Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5: Tìm về thiên nhiên để ‘trốn nóng’
Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay rơi vào cao điểm của mùa nắng nóng. Mặc dù kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày nhưng nhiều người vẫn ưu tiên chọn những điểm du lịch trong tỉnh để vui chơi, thư giãn thay vì đi xa.
Lượng khách ngoài tỉnh đến Gia Lai cũng thấp hơn mọi năm, chủ yếu là các nhóm nhỏ hoặc gia đình.
Tìm về nơi xanh mát
Hòa mình với dòng suối Piah Pơh mát lành là lựa chọn của chị Nay Thị Thu Hà (buôn Tơ Khế, xã Ia Tul, huyện Ia Pa) cùng bạn bè trong dịp nghỉ lễ. Chị Hà chia sẻ: “Để đảm bảo sức khỏe sau kỳ nghỉ lễ, cả nhóm quyết định đi dã ngoại ở địa phương và khu vực suối Piah Pơh là lựa chọn hoàn hảo. Tại đây có những bãi cát bồi trải dài, mọi người có thể vừa chế biến thức ăn vừa vui chơi, cùng nhau tắm mát để xua tan tiết trời oi nồng.
Ngoài ra, nhóm cũng đi dã ngoại tại Suối Đá 2 ở thị xã Ayun Pa để lưu lại những khoảnh khắc đẹp bên nhau”.
Chị Nay Thị Thu Hà (buôn Tơ Khế, xã Ia Tul, huyện Ia Pa) cùng bạn bè đi dã ngoại tại suối Piah Pơh trong dịp nghỉ lễ. Ảnh: Vũ Chi
Được bạn bè giới thiệu, dịp lễ vừa qua, bà Võ Thị Hoa (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cùng con cháu đã tổ chức chuyến tham quan, trải nghiệm tại thác 50 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một số di tích lịch sử trên địa bàn huyện Kbang.
“Sau khi men theo những phiến đá xếp thành từng bậc, thác 50 hùng vĩ hiện ra trước mắt chúng tôi vô cùng ấn tượng, tựa dải lụa trắng vắt giữa đại ngàn. Chúng tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau, cùng dạo chơi, hòa mình với thiên nhiên và hít thở bầu không khí trong lành của núi rừng.
Tiếp đó, gia đình đã đến tham quan Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, Làng kháng chiến Stơr phục dựng (xã Tơ Tung) để giúp con cháu hiểu hơn về những hy sinh, mất mát và tinh thần dũng cảm, quật cường của thế hệ cha anh đi trước, từ đó biết trân quý hơn giá trị của hòa bình”-bà Hoa bày tỏ.
Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, thác Hang Dơi (thị trấn Kbang) thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: Ngọc Minh
Theo ông Nguyễn Hồng Quân-Phó Giám đốc phụ trách Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, Khu Bảo tồn đón hơn 800 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
“Đường vào thác 50 đã được bê tông hóa thuận lợi. Chúng tôi còn có đội ngũ lái xe máy đưa đón, nấu nướng, chế biến thức ăn phục vụ du khách, tạo điều kiện để mọi người có kỳ nghỉ đáng nhớ khi tìm về với thiên nhiên, núi rừng”-ông Quân cho hay.
Thời tiết nắng nóng trong những ngày nghỉ lễ cũng khiến lượng khách tìm đến các dịch vụ cắm trại, bơi sup trên hồ tăng cao. Tại bãi bồi thuộc khu vực cầu treo Biển Hồ (TP. Pleiku), mỗi ngày có hàng ngàn lượt người tìm đến.
Anh Nguyễn Lê Khang (hẻm 412 Trường Sơn, TP. Pleiku) bày tỏ: “Những ngày nắng nóng như thế này, người ta thường tìm đến những nơi có rừng cây, có nước. Ở đây còn lý tưởng khi có bãi cỏ rất rộng cho trẻ con thả diều và các dịch vụ cho thuê sup để cả gia đình du ngoạn trên mặt hồ nước ngắm hoàng hôn buông xuống. Chiều nào tôi cũng đưa cả nhà ra đây để vui chơi”.
