“Kỳ quan Điện Biên Phủ” qua góc nhìn của nhà bảo tồn di tích
Cuốn sách “Điện Biên Phủ- Một kỳ quan lịch sử” góp phần phục dựng lại một Điện Biên Phủ “bằng xương bằng thịt” để gìn giữ cho đời sau.
Tác phẩm “Điện Biên Phủ – Một kỳ quan lịch sử” là một trong 15 cuốn sách được đưa vào Bộ sách kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. Đáng lưu ý, tác phẩm đã góp phần phục dựng lại một Điện Biên Phủ “bằng xương, bằng thịt” để gìn giữ cho muôn đời sau, với công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử.
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Đại tá Hoàng Lâm, Nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nguyên thư kí tổ tư vấn chuyên gia Ban quản lý dự án Di tích Điện Biên Phủ về vấn đề khảo sát, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Điện Biên Phủ.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã ghi dấu ấn vào lịch sử (Ảnh: Internet)
PV: Thưa đại tá Hoàng Lâm, ông có thể cho biết lý do vì sao góc tiếp cận Điện Biên Phủ là “một kỳ quan lịch sử”?
Đại tá Hoàng Lâm: Nếu xét về mặt tự nhiên, chúng ta có vịnh Hạ Long rất đáng tự hào, thì về mặt lịch sử – xã hội chúng ta có Điện Biên Phủ, một kỳ quan lịch sử. Vì ở đó có dấu tích về võ công, trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất tốt đẹp của Việt Nam nói chung và võ công, trí tuệ, bản chất, phẩm chất tốt đẹp của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói riêng.
PV: Được biết ông là người đã gắn bó với công tác bảo tàng hơn 30 năm, trong đó đã có 10 năm theo dõi sát sao việc bảo tồn những cụm di tích Điện Biên Phủ. Phải chăng, quá trình này đã giúp ông viết nên cuốn sách “Điện Biên Phủ- Một kỳ quan lịch sử”?
Video đang HOT
Đại tá Hoàng Lâm là người đã có 10 năm gắn bó với công tác bảo tồn di tích
Điện Biên Phủ
Đại tá Hoàng Lâm: Tôi hoạt động ở lĩnh vực bảo tồn di tích nên có điều kiện tích lũy qua con đường này. Tôi cũng phát hiện ra rằng còn nhiều điều chưa đủ, chưa chính xác về Điện Biên Phủ. Sau đó, năm 2004, tôi được phân công tham gia vào tổ tư vấn chuyên gia, giúp ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ. Như vậy, từ năm 2004 đến năm 2007, tiếp đến một vài năm nữa, tôi thường xuyên trở lại nơi này, cùng với nhân chứng khảo sát các điểm di tích. Chính quá trình đi khảo sát, cộng với những tài liệu tôi đã lưu giữ và nghiên cứu, kết hợp với gặp các nhân chứng thì tôi thấy có rất nhiều vấn đề có thể làm cho sáng tỏ.
PV: Đó là những vấn đề gì vậy, thưa ông?
Đại tá Hoàng Lâm: Nhiều người nhầm lẫn việc Điện Biên Phủ có 3 nơi đặt sở chỉ huy. Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang làm việc cùng với những người cộng sự trên một hòn đá lớn ở suối, có những sách báo đề rằng đó là ở hang Thẩm Púa. Đó đâu phải là hang mà là dòng suối rất đẹp. Chính tôi là người tham gia đi tìm sở chỉ huy đó – sở chỉ huy thứ 2 của chiến dịch- Huổi Hẹ Ộ. Còn Thẩm Púa là sở chỉ huy thứ nhất. Sở chỉ huy thứ 3 đặt ở Mường Phăng.
Ngoài ra, người ta nói Tô Vĩnh Diện là anh hùng cứu pháo, nhưng cụ thể địa điểm cứu pháo ở chỗ nào cũng không được xác định. Phải đến năm 2004, 50 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân chứng lịch sử cùng với ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ và với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã phải tìm kiếm vị trí chính xác nơi Tô Vĩnh Diện đã hy sinh cứu pháo, đó chính là ở xã Nả Nhạn, bên sườn núi Quả Chua.
