‘Ký sinh trùng’ và 4 bộ phim phân biệt giàu nghèo đình đám của châu Á
Trước kiệt tác “ Ký sinh trùng” của Hàn Quốc, vài năm gần đây, điện ảnh châu Á liên tiếp cho ra đời một số phim xoay quanh cuộc chiến giàu nghèo trong xã hội được đánh giá cao.
Trailer bộ phim ‘Ký sinh trùng’ Bộ phim mới nhất của đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng Bong Joon-ho, với câu chuyện về sự phân hóa giàu-nghèo trong xã hội.
Ra mắt ở Liên hoan phim Cannes (Pháp) lần thứ 72 vào tháng 5, Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon-ho là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Hàn Quốc thắng giải Cành cọ Vàng danh giá.
Bộ phim của nhà làm phim 49 tuổi người Hàn Quốc là siêu phẩm châm biếm, trào phúng được cả khán giả đại chúng lẫn giới phê bình ngợi ca.
Tác phẩm nhận được sự tôn vinh nồng nhiệt bằng tràng pháo tay kéo dài hơn 8 phút sau buổi công chiếu đầu tiên ở Cannes và nhận đến 98% đánh giá tích cực trên trang phê bình Rotten Tomatoes và điểm số 8.6 trên trang IMDb.
Bộ phim Ký sinh trùng đoạt giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes 2019.
Chủ đề chính của phim tập trung khai thác xung đột lên đến đỉnh điểm giữa lớp người giàu và nghèo trong xã hội Hàn Quốc. Sự chênh lệch đến cùng cực về mức sống giữa hai tầng lớp, địa vị trong xã hội đã dẫn đến những bi kịch thương tâm.
Trước Ký sinh trùng, chủ đề nhức nhối mang tính toàn cầu này cũng đã được nhiều nhà làm phim Hollywood khai thác triệt để trong rất nhiều tác phẩm danh tiếng như Romeo and Juliet (1996), Titanic (1997) , The Help (2011) , Les Miserable (2013) , The Great Gasby (2013). Hay mới đây, hai bộ phim kinh dị của đạo diễn Jordan Peele là Get Out (2017) và Us (2019) đều phảng phất những xung đột giữa các tầng lớp giàu nghèo trong xã hội.
Trong đó, đối với điện ảnh châu Á vài năm trở lại đây, đề tài này cũng là nỗi niềm chung của các đạo diễn và lần lượt được họ gửi gắm qua những bộ phim mang đậm dấu ấn nghệ thuật và tạo được tiếng vang lớn trên khắp thế giới.
Shoplifters (2018)
Bộ phim mới nhất của đạo diễn lừng danh Nhật Bản Hirokazu Kore-eda – Shoplifters (Gia đình trộm vặt) đã xuất sắc giành được giải thưởng Cành cọ Vàng tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2018.
Khai thác câu chuyện về những thân phận bên lề xã hội cùng với đó là sự nghèo đói diễn ra ở một đô thị lớn như Tokyo, Shoplifters được xây dựng tinh tế, giản dị nhưng đong đầy cảm xúc đến từ bậc thầy về cách kể chuyện Kore-eda.
Tuy cùng xoay quanh những gia đình nghèo khổ dưới đáy xã hội, Shoplifters lại có cách kể chuyện hoàn toàn khác Ký sinh trùng. Nếu Ký sinh trùng dữ dội và mãnh liệt, với phong cách “hài đen” đầy tính châm biến và trào phúng thì Shoplifters lại như một bản nhạc dịu êm, nhẹ nhàng nhưng không kém phần day dứt, chua xót.
Tác phẩm dịu dàng, tinh tế của Hirokazu Kore-eda là chủ nhân giải Cành cọ Vàng năm trước.
Nếu bộ phim của Hàn Quốc mô tả con người sống theo kiếp ký sinh lên những “vật chủ” giàu có thì tác phẩm của điện ảnh Nhật Bản khắc họa những thân phận nghèo nàn, bất hạnh sống cộng sinh với nhau, cùng kiếm cái ăn mỗi ngày.
Điểm chung duy nhất giữa đạo diễn Bong Joon-ho và Hirokazu Kore-eda là tránh việc áp đặt chủ quan hay cái nhìn phán xét trước những thân phận nghèo nàn trong câu chuyện.