Điểm cắm trại tại bãi bồi thuộc khu vực cầu treo Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Minh Châu
Ngoài rừng cây, sông hồ, các nông trại cũng là điểm hút khách trong dịp lễ vừa qua. Hon Kong Farm rộng 1 ha của anh Nguyễn Thọ Tùng (tổ 7, phường An Bình, thị xã An Khê) đã đón gần 1.000 lượt khách đến dã ngoại, vui chơi trong 5 ngày nghỉ lễ. Hon Kong Farm có 3 khu vực gồm: trại chăn nuôi cừu, đà điểu; cánh đồng hoa và khu sản xuất nông nghiệp. Vì thế, Hon Kong Farm mang đến cho người dân địa phương nhiều trải nghiệm thú vị, mới mẻ.
Video đang HOT
“Thay vì đi du lịch ở TP. Quy Nhơn như mọi năm, gia đình tôi quyết định “trốn nóng” gần nhà tại Hon Kong Farm. Các con tôi rất thích cho cừu, đà điểu ăn hay tự tay thu hoạch rau củ quả. Cả nhà còn chụp được rất nhiều ảnh đẹp với những con vật dễ thương, cánh đồng hoa cánh bướm đủ sắc màu hay ngắm cảnh hoàng hôn buông trên cánh đồng quê yên bình, thoáng đãng”-anh Nguyễn Hoàng Tuấn (tổ 1, phường An Phú, thị xã An Khê) cho hay.
Gia đình anh Nguyễn Thọ Tùng (tổ 7, phường An Bình, thị xã An Khê) đã đầu tư gần 700 triệu đồng xây dựng nông trại mang tên Hon Kong Farm phục vụ du khách dịp lễ 30-4 và 1-5. Ảnh: ĐVCC
Tương tự, nhiều người cũng tìm đến Alpaca Farm (tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku) để trải nghiệm cưỡi ngựa hay đơn giản chỉ là check-in cùng ngựa và các loài thú với những bộ trang phục du mục bắt mắt. Nắm bắt thị hiếu và nhu cầu của du khách, trước đó, anh Võ Mai Tú (Chủ nông trại) đầu tư mua 4 chú ngựa đã thuần hóa; đồng thời, bổ sung thêm nhiều loài thú khác như: đà điểu, cừu, dê, thỏ, heo mini Thái Lan, hươu sao, đại bàng biển, gà tây, khỉ… để phục vụ dịp lễ. Nhờ điểm nhấn này mà lượng khách đến với Alpaca Farm khá đông.
Để có thời gian thực hiện bộ ảnh chất lượng và ưng ý trên lưng ngựa, chị Ngô Thị Thảo Trinh (thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) đã có mặt tại Alpaca Farm từ khá sớm. Khoác lên mình bộ trang phục màu đỏ rực rỡ, chị Trinh hóa thân thành một thiếu nữ Mông Cổ-Tây Tạng xinh đẹp, thong dong trên lưng ngựa dưới sự hỗ trợ của nhân viên nông trại.
Chị Ngô Thị Thảo Trinh (thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) duyên dáng bên chú ngựa của Alpaca Farm. Ảnh: Mộc Trà
“Trước đây, tôi từng trải nghiệm cưỡi ngựa tại Vũng Tàu và rất thích cảm giác thư giãn, tự do tự tại trên lưng ngựa. Vì vậy, khi biết đến nông trại Alpaca có dịch vụ cưỡi ngựa, tôi đã quyết định đi ngay trong dịp lễ này. Với giá 50 ngàn đồng/người/vé vào cổng bao gồm nước uống, lại được cưỡi ngựa và check-in miễn phí, tôi thấy khá hợp lý. Vì muốn có bộ ảnh đẹp nên tôi thuê thêm trang phục tại Farm với giá 100 ngàn đồng/bộ kèm trang sức, đạo cụ”-chị Trinh nói.
Khách du lịch theo đoàn đến tỉnh giảm
Kỳ nghỉ lễ năm nay ghi nhận lượng khách theo đoàn đến tỉnh khá thấp, chủ yếu là các nhóm nhỏ hoặc đi theo gia đình. Theo chị Trần Thị Vân-Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc Tourist: Khách đến Gia Lai thông qua các đơn vị lữ hành giảm nhiều so với kỳ nghỉ lễ trước. Một phần vì thời tiết năm nay không mát mẻ như mọi năm. Mặt khác, tuy kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày nhưng lịch nghỉ lễ muộn nên cũng ảnh hưởng đến kế hoạch của nhiều người.