PV: Là người gắn bó với công tác bảo tồn, đặc biệt là đã có 10 năm gắn bó với di tích Điện Biên Phủ, theo ông, chúng ta cần có những khuyến nghị như thế nào trong vấn đề bảo tồn để sao cho cụm di tích này ngày càng hoàn thiện hơn. Và đặc biệt là để cho mỗi du khách khi đặt chân đến Điện Biên Phủ đều cảm nhận được không khí của chiến trường xưa?
Đại tá Hoàng Lâm: Từ năm 2003 – 2013, tỉnh Điện Biên đã làm một khối lượng rất lớn công việc về di tích Điện Biên Phủ, nhưng công việc ở phía trước còn rất nhiều. Trước hết, cần phải lập hồ sơ trình với cơ quan chức năng để thực hiện xếp hạng di tích thành phần Điện Biên Phủ, trong đó có một nửa số thành phần chưa được xếp hạng và khoanh vùng bảo vệ. Thứ hai, trong việc phục hồi tôn tạo, cần lưu ý những vị trí, những thành phần di tích ở ngay thành phố Điện Biên Phủ bây giờ. Ví dụ như vị trí Đồi Cháy, vị trí C1, C2, vị trí Đồi E, vị trí cứ điểm 206, và một số vị trí về trận địa bao vây tiến công…
Về phía kinh phí, chúng ta nên xã hội hóa để huy động thêm nguồn lực, đẩy nhanh quy mô tiến độ phục hồi tôn tạo di tích. Cuối cùng, đội ngũ làm nhiệm vụ quản lý, phục hồi tôn tạo, hướng dẫn khách tham quan… cần chuyên nghiệp, kể cả trình độ văn hóa, ngoại ngữ; đảm bảo môi trường thật sạch, thật tốt. Điều kiện ở đây là vùng văn hóa của người Thái Tây Bắc. Vậy thì biểu hiện của văn hóa ấy kết hợp trong bảo tồn di tích phải làm sao cho hài hòa, đúng nghĩa nền văn hóa hoa ban.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV
Pháo cao xạ 37mm Bảo vật Quốc gia
Chúng tôi đến thăm Bảo tàng Phòng không - Không quân trong một ngày đầu tháng 4, khi mà cả nước đang trong không khí rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tại đây, rất nhiều hiện vật gắn liền với quá trình đấu tranh của dân tộc ta được lưu giữ cẩn thận, một trong số đó là khẩu pháo cao xạ 37mm mới được công bố trở thành Bảo vật Quốc gia ngày 28/3/2013. Khẩu pháo trở thành một chứng nhân lịch sử tiêu biểu của dân tộc Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, gắn liền với sự hy sinh anh dũng của anh hùng Tô Vĩnh Diện năm xưa.
Đây là khẩu pháo do Liên Xô sản xuất vào năm 1939 và viện trợ cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, được khẩu đội 3, Đại đội 827 (Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367) sử dụng bắn rơi 3 máy bay và bắn bị thương 13 chiếc khác, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của quân và dân ta năm 1954.
Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 5 năm 1953 quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ để chuẩn bị cho các chiến dịch lớn. Tô Vĩnh Diện được điều về làm Khẩu đội trưởng một đơn vị pháo cao xạ 37mm, đại đội 827, tiểu đoàn 394, trung đoàn 367.
Khẩu pháo cao xạ trở thành Bảo vật Quốc gia
Để giữ bí mật bất ngờ cho hai loại pháo lựu 105mm và cao xạ 37mm lần đầu tiên xuất hiện trong chiến trường, các đơn vị pháo binh đều hành quân vào ban đêm liên tục trong ba ngày 13,14 và 15-1-1954, từ Tuần Giáo vào tập kết ở kilomet 63 đường 42. Sau đó từ vị trí tập kết, bộ đội phải kéo pháo bằng sức người trên đoạn đường quân sự mới mở, có chỗ phải vượt qua núi cao 1.450m để vào trận địa cách xa vị trí tập kết 15km.
