Kỷ niệm 20 năm thành lập chợ Long Biên
Sáng qua (15-11), UBND quận Ba Đình, Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập chợ Long Biên và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Nhà nước trao tặng.
Năm 1992, chợ Long Biên (thuộc phường Phúc Xá, quận Ba Đình) được thành lập, đáp ứng mong mỏi của cư dân trên địa bàn, góp phần sắp xếp, tổ chức lại các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên vỉa hè quận. Từ lúc chỉ có 15 cán bộ, nhân viên, với 400 hộ kinh doanh, đến nay số cán bộ đã tăng trên 200 người, thu hút 1.200 tiểu thương đến kinh doanh. Vượt qua nhiều khó khăn, chợ Long Biên đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế là một chợ đầu mối lớn chuyên kinh doanh hoa quả, hàng nông sản thực phẩm của Thủ đô, đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của không chỉ nhân dân Hà Nội và cả các tỉnh lân cận.
Theo ANTD
Không quản chặt, Hà Nội sẽ bùng nổ dân số
Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội về những cơ chế, chính sách có tính đặc thù trong dự thảo Luật Thủ đô, đặc biệt là vấn đề quản lý dân cư.
- PV: Là người trực tiếp tham gia nhiều hội thảo khoa học về dự thảo Luật Thủ đô, ông có thể cho biết những đổi mới trong dự thảo trình Quốc hội lần này?
- Ông Đào Ngọc Nghiêm: Dự thảo Luật Thủ đô đã được nghiên cứu rất khoa học, có sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia đa ngành, các cơ quan quản lý Trung ương và Hà Nội các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Dự luật trình Quốc hội kỳ này có nhiều đổi mới, làm rõ hơn cơ chế đặc thù cho Thủ đô với vai trò trung tâm hành chính - chính trị quốc gia, là đô thị đặc biệt có quá trình phát triển lịch sử hàng nghìn năm đã được đề cập đồng bộ trên các lĩnh vực như quy hoạch, văn hóa, giáo dục - đào tạo, KH-CN, môi trường, đất đai, kinh tế - tài chính, an ninh - an toàn xã hội. Đây là những vấn đề nhận được sự đồng thuận rất cao, rất cần thiết để Thủ đô có điều kiện phát triển bền vững, có vị thế xứng đáng với cả nước, khu vực và trên thế giới.
- Từng tham gia quản lý và có nhiều nghiên cứu về quản lý đô thị, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô?
- Nhìn lại cả chặng đường phát triển Thủ đô và chỉ xét riêng từ năm 1954 trở lại đây cho thấy, Hà Nội đã đạt được những thành tựu trên nhiều lĩnh vực, tạo được sự chuyển biến căn bản, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của đất nước. Có được thành tựu đó là do Hà Nội đã được áp dụng cơ chế đặc thù, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Giai đoạn tới, theo những định hướng trong Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng và nhất là yêu cầu tại Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô cho thấy, Hà Nội rất cần cơ chế đặc thù để tiếp tục phát triển. Ban hành Luật Thủ đô lúc này là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nâng tầm thể chế để Thủ đô phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế mà cả nước mong muốn.
- Vấn đề quản lý dân cư đang có nhiều ý kiến khác nhau, ông nhận định thế nào về các quy định mà dự thảo đưa ra?
- Trong quá trình nghiên cứu hoàn chỉnh dự luật, vấn đề quản lý dân cư đúng là có nhiều ý kiến khác nhau song đến nay đã có sự thống nhất cao. Thực trạng dân số và phân bố dân cư ở Hà Nội là sản phẩm của lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội và đặc biệt là tùy thuộc chính sách quản lý. Giai đoạn 1945-1954, dân số tăng bình quân 4,2% giai đoạn 1954-1975 tăng bình quân 2,8% giai đoạn 1975-1986, dân số được quản lý chặt chẽ nên chỉ tăng bình quân 1,7%. Từ năm 1986 tới nay, dân số tăng trên 2%/năm, đặc biệt, nội thành tăng tới 4,7%, cao hơn cả TP Hồ Chí Minh. Quy hoạch chung Hà Nội được duyệt năm 1998 đã đặt vấn đề phải giảm dân số khu trung tâm từ 96 vạn xuống còn 80 vạn vào 2020. Nhưng do thiếu cơ chế đặc thù nên nội thành không giảm mà tăng lên tới 1,2 triệu người (2009). Đây là nguyên nhân gây ra quá tải cho nhiều lĩnh vực.
Với tốc độ phát triển như hiện nay, đến năm 2030, dân số Hà Nội sẽ đạt tới 12-13 triệu người và nội thành sẽ có từ 1,8-2 triệu người. Trong khi đó, theo quy hoạch, khu trung tâm chỉ chịu tải được 80 vạn và cả Hà Nội chỉ có 9,2 triệu dân. Như vậy, rõ ràng, quản lý dân cư là yêu cầu bức thiết, cần có cơ chế đặc thù để Thủ đô phát triển bền vững. Luật Thủ đô trình Quốc hội lần này đã có những quy định được đa số đồng thuận. Cần lưu ý là quản lý dân cư ở ngoại thành và đô thị vệ tinh được quy định phù hợp với Luật Cư trú. Chỉ riêng khu vực nội thành mới có cơ chế đặc thù. Theo tôi, cần quy định thêm để đăng ký thường trú ở nội thành ngoài việc đã đăng ký tạm trú từ 3 năm trở lên và có nhà ở sở hữu riêng hoặc thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh hợp pháp nên bổ sung quy định bình quân nhà phải đạt từ 5m2 sàn nhà ở/người trở lên.
- Ngoài vấn đề quản lý dân cư, dự luật lần này có vấn đề gì cần quan tâm?
- Về vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa, dự luật đã có đề cập các quan điểm, chủ trương phù hợp, song với Hà Nội mở rộng thì những liệt kê cụ thể mới chỉ nêu các khu đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội mà chưa chỉ ra các khu đặc trưng của văn hóa xứ Đoài, văn hóa Sơn Nam của Hà Tây (cũ). Vấn đề nhà ở, cần quy định rõ hơn về quan điểm ưu đãi phát triển nhà ở xã hội trong các khu đô thị mới. Liên quan tới quản lý, bảo vệ môi trường, nên bổ sung cơ chế đặc thù nhằm tăng cường năng lực quản lý và vai trò của khoa học - công nghệ. Tổng quan cho thấy, giai đoạn tới, Thủ đô rất cần cơ chế đặc thù để phát triển bền vững. Do đó, ban hành Luật Thủ đô lúc này là hợp lý và cần thiết.
- Xin cảm ơn ông!
Theo ANTD
Lan can cầu mới xây bị tông sập trong đêm Vào khoảng hơn 3h rạng sáng nay 1/11, một đoạn lan can dài 5m thuộc cầu đường bộ Bạch Hổ (TP Huế, tỉnh TT-Huế) vừa mới hoàn thành cách đây 2 tháng, đã bị sập. Ghi nhận tại hiện trường sáng nay, đoạn lan can bị sập rơi xuống phía dưới, ven bờ sông. Khi rơi, lan can bị tung làm nhiều mảnh....