết định từ bỏ niềm đam mê và công sức hơn 4 năm ăn học ở Hà Nội, quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề nuôi ong mật ở quê nhà.
Từ 10 đàn ong mật làm vốn ban đầu, anh Phong đã nhân rộng lên 300 đàn để phát triển kinh tế.
Ở nông thôn, ít ai tin một kỹ sư Đại học Bách khoa đã mất hơn 4 năm đèn sách như anh Phong lại quyết định gác bỏ tất cả để trở về quê nhà nuôi ong mật. Bất chấp mọi xì xào của hàng xóm, anh Phong chăm chỉ học nghề nuôi ong từ người cha vốn có thâm niên và nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi ong mật. Nhờ đó, mà anh đã nắm được các quy trình chăm sóc, cũng như cách kiếm ăn của đàn ong mật.
Anh Phong đang kiểm tra quá trình phát triển làm mật của từng đàn ong mật.
Đang sức dài vai rộng, lại thêm sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình, anh Phong không ngừng học hỏi kinh nghiệm ở khắp nơi và lên mạng internet, sách, báo tìm hiểu và trau dồi thêm kiến thức với hy vọng sẽ sớm nhân đôi số đàn ong hiện có của gia đình.
Sau 4 năm kiên trì và cần mẫn chăm sóc, số đàn ong của gia đình anh từ 10 đàn đã tăng lên 300 đàn. Mô hình nuôi ong mật của anh Phong đã nhanh chóng trở thành hướng đi phát triển kinh tế tiêu biểu của xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu. Khi số đàn ong được nhân rộng, anh di chuyển toàn bộ đàn ong lên khu rừng ở gần nhà, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ong lấy mật hoa rừng và thu hút nhiều đàn ong rừng về làm tổ hơn.
Video đang HOT
Để chăm sóc đàn ong mật hiệu quả, anh Phong phải di chuyển đàn lên gần rừng núi, để tiện lợi cho ong kiếm phấn hoa rừng.
Theo anh Phong, nuôi ong mật giống như kiểu du mục, nay đây mai đó. Lúc đến mùa nhãn ở Sông Mã (Sơn La) thì anh mang tất cả đàn về đó, hết mùa nhãn anh lại di chuyển đàn ong xuống các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa để hút mật ở hoa keo. Khi đến mùa đông thì nuôi dưỡng chúng bằng đường với xizo, nước tăng lực và dùng chế phẩm sinh học đựng vào khay nhựa đặt trong thùng, lúc nào ong đói chúng sẽ bay xuống ăn.
Nhờ cách chăm sóc tốt, đàn ong mật của anh Phong phát triển rất đều.
Cũng theo anh Phong, muốn đàn ong mật phát triển khoẻ mạnh, bắt buộc người nuôi phải am hiểu địa lý vùng miền và tập tính của loài ong. Người nuôi phải nắm bắt được mùa nào hoa nở rộ để di chuyển chúng đến nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Thời tiết nắng mưa thất thường cũng là yếu tố quan trọng người nuôi ong cần để ý. Hàng ngày, người nuôi phải chăm sóc đàn ong tỉ mỉ và khoa học với nhiều công đoạn như tạo ong chúa, tách đàn, quản lý đàn ong theo mùa…
“Kể từ khi nắm được kỹ thuật và tập tính của đàn ong, tôi quản lý đàn ong rất dễ dàng. Một tháng tôi thu hoạch khoảng 700 lít mật và luôn đảm bảo đầu ra đều đặn. Thị trường tiêu thụ lớn của gia đình tôi chủ yếu là các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và các thị trường bán lẻ ở miền Bắc. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu nhập dao động từ 450 – 500 triệu đồng từ nghề nuôi ong” – anh Phong cho hay.
Những chai mật ong vàng óng được anh Phong rót vào chai thủy tinh,để chuẩn bị đưa vào miền Trung tiêu thụ.
Anh Phong dự tính thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi đàn ong mật để phát triển kinh tế. Ngoài ra, anh còn tận dụng 2ha đất nương rẫy trồng 600 gốc bơ, 100 gốc xoài để nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Không những làm kinh tế giỏi, anh phong còn năng nổ tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội tại địa phương. Hiện anh đang làm Bí thư chi đoàn bản Tà Niết và được nhiều người quý mến…
Theo Danviet
Liều trồng bưởi da xanh trên đất dốc, cây thấp tè trái đã trĩu cành
Đánh liều trồng bưởi da xanh trên đất dốc, không ngờ cây nào cây nấy trái sai trĩu cả cành khiến bà Văn Thị Loan, bản Tà Niết (xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, Sơn La) rất phấn khởi. Mùa bưởi năm nay, ai đến vườn bưởi da xanh nhà bà Loan cũng khen nức nở với câu hỏi: Tại sao giống bưởi xuất xứ từ miền Nam lại ra trái sai trên đất Sơn La?
Vườn bưởi da xanh của bà Loan có 120 gốc, được bà trồng từ năm 2012 trên 1.600m2 nương rẫy đất dốc. Cây giống được bà mua từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Bà còn đầu tư lắp đặt hệ thống ống dẫn nước từ mó nước cạnh nương về tưới cho bưởi, giúp vườn cây sinh trưởng tốt. Khoảng 3 năm nay vườn bưởi da xanh bắt đầu cho quả bói.
Trước kia trên nương đất dốc, bà Loan trồng hoa hồng, sau đó chuyển sang trồng bưởi da xanh.
Nhờ linh hoạt trong lựa chọn giống và cách chăm sóc tốt, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng bưởi nên vườn bưởi da xanh của bà Loan cho quả đầy cành, chất lượng tốt, được nhiều thương lái đến tận vườn thu mua.
Bà Loan đang kiểm tra quá trình phát triển của bưởi da xanh tại vườn.
Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Loan cho hay: "Hiện tại, trong vườn nhà tôi có 120 gốc bưởi da xanh, đến đầu vụ thu hoạch các thương lái ở Hòa Bình, Hà Nội, TP.Sơn La... đánh xe tải về mua với giá 50.000 đồng/kg, giữa vụ vẫn đạt 45.000 đồng/kg. Nhờ trồng bưởi da xanh gia đình tôi đã có của ăn của để, con cái được ăn học và trưởng thành".
Từ khi chuyển sang trồng bưởi da xanh, đời sống kinh tế của gia đình bà Loan đã khấm khá và có của ăn của để.
Về kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh, bà Loan cho biết, bà dùng phân đạm, NPK, phân hữu cơ và đậu tương trộn với ngô ủ 2 tháng rồi bón cho vườn bưởi. Bà Loan dự tính trong thời gian tới sẽ trồng xen canh thêm bưởi Diễn, để nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và trồng trọt, vườn bưởi của bà Loan cây nào cây nấy đều sai trĩu quả.
Ông Lường Tiến Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu cho biết: Gia đình bà Loan là một trong những hộ tiên phong trong việc trồng bưởi da xanh. Nhờ mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, gia đình bà Loan đã trở thành hộ khá giả nhất bản Tà Niết.
Theo Danviet
Những vườn cây ăn trái trăm triệu đẩy lùi "nàng tiên nâu" Hàng trăm ha cây thuốc phiện dần biến mất, thay vào đó là những nương, vườn cây trái xum xuê, cho thu nhập cao, ổn định. Cùng với đó, những chủ nhân của các nương thuốc phiện trước đây giờ đã trở thành các ông chủ, bà chủ với cuộc sống ngày một sung túc hơn và tương lai của con, cháu họ...