Kỷ lục: Xuất khẩu lâm sản đạt 5,3 tỷ USD, xuất siêu 4 tỷ USD
Xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ tiếp tục đạt con số kỷ lục với mức 5,3 tỷ USD, trong đó xuất siêu 4 tỷ USD.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp quý I/2019 tăng 4,32%; ước quý II/2019 tăng 4,53%, cao hơn 0,08% so với cùng kỳ năm 2018. Trong bối cảnh các nhóm ngành hàng nông nghiệp vừa giảm về số lượng và giá trị kể cả trong nước và xuất khẩu thì lâm nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, là trụ đỡ cho nông sản Việt.
Bảo vệ rừng đã phát hiện 5.691 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 1.117 vụ (giảm 16%) so với 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó: đã xảy ra 863 vụ phá rừng, giảm 109 vụ (giảm 11%), diện tích rừng bị phá 287 ha, giảm 34 ha (giảm 11%) so với cùng kỳ năm 2018. Đã xử lý hành chính 4.938 vụ; xử lý hình sự 126 vụ.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ 6 tháng đầu năm 2019 đạt 5,3 tỷ USD. Ảnh: I.T
Do diễn biến bất thường của thời tiết, 6 tháng đầu năm 2019 cháy rừng diễn ra rất phức tạp, nhất là đối với các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Đã xảy ra 156 vụ cháy rừng, số vụ cháy rừng tăng 61 vụ (tăng 64%) so với cùng kỳ năm 2018, diện tích rừng bị cháy 930 ha, tăng 705 ha (hơn 4 lần cùng kỳ năm 2018).
Thời kỳ cao điểm xảy ra cháy rừng từ ngày 26/6 đến ngày 01/7/2019 trên địa bàn các tỉnh miền Trung, trong đó có 45 vụ cháy gây thiệt hại tới rừng, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Diện tích rừng bị thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 293 ha (có 14 vụ chưa xác định diện tích rừng bị thiệt hại).
Tuy vậy, việc chỉ đạo về PCCCR của Chính phủ, Bộ/ngành là kịp thời, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, do vậy đã giảm thiểu được tối đa thiệt hại do cháy.
Video đang HOT
Phát triển rừng: Ước trồng rừng trong 6 tháng đầu năm 2019 được khoảng 108.456 ha, đạt 51% kế hoạch năm, bằng 102% so với cùng kỳ năm. Trong đó: Rừng phòng hộ, đặc dụng 1.959 ha, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2018; Rừng sản xuất 106.497 ha, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2018. Đã có 85% diện tích rừng trồng tập trung có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con.
Dịch vụ môi trường rừng: Cả nước đã thu được 1.208,7 tỷ đồng, đạt 38,7% kế hoạch thu năm 2019, bằng 111% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Quỹ Trung ương thu được 821,8 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch năm 2019, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2018; Quỹ tỉnh thu 386,8 tỷ đồng đạt 42% kế hoạch năm 2019, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2018. Đây tiếp tục là nguồn tài chính tái đầu tư bền vững cho sản xuất lâm nghiệp gắn với an sinh xã hội sâu sắc.
Giá trị xuất khẩu lâm sản tăng đều trong 6 tháng qua, ổn định mức xấp xỉ 20% so với cùng kỳ 2018. Giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 5,23 tỷ USD, đạt 50% kế hoạch năm; xuất siêu ước khoảng gần 4 tỷ USD.
Điểm đến của 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống (Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc) có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ, tiếp tục khẳng định uy tín của đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế; duy trì vị trí đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 Châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản.
Bên cạnh việc xuất khẩu đến trên 120 quốc gia trên thế giới, đồ gỗ Việt Nam đang quay lại thị trường nội địa, gắn kết chặt giữa người làm nghề rừng, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo động lực trực tiếp cho sản xuất lâm nghiệp, hình thành chuỗi liên kết.
Diện tích trồng rừng trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 108.456 ha. Ảnh: I.T
Để đạt được thành quả này, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, những người làm nghề rừng còn nhờ chúng ta tích cực và chủ động gặp gỡ, làm việc và đàm phán mở của thị trường và tháo gỡ các khó khăn trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phấm gỗ Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc; cung cấp thông tin về ngành chế biến gỗ Việt Nam và các quy định của Việt Nam về gỗ hợp pháp.
Chủ động cung cấp thông tin pháp lý, thông tin thị trường gỗ và lâm sản trên toàn cầu để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ của Việt Nam. Chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU, cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, phát triển bền vững ngành gỗ.
Phát triển thị trường nội địa, đồng hành cùng các doanh nghiệp để đưa Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu, uy tín trên thị trường thế giới.
Tiếp tục thúc đẩy triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục và đạt hiệt quả kinh tế cao, ổn định về trữ lượng và đầu ra cho người dân. Giúp cho các chủ rừng và cộng đồng cải thiện đáng kể về phương pháp quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật.
