Kỹ năng dùng iPhone siêu đỉnh của cô gái khiếm thị đang trở thành hiện tượng trên Twitter
Kristy Viers – cô gái khiếm thị đang được rất nhiều người ca ngợi nhờ video chia sẻ cách sử dụng iPhone đặc biệt của mình.
Những ngày gần đây, cư dân mạng thế giới đã cảm thấy vô cùng ngạc nhiên cũng như cảm phục cách mà Kristy Viers – cô gái khiếm thị – đã lên tiếng giới thiệu cách mình dùng iPhone thoải mái trong suốt thời gian qua. Video về cách Viers thao tác và làm chủ từng động tác đã tạo nên làn sóng chia sẻ mạnh mẽ, đồng thời cho thấy sự kỳ diệu của công nghệ trong việc hỗ trợ con người kể cả khi mất đi khả năng cơ bản của thị giác.
Kristy Viers nhắn tin bằng bảng chữ nổi trên iPhone
Trước khi đi vào chi tiết về câu chuyện và cách thức Viers làm chủ iPhone một cách tinh tế như trong video trên, hãy cùng tìm hiểu qua về nhân vật chính của chúng ta một chút. Thực chất, cô đã làm quen với việc dùng iPhone và các thao tác cơ bản trong 5 năm vừa qua, nhưng mọi thứ chỉ dần trở nên dễ dàng hơn khi Viers được bạn trai giới thiệu những tính năng chuyên sâu ẩn trong hệ thống của Apple, giúp những người khiếm thị có thể thực hiện động tác nhắn tin vô cùng chính xác và nhanh chóng. Dĩ nhiên, đây đích thị là anh chàng đam mê và hiểu biết sâu rộng về công nghệ cũng như những tính năng sâu xa trên iPhone.
Trước tiên, chức năng quan trọng cần được kích hoạt trên iPhone của Viers là VoiceOver, hỗ trợ người dùng sử dụng iPhone ngay cả khi không cần nhìn/không có khả năng nhìn và nhận biết màn hình chính. Khi VoiceOver được bật, mọi thứ xuất hiện ở điểm tiếp xúc của ngón tay chúng ta trên màn hình sẽ được miêu tả bằng giọng có sẵn của iPhone, từ các chỉ số như thời lượng pin hay tên app.
Nếu muốn mò đúng vị trí của một biểu tượng, người dùng có thể nhấn giữ và di chuyển ngón tay lần lượt đi khắp màn hình, chờ nghe âm thanh miêu tả tương ứng. Thậm chí, VoiceOver có thể tận dụng khả năng nhận biết thông minh, tả được một hình ảnh có những sự vật gì trên đó. Đôi khi chủ nhân sẽ cần một người bạn tới giúp tinh chỉnh các cài đặt chuyên sâu của VoiceOver, nhìn chung vẫn là một yếu tố rất tinh tế mà Apple quan tâm tạo ra cho cộng đồng người dùng gặp vấn đề về khiếm khuyết khả năng cơ thể.
Đối với người khiếm thị, VoiceOver có một chức năng phụ giúp kích hoạt bàn phím chữ nổi, chia màn hình thành 6-8 phần đều nhau. Mỗi chuỗi thao tác của những phần màn hình này sẽ tạo nên một chữ cái, nếu thành thạo sẽ giúp người khiếm thị thực hiện nhập văn bản nhanh hơn rất nhiều so với việc mò mẫm từng phần nhỏ của bàn phím thông thường và chờ VoiceOver miêu tả con chữ.
Các chuỗi thao tác nhất định sẽ tạo ra chữ cái tương ứng.
“Tôi từng rất ngại trong việc tự tìm hiểu và thử nghiệm các chức năng sâu hơn để tự giúp đỡ mình, nhưng nay tôi đã tự tin hơn nhiều trong việc làm chủ iPhone và còn tham gia sử dụng các bản iOS mới sớm hơn thông thường,” Viers chia sẻ, cho biết rằng trước kia cô luôn tìm bạn bè và người thân để thực hiện hộ, khác xa so với bây giờ. Hiện tại, cô rất tự tin và mong muốn được chia sẻ để giúp đỡ thêm những người gặp hạn chế giống mình.
