Kỷ lục làm đường thần tốc vào nơi an táng Đại tướng
Đó là công trình kỷ lục, dài 2,1km, đi qua 3 túi bùn khổng lồ, sân bãi đỗ xe, sân chờ cho bà con nhân dân hơn 30.000m2 đều hoàn thành trong 5 ngày.
Khi đoàn linh xa chở linh cữu Đại tướng và khẩu lựu pháo đi lên đường Vũng Chùa, nhiều công nhân mới bớt đi căng thẳng.
Cho đến nay, đoạn đường vào nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở núi Rồng (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) của giai đoạn 1 nhằm phục vụ công việc trọng yếu là đưa linh cữu Đại tướng lên vị trí an táng không những đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang mà còn phục vụ tốt cho nhân dân vào viếng Đại tướng suốt thời gian qua.
Những công nhân thi công, những chỉ huy công trường và lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) mà chúng tôi tiếp xúc đều xác nhận đó là công trình có dấu ấn đặc biệt, làm đường thần tốc trên những túi bùn khổng lồ, nếu làm bằng quy trình bù lún hoặc khoan thăm dò, đường không thể xong trong vòng 5 ngày mà có thể phải tới 5 tháng.
Tổng cục đường bộ và UBND tỉnh đã triệu tập các cuộc họp làm đường vào khu vực Vũng Chùa, nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 7/10. Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc sở cho biết: Chúng tôi được giao việc chủ trì làm đường. Đây là quyết định có tính lịch sử với đơn vị địa phương, cũng là trọng trách, vinh dự. Việc làm bất cứ con đường nào cũng phải có đầy đủ các quy trình chặt chẽ từ tư vấn, thiết kế đến thi công. Các công đoạn thiết kế xong phải ra hội đồng khoa học cầu đường phản biện để con đường được chắc chắn.
Và ở đây là tính cấp bách rất lớn, bắt đầu từ ngày 8/10 thi công, đến 12h đêm ngày 12/10 đã bàn giao. Chỉ trong vòng 5 ngày, mọi thứ từ thiết kế đến phản biện, thi công đã hoàn thành ngay tại hiện trường.
Một chuyên gia cầu đường cho rằng, đó là công trình kỷ lục, dài 2,1km, đi qua 3 túi bùn khổng lồ, sân bãi đỗ xe, sân chờ cho bà con nhân dân hơn 30.000m2 đều hoàn thành trong 5 ngày quả là vô tiền khoáng hậu.
Đường vào Vũng Chùa khi chưa thi công là một lối mòn.
Sở Giao thông vận tải đã cử ra hiện trường các cán bộ giỏi nhất, từ giám đốc đến các phó giám đốc, các chuyên gia thiết kế, trắc địa, kỹ sư cầu đường giỏi để phóng tuyến từng mét đường, bảo đảm không sai lệch tiêu chuẩn.
Ông Phạm Quang Hải cho biết, mặc dù làm đường rất cấp bách, nhưng mọi thứ được vận hành đúng pháp luật về tài nguyên môi trường và nhiều việc khác. Thuế và phí tài nguyên ở các mỏ đá ở Quảng Đông được đóng đầy đủ, có khoảng 10 hộ dân trong diện đền bù đều thực hiện nhanh chóng và đồng bào vùng di dời nhường đất làm đường tự nguyện hết mình. Bởi người dân thấy đó là niềm vinh hạnh rất lớn khi họ biết họ đóng góp phần công nhỏ trong việc lát đường cho linh cữu Đại tướng về nơi thiên thu Vũng Chùa.
Video đang HOT
Sau khi ban lãnh đạo sở họp, tính lui tính tới trên địa bàn có một số doanh nghiệp đủ mạnh để thực hiện việc làm đường cấp bách này. Nhưng nhìn lại, chỉ một đơn vị có bề dày hoạt động xã hội, các việc cấp bách của địa phương từng tham gia tốt là Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh. Khi Sở Giao thông vận tải chọn Trường Thịnh cũng là trùng khớp với ý kiến người con trai trưởng của Đại tướng, ông Võ Điện Biên.
Trường Thịnh đã huy động hơn 100 máy móc hạng nặng vào việc làm cung đường này. Máy móc từ đường 16 trên tây Trường Sơn, rồi từ Quảng Trị di chuyển cả đêm hơn một trăm cây số để bắt đầu tốc lực từ ngày 8/10.
Làm đường trong điều kiện mưa tuôn xối xả, nước chảy mạnh như suối như sông. Bao nhiêu đất đá đổ xuống đều bị nước nhão nhoét như lầy. Máy móc truông vào đường đến bãi Rồng để mở rộng đường núi giáp biển từ 1m rộng lên 9m đã bị mắc vào 3 túi bùn khổng lồ. Mọi thứ chết lặng trong mưa.