Từ trưa 16-1-1954, được sự trợ giúp của bộ binh và công binh, các đơn vị bắt đầu kéo pháo, cho đến ngày 24-1 mới đưa được pháo vào trận địa. Trên đường đơn vị hành quân hơn 1.000km để tới vị trí tập kết tham gia chiến dịch. Con đường kéo pháo lên vô cùng khó khăn, hiểm trở, nhưng anh luôn gương mẫu nhận mọi công việc nặng nhọc, khó khăn về phần mình, luôn động viên cổ vũ đồng đội cố gắng kéo pháo tới đích an toàn.
Tuy nhiên trận đánh đã không diễn ra như dự kiến. Ngày 26-1, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định đổi phương án tác chiến từ "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc". Các đơn vị pháo nhận được mệnh lệnh phối hợp với các đơn vị bộ binh kéo pháo trở ra. Đơn vị của Tô Vĩnh Diện nhận được lệnh kéo pháo ra điểm tập kết tại Bắng Hôm để ăn tết Giáp ngọ và chờ lệnh mới.
Ngày 1-2-1954, đơn vị của Tô Vĩnh Diện trên đường kéo pháo ra đến một con dốc cao và hẹp ở gần Bản Chuối. Đó là một con dốc vừa dài, vừa hẹp, nằm chênh vênh bên vực sâu. Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện cùng một pháo thủ số 5 phụ trách điều khiển càng pháo để chỉnh hướng cho một đơn vị bộ đội kéo dây tời giữ pháo, ngoài ra còn có 2 chiến sĩ phụ trách chèn bánh pháo. Bất ngờ quân Pháp bắn pháo từ Mường Thanh lên. Đơn vị kéo pháo nằm rạp xuống, đồng thời dây tời bị đứt. Lực giữ pháo yếu đi và khẩu pháo lăn qua chèn. Pháo thủ Lê Văn Chi lái càng phía ngoài bị càng pháo hất xuống vực và pháo trôi về phía vực sâu.
Trong tình thế vô cùng khó khăn đó Tô Vĩnh Diện lập tức bỏ càng pháo phía trong, chuyển sang càng pháo phía ngoài, cố gắng đẩy hướng càng pháo vào vách núi. Tuy cản được pháo lăn xuống vực, nhưng Tô Vĩnh Diện bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đè lên người trọng thương. Giây cuối cùng khi được đồng đội đưa ra để đi cấp cứu, Tô Vĩnh Diện chỉ kịp hỏi "Pháo có việc gì không" rồi anh dũng hy sinh tại rừng Pá Có, sườn phía tây Pha Sung, thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Ngày 7-5-1955, Tô Vĩnh Diện được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1956.
Khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 sau khi được Tô Vĩnh Diện "cứu" tiếp tục được đưa vào tham chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã bắn rơi 3 máy bay, bắn bị thương 13 chiếc khác. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi 7-5-1954, khẩu pháo được đưa về trưng bày tại Phòng truyền thống của Bộ Tư lệnh Phòng không, nay là Bảo tàng quân chủng Phòng không - Không quân.
Ngày 1-10-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 là Bảo vật Quốc gia (là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa và khoa học). Hơn 60 năm qua (1/4/1953 - 1/4/2014, 61 năm ngày truyền thống Bộ đội Pháo cao xạ) khẩu pháo vẫn như một chứng nhân lịch sử còn mãi của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm xưa, nói lên bao công lao to lớn của lực lượng Bộ đội Pháo cao xạ nói chung và tấm gương anh dũng hy sinh cứu pháo của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Vĩnh Diện nói riêng. Khẩu pháo trở thành một chứng nhân lịch sử, một bảo vật của người dân Việt Nam còn mãi với thời gian.
Theo ANTD
Ghi được hình ảnh bò tót trong rừng trồng của dân Suốt những ngày qua, lực lượng kiểm lâm Quảng Nam "mai phục" tại khu vực rừng có bò tót xuất hiện và đã quay được cận cảnh cá thể bò tốt quí hiếm này tại khu vực rừng trồng của người dân. Người đầu tiên quay được đoạn phim về con "thú lạ" được cho là bò tót tại rẫy hoa màu của...