“Du khách muốn đi đâu phải lên kế hoạch trước như đặt vé máy bay, phòng khách sạn và các dịch vụ kèm theo. Nếu chọn đi Tây Nguyên, họ sẽ lên kế hoạch đi các tỉnh trong khu vực, ít người chịu tốn 1 chuyến bay mà chỉ nghỉ ở 1 điểm đến là Gia Lai.
Ngược lại, các đơn vị lữ hành cũng chịu ảnh hưởng khi rơi vào thế bị động trong việc chào bán tour, tuyến đáp ứng lịch trình nghỉ lễ. Bởi lẽ, chúng tôi đều phải có phương án từ sớm để đồng nhất giá thành và đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất”-chị Vân phân tích.
Dịp nghỉ lễ có rất đông du khách tham quan thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Đức Thụy
Từ những nguyên nhân nêu trên, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc Tourist nhìn nhận, kể cả khách đến Gia Lai và người dân địa phương đi du lịch ngoại tỉnh đều chủ yếu là theo gia đình bằng phương tiện riêng, ít người thông qua các đơn vị lữ hành.
Chị Nguyễn Thị Phượng-du khách đến từ Hà Nội-chia sẻ: “Dịp lễ năm nay, gia đình tôi cùng bạn bè đã chọn Gia Lai làm điểm đến. Chúng tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời tại Nhà máy Thủy điện Ialy, hàng thông trăm tuổi, Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh, chùa Minh Thành…
Dù tiết trời khá oi nồng nhưng những nơi chúng tôi tới tham quan đều có bầu không khí rất trong lành, cảnh quan đẹp lý tưởng. Ẩm thực của người dân địa phương như cơm lam, gà nướng, rượu cần… cũng rất ngon”.
Còn chị Trần Thùy Liên-du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa thì khẳng định: “Tôi đã tìm hiểu rất nhiều thông tin về Gia Lai trên báo chí cũng như các trang mạng xã hội nên muốn được đến trải nghiệm. Cảnh quan nơi đây rất đẹp, các món ăn rất ngon, người dân vô cùng thân thiện, mến khách”.
Tại huyện Phú Thiện, lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui trên đỉnh núi Chư Tao Yang (xã Ayun Hạ) gắn với phiên chợ nông sản và ngày hội văn hóa- thể thao các dân tộc thiểu số, trình diễn cồng chiêng, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm cùng nhiều trò chơi dân gian… trong dịp lễ 30-4, 1-5 cũng hấp dẫn du khách tìm về, trong đó có những người con xa quê.
“Kỳ lễ này, tôi đã quyết định rời Đắk Lắk về thăm gia đình ở phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa) và đi xem lễ cúng cầu mưa ở Phú Thiện. Mặc dù đã nghe nói đến Vua Lửa từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến tận mắt lễ cúng do các phụ tá Vua Lửa thực hiện. Nghi thức linh thiêng, huyền bí, mang tín ngưỡng tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó phai”-chị Trần Ngọc Hiền thổ lộ.
Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng tại Ngày hội. Ảnh: Đức Thụy
Theo số liệu của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Gia Lai đón khoảng 88.290 lượt khách; tổng thu du lịch ước đạt 20,6 tỷ đồng (tăng 13% so với năm 2023). Trong đó, khách lưu trú tại các khách sạn ước đạt khoảng 7,5 ngàn lượt, tổng thu khoảng 10,5 tỷ đồng.
Một số điểm đến trên địa bàn tỉnh thu hút đông du khách như: Bảo tàng tỉnh đón và phục vụ hơn 53.100 lượt khách (khách tham quan theo đoàn và khách đến dâng hương, tham quan triển lãm “Di sản văn hóa Côn Đảo-Gia Lai” là 5.400 lượt, khách tham quan vui chơi tại Quảng trường Đại Đoàn Kết hơn 47.700 lượt); danh thắng Biển Hồ khoảng 10.000 lượt; làng chài sông Sê San-thác Mơ khoảng 1.000 lượt; khách tham quan Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, dự lễ cầu mưa và các điểm du lịch kết nối (huyện Phú Thiện) khoảng 6.200 lượt…
Du lịch Quảng Ninh và Hải Phòng 'thắng lớn' dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Thế mạnh du lịch biển giúp du khách ùn ùn kéo đến Quảng Ninh và Hải Phòng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, vượt xa kỳ vọng của 2 địa phương về cả số lượng lẫn doanh thu.