Giữa lúc đó, phía Sở Giao thông vận tải đưa ra ý kiến khắc phục các túi bùn không bằng cách đổ đất đá mà dùng cấp phối suối ở mỏ đá Khe Lau. Hơn 800m3 cấp phối suối được đổ tại ba túi bùn dọc lối vào để tránh bị lở đất, tránh bị sụt trượt, nhằm bảo đảm mở đường vào khu vực thung lũng Rồng để thi công các phần việc tiếp theo, cả lối dẫn lên khu huyệt mộ.
Trời cứ mưa từ ngày này sang ngày khác, may mắn sáng kiến dùng đá cấp phối suối (sạn) được sử dụng triệt để đã tạo được mặt bằng đường an toàn. Công nhân và xe máy thi công của Tập đoàn Trường Thịnh làm ngày làm đêm. Lúc đầu cứ 5 phút có một chuyến xe tải hạng nặng chở vật liệu làm đường đổ tập kết, nhưng tính toán thời gian Sở Giao thông vận tải nâng tốc độ lên 3,5 phút mỗi chuyến mới có thể hoàn thành đúng 12h đêm ngày 12/10.
Công nhân lái máy Hoàng Đức Dũng kể lại: “Bọn em làm ngày làm đêm, liên tiếp 3 ngày 3 đêm không ngủ. Lãnh đạo thấy công nhân mệt cho nghỉ, nhưng người khác vô đổi ca không ăn nhịp với tiến độ đang làm, rứa là tụi em quyết không ngủ, làm tiếp, mặt mày phờ phạc, nhưng quả thật là phấn chấn hết sức, bởi chúng em biết đây là tình cảm, là trách nhiệm, là vinh dự nên bao nhiêu mỏi mệt tan biến, dầm mưa suốt ngày mà không ai bị cảm cúm chi”.
Công nhân, máy móc làm việc trong mưa.
Ngày 12/10, thời hạn cuối cùng để bàn giao đường, mặt bằng ở khu an táng cho các đơn vị công an, quân đội đảm nhận nhiệm vụ. Đó cũng là ngày đoàn linh xa chạy diễn tập từ sân bay Đồng Hới ra Vũng Chùa. Đoàn xe quân sự lăn bánh đến đoạn đường vừa thi công, bánh xe nhỏ hơn các xe trọng tải lớn đang thi công làm nền mặt đường dập dềnh hơn do trọng lượng nặng đè xuống bánh xe, tác động lún vào mặt đường, xe đến các túi bùn hoặc vào đường dẫn lên huyệt mộ cứ dập dềnh chẳng khác gì đi trên đầm lầy. Dấu hiệu lún thấy rõ rệt do nước mưa thấm ra từ khe núi, khe suối xung quanh.
Lại hội ý, lại tiếp tục bù lún, đá sỏi được rải dày thêm, các phương án xử lý kỹ thuật được bố trí kịp thời từ suốt ngày đến 12h đêm, hàng loạt xe hạng nặng đang thi công được huy động chạy thử, khi mặt đất hết dập dềnh cũng là lúc bắt đầu sang giờ mới của ngày 13/10. Thời khắc đó, các công nhân của Trường Thịnh, anh em thiết kế ở Sở Giao thông vận tải mới được nghỉ ngơi, nhưng vẫn nhận lệnh cắm chốt tại công trường đề phòng có sự cố sẽ xử lý nhanh.
Khi đoàn linh xa chở linh cữu Đại tướng lăn bánh vào Vũng Chùa, dòng người lèn chặt hai bên đường, tiến sâu vào đường dẫn, nền đường chắc nịch. Khi mọi việc xong xuôi, anh em công nhân làm đường mới đỡ căng thẳng. Bởi nói như anh Dũng: “Bọn em lo là làm hết sức mình, nhưng trong quá trình làm lỡ có nơi nào đó còn lún nữa thì căng. Đến khi mộ cụ đắp đất xong xuôi, cũng là lúc bọn em thở phào nhẹ nhõm. Một việc lớn với bọn em không có lần thứ hai trong đời đã xong”.
Anh em công nhân làm đường nói rằng, họ tự hào thay mặt hàng triệu người để làm con đường lịch sử này.
Theo Xahoi
Giải mã núi Rồng và những cái tên không thống nhất
Có lẽ cái tên "Núi Rồng" hay "Vũng Chùa" vẫn là những cái tên khiến nhiều người thắc mắc về nơi chôn cất Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Dãy núi Rồng, nơi Đại tướng yên nghỉ
Chúng tôi đã được bà con ở thôn Thọ Sơn - xã Quảng Đông - huyện Quảng Trạch lý giải khá rõ về ngọn núi đặc biệt này.