Đạo diễn không đứng về phía nào dù là người giàu hay người nghèo mà chỉ nêu câu chuyện gây suy ngẫm về xã hội, nơi mà sự phân cấp giàu nghèo rõ rệt đã đẩy con người đến những hành vi sai trái nằm ngoài tầm kiểm soát.
Burning (2018)
Bộ phim mới nhất của đạo diễn bậc thầy Lee Chang-dong đem đến câu chuyện bí ẩn và đầy khắc khoải về số phận người trẻ tại Hàn Quốc, được lấy cảm hứng từ truyện ngắn Barn Burning ( Đốt nhà kho) của nhà văn nổi tiếng người Nhật Haruki Murakami.
“Tuyệt phẩm của điện ảnh Hàn Quốc” là mỹ từ mà các nhà phê bình nói về Burning. Được giới phê bình đánh giá cao thế nhưng Burning ( Thiêu đốt) lại tuột mất cơ hội giànhgiải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes 2018.
Tuy không được vinh danh, bộ phim vẫn trở thành niềm tự hào lớn đối với công chúng mến mộ ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung.
Burning đem đến nỗi day dứt về một xã hội với sự phân cách giàu nghèo quá khắc nghiệt, tạo ra áp lực đè nặng lên vai những người trẻ Hàn Quốc.
Cũng giống Parasite, Burning khắc họa những số phận nghèo khổ, vừa là nạn nhân bị bỏ lại phía sau trong một xã hội mà khoảng cách giàu nghèo đang bị nới rộng ở Hàn Quốc, vừa là thủ phạm gây nên những bi kịch khó lường.
Tuy nhiên, khác với nhịp điệu dồn dập, mang phong cách châm biếm của Bong Joon-ho, cách xây dựng câu chuyện của đạo diễn Lee Chang-dong lại thử thách độ kiên nhẫn của khán giả, ban đầu hơi chậm rãi từ tốn nhưng càng về sau càng lên đến cao trào, bùng nổ về mặt tâm lý.
Bằng những thước phim day dứt, ám ảnh, phim vẽ lên sự tương phản đến cùng cực giữa một bên là giới thượng lưu thừa mứa của cải nhưng nghèo nàn về cảm xúc với bên kia là người dân lao động nghèo khó, nhưng trong lòng luôn bùng cháy ngọn lửa khao khát được tận hưởng cuộc sống.
Crazy Rich Asians (2018)
Ra mắt tháng 8/2018, Crazy Rich Asians (Con nhà siêu giàu châu Á) trở thành hiện tượng phòng vé toàn cầu. Tác phẩm của đạo diễn Jon M. Chu đã thu về 238,5 triệu USD toàn cầu, trong đó thị trường Mỹ chiếm 174 triệu USD. Với thành tích này, Crazy Rich Asians vượt qua The Proposal trở thành phim hài lãng mạn ăn khách nhất thập kỷ 2008-2018 tại Mỹ. Nhiều cây bút phê bình điện ảnh Âu-Mỹ nhận định thành công của phim đến từ gia vị đặc trưng của văn hóa Á Châu được truyền tải một cách thú vị, mới mẻ.
Bộ phim là câu chuyện xoay quanh Rachel Chu – cô gái xuất thân bình thường vô tình phát hiện ra Nick Young – người mình yêu bấy lâu là tỷ phú giàu có bậc nhất Singapore.
Giới thượng lưu của Singapore được mô tả một cách choáng ngợp trong phim Crazy Rich Asians.
Những cảnh ăn chơi xa hoa, trang phục, phụ kiện, nội thất đắt tiền xuất hiện xuyên suốt câu chuyện. Nhưng nhân vật chính của phim lại là Rachel (Constance Wu) – một cô gái học thức và có gia cảnh cực kỳ bình thường. Chính sự tương phản về gia thế và quan điểm sống đã tạo nên những câu chuyện thú vị cho phim.
Những câu nói của bà mẹ Eleanor (Dương Tử Quỳnh) dành cho Rachel ở đoạn đánh mạt chược cuối phim thể hiện rõ khoảng cách địa vị và cách biệt về tư tưởng của hai con người ở hai thế giới khác nhau.
Thế nên, không chỉ dừng lại ở những thước phim hoành tráng và lung linh, Crazy Rich Asians còn khiến người xem ấn tượng bởi chính những thông điệp ý nghĩa được lồng ghép khéo léo về khoảng cách giàu nghèo đáng kinh ngạc, giữa tư tưởng truyền thống và hiện đại đan xen trong xã hội Singapore nói riêng và châu Á nói chung.
