Kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung
Ngày 24.4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dẫn đầu Đoàn đại biểu VN tham dự nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Hội nghị Cấp cao Á – Phi lần thứ nhất (Bandung 1955).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến TP.Bandung, Indonesia dự lễ kỷ niệm – Ảnh: TTXVN
Lễ kỷ niệm diễn ra tại TP.Bandung của Indonesia với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng và trưởng đoàn các nước Á – Phi. Các nhà lãnh đạo và đại biểu các nước thành viên, quan sát viên tham dự Hội nghị Cấp cao Á – Phi 2015 đã tham gia diễu hành từ khách sạn Savoy Homann đến Cung Thống nhất, tái hiện lại cuộc đi bộ lịch sử của các lãnh đạo tiền bối tại Hội nghị Bandung 1955. Cuộc diễu hành đã nhận được sự chào mừng nồng nhiệt của hàng ngàn người dân hai bên đường.
Hội nghị Cấp cao Á – Phi lần đầu tiên tổ chức tại Cung Thống nhất ở Bandung từ 18 – 24.4.1955 với sự tham gia của lãnh đạo 29 nước, khởi đầu cho quá trình hợp tác Á – Phi. Hội nghị đã đưa ra 10 nguyên tắc Bandung, làm nền tảng cho quan hệ giữa các nước ở 2 châu lục, trong đó các nguyên tắc như tôn trọng chủ quyền, không can thiệp, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế…
Video đang HOT
Trong lễ kỷ niệm hôm qua 24.4, 10 nguyên tắc Bandung một lần nữa được vang lên, thể hiện tầm nhìn vượt thời gian của Hội nghị Cấp cao Á – Phi năm 1955. Sau đó, lãnh đạo các nước đã tham dự lễ khánh thành Tượng đài Á – Phi.
Trả lời phóng viên Thanh Niên, nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao, cựu Đại sứ VN tại Mozambique, ông Nguyễn Khắc Huỳnh cho biết Hội nghị Bandung 1955 cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) và chiến thắng của Ai Cập khi quốc hữu hóa kênh đào Suez (1955), đánh bại sự can thiệp tay ba của Anh – Pháp – Israel là 3 sự kiện lớn đã thúc đẩy làn sóng giải phóng dân tộc thứ hai từ năm 1955 của các quốc gia thuộc địa.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng thống Myanmar Thein Sein. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước những phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác song phương, nhất là về chính trị – đối ngoại, kinh tế – thương mại – đầu tư, an ninh – quốc phòng, nông nghiệp… Hiện VN có 7 dự án đầu tư tại Myanmar với tổng vốn 513,18 triệu USD.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Thein Sein nhất trí 2 nước phối hợp tổ chức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (28.5.1975 – 28.5.2015), thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN và LHQ, cũng như trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng.
Trường Sơn
(từ Jakarta, Indonesia)
Theo Thanhnien
Không cho phép kẻ mạnh bắt nạt
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao Á - Phi 2015 vào hôm qua 22.4, Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Joko Widodo đánh giá: "Thế giới mà chúng ta thừa hưởng ngày nay vẫn còn đầy bất công mang tính toàn cầu, sự bất bình đẳng và bạo lực. Giấc mơ chung của chúng ta về một nền văn minh thế giới mới dựa trên công bằng xã hội, bình đẳng, hài hòa và thịnh vượng, vẫn chưa trở thành hiện thực".
Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao Á - Phi 2015 - Ảnh: AFP
Tổng thống Indonesia thẳng thắn phê phán rằng việc một nhóm các quốc gia giàu cho rằng có thể thay đổi thế giới bằng cách sử dụng vũ lực. Theo ông, việc sử dụng vũ lực đơn phương ngoài yêu cầu của LHQ đã làm suy yếu sự tồn tại của "cơ thể thế giới" và chỉ đem lại sự khốn cùng.
Ông Widodo kêu gọi các quốc gia Á, Phi hợp tác chặt chẽ để xóa đói giảm nghèo, cải thiện dịch vụ giáo dục và y tế, thúc đẩy khoa học - công nghệ và cung cấp việc làm cho mọi người dân. Bên cạnh đó là thúc đẩy đoàn kết, cùng phát triển, mở rộng hợp tác thương mại - đầu tư...
Tổng thống Indonesia nhấn mạnh đến sự ổn định bên trong và bên ngoài của mỗi quốc gia cũng như vấn đề tôn trọng nhân quyền. Ông cũng đề nghị các quốc gia Á, Phi hợp tác để đảm bảo rằng các đại dương và vùng biển an toàn cho thương mại quốc tế. "Chúng tôi hy vọng rằng không có xung đột giữa các quốc gia hoặc giải quyết tranh chấp bằng vũ lực", ông Widodo nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhìn nhận các quốc gia Á, Phi hiện đang chia sẻ nhiều nguy cơ hơn so với thời điểm 60 năm trước. Tuy nhiên ông Abe đã khẳng định quyết tâm của Nhật trong đảm bảo hòa bình, thịnh vượng theo những nguyên tắc được đưa ra tại Hội nghị Á - Phi lần thứ nhất (Bandung 1955).
Nhắc lại các nguyên tắc "Không có hành động xâm lược, đe dọa xâm lược hoặc sử dụng vũ lực đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào", "giải quyết tất cả các cuộc xung đột quốc tế bằng các biện pháp hòa bình" của Hội nghị Bandung 1955, Thủ tướng Abe khẳng định "không bao giờ cho phép, việc sử dụng, mà không bị ngăn chặn, sức mạnh của kẻ mạnh hơn để ép buộc kẻ yếu hơn". Ông Abe đã nhắc lại "sự thông thái của các vị tiền bối" tại Hội nghị Bandung 1955 đó là nguyên tắc luật pháp cần phải "bảo vệ phẩm giá của các quốc gia có chủ quyền dù là nước lớn hay nước nhỏ".
Trường Sơn
Theo Thanhnien
Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Á-Phi tại Indonesia Ngày 22/4, Hội nghị thượng đỉnh Á-Phi 2015 đã khai mạc tại thủ đô Jakarta của Indonesia với mục đích phát huy Tinh thần Bandung và thúc đẩy sự phát triển ở cả 2 châu lục này. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (hàng đầu, thứ năm từ phải qua) và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN Tham...