Ngọn núi Đại tướng sẽ yên giấc ngàn thu có tên chính thức là núi U Voi bởi nhìn trong cả dải núi chạy dài, ngọn núi này có dáng dấp của phần u của một con voi.
Trưởng thôn Thọ Sơn - ông Trần Ngọc Tri cho biết, núi UVoi nằm trong dải núi Rồng. Sở dĩ, có cái tên núi Rồng là bởi phần đầu của dải núi vô tình có 2 chiếc hang được ví tựa mắt của con rồng. Đây là 2 chiếc hang khá lớn, có vòm hang rộng từ 7 -10m, sâu chừng 30m. Hang không có những nhũ đá mà khá phẳng phiu, người dân vùng biển này vẫn thường vào đây để tham quan.
Theo ông Tri, dải núi Rồng gồm nhiều ngọn núi thấp uốn lượn quanh eo biển. Phía trước dãy núi này là đảo Yến và bãi biển Vũng Chùa, xa xa là cảng Hòn La tạo thành một quần thể khá hữu tình. Nếu nhìn cả dãy núi này thì vị trí an táng của Đại tướng nằm ở "cổ rồng".
Còn cái tên Vũng Chùa được ông Tri và nhiều người dân giải thích rằng, xa xưa, ở ngoài đảo Yến có một ngôi chùa cổ nằm gần ven mặt nước. Ngày còn nhỏ, ông Tri đã thấy ngôi chùa này nhưng thời gian đã khiến nó không còn nguyên vẹn. Vùng biển trước mặt dãy núi Rồng là một "bãi ngang" và đảo Yến là nơi mà tàu thuyền hay ghé vào trú ẩn mỗi khi có bão về. Nhiều người dân ở Thọ Sơn cho rằng ngôi chùa là nơi để những người dân đi biển ghé qua cầu cúng cho những chuyến ra khơiđược thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy lưới.
Còn đảo Yến cũng có nhiều tên gọi khác nhau. Xưa kia, nó từng được gọi là đảo Nồm vì nó nằm từ hướng gió nồm thổi tới. Và nó cũng từng được gọi là "đảo chùa" vì có ngôi chùa cổ như đã nói ở trên. Còn đảo Yến cũng là một tên gọi từ lâu bởi trên đảo này có rất nhiều chim yến làm tổ và trú ngụ. Ngày nay, cái tên "đảo Yến" được dùng nhiều hơn cả bởi nơi này giờ được một đơn vị nuôi chim yến khai thác khá hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Tri cho rằng xã Quảng Đông là một vùng đất linh thiêng bởi hiếm có nơi nào mà trong một xã có đến mấy chục ngôi miếu, đền và am thờ. Cứ đi vài trăm mét lại có một nơi để thờ.
Thời xưa, trên dãy núi Rồng cũng có 2 ngôi miếu được đặt ở phần "đầu rồng" và "đuôi rồng". Tiếc rằng, những năm kháng chiến chống Mỹ, máy bay địch rải thảm bom qua nơi này đã khiến 2 ngôi miếu bị sập hoàn toàn.
Cũng theo ông Tri, bản thân ông và tất cả những người dân ở xã Quảng Đông đều bất ngờ trước tin Đại tướng sẽ về yên nghỉ tại Vũng Chùa. Đến ngày 7/10, ông Tri và dân làng mới được biết tin quê hương mình được đón Đại tướng về với đất mẹ. Theo nhiều người dân ở Quảng Đông thì khu vực Đại tướng được chọn để an táng đã được xây dựng một số hạng mục cách đây gần chục năm. Cụ thể tại đây có một căn nhà sàn, một ngôi nhà 2 tầng diện tích lớn và một miếu thờ đã được xây dựng hoàn tất.
Chỉ có đường vào trước kia là một con đường đất đỏ nhỏ, chỉ vừa cho những chiếc xe chở ít người đi vào. Cho đến ngày 8/10 thì con đường này mới chính thức được thi công, mở rộng...và bỗng nhiên thôn Thọ Sơn - xã Quảng Đông trở nên tấp nập đến không ngờ.
Cảng Hòn La kề sát dãy núi Rồng
Rặng bạch đàn bao quanh nơi Đại tướng yên nghỉ
Bờ cát yên bình trải dài bên mé phải dãy núi Rồng
Vẻ đẹp hoang sơ dưới chân núi Rồng
Theo Xahoi
Dân làm sạch quốc lộ đón linh cữu Tướng Giáp Từ người già, phụ nữ, trẻ em, học sinh và cựu chiến binh sinh sống dọc trên quốc lộ 1A đã hăng hái đổ ra đường quét dọn vệ sinh sạch sẽ. Những công nhân làm sạch đường quốc lộ 1A đoạn qua địa phận huyện Quảng Trạch để đón thi hài Đại tướng trở về. Theo ghi nhận, trải dài trên tuyến...