Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trường Cán bộ dân tộc Miền Nam
Ngày 5/12, tại thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy ( Hòa Bình), Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Cán bộ dân tộc Miền Nam (1959 – 2019) và khánh thành Khu di tích lịch sử Trường Cán bộ dân tộc Miền Nam.
Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Đỗ Văn Chiến – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; Ksor Phước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; cùng lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và hơn 200 đại biểu là cựu cán bộ, học sinh Trường Cán bộ dân tộc Miền Nam qua các thời kỳ.
Khu Di tích lịch sử Trường Cán bộ dân tộc Miền Nam ngày khánh thành. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đánh giá cao việc tỉnh Hòa Bình đã chủ động tạo mọi điều kiện về kinh phí, đất đai; dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng khu lưu niệm và tổ chức lễ kỷ niệm nhiều ý nghĩa này. Nhìn lại lịch sử 60 năm đã qua, bài học chiến lược về đào tạo cán bộ cho cách mạng Miền Nam vẫn còn nguyên giá trị. Từ đó, công tác đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số tiếp tục được nghiên cứu, phát huy; đồng thời là con đường ngắn nhất để xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với mặt bằng chung của cả nước. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cũng mong rằng cấp ủy, chính quyền và bà con địa phương trân trọng, cùng nhau giữ gìn, giới thiệu để các thế hệ con cháu, du khách thập phương đến thăm khu lưu niệm của nhà trường.
Theo Bí thư Tỉnh Ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh, đây là mô hình giáo dục đặc biệt và duy nhất thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến công tác giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, giữa hai Miền Nam – Bắc của Tổ quốc.
Bí thư Tỉnh Ủy Bùi Văn Tỉnh đề nghị: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thủy cần tiếp tục nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, để khu di tích trở thành ngôi nhà chung cho các cựu cán bộ, học sinh lui tới, tìm về; xây dựng nơi đây là địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; đồng thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tỉnh Hòa Bình đối với công tác giáo dục dân tộc, giữ vững tình đoàn kết giữa các dân tộc, vùng miền trên đất nước Việt Nam như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy.
Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương ảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa một số con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập. Trong đoàn quân tập kết ấy có hơn 2.000 con em các dân tộc Miền Nam (từ Quảng Trị trở vào). Nhằm đáp ứng tốt hơn điều kiện ăn ở, học tập cho học sinh, tháng 12/1958, Ủy ban Dân tộc Trung ương đã ban hành Quyết định số 1563-VP/CB về việc thành lập Khu đào tạo cán bộ dân tộc Miền Nam, sau đổi tên thành Trường Cán bộ dân tộc Miền Nam và đặt tại xã Đồng Tâm, nay là thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Các thế hệ nguyên là học sinh của trường tham quan nhà bảo tàng trưng bày các hiện vật lịch sử. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Video đang HOT
15 năm, Trường Cán bộ dân tộc Miền Nam đứng chân trên địa bàn huyện Lạc Thủy (Hòa Bình), dù trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, cán bộ, học viên và con em của trường luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện đùm bọc, giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, huyện Lạc Thuỷ và người dân xã Đồng Tâm (nay là thị trấn Chi Nê). Bên cạnh đó, cán bộ, học viên của trường cũng tích cực tham gia các hoạt động giúp người dân địa phương trong sản xuất, phát triển kinh tế…
Từ ngôi trường này, nhiều đồng chí đã trở lại chiến trường Miền Nam tham gia chiến đấu, giải phóng đất nước; hàng nghìn cán bộ, học viên, con em các dân tộc Miền Nam đã trưởng thành, trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học. Trong đó, một số đồng chí được giao trọng trách lớn trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân và lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương trên mọi miền Tổ quốc.
Nhân dịp này, Ủy ban dân tộc cũng đã tặng 50 triệu đồng cho Hội Khuyến học huyện Lạc Thủy; cựu học sinh nhà trường tặng 50 triệu đồng cho huyện Lạc Thủy.
Ngay sau lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cắt băng khánh thành Khu di tích Trường Cán bộ dân tộc Miền Nam và thăm quan khu di tích. Khu di tích được tỉnh Hòa Bình bố trí xây dựng với diện tích 179.565 m2, tổng số tiền đầu tư 10 tỉ đồng với hai hạng mục: nhà rông và nhà sàn. Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 24/7/2018 và hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 5/12/2019.
Theo Vũ Hà (TTXVN)
Người có uy tín góp phần to lớn trong xây dựng tiềm lực quốc phòng, bảo vệ tổ quốc
Chiêu 7-5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề "Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số" (DTTS).
Đồng chí Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thanh Thuận
Dự hội thảo có đồng chí Điểu K'ré, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45; đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ đã có nhiều chủ trương chính sách mới, nhiều văn bản hướng dẫn để thực hiện và phát huy vai trò của người uy tín trong toàn hệ thống chính trị.