Những video của Viers đã thực sự bùng nổ trên Twitter khi nhận được hàng trăm nghìn lượt Like/Share và vẫn tiếp tục tăng thêm. Nhiều lập trình viên hoạt động chuyên về các tính năng tương tự cũng dành tặng nhiều bình luận khen ngợi cũng như ủng hộ Viers tiếp tục chia sẻ thêm nhiều thông tin hữu ích tương tự.
“Rất nhiều bạn bè tôi luôn thắc mắc rằng liệu họ có thể gửi link cho tôi về một thứ gì đó mà tôi có thể tự mình xem chúng được không. Dĩ nhiên rồi, chiếc smartphone của tôi hỗ trợ gần như mọi thứ và gần như không gặp rào cản nào lớn. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng ngay cả những người thân thiết với mình còn không biết nhiều về cách thức này, thì hẳn hàng triệu người khác trên thế giới cũng đang gặp khó khăn như vậy.”
Công nghệ giúp người mù nhìn thấy
Các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp cung cấp hình ảnh trực tiếp từ camera vào não của người khiếm thị.
Công nghệ này vẫn đang ở trong giai đoạn mới phát triển, nhưng đã mang lại hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn đối với những người mù.
"Nhìn" không cần mắt
Nghiên cứu của các nhà khoa học ở Houston (Mỹ) là bước tiến lớn trong việc tạo ra cấy ghép thị giác, cho phép người mù lấy lại một phần khả năng thị giác bị mất. Mặc dù thiết bị như vậy sau nhiều năm nữa mới được đưa ra thị trường, nhưng nhờ công trình của các nhà khoa học, những người khiếm thị tham gia nghiên cứu có thể "nhìn thấy" đường bao các hình dạng, dựa vào các chuỗi tín hiệu điện do camera gửi đến não.
Cách tiếp cận mới "phớt lờ" đôi mắt và cung cấp các chuỗi tín hiệu điện trực tiếp đến não, cảm giác nhìn thấy các hình dạng phát ra ánh sáng khác nhau. Các công việc nghiên cứu tiếp theo về cấy ghép thị giác có thể trả lại một phần khả năng "nhìn" cho những người khiếm thị hoặc bị hỏng dây thần kinh thị giác.
Sự kích thích điện đối với vỏ não thị giác khiến cho những người được điều trị theo cách này "trông thấy" các chớp sáng gọi là đom đóm mắt (phosphene). Đây là những hiện tượng có nguồn gốc không phải là ánh sáng mà là hệ thần kinh. Trong thí nghiệm, các nhà khoa học đã sử dụng điện như một cây bút để xác định các hình dạng trực tiếp lên vỏ não thị giác.
Cung cấp hình ảnh trực tiếp cho não
Tham gia vào thí nghiệm có 6 người tình nguyện, được gắn hệ thống điện cực vào não. Trong số đó có 2 người bị mù, còn 4 người kia có thị lực bình thường.
Cấy một vật gì đó lên não là công việc đặc biệt nguy hiểm, vì thế 4 người tham gia thí nghiệm có thị lực bình thường nói trên được cấy điện cực trong khuôn khổ chương trình điều trị các dạng động kinh khác nhau. Hai người mù đồng ý được cấy implant vào não trong khuôn khổ các nghiên cứu về thiết bị cấy ghép thị giác.
Các nhà khoa học đã lần lượt kích thích các điện cực trong một trình tự giống như viết chữ. Quá trình này có thể so sánh với việc viết chữ cái "N" bằng ngón tay lên lưng của người thứ hai: di chuyển ngón tay lên trên, sau đó xuống dưới rồi lại di chuyển lên trên. Phương pháp này giúp người tiếp nhận tín hiệu cảm nhận được các hình dạng.