Hút khách nhờ những sự kiện lớn
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, Tp.Hạ Long là điểm đến hút khách của tỉnh Quảng Ninh nhờ thương hiệu của Carnaval Hạ Long cùng hàng loạt sự kiện kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long tiếp tục được đông đảo du khách, nhất là khách du lịch quốc tế, lựa chọn trong dịp nghỉ lễ.
Nhờ vậy, trong 5 ngày nghỉ lễ, Tp.Hạ Long đón gần 530.000 lượt du khách, tăng hơn 12% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023, doanh thu từ du lịch và dịch vụ ước đạt 1.170 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa doanh thu của tỉnh Quảng Ninh trong dịp này.
Cùng với Tp.Hạ Long, do kỳ nghỉ lễ kéo dài, trời nắng nóng, lượng khách đến các khu du lịch biển đảo khác của tỉnh Quảng Ninh cũng tăng đột biến. Trong đó, huyện Vân Đồn đón khoảng 78.500 lượt du khách, tăng hơn 40% so với cùng kỳ; huyện Cô Tô đón khoảng 19.400 lượt khách, tăng hơn 32%; Tp.Móng Cái đón khoảng 168.000 lượt khách.
Carnaval Hạ Long 2024 - sự kiện kích cầu du lịch lớn của tỉnh Quảng Ninh trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Du khách chật kín tại các bãi tắm của tỉnh Quảng Ninh trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, trong 5 này nghỉ lễ 30/4 - 1/5, địa phương đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 48% so với cùng kỳ, tổng doanh thu từ du lịch và dịch vụ ước đạt 2.210 tỷ đồng.
Cùng với Quảng Ninh, du lịch Hải Phòng cũng "hái ra tiền" trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Theo thông tin từ Sở Du lịch Thành phố, dịp này địa phương đón hơn 621.000 lượt du khách, tăng khoảng 38% so với kỳ nghỉ năm 2023. Tổng doanh thu từ du lịch và dịch vụ của Hải Phòng dịp nghỉ lễ ước đạt 520 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023.
Hai khu du lịch biển đảo Cát Bà và Đồ Sơn tiếp tục là "thỏi nam châm" hút khách của Hải Phòng. Tại Cát Bà, theo thống kê của UBND huyện Cát Hải, dịp này, địa phương đón khoảng 80.000 lượt du khách, trong đó có tới gần 16.000 khách du lịch quốc tế.
So với Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn đón lượng khách "khủng" hơn nhiều. Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, cho biết, dịp này khu du lịch Đồ Sơn đón khoảng 510.000 lượt du khách, vượt quá kỳ vọng (dự kiến đón 350.000 lượt) và tăng cao so với kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 năm 2023 (đón 300.000 lượt).
Liên hoan du lịch "Đồ Sơn - Điểm đến 4 mùa" là điểm nhấn của du lịch Hải Phòng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Lần đầu tiên địa phương tổ chức lễ hội trình diễn diều nghệ thuật tại Liên hoan du lịch "Đồ Sơn - Điểm đến 4 mùa".
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, sở dĩ lượng du khách đến địa phương tăng đột biến, bên cạnh thời gian kỳ nghỉ lễ kéo dài, thời tiết nắng nóng, là sức hút của chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Liên hoan du lịch Đồ Sơn 2024. Trong đó có thể kể đến chương trình nghệ thuật "Đồ Sơn - Điểm đến 4 mùa", các lễ hội ẩm thực, đường phố, thả diều.
Cần "nhặt sạn" để du lịch phát triển bền vững
Trong tổng thể bức tranh du lịch Quảng Ninh và Hải Phòng sáng màu trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, vẫn còn đó những gam màu tối cần 2 địa phương sớm khắc phục để du lịch phát triển bền vững.