Snowpiercer (2013 )
Một tác phẩm đình đám khác của đạo diễn Bong Joon-ho, Snowpiercer (Chuyến tàu băng giá) kết hợp với dàn diễn viên Hollywood từng tạo tiếng vang lớn trong năm 2013.
Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết truyện tranh Le Transperceneige của ba tác giả người Pháp. Snowpiercer lấy bối cảnh thế giới năm 2031 thời hậu tận thế, Trái Đất đứng trước nguy cơ hủy diệt khi trở về thời kỳ Băng Hà, khiến con người hoàn toàn đóng băng và không thể sinh sống, chỉ còn một ít người may mắn sống sót nhờ trú ngụ trong con tàu có động cơ vĩnh cửu và đi vòng quanh Trái Đất.
Bên trong con tàu là một xã hội thu nhỏ với sự phân chia giai cấp rõ rệt: Kẻ nghèo khổ ở cuối khoang cuối tàu, chịu cảnh đói khát và bị áp bức bóc lột nặng nề, phải phục vụ cho giới thượng lưu xa hoa, để rồi dẫn tới cuộc đấu tranh đòi sự công bằng.
Snowpiercer là một trong những tác phẩm kinh điển của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho.
Hình ảnh ẩn dụ trong câu thoại của nhân vật Mason thể hiện rõ việc phân chia trật tự xã hội: “Vị trí của những chiếc mũ luôn là ở trên đầu còn những chiếc giày thì luôn nằm dưới chân. Giày không thể đặt trên đầu”.
Phim thể hiện rõ nét quan điểm của nhà làm phim người Hàn rằng ngay cả khi mà thế giới lụi tàn và con người phải đối mặt với thảm họa diệt vong, sự phân cấp xã hội vẫn còn rõ nét với những luật lệ bất công.
Thông qua những hình ảnh ẩn dụ đối lập mang tính châm biếm giữa các tầng lớp trong xã hội, Snowpiercer để lại nỗi day dứt cho người xem với khao khát về một thế giới tốt đẹp trong tương lai, nơi mà con người dừng việc chà đạp lên nhau để sống.
Theo zing
Giải mã những hình ảnh ẩn dụ 'nhức não' trong 'Parasite: Ký sinh trùng' (phần 1)
Parasite: Ký sinh trùng của đạo diễn Bong Joon Ho đã chính thức trình chiếu rộng rãi ngày hôm qua tại Việt Nam. Hãy xem đạo diễn đem đến loạt hình ảnh ẩn dụ nào khiến khán giả ngả mũ trước bộ phim xuất sắc, đã giành giải thưởng cao nhất tại LHP Cannes 2019.
Có một nhà làm phim từng nói: "Trong điện ảnh, không có gì miễn phí". Đối với một tác phẩm xuất sắc như Parasite ( Ký sinh trùng) cũng vậy. Phim không chỉ có kịch bản cùng câu chuyện xuất sắc, đầy gay cấn, mang âm hưởng nóng hổi của thời đại mà ở từng khung hình và trường đoạn, đạo diễn Bong Joon Ho còn truyền tải nhiều ý nghĩa rất riêng biệt.
*Lưu ý: Bài viết dành cho những người đã xem phim và hoàn toàn là cảm nhận cá nhân của người viết
1. Ki Woo đặt chân lần đầu tiên vào nhà ông Park
Trong khoảnh khắc lần đầu tiên đặt chân vào gia đình ông Park, Ki Woo (Choi Woo Shik) choáng ngợp với kiến trúc hoàn mỹ của ngôi nhà dù mới chỉ ở bên ngoài. Ở cảnh này, máy quay bắt ánh nắng rất tốt và sử dụng độ chói nhất định gây đôi chút khó chịu cho khán giả. Dù vậy, họ được cảm tưởng như đang bước vào thế giới khác với thứ ánh sáng "đặc quyền" mà một số nhà phê bình nhận định chỉ có người giàu mới được hưởng, trái ngược với khu ổ chuột tồi tàn và rách nát nơi gia đình Ki Woo sống.