Điện cực cấy ghép hoạt động cả ở những người mắt sáng cũng như những người khiếm thị (bị mất thị lực ở tuổi trưởng thành). Mặc dù công nghệ này vẫn đang ở trong giai đoạn rất non trẻ, việc cấy ghép thiết bị vào não có thể mở ra khả năng sử dụng thiết bị để kích thích não và trả lại, dù chỉ một phần, thị lực đã mất.
"Khi chúng tôi sử dụng kích thích điện để "viết chữ" trực tiếp lên não bệnh nhân, họ có thể "nhìn thấy" hình dạng chữ cái" - nhà khoa học Daniel Yoshor, đồng tác giả công trình nghiên cứu, cho biết như vậy.
Cấy ghép thị giác
Những thử nghiệm kích thích vỏ não thị giác trước đó tỏ ra ít hiệu quả. Các phương pháp trước đây coi mỗi điện cực cắm vào não như là một điểm ảnh (pixel) trên màn hình. Kích thích nhiều điện cực, các nhà khoa học gây cảm giác "nhìn thấy" các đốm sáng ở những người tham gia nghiên cứu, tuy nhiên những người này rất khó nhận ra hình dạng. "Thay cho việc xây dựng các hình dạng từ nhiều điểm sáng, chúng ta theo dõi đường bao quanh" - ông Michael Beauchamp, tác giả chính của công trình nghiên cứu, giải thích.
Cho đến nay, người ta mới thử các hình dạng đơn giản, chẳng hạn như các chữ cái C hay W. Trong quá trình thí nghiệm, một trong những người mù đã có thể nhận biết được 86 hình dạng trong 1 phút. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, đường viền bao quanh các đối tượng điển hình, như nhà cửa, ô tô hay thậm chí khuôn mặt người thân, có thể được mô tả trực tiếp lên não.
Cách tiếp cận này, theo các nhà khoa học, cho thấy những người mù có thể lấy lại khả năng phát hiện và nhận biết các dạng khả kiến bằng công nghệ đưa thông tin thị giác trực tiếp vào não bộ. Thế nhưng, các nhà khoa học cho rằng trước khi công nghệ này được áp dụng trong thực hành lâm sàng, chúng ta cần phải vượt qua một vài trở ngại.
"Vỏ não thị giác, nơi được cấy các điện cực, chứa nửa tỷ nơ ron. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi chỉ kích thích một phần nhỏ các nơ ron đó. Bước đi quan trọng tiếp theo sẽ là hợp tác với các kỹ sư thần kinh học nhằm mục đích phát triển các hệ thống chứa hàng ngàn điện cực.
Điều đó sẽ giúp chúng tôi kích thích não chính xác hơn. Cùng với phương tiện mới, các thuật toán kích thích hoàn thiện hơn sẽ giúp thực hiện ước mơ cung cấp các dữ liệu hình ảnh hữu ích trực tiếp đến não của người khiếm thị. Đối với nhiều người khiếm thị, khả năng "nhìn thấy" hình dáng các thành viên trong gia đình hay khả năng tự định hướng là một tiến bộ tuyệt vời" - ông Michael Beauchamp nói.
Chứng mù ở phần lớn những người khiếm thị lớn tuổi có nguyên nhân từ việc mắt hoặc thần kinh thị giác bị thương tổn. Trong nhiều thập niên, các nhà nghiên cứu đề xuất phát triển công cụ có thể hoàn trả khả năng "nhìn", không thông qua cặp mắt bị hỏng mà cung cấp các thông tin trực quan từ camera đến não. Trên tạp chí "Cell", các nhà khoa học ở Trường ĐH Y khoa Houston (Mỹ) đã miêu tả những điện cực cấy ghép(implant) kích thích vỏ não thị giác để "nhìn thấy" các hình dạng mà không cần mắt.
iPhone sắp có tính năng mới giúp người khiếm thị chụp ảnh iPhone tiếp theo của Apple có thể 'nói chuyện' với người dùng để giúp những người khiếm thị chụp được bức ảnh hoàn hảo. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images) Apple mới đây đã nhận được bằng sáng chế mới cho công nghệ đánh giá hiện trường và xác định xem camera iPhone có cần được điều chỉnh hoặc quay theo một hướng...