Giúp duy trì tỷ lệ che phủ rừng, đảm bảo vai trò phòng hộ, duy trì và phát triển giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Tạo vùng nguyên liệu chủ động, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu cũng như tiến trình tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như hiện nay.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ mới là 17.000 ha, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 237.386 ha. Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam đã trở thành thành viên hợp tác thứ 50 với PEFC.
Theo Danviet
Mọi thứ về rừng đều phải minh bạch khi thực hiện VPA/FLEGT
Sáng nay (3/4), Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) phối hợp với Tổ chức FAO tổ chức hội thảo khởi động Dự án Kế hoạch về công bố thông tin để thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Dự án "Kế hoạch hành động về công bố thông tin và truyền thông để thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU)" do Chương trình FAO-EU FLEGT tài trợ nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng và thực hiện chương trình truyền thông về Hiệp định và Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS) cho các bên liên quan một cách phù hợp và hiệu quả; hỗ trợ Việt Nam sẵn sàng thực thi cam kết về công bố thông tin cho các bên liên quan, bao gồm cả cơ chế tiếp cận thông tin, như đã cam kết trong Phụ lục VIII của Hiệp định. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 273.000 USD.
Hội thảo khởi động dự án tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 3/4.
Được biết, việc công bố thông tin, đảm bảo minh bạch thông tin là một trong những yêu cầu bắt buộc khi thực thi Hiệp định VPA/FLEGT. Các thông tin Việt Nam phải có trách nhiệm công bố gồm: Quy hoạch quản lý đất nông nghiệp, giao đất nông nghiệp; diễn biến rừng hàng năm; thực tế sản xuất gỗ trong nước; số lượng gỗ khai thác; số vụ vi phạm luật cấp huyện, tỉnh và toàn quốc; số lượng và danh sách doanh nghiệp chế biến gỗ; số liệu thu hút đầu tư và chi trả dịch vụ môi trường rừng,...
Bà Nguyễn Tường Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) - cho hay: Dự án sẽ thực hiện 8 hoạt động chính gồm: Đánh giá nhu cầu thông tin của các bên liên quan về Hiệp định VPA/FLEGT; đánh giá tính sẵn có của các thông tin được công bố tại quy định tại Phục lục VIII của Hiệp định VPA/FLEGT; xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông và công bố thông tin về Hiệp định; xây dựng và phát hành bộ tài liệu chuẩn về Hiệp định và Hệ thống VNTLAS; cung cấp và phổ biến thông tin cho lãnh đạo chính quyền địa phương; cung cấp và phổ biến thông tin cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu trong nước; cung cấp và phổ biến thông tin cho các doanh nghiệp FDI; cung cấp và phổ biến thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông.
Tuy nhiên, việc công bố thông tin cũng đối mặt với nhiều thách thức. Ông Trần Hiếu Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) cho hay: Hiện nhiều thông tin được công bố, nhưng chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập. Nguyên nhân được đưa ra là do chưa có "kho thông tin" đầy đủ, cập nhập, chính xác; thông tin đa ngành/lĩnh vực nằm ở nhiều bộ/ngành, nhiều nguồn, phân tán, chưa thống nhất về phương pháp thống kế; số liệu thống kê còn có sự chênh lệch giữa các cơ quan bộ/ngành, giữa các đơn vị trong nước và quốc tế; chất lượng thông tin thống kê về lâm nghiệp và chế biến gỗ xuất khẩu chưa cao, chưa đầy đủ, còn thiếu nhiều cơ sở dữ liệu.
Hiệp định VPA/FLEGT được kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong xuất khẩu gỗ vào thị trường EU. Ảnh: I.T
Hiệp định VPA/FLEGT có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU. Các nội dung này của Hiệp định sẽ ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong chuỗi cung gỗ của Việt Nam. Mỗi một đối tượng này sẽ chịu mức độ ảnh hưởng khác nhau và họ sẽ có mối quan tâm, nhu cầu thông tin khác nhau về các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT.
Ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - nhấn mạnh: Dự án có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam với EU đang đi vào quá trình chuẩn bị thực thi. Dự án này sẽ góp phần giải quyết một cách căn bản các vấn đề hết sức cần thiết về thông tin, truyền thông và công bố thông tin theo cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT nhằm thực hiện Hiệp định một cách có hiệu quả, bao gồm: Đánh giá nhu cầu thông tin của các bên liên quan về Hiệp định VPA/FLEGT và Hệ thống VNTLAS; đánh giá tính sẵn có của các thông tin được công bố theo quy định tại Phụ lục VIII của Hiệp định VPA/FLEGT; xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông và công bố thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT bao gồm Hệ thống VNTLAS; xây dựng và hoàn thiện bộ tài liệu chuẩn về Hiệp định VPA/FLEGT và Hệ thống VNTLAS.
Theo Danviet
Ngành chế biến gỗ hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD Với kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm 2018, gỗ và sản phẩm gỗ trở thành một trong những mặt hàng nông sản mang lại giá trị xuất khẩu cao nhất. Tiếp nối đà tăng trưởng đó, năm 2019, ngành lâm nghiệp phấn đấu đạt mục tiêu 10,5 tỷ USD. Xuất siêu gần 7 tỷ USD Theo báo cáo của Tổng...