Tại Quảng Ninh, theo thông tin từ UBND huyện Vân Đồn, sáng 29/4, vào thời điểm từ 7h đến 10h tại khu vực xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, có độ cao mực nước thủy triều thấp từ 0,3m đến 0,5m, dẫn đến việc xuất hiện cồn cát cách bến Quan Lạn 1km (nằm ngoài ranh giới của bến Quan Lạn) và cồn cát nằm trên tuyến luồng chỉ dẫn cho các phương tiện thủy nội địa vào bến Quan Lạn.
Trong thời gian này, có 4 phương tiện thủy chở 343 khách du lịch từ cảng khách Ao Tiên ra bến Quan Lạn gồm các tàu Thành Hưng 668 chở 93 khách, Hoàng Vi 08 chở 58 khách, Hảo Thịnh 68 chở 83 khách, Nguyên Việt 838 chở 109 khách bị mắc cạn. Trong đó, các tàu nhỏ vẫn qua lại bình thường.
Để không xảy ra các sự cố tương tự, UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đã đề nghị Cảng khách Ao Tiên, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực Vân Đồn bố trí, sắp xếp cho các phương tiện thủy cỡ nhỏ chở khách vào thời gian thủy triều thấp, sắp xếp lại giờ chạy đối với các phương tiện thủy cỡ lớn xuất phát từ Cảng Ao Tiên.
Về giải pháp lâu dài, UBND huyện Vân Đồn đang tính đến phương án đề nghị các cơ quan chức năng khảo sát, nạo vét luồng tuyến sâu, rộng để bảo đảm các phương tiện thủy ra, vào cảng an toàn, phục vụ tốt các hoạt động du lịch, dịch vụ và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tình trạng ùn tắc kéo dài tại bến phà Đồng Bài đưa khách ra đảo Cát Bà dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Tại Hải Phòng, tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến phà ra đảo Cát Bà tiếp tục tái diễn dù trước đó Thành phố đã di dời bến phà Gót sang bến phà Đồng Bài. Sở Giao thông - Vận tải Hải Phòng cũng ra Thông báo 553/TB-SGTVT về tổ chức phân luồng phương tiện giao thông qua tuyến phà Đồng Bài - Phù Long.
Theo đó, từ ngày 26/4 đến ngày 2/5 và các dịp cuối tuần kéo dài đến ngày 30/7, các chuyến phà rời bến Đồng Bài sẽ tạm dừng chở xe ô tô con, xe ô tô tải trong khung giờ từ 9h đến 13h (trừ các xe ưu tiên theo quy định).
Trao đổi với Người Đưa Tin, giám đốc một đơn vị du lịch trên đảo Cát Bà (đề nghị giấu tên), bày tỏ: "Tôi nghĩ Tp.Hải Phòng nên có giải pháp lâu dài để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc tại tuyến phà ra đảo Cát Bà. Chứ việc "không quản được thì cấm" sẽ làm du khách mệt mỏi, chán nản mà "quay lưng" với Cát Bà".
Du khách chịu cảnh "tắm chung với rác" tại bãi tắm 295 Đồ Sơn trong chiều 28/4.
Tại khu du lịch Đồ Sơn, trước và trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, do sóng lớn và nước từ 2 cửa sông Văn Úc và Lạch Tray đổ về, hàng trăm tấn rác đại dương, rong biển, bèo tây (lục bình) đã trôi dạt vào các bãi biển khiến chiều 28/4, nhiều khách du lịch chịu cảnh "tắm chung với rác".
Trước tình trạng này, UBND quận Đồ Sơn và Công ty CP Công trình công cộng và Dịch vụ du lịch Hải Phòng đã huy động hàng trăm người cùng nhiều máy xúc "oằn lưng" dọn rác.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, rất cần sự vào cuộc của Tp.Hải Phòng và các cơ quan chức năng liên quan để hạn chế, xử lý số rác đại dương và bèo tây thường xuyên trôi dạt vào bờ biển Đồ Sơn mỗi mùa hè.
Hàng vạn du khách đổ về phố biển Cửa Lò 'giải nhiệt' Để chuẩn bị cho mùa du lịch năm 2024, thị xã Cửa Lò đã tiến hành chỉnh trang, nâng cấp đô thị với hàng loạt dự án có tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng. Ngay từ ngày đầu nghỉ lễ, phố biển Cửa Lò đã có hàng vạn du khách về "giải nhiệt" trước cái nóng đỉnh điểm. Các tuyến đường đổ...