Ki Woo lần đầu tiên đặt chân vào nhà ông Park với thứ ánh sáng kỳ lạ
2. Hình ảnh "slow motion" lúc Ki Taek hất nước vào người con trai
Bố con Ki Taek (Song Kang Ho) thấy gã chuyên đi tiểu bậy lại một lần nữa làm thế trước nhà mình, cả hai lập tức đi lên và đuổi gã đi nhưng Ki Taek lại hất nhầm nước vào con trai. Con gái Ki Jung (Park So Dam) thấy vậy liền quay lại cảnh đó với hiệu hứng slow motion (quay chậm) trên điện thoại cảm ứng.
Điều này đối lập với cảnh đầu phim khi gia đình Ki Taek cam chịu để gã đó tiểu bậy trước nhà. Họ có sự thay đổi lớn khi kiếm tiền từ việc lừa đảo gia đình ông Park. Thế mới biết, đồng tiền cho con người động lực lớn để đối nhân xử thế ra sao.
Tuy nhiên, cảnh Ki Taek hất nước được quay chậm cùng gia đình ông cười phá lên dường như muốn ám chỉ có những thú vui của người nghèo mà người giàu chưa chắc đã được tận hưởng và chúng ta nên biết hài lòng với những niềm vui nhỏ nhặt như vậy vì sẽ có những lúc ta cảm thâý nuối tiếc.
3. Bức vẽ của Da Song
Khán giả ban đầu sẽ thấy khó hiểu với bức vẽ của Da Song, không hiểu cậu bé đang vẽ "nhăng nhít" khuôn mặt ai đó nhưng đến khoảng 2/3 phim, họ mới biết đó chính là chồng của người giúp việc cũ nhà ông Park sống dưới căn hầm 4 năm.
Phía bên phải có một mũi tên màu vàng thẳng lên trời, phải chăng ám chỉ người đàn ông đó từ căn hầm đi lên khiến Da Song sợ hãi. Ở phía dưới mũi tên có một thứ gì đó màu cam và màu xanh cùng một khoảng đen thui mà Ki Jung nói với bà Park (Jo Yeo Jung) đó phần ký ức đáng sợ nhất của Da Song. Có hai cách giải thích, phần xanh và da cam kia gần giống như căn lều - thứ Da Song vẫn thường hay chơi để quên nỗi sợ nhưng đó cũng giống màu của bức tường che đậy căn hầm dưới bếp.
4. Gia đình Ki Taek nói về người lái xe cũ của gia đình ông Park
Khiến người lái xe cũ bị đuổi việc một cách oan ức nhưng gia đình Ki Taek cũng có vẻ thương cảm khi nhắc đến anh ta. Ki Taek có nói: "Liệu anh ta sẽ tìm được việc mới chứ?", Ki Woo liền trả lời: "Sức dài vai rộng như anh ta thì sẽ tìm được thôi".
Ki Woo nói câu này mà không biết đang tự "sỉ nhục" chính mình lẫn bố khi cả hai đều là những người đàn ông "sức dài vai rộng" mà phải đi lừa đảo người khác.
"Sức dài vai rộng" nhưng vẫn phải lừa đảo
5. Gia đình Ki Taek tranh giành chiếc điện thoại với người giúp việc cũ
Bà giúp việc cũ đã phát hiện gia đình Ki Taek thông đồng để lừa đảo nhà ông Park nên đã quay video đe dọa sẽ gửi cho bà chủ. Tranh thủ lúc bà ta không để ý, Ki Take lao vào cùng các con lấy lại điện thoại
Bước ngoặt xảy ra khi người giúp việc cũ phát hiện sự thật
Ta có thể thấy hình ảnh các bàn tay cùng nhau với lấy chiếc điện thoại hay tất cả nhân vật nằm chồng lên nhau tựa như hình ảnh những con ký sinh phải bấu víu lấy thứ gì đó nếu muốn sống sót.
Theo thegioidienanh.vn
'Ký Sinh Trùng - Parasite': Tuyệt tác được phác hoạ từ hy vọng và bi kịch, từ lối sống ký sinh giữa người với người Ký Sinh Trùng (Parasite) là tác phẩm đạt giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes, phản ánh mạnh mẽ sự phân biệt giàu - nghèo khắc nghiệt ở xã hội Hàn Quốc. Ký Sinh Trùng (Tên tiếng Anh: Parasite) là tác phẩm đã đi vào lịch sử của ngành điện ảnh Hàn Quốc khi mang về giải thưởng Cành cọ Vàng tại LHP...