Đồng chí Phó Chủ tịch-Tổng thư ký của Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, người có uy tín thực sự là cầu nối quan trọng giúp các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo đề dẫn hôi thao. Ảnh: Thanh Thuận
Trong báo cáo đề dẫn, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, Mặt trận các tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống đã tăng cường công tác phối hợp với chính quyền; phối hợp với các ngành Dân tộc, Dân vận, Biên phòng, Công an...nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò của bản thân và gia đình , tiên phong đi đầu, tích cực vận động cộng đồng thực hiện các cuộc vận động, các phong trào...Đồng thời, Mặt trận các cấp đã luôn quan tâm, động viên người có uy tín trong các dịp lễ, tết, ốm đau..., lắng nghe những tâm tư, đề xuất, kiến nghị của đồng bào.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phát huy vai trò người có uy tín nên chưa quan tâm chỉ đạo, phân công quản lý, phân cấp vận động người có uy tín. Công tác vận động người có uy tín còn chồng chéo, chưa phân công rõ quyền lợi và tránh nhiệm của người có uy tín, chưa chú trọng công tác bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho đội ngũ người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng...
Toan canh hôi thao. Ảnh: Thanh Thuận
Nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong thưc hiên công tac "dân vân kheo" cua Ban dân vân cac câp ơ vung đông bao DTTS, ông Đào Đoan Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương đề xuất, cần bồi dưỡng và phát huy vai trò, ảnh hưởng của người có uy tín trong cộng đồng DTTS theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, năng lực sở trường. Quy trình lựa chọn, thành phần cơ cấu dân tộc theo lĩnh vực, phạm vi và mức độ ảnh hưởng. Cần phân định cấp độ quản lý, mức độ, phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín để có cơ chế phát huy vai trò của họ một cách phù hợp, hiệu quả.
Cần có sự đầu tư nguồn lực tương xứng với tính chất, đặc điểm từng loại mô hình, gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh quốc gia và cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để bảo tồn, phát huy, nhân rộng các mô hình mang bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế vùng và hội nhập quốc tế.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Thuận
Trong tham luận tại hội thảo, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá cao vai trò quan trọng của người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nước ta. Đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, tiếng nói của những người có uy tín luôn được tôn trọng, được dân làng và con cháu làm theo. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục đồng bào, nếu cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị, xã hội và cơ quan công tác dân tộc "tranh thủ" được các vị này thì hiệu quả công tác sẽ cao hơn và ngược lại.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến cũng đề xuất, người có uy tín trong đồng bào DTTS phải được trang cấp phương tiện nghe, nhìn để tiếp cận thông tin; định kỳ được bồi dưỡng, cung cấp thông tin. Được quan tâm động viên cả vật chất và tinh thần thông qua hoạt động thăm hỏi, tuyên dương, khen thưởng, khám chữa bệnh, tham quan học tập...Những khó khăn, bức xúc của cộng đồng khi có đề nghị của người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ phải được cơ quan và người có trách nhiệm xem xét, nghiêm túc, giải quyết thấu đáo, những việc chưa giải quyết được phải có phản hồi cụ thể, rõ ràng, thuyết phục. Như vậy, tiếng nói của họ mới thật sự đi vào lòng người.
Nhấn mạnh đến công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, Thiếu tướng Ngô Thanh Hải, Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho rằng, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số là cánh tay nối dài giúp lực lượng vũ trang trong tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy vai trò người có uy tín ở vùng đồng bào DTTS không chỉ có ý nghĩa về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà còn góp phần to lớn trong xây dựng tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng Ngô Thanh Hải, Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tham luân tai hôi thao. Ảnh: Thanh Thuận
Thiếu tướng Ngô Thanh Hải cho biết, trong 5 năm qua, các đơn vị Quân đội đã thực hiện gần 2.000 buổi tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh; các tổ đội công tác thường xuyên bám nắm xây dựng hệ thống chính trị cơ sở địa phương vùng đồng bào DTTS vững mạnh, trọng tâm là nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ Đảng viên...
Để phát huy vai trò của người có uy tín, các đơn vị BĐBP đã cử hàng trăm cán bộ tăng cường cho các xã biên giới, các xã khó khăn, vùng đồng bào DTTS; động viên người tiêu biểu trong đồng bào DTTS tham gia vào Ủy ban MTTQ, Ban chấp hành các tổ chức chính trị-xã hội các cấp; tham gia các phong trào thi đua yêu nước...Thông qua hoạt động thực tiễn, các đơn vị BĐBP đã phát hiện, bồi dưỡng nhiều người có uy tín, tiêu biểu tham gia vào Hội đồng nhân dân các cấp.
Nhiều người có uy tín đã trở thành Đảng viên, là lực lượng nòng cốt giúp chính quyền cơ sở nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở. Bên cạnh đó, thông qua những người có uy tín, các đơn vị BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tham gia bảo tồn và phát triển di sản văn hóa các dân tộc (đồng bào Rục, Chứt, Brâu...), góp phần cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc.
Thanh Thuận
Theo Bienphong
Bé trai 4 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm vắc-xin 5 trong 1 Sau khi tiêm vắc-xin không lâu, một bé trai 4 tháng tuổi ở Hòa Bình có biểu hiện quấy khóc, tím tái và tử vong. Ngày 5-12, ông Nguyễn Văn Đang, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, xác nhận một bé trai 4 tháng tuổi đã tử vong sau khi tiêm vắc-xin tại Trạm Y tế xã...